Kinh tế

Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát sau mưa lũ

Quang An 19/10/2024 16:30

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có trên 40 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 14 huyện, thành, thị. Số lượng ổ dịch gấp đôi so với các tháng trước đây...

Dịch bùng phát mạnh

Xã Vĩnh Sơn là địa phương có thế mạnh về chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Anh Sơn. Tuy nhiên, hiện nay toàn bộ các xóm trên địa bàn đều xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, buộc chính quyền địa phương phải tiêu hủy hàng chục tấn lợn.

vĩnh sơn 2
Xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Q.A

Gia đình ông Nguyễn Hữu Thế, trú xóm Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Sơn (Anh Sơn) chuyên nuôi lợn nái, đầu tháng 10 vừa qua, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan đến đàn lợn của gia đình, buộc phải tiêu hủy 13 con lợn nái đang kỳ sinh sản, gây thiệt hại không nhỏ đối với kinh tế.

Ông Thế cho biết: “Nuôi lợn nái là để đầu tư lâu dài trong nhiều năm, gia đình cũng đã chủ động dọn vệ sinh, sát khuẩn đầy đủ, hạn chế người ra vào chuồng trại rồi nhưng dịch bệnh vẫn xuất hiện khiến đàn lợn ốm chết, buộc phải tiêu hủy. Nguồn thu của gia đình trông cậy vào đàn lợn này giờ không biết xoay sở sao, kể cả muốn tái đàn cũng khó vì dịch bệnh vẫn đang bùng phát mạnh”.

Xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn tiêu hủy lợn nhiễm bệnh. Ảnh: Quang An
Xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn hiện đã tiêu hủy hơn 20 tấn lợn nhiễm bệnh. Ảnh: Quang An

Theo thống kê, toàn xã Vĩnh Sơn có 3.500 con lợn, chủ yếu nuôi trong nông hộ. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trong những tháng vừa qua, đặc biệt là từ đầu tháng 10 đến nay khiến 5/5 xóm đều có dịch, ngày nào cũng có hộ dân báo có lợn ốm chết. Đến nay, xã đã tiêu hủy khoảng 500 con lợn với tổng trọng lượng trên 20 tấn.

Ông Cao Thanh Lương - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết: Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát mạnh tại địa phương, nhất là sau đợt mưa lũ vừa qua. Xã Vĩnh Sơn nước dâng lên khiến chuồng trại chăn nuôi bị ngập, ẩm thấp, dịch bệnh theo dòng nước lây lan từ các hộ xuất hiện dịch sang các xóm, rất khó kiểm soát.

Tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Quang An
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh sau mưa lũ. Ảnh: Quang An

Theo báo cáo của huyện Anh Sơn, từ ngày 15/9/2024 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 11 xã trên địa bàn gồm: Long Sơn, Phúc Sơn, Khai Sơn Lạng Sơn, Vĩnh Sơn, Cao Sơn, Thạch Sơn, Đức Sơn, Hội Sơn với 51 thôn, 207 hộ. Tổng số lợn chết tiêu hủy 835 con, tổng trọng lượng tiêu huỷ trên 46 tấn. Đặc biệt, hiện nay dịch diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát ra diện rộng, nhất là sau đợt mưa lũ vừa qua, Anh Sơn là một trong những địa phương bị ngập nặng nhất trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ thú y tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lợn nhiễm bệnh. Ảnh: Quang An
Cán bộ thú y tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lợn có triệu chứng. Ảnh: Quang An

Ông Hoàng Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết: Tại các địa phương ngay khi xuất hiện dịch, huyện đã thành lập các Đoàn trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo hướng dẫn đến từng hộ dân. Tiến hành tiêu hủy toàn bộ lợn ốm, chết có kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch như: giám sát dịch bệnh, tuyên truyền, tiêu độc khử trùng, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn... tại các đơn vị đã xảy ra dịch trên địa bàn toàn huyện.

Mặc dù vậy, Anh Sơn là huyện có địa bàn tiếp giáp với nhiều huyện bạn, có tuyến quốc lộ đi qua, có nhiều lối mở…; hoạt động giao thương buôn bán động vật, sản phẩm động vật thường xuyên nên việc ngăn chặn dịch bệnh từ nơi khác vào địa bàn huyện rất khó khăn. Bệnh gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.

Không chỉ trên địa bàn huyện Anh Sơn mà hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát tại 14/21 huyện, thành, thị. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 40 ổ dịch chưa qua 21 ngày. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã xảy ra 206 ổ dịch. Tổng số lợn tiêu hủy hơn 6.700 con, với tổng trọng lượng trên 340 tấn. Các địa phương có số lượng ổ dịch tả lợn châu Phi nhiều nhất bao gồm: Anh Sơn, Yên Thành, Đô Lương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Tương Dương…

Quyết liệt ngăn dịch lây lan

Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 7746/UBND-NN yêu cầu Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau mưa, lũ theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & PTNT.

người chăn nuôi tăng cường rắc vôi bảo vệ đàn lợn_ảnh Quang An
Người chăn nuôi tăng cường rắc vôi bảo vệ đàn lợn. Ảnh: Quang An

Mặc dù vậy, công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi vẫn đang gặp một số khó khăn nhất định. Theo Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh, dịch tả lợn châu Phi hiện là dịch bệnh nguy hiểm và khó chữa trị nhất trên đàn gia súc hiện nay. Dịch bệnh này lây lan lan, tỷ lệ chết cao, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc-xin chưa được phổ biến để tiêm phòng cho đàn lợn trên các loại đối tượng (mới có vắc-xin tiêm phòng cho lợn thịt), giá thành vắc-xin cao (trên 65 nghìn đồng/liều). Vi rút có khả năng tồn tại lâu trong môi trường và có sức đề kháng cao, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, dịch xảy ra có xu hướng “nhảy cóc”, phát tán ra nhiều điểm trong thời gian ngắn và diễn biến khó lường, không theo quy luật nhất định. Đặc biệt, hiện nay thời tiết diễn biến thất thường, mưa ẩm tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh, phát triển mạnh. Ngoài ra, giá lợn hơi tăng cao nên người chăn nuôi có xu hướng tái đàn, tăng đàn, công tác quản lý đàn vật nuôi tại một số địa phương còn buông lỏng... Vì vậy, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, xảy ra diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Các lực lượng kiểm soát phương tiện ra vào vùng dịch
Các lực lượng kiểm soát phương tiện ra vào vùng dịch. Ảnh: Quang An

Ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh cho biết: Để công tác phòng, chống dịch bệnh động vật đạt hiệu quả, các đoàn công tác và chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng dịch cho đàn vật nuôi mùa mưa lũ...

Đối với những xã có dịch phải lập chốt, cắm biển báo vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp; thành lập tổ tuần tra lưu động để kiểm tra công tác vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Tiến hành tiêu huỷ lợn ốm chết theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn huyện. Tuyệt đối không để người dân tự tiêu hủy, việc tiêu hủy lợn chết phải tuân thủ theo hướng dẫn chuyên môn...

Đối với các xã chưa có dịch thực hiện tốt 6 không: “Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt xác lợn ra ngoài môi trường; Không sử dụng thức ăn thừa khi chưa qua xử lý nhiệt; không sử dụng nước ao hồ, kênh mương chưa qua xử lý dùng để tắm và cho lợn uống. Tiến hành phun khử trùng, rải vôi bột phòng ngừa; đặt biển báo cấm vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp vào địa bàn tiêu thụ. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiến hành lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm bệnh khi có trường hợp phát hiện, nghi ngờ lợn bệnh tại các hộ gia đình, gia trại và trang trại để ngăn chặn từ sớm...

Quang An