Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Trần Hữu Thiều - người chiến sĩ kiên trinh

Lan Phương (tổng hợp) 19/10/2024 20:03

Trần Hữu Thiều bí danh là Nguyễn Trung Thiên, sinh ngày 11/6/1906 tại làng Dương Xuân (nay thuộc xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Sinh trưởng trong vùng quê giàu truyền thống yêu nước nên đồng chí sớm giác ngộ ý thức dân tộc. Đồng chí hy sinh ngày 11/02/1931.

Năm 21 tuổi (1927), Trần Hữu Thiều đã là 1 trong 7 hội viên Hội Thanh Niên Cách mạng ở Dương Xuân. Năm 1929, đồng chí trở thành một trong những đảng viên Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở quê nhà. Đồng chí được chỉ định làm Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Nông hội tỉnh Nghệ An.

Đầu tháng 1 năm 1930, Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung kỳ phái Trần Hữu Thiều vào công tác tại Hà Tĩnh. Tuy gia cảnh khó khăn: Mẹ già yếu, vợ lại sắp sinh con đầu lòng, nhưng đồng chí vẫn hăng hái lên đường làm nhiệm vụ.

Vào Hà Tĩnh, Trần Hữu Thiều đã dựa vào những thành viên tích cực, nòng cốt trong tổ chức Sinh hội Trường Tiểu học Pháp – Việt thị xã Hà Tĩnh để thành lập chi bộ Đảng, làm hạt nhân mở rộng tổ chức ra các phủ, huyện trong tỉnh.

Chân dung đồng chí Trần Hữu Thiều.
Đồng chí Trần Hữu Thiều.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Trần Hữu Thiều đã phối hợp với các đồng chí trong nhóm Đông Dương Cộng sản liên đoàn ở Hà Tĩnh mở Hội nghị thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh vào cuối tháng 3/1930. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ do Nguyễn Trung Thiên (Trần Hữu Thiều) làm Bí thư.

Trần Hữu Thiều có uy tín cao đối với đảng viên, cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đồng chí luôn hòa mình vào quần chúng và có phương pháp tuyên truyền, giải thích đường lối cách mạng bằng lời lẽ giản dị, bình dân. Để dễ dàng đi lại hoạt động, đồng chí thường phải ngụy trang che mắt địch, khi thì mặc như nông dân, lúc bận áo dài lương làm thầy thuốc, có khi lại khoác âu phục làm thầy giáo…

Chính quyền phong kiến thực dân ở huyện Anh Sơn truy tìm "tên cộng sản lợi hại Trần Hữu Thiều" mãi không ra tung tích, bèn giở thủ đoạn đê hèn là bắt giam bà mẹ già và người vợ (mới sinh con) của đồng chí. Tuy lòng thương mẹ, nhớ vợ con da diết và căm phẫn tột độ kẻ thù hung hãn, nhưng Trần Hữu Thiều vẫn bình tĩnh, sáng suốt chỉ đạo phong trào với nghị lực phi thường.

Cuộc biểu tình lịch sử ngày 1/8/1930 của 500 nông dân Can Lộc cùng hàng loạt cuộc đấu tranh khác tại Hà Tĩnh đồng khởi diễn ra trong ngày chống chiến tranh đế quốc là có sự lãnh đạo và tổ chức của Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh do Trần Hữu Thiều đứng đầu.

Nguồn: Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh
Nguồn: Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Cuộc đấu tranh của nông dân huyện Cẩm Xuyên ngày 9/9/1930, thực dân Pháp đã bắn chết 7 người, Trần Hữu Thiều đã làm câu đối viếng các liệt sĩ nhằm khích lệ tinh thần đấu tranh của quần chúng:

Chết thế mới anh hùng, giọt máu Hồng Bàng rơi xuống đất,
Sống kia bầy nô lệ, nhờ hơi bạch quỷ tội nghiêng trời!

Trần Hữu Thiều đã có công lao to lớn với cao trào cách mạng ở Hà Tĩnh từ những ngày đầu đấu tranh. Cuối tháng 9/1930, trong Đại hội đại biểu Đảng bộ Hà Tĩnh lần thứ nhất, Trần Hữu Thiều đã đề cử Nguyễn Thiếp (quê Phủ Việt, Thạch Hà) làm Bí thư Tỉnh ủy, còn đồng chí xin được trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh ở huyện Can Lộc. Đề nghị của đồng chí được Đại hội nhất trí.

Với cương vị là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, trong khi đang làm nhiệm vụ ở Can Lộc, Trần Hữu Thiều bị sa lưới địch vào sáng 22/11/1930.

Vào tù, mặc dù bị tra tấn dã man, Trần Hữu Thiều đã tỏ rõ khí phách anh hùng của con người xứ Nghệ, không khuất phục trước kẻ thù. Đồng chí vẫn lạc quan yêu đời và làm thơ tặng các bạn chiến đấu:

Tao ở trong lao nhớ bay hoài,
Nhớ Hoàng, nhớ Thọ, lại nhớ Mai.
Nhớ Đào nực thở, Long răng trắng,
Nhớ Chế quăn râu, Húc cẳng dài.
Nhớ Lực huyện Can người loẳn choẳn,
Nhớ Huê thị xã tóc ngang vai…

Trần Hữu Thiều đã bị cầm tù nhưng vẫn làm cho kẻ thù ngày đêm lo lắng, vì uy tín của đồng chí là niềm cổ vũ cho quần chúng đấu tranh. Vì vậy, bọn chúng đã ngầm đưa đồng chí về xử bắn tại thôn Phù Minh, huyện Can Lộc vào ngày 11/02/1931. Đồng chí đã hy sinh ở tuổi 25.

Để tỏ lòng biết ơn Nguyễn Trung Thiên, người Bí thư Tỉnh ủy lâm thời của Đảng bộ Hà Tĩnh, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cấp ủy Đảng địa phương nơi đồng chí hy sinh đã đặt tên cho xã mình là Thiên Lộc.

Lan Phương (tổng hợp)