Pháp luật

Nhận diện thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai

Gia Huy 15/10/2024 08:24

Những năm gần đây, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng vẫn có những người dân “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo.

Lôi kéo “góp vốn”, “hùn vốn”

Lợi dụng biến động và sức hút của thị trường bất động sản, một số đối tượng đã sử dụng “chiêu trò” kêu gọi góp vốn, hùn vốn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Điển hình ngày 19/9/2024, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Thoan, trú xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức góp vốn chung để đầu tư bất động sản.

2-2-.jpg
Đối tượng Nguyễn Thị Thoan đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng của các bị hại thông qua hình thức kêu gọi góp vốn. Ảnh tư liệu Cao Loan

Theo đó, do có quan hệ quen biết với một người phụ nữ trú cùng địa phương, biết nạn nhân có khả năng huy động được số tiền lớn, Nguyễn Thị Thoan đã thông tin tới nạn nhân về việc mình có một người anh trai uy tín, làm ăn giỏi, có nhiều mối quan hệ để đầu tư những dự án bất động sản lớn, sinh lời cao đang có nhu cầu tìm người góp vốn chung để đầu tư bất động sản.

Để nạn nhân tin tưởng, Thoan gửi các hình ảnh chụp chung với anh trai, ảnh công trình thi công, công trình đang động thổ, ảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nạn nhân xem và nói dối rằng đây là các dự án anh trai Thoan đang đầu tư, đồng thời hứa hẹn những dự án này sẽ sinh lợi nhuận hàng chục tỷ đồng.

2-1-(1).jpg
Cơ quan Công an làm việc với Nguyễn Thị Thoan - đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng của các bị hại thông qua hình thức kêu gọi góp vốn. Ảnh tư liệu Cao Loan

Thoan còn thông tin tới bị hại rằng Thoan là thư ký, được anh trai giao nhiệm vụ huy động vốn để đầu tư bất động sản, khi có lợi nhuận Thoan sẽ nhận tiền từ anh trai rồi trả lại tiền gốc và tiền lời từ bất động sản cho nhà đầu tư.

Tin tưởng thông tin mà Thoan đưa ra, bị hại đã nhiều lần chuyển tiền cho Thoan. Tổng số tiền mà Thoan chiếm đoạt của bị hại là hơn 7,2 tỷ đồng.

Cũng với chiêu trò kêu gọi chung vốn đầu tư bất động sản, Hà Thị Tâm (SN 1980), trú phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò đã lừa đảo anh Nguyễn Văn Th. (SN 1986, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) 1 tỷ đồng. Để nạn nhân tin tưởng, Tâm tạo ra hợp đồng đặt cọc tiền mua đất và yêu cầu anh Th. góp vốn.

anh-1.jpg
Với chiêu bài kêu gọi chung vốn đầu tư bất động sản, Hà Thị Tâm đã chiếm đoạt của một người đàn ông ở Hà Nội 1 tỷ đồng. Ảnh tư liệu: Kim Long

Sau khi chuyển tiền mua đất cho Tâm và nhiều lần yêu cầu cung cấp hồ sơ pháp lý về thửa đất mua chung nhưng Tâm không cung cấp được. Xác minh biết mình bị lừa, anh Th. đã làm đơn tố cáo Tâm tới cơ quan công an. Tại phiên tòa diễn ra vào ngày 27/9/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Hà Thị Tâm 7 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Nổ” quan hệ rộng, dùng giấy tờ giả để chiếm lòng tin

Bên cạnh kêu gọi hùn vốn, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng giấy tờ giả (sổ đỏ giả, hồ sơ đất đai giả… ) để chiếm đoạt tiền của bị hại thông qua việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản.

Theo đó, thông qua mạng xã hội, các đối tượng đặt mua con dấu giả của cơ quan chức năng để làm giả giấy tờ liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất; thể hiện nội dung các thửa đất tại vị trí đẹp và tung tin thửa đất đó đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đánh vào tâm lý “không mua là mất” của nhiều khách hàng. Các giấy tờ giả này được làm giống thật, khó phân biệt được với bản gốc khiến nhiều người sập bẫy.

images1887288_z4776183386906_972e17d40aeccbacc2ff672e16fea6f1.jpg
Cơ quan chức năng làm việc với đối tượng Lê Thanh Hưng trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu về hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh tư liệu Phạm Thuỷ

Một số đối tượng còn “nổ” có mối quan hệ rộng, có thể giải quyết các thủ tục đất đai để chiếm đoạt tài sản. Điển hình trong tháng 10/2023, Công an huyện Nghi Lộc đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lê Thanh Hưng trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra, Lê Thanh Hưng tự nhận có khả năng giải quyết thủ tục "trọn gói" về đất đai như: Làm hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm hồ sơ xin tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

bna_1.-anh-pv-b947276399543fba0fc05fed1b41ced0.jpg
Tự nhận có khả năng giải quyết thủ tục "trọn gói" về đất đai, sử dụng con dấu, tài liệu giả, Lê Thanh Hưng trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu đã lừa đảo, chiếm đoạt của các bị hại 2,7 tỷ đồng. Ảnh tư liệu Kim Long

Để bị hại tin tưởng, sau khi nhận tiền, Hưng làm giả giấy biên nhận hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, sử dụng con dấu giả của ngành chức năng đóng dấu để đưa cho bị hại. Bên cạnh đó, lên mạng xã hội đặt làm giả giấy chứng nhận QSDĐ rồi đưa cho các nạn nhân.

Bằng thủ đoạn trên trong thời gian từ cuối tháng 10/2022 đến tháng 6/2023, Hưng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 6 bị hại với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Tại phiên toà diễn ra vào ngày 10/9/2024, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Lê Thanh Hưng 16 năm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 6 năm tù“Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Một thửa đất bán nhiều lần

Cùng với các thủ đoạn lừa đảo như chiếm dụng tiền đặt cọc; lừa huy động vốn, mạo danh chủ đầu tư hoặc người uy tín lừa bán đất; lừa mua bán nhà đất bằng sổ giả, giấy tờ giả, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng chiều bài lập dự án “ma” nhằm lôi kéo người dân “xuống tiền” hoặc một tài sản nhà đất nhưng bán cho nhiều người.

Lực lượng chức năng tiến hành khám xét tại trụ sở Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng bất động sản Phoenix. Ảnh tư liệu Trọng Tuấn
Lực lượng chức năng tiến hành khám xét tại trụ sở Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng bất động sản Phoenix. Ảnh tư liệu Trọng Tuấn

Ví như trường hợp Mai Xuân Điểu (trú tại xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu)- nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An khởi tố về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

images1785361_c2.jpg
Đối tượng Mai Xuân Điểu làm việc tại cơ quan Công an. Ảnh tư liệu Trọng Tuấn

Quá trình điều tra, cơ quan Công an đã xác định Mai Xuân Điểu đã tổ chức mua đất của nhiều người rồi làm thủ tục phân lô, tách thửa và bán lại.

Tuy nhiên, sau khi đã nhận tiền chuyển nhượng của khách hàng, Mai Xuân Điểu không thực hiện theo cam kết mà tiếp tục bán lại cho người khác để chiếm đoạt tiền các bị hại.

Sử dụng "vỏ bọc" là cán bộ cơ quan nhà nước

Bên cạnh đó, một số đối tượng lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, những hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước, đánh trúng vào tâm lý muốn mua đất với thủ tục nhanh gọn và giá thành hợp lý, sớm sang tên lại để thu lợi của một số người dân để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đáng chú ý một số đối tượng lừa đảo nguyên là cán bộ trong các cơ quan nhà nước nên nhiều người dân đã “ sập bẫy” vì tin tưởng.

bat-giuwx-2-827.jpg
Đối tượng Lê Văn Bình. Ảnh tư liệu Công an Nghệ An

Điển hình như trường hợp Lê Văn Bình (SN 1970), sử dụng vỏ bọc là Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị thị xã Cửa Lò để kêu gọi, thuyết phục người dân góp vốn chung đầu tư đất tại các địa phương ở thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, thành phố Vinh với số tiền lên hàng chục tỷ đồng rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Trần Văn Giang. Ảnh tư liệu Hồng Ngọc
Đối tượng Trần Văn Giang. Ảnh tư liệu Hồng Ngọc

Hay Trần Văn Giang, nguyên cán bộ địa chính phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, lợi dụng tình trạng “sốt” đất, chủ động tiếp cận những người quen biết (đa số là người có điều kiện kinh tế, có tiền nhàn rỗi lớn hoặc cán bộ, công chức) và “nổ” bản thân là công chức địa chính nên biết thông tin về các thửa đất mà chủ đất có nhu cầu mua bán lại, sau đó thuyết phục bị hại đưa tiền cho Giang để “đầu tư”. Sau khi nhận tiền, Giang sử dụng vào việc trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Đề cao cảnh giác, siết chặt quản lý

Trước thực trạng nói trên, cơ quan Công an khuyến cáo người dân khi có nhu cầu mua đất, đầu tư bất động sản cần chủ động xác minh tính pháp lý của thửa đất. Nếu đầu tư thông qua môi giới, cần tìm hiểu kỹ thông tin cá nhân, trực tiếp tham gia kiểm chứng, xác minh thông tin trong hợp đồng với cơ quan chức năng để tránh rủi ro, không nên tin vào lời quảng bá, dụ dỗ của đối tượng.

uploaded-khanhlybna-2022_10_28-_a2-4586.jpg
Cơ quan chức năng tiến hành khám xét chỗ ở và phương tiện của một đối tượng sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức kêu gọi đầu tư bất động sản. Ảnh tư liệu Hồng Ngọc

Đối với những dự án có giá rao bán quá thấp so với thị trường, cần phải cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi bỏ tiền đầu tư. Trong quá trình mua, bán bất động sản, nếu phát hiện các bất thường, nghi ngờ về giấy tờ, sổ đỏ có dấu hiệu làm giả, cần trình báo cơ quan công an để được giải quyết...

Mới đây (ngày 23/9/2024), UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 8203/UBND-CN về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình giá bất động sản.

Trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tổ chức công bố công khai thông tin, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đầu tư phát triển hạ tầng và việc sáp nhập, thành lập nâng cấp các đơn vị hành chính tại địa phương; các dự án bất động sản đã được phê duyệt nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường; ngăn chặn các hiện tượng gian lận, lừa dối, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản.

Gia Huy