Kinh tế

UBND tỉnh thông qua một số chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp

Quang An 14/10/2024 12:34

Sáng 14/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ, UBND tỉnh đã họp và cho ý kiến vào một số dự thảo quyết định về các chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các chi cục, địa phương.

Quy định cụ thể về đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá

Dự thảo các tiêu chí về đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trên vùng biển Nghệ An bao gồm 9 điều, được quy định cụ thể.

toàn cảnh
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Quang An

Đối với tiêu chí đóng mới tàu cá gồm có chứng nhận Đăng ký kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Nghệ An cấp đối với tổ chức; có đăng ký thường trú tại tỉnh Nghệ An đối với cá nhân. Đăng ký nghề khai thác phù hợp với quy định. Đối với đóng mới tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên phải có hồ sơ thiết kế kỹ thuật đóng mới tàu cá được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi xin văn bản chấp thuận đóng mới tàu cá. Vật liệu vỏ tàu là vỏ thép, vỏ vật liệu mới hoặc vỏ gỗ. Không chấp thuận đóng mới đối với tàu cá làm nghề lưới kéo, nghề lưới rê thu, ngừ.

Đối với tiêu chí cải hoán tàu, tàu cá đã được đăng ký tại tỉnh Nghệ An. Đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên trước khi xin văn bản chấp thuận cải hoán, tàu cá phải có hồ sơ thiết kế kỹ thuật cải hoán được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Không chấp thuận cải hoán các nghề khác sang nghề lưới kéo, nghề lưới rê thu, ngừ.

biên phòng
Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh cho rằng cần tăng cường chất lượng tín hiệu ở các thiết bị giám sát trên tàu cá. Ảnh: Quang An

Đối với tàu cá làm nghề lưới kéo: Không chấp thuận cải hoán thay đổi kích thước vỏ tàu, thay đổi tổng công suất máy chính, thay đổi vùng hoạt động. Trường hợp cải hoán tàu cá làm nghề lưới kéo sang nghề khác thì phải phù hợp với chỉ tiêu hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản được công bố. Không chấp thuận cải hoán tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên xuống dưới 12m.

Tiêu chí thuê, mua tàu cá phải có chứng nhận Đăng ký kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Nghệ An cấp đối với tổ chức; có đăng ký thường trú tại tỉnh Nghệ An đối với cá nhân. Đăng ký nghề khai thác phù hợp với quy định tại các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Vật liệu vỏ tàu là vỏ thép, vỏ vật liệu mới hoặc vỏ gỗ…

uploaded-xuanhoangbna-2023_11_28-_bna-tau1-3864.jpg
Ngư dân Nghệ An vươn khơi bám biển. Ảnh: Xuân Hoàng

Tại cuộc họp, các đại biểu đã đồng thuận, thống nhất các nội dung trong dự thảo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ chỉ đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện dự thảo, sớm trình UBND tỉnh để ký ban hành trong thời gian để các ban ngành, địa phương, ngư dân thực hiện.

Sớm hỗ trợ kinh phí thiệt hại do dịch bệnh

Những năm qua, trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Đối với dịch tả lợn châu Phi, lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An vào tháng 3 năm 2019, đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm gây bệnh cho lợn. Trong 2 năm (2019, 2020) đã xảy ra 569 ổ dịch, số lợn tiêu hủy 102.061 con, chiếm 10,5% tổng đàn lợn cả tỉnh, tổng trọng lượng 5.173 tấn. Trong giai đoạn này, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Tài chính cấp kinh phí và thực hiện hỗ trợ chi trả 100% kinh phí cho người chăn nuôi có lợn bị bệnh DTLCP phải tiêu hủy với tổng số tiền trên 151 tỷ đồng (năm 2019: 137 tỷ đồng, năm 2020: 14 tỷ đồng).

anh Vinh
Đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Quang An

Từ năm 2021 đến ngày 24/9/2024, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 21 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An buộc tiêu hủy 63.193 con lợn, tổng trọng lượng: 3.552 tấn. Hiện nay còn 17 ổ dịch (xã có dịch) nhỏ lẻ trong nông hộ chưa qua 21 ngày tại 7 huyện.

Đối với bệnh viêm da nổi cục, từ năm 2021 đến ngày 24/9/2024 đã xảy ra tại các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Số gia súc ốm, mắc bệnh: 9.852 con, trong đó buộc tiêu hủy 2.458 con, tổng trọng lượng: 331 tấn. Hiện đang còn 1 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại huyện Yên Thành.

uploaded-xuanhoangbna-2019_05_28-_bna_tieu_huy_lon_xuan_hoang8825351_2852019.jpg
Tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Quang An

Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Chăn nuôi và Thú y là đầu mối tổng hợp hồ sơ) đã tổng hợp hồ sơ hỗ trợ thiệt hại hai bệnh trên từ năm 2021-2023 của các huyện, thành phố, thị xã và có văn bản gửi Sở Tài chính xem xét, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh với tổng số tiền là 132 tỷ đồng bao gồm Kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi có gia súc bị bệnh, tiêu hủy và Kinh phí tiêu hủy, chỉ đạo, kiểm tra cấp huyện.

Tại cuộc họp, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT nhấn mạnh dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục là những bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của người chăn nuôi, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc hỗ trợ kinh phí thiệt hại do các dịch bệnh này cần thực hiện sớm để đảm bảo quyền lợi cho người dân, giúp bà con yên tâm tái đàn.

diễn châu
Lãnh đạo huyện Diễn Châu kiến nghị sớm có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi. Ảnh: Quang An

Đại diện Sở Tài chính cho biết, các vấn đề liên quan đến kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh thì các địa phương cần phải có hồ sơ cụ thể, rõ ràng, sau đó mới trình các cấp có thẩm quyền để phê duyệt. Ngoài ra, các địa phương cũng kiến nghị bên cạnh việc hỗ trợ đối với người chăn nuôi cũng đề nghị hỗ trợ kinh phí về hóa chất, trang thiết bị bảo hộ cho lực lượng làm nhiệm vụ tiêu hủy gia súc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đã giao nhiệm vụ cho các huyện tổng hợp, phê duyệt danh sách các hộ bị thiệt hại cụ thể tại các xã, số lượng gia súc tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục. Trên cơ sở đó, báo cáo gửi UBND tỉnh để làm thủ tục, hồ sơ trình Bộ Tài chính. Và khi được Bộ Tài chính chấp thuận sẽ tập trung nguồn kinh phí để xử lý, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do dịch dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục.

anh đệ
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận cuộc họp. Ảnh: Quang An

Đối với chính sách hỗ trợ kinh phí sản xuất vụ Đông, đại diện ngành nông nghiệp cho biết, sẽ tiến hành rà soát một cách tổng thể, tham mưu ban hành chính sách cho giai đoạn 2026 - 2030. Về kinh phí hỗ trợ sản xuất vụ Đông 2024, theo đề xuất của Sở Tài chính sẽ tham mưu để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ một lần.

Cuộc họp cũng đã thống nhất thông qua dự thảo Quyết định về Quy định phân cấp thẩm định các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Nghệ An./.

Quang An