Kinh tế

Xử lý vấn nạn săn bắt chim hoang dã ở Nghệ An

Văn Trường 14/10/2024 16:30

Nhằm bảo tồn loài chim hoang dã, di cư, thời điểm này các địa phương trên địa bàn Nghệ An đang đồng loạt triển khai truy quét nạn săn bắt chim trời.

Clip: Văn Trường
bna_van-truong-5-9abac80bb20b9d665019027a4b61b16e(1).jpeg
Người dân một số xã ở huyện Diễn Châu dùng chim mồi cắm trắng bờ ruộng. Ảnh: Văn Trường

Hàng năm, đến mùa mưa bão, có rất nhiều loài chim hoang dã, chim di cư đến trú ẩn và kiếm ăn trên địa bàn Nghệ An. Dù ngành Kiểm lâm, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, khuyến cáo nhưng người dân ở nhiều địa bàn vẫn ngang nhiên, ồ ạt bẫy, bắt các loài chim hoang dã, di cư trái quy định.

Có mặt tại các địa bàn ven biển huyện Diễn Châu những ngày đầu tháng 10, như các xã Diễn Kim, Diễn Hải, Diễn Thành để bắt gặp cảnh người dân dùng chim mồi cắm trắng bờ ruộng, cũng như giăng lưới, dùng nhựa dính, loa phát âm thanh giả tiếng chim để bẫy bắt các loại chim di cư.

bna_van-truong-3-1e83c486aa2ce4fa495642fd632b73c7(1).jpeg
Chim thật được buộc tại bờ ruộng, bờ kênh để nhử chim trời. Ảnh: Văn Trường

Không ít chú chim “xấu số” đã bị dính keo và rơi vào tay con người. Số chim di trú bẫy được, người dân thường đem ra bán tại các khu chợ và nhà hàng đặc sản với mức giá trên dưới 40.000-50.000 đồng/con.

Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu, từ đầu tháng 8 đến nay, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với các địa phương ra quân xử lý nạn bẫy chim hoang dã, các xã đã triệt xóa 210 điểm đánh bắt chim cò, tiến hành thu giữ trên hơn 5.000 m lưới, 7 bộ loa và tiêu hủy gần 2.000 cò giả làm bằng xốp.

bna_van-truong-met-4eb24876297d6b748af80cd93c51047b(1).jpeg
Lực lượng kiểm lâm và các xã lội ruộng gỡ bẫy chim ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Văn Trường
bna_van-truong-4-8676517a1af8e67868b8c2b61fd111de(1).jpeg
Đốt chòi canh bẫy chim tại huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Văn Trường

Ngoài ra Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp các xã tổ chức ký cam kết không kinh doanh, giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã, trong đó có chim di trú.

Từ đầu tháng 8 đến nay, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 cũng tổ chức truy quét, thu giữ và tiêu hủy trên 200 con cò, 5 bộ loa và hơn 300 mét lưới trùm. Những “điểm nóng” xảy ra hiện tượng săn bẫy chim hoang dã thuộc địa bàn các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn…

bna_van-truong-2-40fc29467d5d1fa1bb431e823d8adea0(1).jpeg
Các lực lượng chèo thuyền tháo dỡ bẫy chim cò. Ảnh: Văn Trường

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách về loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai kịp thời, nghiêm túc.

bna_van-truong-6-3600e302a609ddd790b997300f8bd9d8(1).jpeg
Cán bộ kiểm lâm Diễn Châu thu giữ và đốt tiêu hủy cò giả ngay trên đồng. Ảnh: Văn Trường

Ông Phạm Đức Thành - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Tính từ 15/8 đến 14/10, các Hạt kiểm lâm, Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng phối với với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh, đã tổ chức 170 đợt kiểm tra, xử lý tình trạng bẫy, bắt chim hoang dã, chim di cư.

Kết quả thu giữ và tiêu hủy 30.550 m lưới bẫy chim, 4.189 con chim giả (chim nộm), 520 cọc giăng lưới, que dính nhựa và các loại khác dùng để bẫy, bắt chim, thả về tự nhiên 300 cá thể chim.

bna_van-truong-m34-1-dff27810af5ae5bedd3d06e7d8d52c62.jpeg
Các lực lượng đốt và tiêu hủy lưới bẫy chim hoang dã. Ảnh: Văn Trường

Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trên địa bàn, tổ chức lực lượng truy quét liên tục, quyết liệt, nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt trái phép các loài chim tự nhiên; triệt phá các tụ điểm chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã.

Văn Trường