Tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn còn diễn biến phức tạp
Ngày 16/10, Thường trực HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát chuyên đề về “Công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại huyện Đô Lương.
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng tham gia cuộc làm việc có đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, lãnh đạo huyện Đô Lương.
Xử lý 10 đối tượng liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"
Trước khi làm việc với huyện Đô Lương, đoàn giám sát HĐND tỉnh đã trực tiếp khảo sát thực tế tại Tổ chức tài chính vi mô tình thương TYM - chi nhánh Đô Lương và Công an xã Hiến Sơn.
Qua báo cáo của UBND huyện Đô Lương, tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen và tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn còn nhiều tiềm ẩn phức tạp. Nhất là sự phát triển của công nghệ thông tin kéo theo sự gia tăng của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây bức xức trong Nhân dân và xã hội.
Về tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", đối tượng phạm tội chủ yếu phát sinh ở các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT (kinh doanh dịch vụ tài chính, cầm đồ) và các đối tượng hình sự trên địa bàn.
Các đối tượng tội phạm hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau và thường núp bóng dưới hình thức kinh doanh dịch vụ tài chính, cầm đồ, cho vay lãi, thực chất là cho vay lãi suất cao để hoạt động “tín dụng đen” gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý. Đặc biệt, gần đây xuất hiện các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, như cho vay trực tuyến qua app điện tử với lãi suất cao.
Nạn nhân của tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” chủ yếu là các tiểu thương, công nhân, sinh viên, người có khó khăn về tài chính... Hoạt động "tín dụng đen" tác động tiêu cực đến trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, đến an ninh tài chính quốc gia. "Tín dụng đen" cũng là nguyên nhân, điều kiện thúc đẩy các loại tội phạm khác, nhất là tội phạm hình sự.
Đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường sử dụng nhiều hình thức như giả danh cán bộ Nhà nước, đăng bài quảng cáo trên các trang mạng xã hội, giả danh nhân viên nhà mạng viễn thông hoặc hack tài khoản mạng xã hội của người khác để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...
Nạn nhân tội phạm này thường hướng tới là người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người ít kiến thức, ít hiểu biết, người không có việc làm ổn định “nhẹ dạ, cả tin”, mong muốn cơ hội tìm kiếm việc làm trên không gian mạng; người không có kinh nghiệm, hiểu biết về sử dụng mạng xã hội, mạng viễn thông.
Các đối tượng bị lừa đảo, chiếm đoạt mất một số tiền lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nạn nhân và tác động tiêu cực đến xã hội.
Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/6/2024, qua công tác đấu tranh, cơ quan CSĐT Công an huyện Đô Lương đã phát hiện, bắt giữ 10 vụ, 10 đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đồng thời, Công an huyện Đô Lương lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 1 vụ, 1 đối tượng. Bên cạnh đó, lực lượng công an còn bắt giữ 1 vụ, 1 đối tượng, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân truy tố, xét xử liên quan đến hoạt động sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tăng cường quản lý bảo mật thông tin cá nhân
Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát của HĐND tỉnh cùng lãnh đạo, cán bộ huyện Đô Lương đã thảo luận, trao đổi một số vấn đề quan tâm, cần làm rõ.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Thái Thị An Chung đã đặt ra vấn đề, tội phạm lấy thông tin của người dân từ đâu để thực hiện các hành vi lừa đảo, trong khi đã có quy định về bảo mật thông tin của người sử dụng dịch vụ. Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị huyện Đô Lương cần tăng cường kiểm tra công tác bảo mật thông tin của người dân tại các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ công...
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Như Khôi ghi nhận, đánh giá huyện Đô Lương đã làm tốt công tác hạn chế các loại tội phạm xảy ra trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Như Khôi đề nghị huyện Đô Lương tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn để nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân. Đặc biệt, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị lôi cuốn tham gia vào hoạt động phạm tội và đối tượng dễ là nạn nhân trong các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, các ngành liên quan cần tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm này. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị kỹ thuật để đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp, đặc biệt là lực lượng công an chính quy tại các xã, đảm bảo tốt công tác an ninh, trật tự trên địa bàn, góp phần tạo động lực cho huyện Đô Lương hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.