Giáo dục

6 giải pháp để trường học Nghệ An nói 'không' với điện thoại trong buổi học

Mỹ Hà 14/10/2024 18:10

Việc sử dụng điện thoại trong trường học đem đến nhiều bất lợi cho học sinh, ảnh hưởng đến việc tập trung, tiếp thu bài vở trên lớp. Chính vì thế, việc ban hành các quy định sẽ là giải pháp quan trọng để hạn chế việc đưa và sử dụng điện thoại trong các nhà trường.

Công đoàn ngành giáo dục Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch triển khai cuộc vận động “Trường học Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học”. Qua đó, nhằm mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh về ý thức, trách nhiệm sử dụng điện thoại, phát huy tối đa lợi ích, tác dụng tích cực của Internet, điện thoại trong cuộc sống cũng như phục vụ cho nhu cầu học tập.

Để việc triển khai được hiệu quả, ngoài công tác tuyên truyền, ngành giáo dục cũng đã đưa ra 6 giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

dscf0060(1).jpg
Hiên nay một số lớp học đã tự trang bị hộp cất giữ điện thoại. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn mang tính chất tự phát. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Đô Lương 1 cất giữ điện thoại trong giờ học. Ảnh: Mỹ Hà

Cụ thể, tại các nhà trường sẽ xây dựng quy định, quy chế việc quản lý sử dụng điện thoại trong nhà trường. Khi đến trường, trước khi bắt đầu buổi học, học sinh tắt nguồn điện thoại hoặc chuyển chế độ im lặng, cất vào tủ của lớp và chỉ nhận lại sau khi kết thúc buổi học.

Các nhà trường cũng sẽ thống nhất với cha mẹ học sinh xây dựng quy chế hoặc cam kết thực hiện cuộc vận động tại lớp, tại trường.

Để đảm bảo việc liên lạc khi có trường hợp cần thiết, nhà trường sẽ thiết lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, học sinh, giáo viên, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp, thiên tai, địch họa... Tuyệt đối không để nghẽn thông tin liên hệ giữa gia đình với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm trong bất cứ tình huống nào.

Trong trường hợp vi phạm, các nhà trường sẽ thực hiện kỷ luật tích cực trong quá trình giáo dục học sinh, hướng đến học sinh tự giác thực hiện cuộc vận động.

Ngành cũng yêu cầu các nhà trường cần tăng cường ra bài tập, đề thi, kiểm tra... trực tiếp hoặc thông qua nhóm giữa giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm với cha mẹ học sinh, để cha mẹ học sinh giao cho con của mình. Đồng thời, hạn chế tối đa ra bài tập, đề kiểm tra trên nhóm giữa giáo viên với học sinh trong buổi học tại trường, trừ trường hợp rất cần thiết.

Song song với đó, ngành yêu cầu các nhà trường phát huy hiệu quả việc sử dụng thư viện, phương tiện, thiết bị dạy học, đặc biệt các thiết bị thông minh dùng chung tại các phòng đa chức năng, lớp học, cá nhân của giáo viên để khai thác tối đa các nguồn học liệu và phương tiện hỗ trợ hiệu quả các nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh./.

Mỹ Hà