Xã hội

'Lời kêu cứu' từ chứng tích lịch sử nhà lao Vinh

Thanh Quỳnh 14/10/2024 12:51

Nhà lao Vinh được xem là chứng tích cho một thời kỳ đấu tranh gian khổ của dân tộc và là biểu tượng cho tinh thần cách mạng kiên cường của người dân Nghệ Tĩnh theo suốt chiều dài lịch sử. Vậy mà, bốt gác Nhà lao Vinh – di tích còn lại duy nhất của công trình này dường như bị lãng quên và không được quan tâm đúng mức.

Dấu xưa còn một chút này…

Nằm trên con đường Đào Tấn (TP. Vinh), cạnh khuôn viên của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, bốt gác Nhà lao Vinh lặng lẽ giữa dòng xe cộ hối hả ngược xuôi của phố thị. Nhìn vào công trình được bao quanh bởi vô vàn biển quảng cáo và đầy vết tích xuống cấp này khó để nhận ra đây là một chứng tích lịch sử quan trọng của dân tộc.

Đối ngược với những vết tích đổ nát nhuốm màu thời gian ở phía trên của bốt gác, thì phía dưới, nó lại được sơn một lớp sơn trắng toát và hiện đại. Ngay sát sau lưng bốt gác, một quán cà phê, nước ngọt với diện tích lớn được mở ra dường như chiếm trọn không gian và che khuất phần nào sự hiện diện của công trình lịch sử quan trọng này.

Cận cảnh bố gác Nhà lao Vinh - vết tích còn lại duy nhất của công trình Nhà lao Vinh bị che khuất bởi các biển quảng cáo và nhà hàng kinh doanh cà phê, nước ngọt trên đường Đào Tấn, thành phố Vinh (ảnh chụp ngày 11.10.2024). Ảnh: Thanh Quỳnh
Cận cảnh bố gác Nhà lao Vinh - vết tích còn lại duy nhất của Nhà lao Vinh bị che khuất bởi các biển quảng cáo và nhà hàng kinh doanh cà phê, nước ngọt trên đường Đào Tấn, thành phố Vinh (ảnh chụp ngày 11/10/2024). Ảnh: Thanh Quỳnh

Giữa bốt gác có 1 tấm biển nhỏ ghi dòng chữ: “Bốt gác Nhà lao Vinh thuộc cụm Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia thành cổ Vinh. UBND phường Cửa Nam nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm, xâm hại di tích, viết vẽ, treo bảng quảng cáo trên di tích" đã khiến cho nhiều người không khỏi chạnh lòng khi đọc được.

tấm biển nhỏ ghi dòng chữ “Bốt gác Nhà lao Vinh thuộc cụm Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia thành cổ Vinh. UBND phường Cửa Nam nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm, xâm hại di tích, viết vẽ, treo bảng quảng cáo trên di
Tấm biển nghiêm cấm các hành vi xâm hại chứng tích bốt gác Nhà lao Vinh được UBND phường Cửa Nam in đỏ, đính ngay trên vách tường của chứng tích nhưng dường như không cải thiện được tình hình. Ảnh: Thanh Quỳnh

Lần lại lịch sử để hiểu hơn về công trình Nhà lao Vinh, trong cuốn “Nhà lao Vinh” của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An xuất bản năm 2005 đã khẳng định: Nhà lao Vinh hình thành từ năm 1804, là nơi chính quyền phong kiến, thực dân đã từng giam giữ nhiều thế hệ chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Nơi đây đã diễn ra những cuộc đấu tranh quyết liệt chống chế độ hà khắc trong tù. Họ đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, tổ chức chi bộ Đảng trong tù như các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh, Lê Cảnh Tốn, Lê Cảnh Nhượng…

hình ảnh mô phỏng tại bảo tàng
Sa bàn mô phỏng kiến trúc và các hạng mục của Nhà lao Vinh được trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Trong mô phỏng có thể thấy được cấu trúc của các bốt gác nhà lao thời kỳ chưa bị xóa bỏ. Ảnh: Thanh Quỳnh

Trong thời Pháp thuộc, Nhà lao Vinh là một trong những nhà lao trọng yếu trong hệ thống nhà tù của thực dân như Hỏa Lò (Hà Nội), Khám Lớn (Sài Gòn) và Thừa Phủ (Huế). Trong Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp một mực lấy việc đàn áp, khủng bố làm thượng sách. Chúng chủ trương bắt nhầm còn hơn bỏ sót. Vì vậy, Nhà lao Vinh nhốt chật những người tham gia cách mạng, giai đoạn từ năm 1930 – 1932, Nhà lao Vinh có số tù chính trị bị giam giữ đông nhất.

Chứng tích Bốt gác Nhà lao Vinh trên đường Đào Tấn, thành phố Vinh. Clip: Thanh Quỳnh

Để quán xuyến việc canh giữ nhà lao, người ta xây 4 bốt gác. Mỗi bốt cao 6m, với hình 8 cạnh, mỗi cạnh dài 2m, xây gạch dài 0,35m và được ngăn làm 2 tầng, mỗi tầng đều có lỗ châu mai, lính luôn phải thay nhau đứng gác, cầm canh. Lính gác Nhà lao Vinh có 2 loại, lính Khố xanh và lính Khố lục. Trong đó, lính Khố xanh làm nhiệm vụ dẹp trị an nội bộ, chỉ gác bên ngoài và gác ở 4 bốt gác, khi có báo động mới vào dẹp, chẳng hạn như tù phá lao, biểu tình, đấu tranh. Lính Khố lục làm nhiệm vụ cho tù ra vào cơm nước, tắm giặt.

Từ khi hình thành đến khi bị xóa bỏ vào năm 1945 ( sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công), Nhà lao Vinh đã giam giữ, tra tấn hàng nghìn người yêu nước và các chiến sĩ cách mạng. Nhiều chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh như Lê Viết Thuật - Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (1931); Siêu Hải (nguyên Bí thư Khu ủy Vinh).

Nhiều đồng chí khác bị kết án tử hình đem về làng bắn như Lê Cảnh Nhượng, Nguyễn Phong Sắc, Võ Văn Thanh… Và tới tận bây giờ, nhiều người vẫn còn nhớ tới bức huyết thư của đồng chí Nguyễn Viết Lục viết trước khi chết tại Nhà lao Vinh để thể hiện khí phách kiên cường của người cộng sản trước lúc hy sinh.

Những tấm gương quả cảm của các thế hệ tù chính trị tại Nhà lao Vinh đó càng làm cho chúng ta thêm tự hào và biết ơn sâu sắc các chiến sĩ yêu nước. Và minh chứng cho một thời kỳ đấu tranh gian khổ ấy, bốt gác Nhà lao Vinh như một dấu gạch nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai. Hơn lúc nào hết, đã đến lúc cần có sự quan tâm đúng mức đối với chứng tích này.

Cần quyết liệt “cứu” chứng tích

Trong cuốn tài liệu: "Di tích Nhà lao Vinh – Nơi giam cầm các chiến sĩ yêu nước và cách mạng thời kỳ 1925 – 1945" của Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ An (Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An ngày nay) và Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh thực hiện năm 2002 khẳng định: "Hiện nay, Nhà lao Vinh chỉ còn lại một bốt gác nhưng không còn nguyên vẹn".

Xuất phát từ ý nghĩa của Nhà lao Vinh, tại nhiều hội thảo khoa học, đặc biệt là cuộc họp của các cụ lão thành cách mạng vào năm 1995 đã ghi chép nhiều ý kiến của các đại biểu rằng: Việc tôn tạo Nhà lao Vinh là điều không thể thực hiện được bởi trong khu vực Nhà lao Vinh trước đây giờ đã xây dựng nhiều công trình văn hóa.

Vì vậy, cần bảo vệ bốt gác Nhà lao Vinh và xây dựng đài tưởng niệm, khắc bia ghi nhớ sự kiện và những người đã từng bị giam cầm. Đồng thời, xây dựng phòng trưng bày hình ảnh và hiện vật, nhằm phục vụ cho việc giáo dục, tuyên truyền truyền thống cách mạng đối với đông đảo quần chúng nhân dân.

Những nội dung như xây dựng phòng trưng bày hình ảnh, hiện vật và xây dựng đài tưởng niệm đã được triển khai, khánh thành nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2005). Tuy nhiên, theo nội dung ghi lại trong tài liệu “Di tích Nhà lao Vinh – Nơi giam cầm các chiến sĩ yêu nước và cách mạng thời kỳ 1925 – 1945” nói trên, thì di tích bốt gác Nhà lao Vinh chưa được công nhận xếp hạng, nên chưa có chế độ bảo vệ của Nhà nước với người trông coi di tích.

Đại diện hai đơn vị dâng hương tại “Nhà tưởng niệm các liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh”. Ảnh Thanh Quỳnh
Du khách dâng hương tại “Nhà tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh”. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Tư liệu lưu trữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh ghi rõ: "Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã thấy rõ ý nghĩa to lớn của Di tích Nhà lao Vinh, vì vậy, đã có nhiều phương án phát huy tác dụng di tích. Một trong những phương án là xếp hạng di tích để làm hồ sơ cho Dự án Nhà lao Vinh".

Dù mong muốn này chưa trở thành hiện thực, nhưng bốt gác Nhà lao Vinh đã được công nhận là một trong những hạng mục thuộc Di tích Lịch sử cấp Quốc gia Thành cổ Vinh.

thành cổ vinh
Bốt gác Nhà lao Vinh là 1 trong 9 hạng mục thuộc Di tích Lịch sử cấp Quốc gia Thành cổ Vinh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Làm việc tại Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An, được biết, năm 1998, Thành cổ Vinh được bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 95 – QĐ/BVHTT, ngày 24/01/1998.

Trong đó, bốt gác nhà lao Vinh là 1 trong 9 hạng mục thuộc Thành cổ gồm: Cổng tiền, cổng tả, cổng hữu; Bia dẫn tích, đài tưởng niệm Bác Hồ; Bốt gác; Bờ Thành phía Đông Bắc; Hố bom; Bờ thành phía Bắc; Bờ thành phía Nam; Hào thành được công nhận thuộc cụm Di tích Thành cổ Vinh. Điều đó đã khẳng định vai trò, vị trí của di tích này trong hệ thống các di tích lịch sử quan trọng của tỉnh Nghệ An nói riêng, toàn quốc nói chung.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trong nhịp sống hiện đại, Ban Quản lý di tích tỉnh cũng đã nhiều lần góp ý, đề nghị UBND phường Cửa Nam và phòng Văn hóa thành phố Vinh quản lý chặt chẽ hơn hệ thống cửa hàng kinh doanh, biển quảng cáo và các hoạt động xung quanh khu vực di tích. Điều này nhằm đảm bảo không làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như kiến trúc cổ kính, lịch sử của bốt gác Nhà lao Vinh.

Toàn cảnh bốt gác Nhà lao Vinh trên con đường Đào Tấn
Bốt gác Nhà lao Vinh nằm lặng lẽ trên con đường Đào Tấn, thành phố Vinh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Việc tạo ra một không gian hài hòa xung quanh di tích sẽ góp phần bảo vệ giá trị văn hóa, đồng thời, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách, giúp nơi đây không chỉ là điểm đến về lịch sử mà còn là địa điểm mang ý nghĩa tinh thần đối với thế hệ sau.

Để tăng giá trị kết nối của chứng tích giữa quá khứ và hiện tại, đại diện Ban Quản lý di tích tỉnh cũng mong muốn, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh sau khi giới thiệu với các du khách về Nhà lao Vinh thông qua các phòng trưng bày thuộc bảo tàng, nên chăng cần hướng dẫn du khách tới bốt gác Nhà lao Vinh. Điều này không khó bởi chứng tích bốt gác nằm ngay sát khuôn viên bảo tàng.

Hy vọng trong tương lai gần, những biện pháp bảo vệ chứng tích này sẽ được thực thi một cách quyết liệt hơn, mang lại diện mạo mới cho bốt gác Nhà lao Vinh. Từ đó, giúp di tích không bị chìm vào quên lãng. Điều này cũng là lời cam kết rằng, lịch sử không chỉ được ghi nhận bằng những danh hiệu mà còn phải được bảo tồn và duy trì thông qua sự chăm sóc và quan tâm thực sự"

Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An

Thanh Quỳnh