Xã hội

Công đoàn Báo Nghệ An về nguồn nhân ngày Phụ nữ Việt Nam

Mỹ Hà - Nguyễn Đạo 19/10/2024 14:07

Kỷ niệm 94 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1930 - 2024), chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Báo Nghệ An đã có nhiều hoạt động ý nghĩa cho cán bộ, viên chức, người lao động là nữ tại Thủ đô Hà Nội.

Chương trình về nguồn tại Thủ đô Hà Nội vừa được Công đoàn Báo Nghệ An tổ chức dành cho cán bộ, viên chức, người lao động là nữ là hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhân Kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam.

Hoạt động càng có ý nghĩa hơn khi được diễn ra vào tháng 10, đúng vào dịp Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô.

Cán bộ, phóng viên, người lao động là nữ của Báo Nghệ An tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Đồng chí Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An Nguyễn Thị Thu Hương và phóng viên, người lao động là nữ của tòa soạn tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đạo

Theo đó, trong chương trình này, đoàn đã đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đây là một điểm đến có rất nhiều giá trị lịch sử với hơn 1.000 hiện vật, hình ảnh liên quan phụ nữ Việt Nam đang được trưng bày.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được thành lập năm 1987 với chức năng nghiên cứu, lưu giữ và bảo quản những di sản vật thể và phi vật thể, những nét lịch sử văn hóa lâu đời của người Việt. Đồng thời, nơi đây cũng là trung tâm giao lưu văn hóa của phụ nữ Việt và phụ nữ quốc tế với mục tiêu thúc đẩy sự bình đẳng, hòa bình và phát triển.

_nda3452(1).jpg
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được thành lập vào năm 1987 và người đặt nền móng cho sự ra đời của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là bà Nguyễn Thị Định, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đây là nơi lưu giữ những tài liệu, kỷ vật, chứng tích… của thời kỳ lịch sử gắn với quá trình lịch sử và phát triển của đất nước, trong đó nổi bật là hiện vật gắn với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Mỹ Hà

Hiện không gian bảo tàng được chia làm 3 chủ đề, mô tả vai trò quan trọng của phụ nữ qua các thời kỳ và giai đoạn xã hội khác nhau trải dài trên 4 tầng bao gồm: Phụ nữ trong gia đình, Phụ nữ trong lịch sử và Thời trang nữ.

Qua những tư liệu quý giá này, các thành viên trong đoàn có cơ hội được hiểu thêm nhiều kiến thức về hình ảnh người Phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang, tự tin, tự trọng. Đồng thời, thấy được những ý nghĩa, giá trị mà người phụ nữ Việt Nam đã đem lại, đóng góp cho đất nước.

_nda3428(1).jpg
Một trong những không gian trưng bày nhân kỷ niệm 94 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm nay đó là Triển làm Thư cho em, trích lại những đoạn tiêu biểu từ 400 bức thư của Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Đan (1928 - 2003) gửi cho người vợ của mình trong hơn 30 năm xa nhau vì nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Ảnh: Nguyễn Đạo

Cũng trong chuyến đi này, các thành viên trong đoàn đã đi thăm một số di tích lịch sử tại Thủ đô Hà Nội như hồ Hoàn Kiếm, Ô Quan chưởng, đền Ngọc Sơn...

Đây đều là những địa danh nổi tiếng, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa với gắn với quá trình lịch sử và phát triển của Kinh đô ngàn năm văn hiến.

_nda3389_1(1).jpg
Những bức thư với lời lẽ da diết, nhớ thương và cả những hy sinh, gian khổ đã một phần tái hiện lại quá khứ của dân tộc trong cuộc cách mạng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đằng sau đó là sự trung trinh, đảm đang, vì chồng, vì con của những người phụ nữ ở hậu phương. Ảnh: Nguyễn Đạo
bna_anh-my-ha(1).jpg
Tham quan gian trưng bày với chuyên đề "Phụ nữ trong lịch sử". Lịch sử của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gắn bó chặt chẽ với cách mạng Việt Nam, đồng hành với sự phát triển của đất nước, vì sự nghiệp chung của dân tộc. Trong giai đoạn đầu tiên khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới thành lập (thời kỳ 1930 - 1945), nhiều nữ chiến sĩ cách mạng được tôi luyện trong thực tế đấu tranh và đội ngũ cán bộ nữ ngày càng trưởng thành. Tại đây, trong những gương mặt nữ chiến sĩ cách mạng tiêu biểu có chân dung một người con xứ Nghệ đó là Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai (xã Vịnh Yên - thành phố Vinh). Bà là một trong những nữ đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, từng công tác tại Bộ Đông Phương của Quốc tế Cộng sản (Hồng Kông), dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII. Sau này bà là Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1940 bà bị địch bắt trong cuộc họp chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ và một năm sau bị kết án tử hình và xử bắn khi mới 31 tuổi. Ảnh: Mỹ Hà

Thông qua chương trình này, thêm một lần nữa, những người làm báo trên quê hương Bác Hồ được tìm hiểu về Thủ đô Hà Nội với nhiều địa danh, nhiều di tích đã đi vào lịch sử.

_nda3611(1).jpg
Gian trưng bày chân dung những người mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là những người phụ nữ thầm lặng, kiên trung, nén nỗi đau mất chồng, mất con vì cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc. Ảnh: Nguyễn Đạo
_nda3552(1).jpg
Từ những hiện vật quý giá được trưng bày, các thế hệ hôm nay càng thêm trân trọng những giá trị của hòa bình và thêm một lần nữa thấy được sự hy sinh, trung hậu, đảm đang của những người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Ảnh: Nguyễn Đạo

Đây cũng là những trải nghiệm quý giá để cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan Báo Nghệ An thêm đoàn kết, gắn bó và tạo động lực để cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Mỹ Hà - Nguyễn Đạo