Xã hội

Vẻ đẹp cổ kính của từ đường hàng trăm năm tuổi ở Thanh Chương

Huy Thư 14/10/2024 15:19

Tồn tại lâu đời, nhà thờ chi họ Nguyễn Sỹ ở xã Thanh Lương (huyện Thanh Chương) không chỉ là di tích gắn liền với tên tuổi của Liệt sĩ Nguyễn Sỹ Sách, mà còn là một công trình mang vẻ đẹp cổ kính, được điêu khắc, chạm trổ công phu.

1 - Copy
Bên cạnh Nhà lưu niệm Liệt sĩ Nguyễn Sỹ Sách ở xã Thanh Lương có nhà thờ chi họ Nguyễn Sỹ được xây dựng từ năm 1852 để thờ cụ Nguyễn Sỹ Chấn, cụ Nguyễn Sỹ Ấn (Phó bảng triều Nguyễn) và hậu duệ. Nhà thờ có kiến trúc 1 gian 2 hồi, năm 2006 được trùng tu, nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa. Ảnh: Huy Thư
bna_2(1).jpg
Nhà thờ được xây dựng theo kiểu truyền thống tứ trụ, kẻ xông chồng đấu, bằng nguyên liệu gỗ lim. Trên khung gỗ được chuốt vỏ măng, điêu khắc chạm trổ công phu. Hai cột trốn gác hạ ở gian giữa tạo không gian thoáng rộng cho nhà thờ. Ảnh: Huy Thư
bna_3(1).jpg
Nhiều kết cấu gỗ trên nhà thờ được chạm khắc các đề tài truyền thống, như hoa lá, chim phượng, cá chép, rồng... khá đẹp mắt. Chim phượng trên đuôi hạ được chạm theo thế đang sải cánh bay hướng ra ngoài. Ảnh: Huy Thư
bna_4.jpg
Bốn góc hồi nhà thờ, ngay trên các đỉnh cột có 4 hình đầu rồng đang ngẩng cao, hướng về giữa. Nguyên xưa khung gỗ nhà thờ để mộc, trong lần trùng tu gần đây đã được sơn màu cánh dán. Ảnh: Huy Thư
bna_5(1).jpg
Trên các vì nóc, khấu đầu, bệ đỡ, gỗ tròn, vuông... được chạm trổ hình hoa lá cách điệu mềm mại, thanh thoát. Lạc khoản ở 2 vì giữa khắc chữ Hán ghi thời gian tạo tác và hoàn thành công trình (Năm Nhâm Tí - 1852). Ảnh: Huy Thư
bna_6(1).jpg
Nhà thờ mang vẻ đẹp cổ kính với kiến trúc, điêu khắc gỗ thời Nguyễn không dày về mật độ điêu khắc hay sự phong phú về đề tài, nhưng thiên về nét khỏe khoắn, vững chắc. Ảnh: Huy Thư
bna_7(1).jpg
Hai mặt các đường kẻ trước của nhà thờ được điêu khắc đề tài "tứ quý", cá chép, hoa sen...khá sống động. Thời gian tồn tại lâu dài, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số tác phẩm điêu khắc gỗ đã bị sứt, mẻ... Ảnh: Huy Thư
bna_8.jpg
Tại nhà thờ còn lưu giữ nhiều đồ tế khí cổ kính như đại tự, câu đối, long ngai, hiệu bụt...Theo cụ Nguyễn Sỹ Thiêm (94 tuổi) - Người đang trông coi, chăm sóc nhà thờ, trước đây nhà thờ có các sắc phong từ thời Nguyễn nhưng bị mất mát, thất lạc trong cải cách ruộng đất. Ảnh: Huy Thư
bna_9.jpg
Trong gian hồi của nhà thờ còn lưu giữ tấm bia đá được lập năm 1894 nói về công đức của song thân phụ mẫu Phó bảng Nguyễn Sỹ Ấn. Ảnh: Huy Thư
bna_10.jpg
Theo văn bia dựng trước sân nhà thờ: Nhà thờ chi họ Nguyễn Sỹ không chỉ là nơi thờ tổ tiên và hậu duệ của dòng họ, mà còn là nơi giao lưu, trao đổi của các bậc danh nho yêu nước, tổ chức các hoạt động cách mạng những năm 1930 - 1931, nơi lưu giữ một số hiện vật là hoành phi câu đối của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà chí sĩ Phan Bội Châu, Tiến sĩ Nguyễn Đình Điển... tặng chi họ. Đây cũng là nơi Bác Hồ từng đến thời niên thiếu. Nhà thờ cùng với Nhà lưu niệm Liệt sĩ Nguyễn Sỹ Sách đã được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1998. Trong ảnh: Bể nước cổ trang trí hình lưỡng long bài trí trước nhà thờ. Ảnh: Huy Thư

Huy Thư