Thể thao

Cầu thủ nhập tịch nhìn từ trận Trung Quốc - Indonesia

Phú Châu 17/10/2024 14:42

Ôm mộng lọt vào Vòng chung kết World Cup 2026 với dàn cầu thủ nhập tịch, nhưng Đội tuyển Indonesia đã bị dội một gáo nước lạnh với trận thua bẽ bàng trước Trung Quốc.

Đội bóng duy nhất Đông Nam Á và lần đầu lọt tới Vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á và 3 trận ra quân giành 3 điểm đẹp như mơ của Indonesia dưới tay Shin Tae Yong mới đây đang khiến cả châu lục và khu vực phải… ngước nhìn. Đoàn quân xứ vạn đảo cầm hòa liên tiếp trước Australia, Saudi Arabia và thậm chí suýt thắng trước Bahrain đâu phải là may mắn, là đội bóng tầm thường.

Đội Trung Quốc (áo đỏ) đã tạo bất ngờ cho các cầu thủ Indonesia Ảnh Reuters
Đội Trung Quốc (áo đỏ) đã tạo bất ngờ cho các cầu thủ Indonesia Ảnh: Reuters

Vậy nhưng, đến lượt trận thứ 4 gặp Trung Quốc – đội đã có 3 trận toàn thua trước đó, câu chuyện Indonesia hay “Hà Lan 2” lại đang trở nên ồn ào, đáng nói hơn bao giờ hết sau những gì đã diễn ra trên sân Thanh Đảo sức chứa 50.000 người.

Trong trận đấu này, ông Shin Tae Yong tiếp tục sử dụng 9/11 cầu thủ Hà Lan nhập tịch ở hiệp 1 và tương tự chỉ có 2 cầu thủ sinh ra tại Indonesia có tên trong hiệp 2, tương đương với việc đội bóng thường trực 9 cầu thủ nhập tịch trên sân. Đội bóng Đông Nam Á cầm bóng nhiều tới 76% thời gian, chuyền bóng liên tục và bền bỉ hơn nhưng không thể xuyên thủng hàng phòng ngự biết bọc lót, chịu lùi sâu bên phía chủ nhà.

Ông Shin Tae Yong sau trận đấu cho rằng, các tuyển thủ Trung Quốc chơi bóng có động lực hơn so với đội nhà nên giành kết quả tốt hơn, nhất là việc ghi 2 bàn ở hiệp 1. Nhưng thực tế câu chuyện không đơn giản là có động lực hay không mà cái chính là phương cách “biết người, biết ta” từ thầy trò đội chủ nhà, để từ đó đoàn quân áo đỏ biết cách chặn đứng đối phương từ mọi hướng, đồng thời, tận dụng những khoảnh khắc nhỏ nhất, bất ngờ nhất để phối hợp mạch lạc và ghi bàn mau lẹ, đồng thời cố thủ kín kẽ để bảo vệ thành quả.

Tất nhiên, đoàn quân nhập tịch nói riêng và Đội tuyển Indonesia đã chơi đầy cố gắng, với đầy đủ sức mạnh các tuyến trước đội chủ nhà. Điều không khó lý giải sau khi họ phải cay đắng nhận 2 bàn thua ở hiệp 1, trước hết từ cả thầy và trò chính là việc quá ảo tưởng về sức mạnh sau 3 trận đấu đã qua. Có vẻ như thầy trò Shin Tae Yong đã đánh giá quá thấp Đội tuyển Trung Quốc, chiều theo đánh giá của dư luận nên vào cuộc chủ quan, khinh suất và lĩnh ngay hậu quả tai hại.

Tình huống không theo hết đường bóng cuối vạch biên ngang ở phút 22 dẫn đến bàn khai thông bế tắc là “ví dụ chết người” đầu tiên. Việc một trung vệ nhập tịch mới toanh có giá trị chuyển nhượng hơn cả tập thể Đội tuyển Việt Nam (Mees Hilgers) nhưng lơ là kèm người để đối phương vượt qua dẫn bóng sút cháy cầu môn nhà là bài học thích đáng cho không chỉ riêng ai. Việc dùng trung vệ nhập tịch Calvin Verdronk chơi trung vệ lệch trái mà không dùng nội binh Rizky Ridho chắc chắn là sai lầm đến từ bố trí nhân sự của vị thuyền trưởng. Và hơn thế, sau trận đấu, đánh giá chuyên môn với điểm số thấp nhất trận đấu cho một hậu vệ nhập tịch khác (Shayne Pattynama) lại là đòn đau liên hồi cho Liên đoàn Bóng đá Indonesia, Đội tuyển Indonesia và đông đảo người hâm mộ Indonesia sau những thắng lợi hả hê ban đầu rồi mới đến những cú đấm chính diện ê chề.

Để thấy, vòng 3 World Cup khu vực châu Á không phải là cuộc chơi dễ dàng với bất kỳ ai, nhất là với những đội bóng lần đầu góp sức như Việt Nam, Indonesia và kể cả ông kẹ Thái Lan. Không phải chờ đến những đội bóng đẳng cấp hàng đầu như Iran, Hàn Quốc hay Nhật Bản, ngay cả các đội bóng hạng 2 như Trung Quốc, Bahrain…cũng đã là những đối thủ không hề dễ chơi như ai đó từng nghĩ, từng đánh giá.

Đội Indonesia luôn bị các cầu thủ đội Trung Quốc đeo bám quyết liệt
Các cầu thủ nhập tịch Indonesia gặp nhiều khó khăn trước các cầu thủ Trung Quốc đeo bám quyết liệt. Ảnh: Reuters

Ở lượt trận thứ 4, Indonesia rầm rầm khí thế sau 3 trận bất bại, thậm chí suýt giành 3 điểm trước sự thán phục của cả châu lục, cuối cùng đã phải phơi ra sự thật cay đắng khi rời sân với trận thua không thể phân bua hay tiếc nuối điều gì, không thể phàn nàn trọng tài hay ban tổ chức, không thể đâm đơn kiện dù uất ức vì kết quả không mong đợi. Huấn luyện viên trưởng sai lầm trong phương sách tiếp cận trận đấu, sai lầm trong bố trí nhân sự, không xoay chuyển được tình thế, để đối thủ bắt bài, trong khi học trò dù cố gắng vẫn còn non nớt trong những khoảnh khắc quan trọng, những tình huống bản lề…

Cộng lại, đó là bản lĩnh yếu, sức mạnh non, cá nhân và tập thể không nhân lên sức chiến đấu nên rõ ràng không thể đạt được mục đích như mong đợi, như lý thuyết ban đầu.

Cũng để thấy, câu chuyện nhập tịch cầu thủ để tăng cường chất lượng đội tuyển là điều cần làm và làm tốt nhưng với Indonesia sau trận thua Trung Quốc (1-2) nói trên, mọi việc bắt đầu cho thấy không chỉ toàn màu hồng. Những trận đấu gặp đối thủ đẳng cấp tới đây sẽ giăng ra bức tranh cụ thể và đậm nét hơn về vấn đề này, về đội bóng Indonesia (có người gọi là Hà Lan 2), về những gì nên làm, những gì tuyệt đối tránh…

Tất nhiên, kinh nghiệm và bài học nào trong bóng đá cũng đều quý giá cho nhiều đội tuyển, trong đó có Việt Nam. Ông thầy Kim Sang Sik của Đội tuyển Việt Nam chắc chắn sẽ phải lo việc sử dụng Nguyễn Xuân Son, Jason Quang Vinh… và một số gương mặt cầu thủ Việt kiều khác ở Đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup vào cuối năm nay như thế nào, lợi hại ra sao cho trước mắt và lâu dài và vô vàn điều khác mà thực tế sẽ chỉ ra mồn một.

Phú Châu