Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Bài học lịch sử sâu sắc từ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Thanh Quỳnh (Tổng hợp) 20/10/2024 06:31

Những bài học đúc kết từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, là kinh nghiệm quý giá luôn được Đảng ta chắt lọc, vận dụng trong lãnh đạo xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước qua các thời kỳ.

Thông qua các tài liệu của Đảng, đặc biệt là tác phẩm "Xô viết Nghệ Tĩnh" của Tỉnh ủy Nghệ An đã làm rõ 4 bài học sâu sắc được đúc rút thông qua cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh như sau:

1 - Khẳng định dứt khoát vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam; thường xuyên đấu tranh chống "tả khuynh" và "hữu khuynh" để bảo đảm tính chất giai cấp công nhân của Đảng, làm cho Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tăng cường mối liên hệ mật thiết với quần chúng, ra sức bảo vệ Đảng trong điều kiện hoạt động bí mật.

Thực tiễn lịch sử Việt Nam cho thấy, nếu không có sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, của Đảng cộng sản thì phong trào yêu nước ở Việt Nam sẽ chững lại và bế tắc, còn phong trào công nhân thì cao lắm chỉ dẫn tới chủ nghĩa công đoàn.

Chỉ từ khi có vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng tiền phong của nó, phong trào mới có sự biến đổi về chất và mang những đặc trưng của hình thái vận động cách mạng mới, đánh dấu sự chuyển biến căn bản từ tính chất đấu tranh tự phát sang tính chất đấu tranh tự giác. Nét nổi bật trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh là giai cấp cách mạng mới, giai cấp công nhân đã đứng ở hàng đầu của cách mạng và xiết chặt tay giai cấp nông dân.

Cận cảnh tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh (huyện Hưng Nguyên) đã cho thấy mối liên hệ chặt chẽ của liên minh công nông trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thanh Quỳnh
Cận cảnh tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh (huyện Hưng Nguyên) đã cho thấy mối liên hệ chặt chẽ của liên minh công nông trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh đã chỉ ra rằng: Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng dân tộc dân chủ phải là một đảng kiểu mới, kiểu Lênin, quán triệt tính chất giai cấp công nhân và phải có đường lối đúng đắn.

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đã nêu rõ việc kết hợp hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện "dân tộc độc lập" và "người cày có ruộng" rồi tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Để thực hiện đường lối đó, Đảng ta đã đấu tranh rất mạnh chống tư tưởng cải lương của giai cấp tư sản và tư tưởng quốc gia hẹp hòi của tầng lớp tiểu tư sản. Tại Nghệ - Tĩnh, phong trào "vô sản hóa" được đẩy mạnh ngay từ trước khi Đảng ra đời nhằm rèn luyện đảng viên, tăng cường tính tiên phong, tính giai cấp của Đảng Cộng sản.

Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kỳ, các Đảng bộ Nghệ An và Hà Tĩnh đã có nhiều sáng kiến trong công tác tuyên truyền giáo dục đảng viên như dùng các hình thức: đọc sách, giảng báo, dùng thơ ca hò vè... các lớp huấn luyện chính trị. Trong lò lửa đấu tranh cách mạng, các Đảng bộ đã trưởng thành nhanh chóng.

Từ tháng 2/1930, toàn Đảng chỉ có 500 đảng viên, đến tháng 10/1930, số đảng viên tăng lên 1.600 và đến tháng 5 năm 1931 lên tới 2.400, trong đó, số đảng viên của Đảng bộ Nghệ An là 907, Hà Tĩnh là 376. (Như vậy, số đảng viên của hai Đảng bộ Nghệ An và Hà Tĩnh chiếm 53,5% tổng số đảng viên toàn quốc).

Số liệu theo "Xô-viết Nghệ-Tĩnh" của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, xuất bản 1962, trang 35.

Thực tiễn Xô viết Nghệ Tĩnh chứng tỏ, hầu hết đảng viên cộng sản đã thể hiện rõ tính tiền phong của giai cấp công nhân, rất mực trung thành với cách mạng, có tinh thần đấu tranh anh dũng, hy sinh bất khuất trước kẻ thù. Khi bị bắt, bị tù, đa số đảng viên đều tỏ ra vững vàng, kiên định, kiên cường, dũng cảm, lạc quan cách mạng, có niềm tin vô hạn về tương lai huy hoàng của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Đảng ta không những được thử thách rèn luyện trong cao trào đấu tranh của quần chúng mà còn được trưởng thành trong cuộc đấu tranh tự phê bình và phê bình để bôn-sê-vích hóa đảng. Sau khi Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời được một tháng, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (10/1930) đã đề ra nhiệm vụ bôn-sơ-vích hóa đảng là khâu trung tâm của toàn bộ công tác xây dựng Đảng trong thời điểm đó. Trung ương Đảng đã nêu rõ phương châm và phương pháp phê bình và tự phê bình trong Đảng.

Trung ương Đảng đã nghiêm khắc phê bình những sai lầm "tả khuynh" và "hữu khuynh" biểu hiện trên các mặt chính trị tư tưởng và tổ chức với mức độ khác nhau của các Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.

Đặc biệt, đối với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Trung ương Đảng đã kịp thời ra những chỉ thị uốn nắn sai lầm “tả khuynh" của Xứ ủy Trung Kỳ biểu hiện rõ nét nhất là vấn đề thanh đảng.

Trung ương đã phê phán: "Xứ ủy Trung Kỳ ... ra chỉ thị thanh Đảng viết rõ từng chữ: thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ, như vậy thì gốc đâu mà đào, xem rễ ở đâu mà trốc, quả là một ý nghĩ mơ hồ, một chỉ thị võ đoán... " ( Văn kiện Đảng toàn tập, tập 3, NXB Chính trị quốc gia năm 1999).

Chỉ thị thanh đảng của Xứ ủy Trung Kỳ đã có tác hại lớn đến phong trào trong thời điểm đế quốc Pháp đang khủng bố rất dã man, các cấp bộ đảng và quần chúng cách mạng đang đứng trước những thử thách vô cùng gay go, quyết liệt. Tuy các địa phương không khai trừ đảng viên, song việc chuyển vị trí và hạ tầng công tác nhất loạt hầu hết đảng viên thuộc đối tượng thanh đảng ra khỏi cương vị chủ chốt trong cấp ủy và thay thế bằng những đảng viên thành phần bần cố nông, trình độ quá thấp trong tình hình chống địch khủng bố trắng lúc bấy giờ đã gây trở ngại và tổn thất không nhỏ đối với phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh.

Chỉ thị thanh đảng của Xứ ủy Trung Kỳ bộc lộ tư tưởng cô độc hẹp hòi và sự ấu trĩ về nguyên lý xây dựng Đảng, về nhận thức đặc điểm của Đảng ta. Trung ương Đảng còn phê phán Quân ủy Trung Kỳ trong việc đề ra "Chiến lược ra trận" một cách ấu trĩ vào tháng 4/1931 và ra lệnh thu hồi chỉ thị đó.

Mộ liệt sỹ xô viết nghệ tĩnh
Mộ các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh ngày 12/9/1930 tại Thái Lão, Hưng Nguyên. Ảnh: Thanh Quỳnh

Ngoài những nhược điểm sai lầm đó, các Đảng bộ Nghệ An, Hà Tĩnh còn mắc một số khuyết điểm như cô độc, hẹp hòi, "tả khuynh" trong việc phát triển Công hội đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn, Hội phụ nữ giải phóng hay việc không thành lập Hội phản đế đồng minh...

Mặt khác, còn có biểu hiện mơ hồ về lập trường giai cấp, hữu khuynh như việc kết nạp phú nông vào Nông hội...

Từ những sai lầm, khuyết điểm kể trên đã giúp cho Đảng rút ra kinh nghiệm bổ ích là: Cần không ngừng đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng; tăng cường bồi dưỡng tư tưởng vô sản, chống tư tưởng tiểu tư sản biểu hiện trên hai mặt "tả khuynh" và "hữu khuynh", tăng cường giáo dục các đảng viên thuộc thành phần không vô sản, đồng thời cần phải tránh chủ nghĩa thành phần.

Trong Xô viết Nghệ Tĩnh có một hiện tượng không khỏi làm cho chúng ta băn khoăn, day dứt: cán bộ chủ chốt của phong trào, trong đó các ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Xứ ủy đều bị lộ và bị bắt, bị hy sinh hầu hết. Ở đây cần rút ra bài học về công tác hoạt động bí mật.

Trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (ngày 20/4/1931) đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết: "Nên tìm mỹ thuật gì mà giữ gìn lấy đồng chí trọng yếu, chứ nếu nó cứ túm mòn những vắt khá đi, thì hại cho công việc quá!... Xem những việc đó thì có thể nói rằng Đảng còn kém đường bí mật công tác... (Trích Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 1996).

Vì sao mà cán bộ của Đảng thường bị lộ? Điều đó có nguyên nhân là khi phong trào lên cao, ở các vùng Xô viết, sự phân biệt giữa Đảng, Nông hội và Xô viết bị xóa nhòa. Khi phong trào xuống, khi bị địch khủng bố dã man dữ dội thì những phần tử nhút nhát được phong trào lôi cuốn nhất thời sẽ bỏ hàng ngũ trước hết. Chính vì vậy mà cán bộ đảng dễ bị lộ, có trường hợp toàn bộ ủy viên một cấp ủy đảng bị sa vào lưới địch.

Trong hoàn cảnh nước ta lúc bấy giờ, không có một chút tự do dân chủ, địch khủng bố gắt gao, trong công tác xây dựng Đảng phải làm cho Đảng trở thành một đảng của quần chúng, có quan hệ mật thiết với quảng đại quần chúng, nhưng đồng thời Đảng phải giữ được hoàn toàn bí mật.

Cần phải vạch rõ ranh giới rõ ràng giữa Đảng và các tổ chức quần chúng về nhiệm vụ, về tổ chức và thành lập một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi - đó là con đường duy nhất để bảo đảm cho Đảng vừa có tính chất quần chúng, vừa bảo vệ bí mật cho Đảng.

Trong mỗi cấp ủy, mỗi chi bộ phải giữ hoàn toàn bí mật cho một số đồng chí chủ chốt, cả những lúc phong trào lên rất cao và cả những nơi mà chính quyền đã thuộc hẳn về ta. Đối với các tổ chức quần chúng, trong đó có nhiều đảng viên hoạt động cũng cần phải giữ gìn đúng nguyên tắc bí mật như vậy. Tổ chức đảng phải tuyệt đối bí mật, hết sức gọn nhẹ, chọn lọc những người ưu tú, kiên cường nhất, có kinh nghiệm chống khủng bố hết sức tỉnh táo và nghiêm ngặt, đề phòng âm mưu của địch lợi dụng những phần tử đầu hàng phản bội để phá tổ chức Đảng.

Việc giữ vững tổ chức cách mạng bí mật trong hoàn cảnh địch khủng bố trắng là điều kiện cơ bản bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của phong trào cách mạng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng, đồng thời cũng bảo đảm giữ vững lòng tin của quần chúng đối với đảng viên.

Đội tự vệ Xô viết đỏ tại Hưng nguyên.
Đội tự vệ đỏ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Ảnh tư liệu Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Về mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng, Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại những ấn tượng vô cùng đẹp đẽ. Trong những cơn thử thách ác liệt bởi sự khủng bố dã man của kẻ thù khi phong trào đã đi xuống, trong những giờ phút một mất một còn, các cấp bộ đảng và đảng viên đã không bỏ rơi quần chúng. Không bỏ rơi quần chúng - kể cả những lúc vì chưa giác ngộ đầy đủ về lợi ích thiết thân của họ mà có những hành động trái với những lợi ích đó. Không bỏ rơi quần chúng và làm cho họ thấy họ không bị bỏ rơi, luôn luôn có sự che chở, quan tâm của Đảng, đó là thái độ đúng đắn của một Đảng Macxit- lênin nit. Một khi Đảng đã không bỏ rơi quần chúng thì quần chúng cũng không bao giờ xa rời Đảng, cho dù gian khổ ác liệt đến mức nào.

Điều đó đã được thực tiễn Xô viết Nghệ Tĩnh chứng minh và là bài học xương máu trong công tác xây dựng Đảng.

2 - Phát động quần chúng nông dân và công nhân nổi dậy chống đế quốc và phong kiến, kết hợp phong trào cách mạng ở thành thị và nông thôn, xây dựng KHỐI LIÊN MINH CÔNG NÔNG VỮNG CHẮC dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, liên minh công nông là nền tảng vững chắc, đồng thời là nguyên tắc cao nhất của chuyên chính vô sản.

Mác, Ăngghen, Lênin đã rút ra từ Công xã Pari bài học về liên minh công nông. Song đó là bài học từ sự thất bại, một nguyên nhân gây ra tổn thất lớn của Công xã Pari. Trong các tác phẩm "Đấu tranh giai cấp ở Pháp" và "Nội chiến ở Pháp", Mác đã phân tích rằng, sở dĩ giai cấp vô sản Pháp lúc đó chưa liên minh được với nông dân Pháp vì sự phát triển lịch sử chưa đầy đủ để khiến cho nông dân ngả hẳn về phía cách mạng. Giai cấp nông dân Pháp lúc bấy giờ chưa hiểu, chưa tin rằng giai cấp vô sản Pháp có thể đem lại được quyền lợi gì cho họ. Vả lại, ở Pháp lúc đó chưa có một đảng mác-xít thống nhất lãnh đạo, mà mới chỉ có một số người thuộc chi bộ Quốc tế (đa số thuộc phái Pơruđông).

Trong cuốn "Hai sách lược của Đảng xã hội dân chủ", Lênin cũng phê phán những người lãnh đạo Công xã Pari là còn lẫn lộn giữa cách mạng dân chủ tư sản và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong tình thế của Công xã Pari lúc đó, đáng lẽ giai cấp vô sản phải phất cao ngọn cờ dân tộc, lôi kéo giai cấp trung gian, nhất là nông dân, cô lập bọn phản động, tấn công về Vécxây. Chính vì chưa có đường lối liên minh đúng đắn nên mặc dù Công xã đã viết bao nhiêu truyền đơn tung về nông thôn nhưng đều vô hiệu.

Qua đó thấy rằng, không phải bất cứ giai cấp nào, kể cả giai cấp vô sản hễ muốn liên minh với nông dân là lập tức nông dân đi theo một cách tự phát. Liên minh phải có điều kiện, mà điều kiện tiên quyết là giai cấp vô sản phải có khả năng liên minh với các tầng lớp trung gian, hai là phải có một đảng mác xít thống nhất lãnh đạo và phải có chính sách cụ thể đối với nông dân.

Đội tự vệ đỏ ở Hòa Quân - Đông Sớ - Nghệ An trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931. Ảnh tư liệu Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
Tranh vẽ khắc họa Đội tự vệ đỏ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Ảnh tư liệu Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh, chính nhờ giai cấp vô sản Việt Nam đã có đủ khả năng liên minh với nông dân, nhờ Đảng ta có đường lối đúng, đáp ứng được nguyện vọng, quyền lợi của nông dân; mặt khác, nhờ tinh thần yêu nước và cách mạng sẵn có của nông dân nên đã xây dựng được khối liên minh công nông vững chắc.

Thấm nhuần nguyên lý "vấn đề dân tộc thuộc địa thực chất là vấn đề nông dân", ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã đề cao vấn đề nông dân, đã tổ chức và lãnh đạo được hàng chục triệu nông dân cùng với công nhân vùng dậy đấu tranh chống đế quốc và phong kiến. Sự cấu kết giữa đế quốc và phong kiến là đặc trưng của chế độ thuộc địa.

Do đó, mâu thuẫn giữa dân tộc ta với đế quốc xâm lược gắn liền với mâu thuẫn giữa nhân dân ta với chế độ phong kiến, chỗ dựa cho ách thống trị và bóc lột của chủ nghĩa đế quốc. Vì vậy, nhiệm vụ chống đế quốc và nhiệm vụ chống phong kiến không thể tách rời nhau. Cách mạng giải phóng dân tộc nhất thiết phải bao hàm nội dung dân chủ. Nước ta là một nước nông nghiệp, nông dân chiếm hơn 90% số dân. Chủ nghĩa đế quốc dựa vào chế độ phong kiến bóc lột nhân dân ta căn bản là bóc lột nông dân. Vì vậy, giải phóng dân tộc trước hết và căn bản là giải phóng nông dân.

Trong thời kỳ 1930 - 1931, Đảng ta đã đánh vào khâu yếu nhất của chính quyền thực dân phong kiến ở nông thôn, phát động được hàng triệu nông dân đứng lên tranh đấu dưới lá cờ búa liềm của Đảng Cộng sản đội tiền phong của giai cấp công nhân.

Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, hai Đảng bộ Nghệ An và Hà Tĩnh đã biết khai thác mối quan hệ tự nhiên vốn có giữa công nhân Vinh - Bến Thủy và nông dân để phát động quần chúng công nông cùng phối hợp chặt chẽ các cuộc đấu tranh ngay từ ngày mở đầu phong trào.

Trong lò lửa cách mạng, khối liên minh công nông ngày càng trở nên vững chắc, không gì lay chuyển nổi. Tại Nghệ-Tĩnh, hai loại chi bộ cơ bản là chi bộ nhà máy và chi bộ nông thôn, hai tổ chức quần chúng cơ bản là Công hội và Nông hội được xây dựng đồng thời và đi trước một bước, làm cơ sở cho sự lãnh đạo phối hợp đấu tranh giữa phong trào công nhân và trào nông dân.

Trong lãnh đạo đấu tranh, hai Đảng bộ đã có những hình thức và phương pháp kết hợp thích đáng làm cho phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân gắn chặt với nhau thành một trận tuyến thống nhất dưới ngọn cờ Đảng tiên phong của giai cấp công nhân. Trong mỗi cuộc đấu tranh của công nhân vừa có khẩu hiệu đòi quyền lợi cho giai cấp mình, vừa có khẩu hiệu đòi quyền lợi cho nông dân. Hễ công nhân bãi công thì nông dân hưởng ứng; hễ nông dân biểu tình thì công nhân ủng hộ; công nông nương tựa, cưu mang lẫn nhau mỗi khi bị địch đàn áp. Những cuộc bãi công kéo dài của công nhân đều được nông dân quyên tiền,góp lương thực để tiếp sức cho công nhân đấu tranh thắng lợi.

Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tái hiện chế độ lao tù khắc nghiệt đối với các chiến sỹ tham gia cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị bắt giam, tù đày tại Nhà Lao Vinh. Ảnh: Thanh Quỳnh
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tái hiện chế độ lao tù khắc nghiệt đối với các chiến sĩ tham gia cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị bắt giam, tù đày tại Nhà Lao Vinh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Trong phong trào ở nông thôn, các Đảng bộ đã phái những công nhân có năng lực về trực tiếp tổ chức lãnh đạo nông dân đấu tranh. Phong trào công nhân và phong trào nông dân luôn luôn gắn chặt với nhau, tác động thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, hợp thành đạo quân chủ lực của công nông, ngày càng đông về số lượng và càng mạnh về sức chiến đấu. Đó là sự liên minh tự giác, có ý thức, có tổ chức giữa hai giai cấp công nhân và nông dân sự lãnh đạo thống nhất và chặt chẽ của Xứ ủy Trung Kỳ và hai Đảng bộ Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhờ kết hợp nhịp nhàng phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân, hai Đảng bộ đã phát động được đông đảo quần chúng tham gia đấu tranh, đưa phong trào phát triển lên đỉnh cao, dẫn tới sự ra đời của Xô viết Nghệ Tĩnh.

Chính quyền Xô-viết hình thành ở nông thôn, đó là "Xô-viết nông dân" dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội tiền phong của giai cấp công nhân. Có thể nói rằng, Xô viết Nghệ Tĩnh là sản phẩm của khối liên minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Bên cạnh những thành tích to lớn và căn bản đã nêu trên, trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh, Đảng ta đã phạm một số sai lầm thiếu sót như: Chưa nhận thức được đầy đủ sự thống nhất của hai mặt dân tộc và dân chủ trong cách mạng dân tộc dân chủ, có phần xem nhẹ yếu tố dân tộc; do vậy mà ngoài công nhân và nông dân ra, chưa tập hợp được đông đảo các tầng lớp khác. Trong giai cấp công nhân, Đảng chỉ mới chú ý nhiều đến lực lượng công nhân công nghiệp, còn đối với công nhân nông nghiệp (công nhân đồn điền) thì chưa được quan tâm thích đáng. Trong việc kết hợp hai phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân, các Đảng bộ đã có ưu điểm trong thời gian đầu, nhưng về sau, khi phong trào nông dân đã lên cao thì sự lãnh đạo của các Đảng bộ đã quá thiên về phong trào nông dân, thiếu sự lãnh đạo kết hợp chặt chế như thời điểm đầu phong trào. Đó là những thiếu sót trong bước trưởng thành.

Xây dựng khối liên minh công nông vững chắc là bài học có ý nghĩa chiến lược. Bài học này được Đảng ta giữ vững và phát huy trong mọi thời kỳ cách mạng. Cho đến nay, bài học về liên minh công nông vẫn có ý nghĩa thời sự. Mặc dù đường lối của Đảng là đúng đắn rồi, nhưng nếu chưa vạch ra được chính sách cụ thể và thích hợp đối với nông dân thì vẫn không phát huy được tác dụng của khối liên minh công nông và không củng cố được niềm tin của nông dân vào Đảng và chính quyền.

3 - Trong cách mạng dân tộc dân chủ, cần phát huy cao độ yếu tố dân tộc, thu hút mọi tầng lớp nhân dân vào MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT chống đế quốc và phong kiến, giành độc lập dân tộc.

Cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh có một nhược điểm lớn là chưa xây dựng được Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc. Nhược điểm này có nguyên nhân sâu xa từ đường lối chỉ đạo có xu hướng "tả khuynh" của Quốc tế cộng sản từ những năm 1927 - 1928, chỉ nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, coi nhẹ yếu tố dân tộc, coi nhẹ mặt trận phản đế rộng rãi của cả dân tộc, coi tất cả địa chủ, quan lại, tư sản là kẻ thù của cách mạng giải phóng dân tộc.

Xứ ủy Trung Kỳ, trong đó lực lượng nòng cốt là các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đông Dương Cộng sản Đảng đã trực tiếp chỉ đạo cao trào cách mạng 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh theo xu hướng đó.

Mặc dù từ đầu tháng 2/1930, Chánh cương, sách lược vắn tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra được thông qua trong Hội nghị hợp nhất Đảng đã trở lại với tinh thần đoàn kết rộng rãi cả dân tộc thành mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc Pháp của Tổng bộ Hội Thanh niên thời kỳ đầu, nhưng đường lối đúng đắn đó chưa đủ thời gian cho thực tiễn khẳng định. Một mặt, Chánh cương, sách lược vắn tắt của Đảng từ nước ngoài chuyển về nước trong điều kiện lúc bấy giờ phải sau nhiều tháng mới chuyển đạt được về các cơ sở trong nước. Mặt khác, sự không đồng nhất về đường lối giai cấp của đội ngũ lãnh đạo làm cho tinh thần của Chánh cương, sách lược vắn tắt của Đảng khó mà được thực hiện một cách suôn chảy ở các địa phương.

Đến Hội nghị Trung ương tháng 10/1930, một số vấn đề chiến lược, sách lược đúng đắn đã được vạch ra trong Chánh cương, sách lược vắn tắt lại bị phủ định. Thời điểm ấy, Xô viết Nghệ Tĩnh đã được hình thành, và trong thực tế, khi Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương về đến Nghệ Tĩnh thì phong trào đã bắt đầu đi xuống.

cờ chụp tại bảo tàng xô viết
Lá cờ của Đảng bộ huyện Hưng Nguyên dùng trong buổi lễ truy điệu các liệt sĩ ngày 12/9/1930 được trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Trong Xô viết Nghệ Tĩnh, một thực tế sinh động đã diễn ra ngoài tầm chỉ đạo của các cấp ủy. Đó là, quy luật phát triển tự nhiên, trong thực tế, hình ảnh mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc đã manh nha hình thành. Điều đó đã được chứng minh trong Chỉ thị của Trung ương Thường vụ về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh ngày 18/11/1930. Rõ ràng, thực tiễn của Xô viết Nghệ Tĩnh là chất liệu sống được phản ánh trong chỉ thị đó: "Ở Trung Kỳ thì Nghệ-Tĩnh đã thành một cao trào cách mạng đỏ, mà trong các tầng lớp trên đã phân hóa, có một tụi đã ôm chân đế quốc chặt chẽ phản lại dân tộc, ra làm bang tá, đoàn dũng để giết hại phong trào. Tuy vậy không nhiều, mà ngược lại, các tầng lớp trí thức và một số sĩ phu, một số trung, tiểu địa chủ lại có xu hướng cách mạng rõ ràng. Qua khủng bố trắng dữ dội, họ vẫn cố gắng bám lấy cách mạng và âm thầm ủng hộ cách mạng, nhất là tiểu chủ và phú nông, trung nông hạng trên. Một số nhà nho bần hàn cũng cảm tình với cách mạng...

Trong Nghệ- Tĩnh thì địa chủ và phú nông cùng một số quan lại nhỏ, nói đúng sĩ phu nhỏ trong nông thôn đã phân hóa và một số lớn đã nghiêng về cách mạng. Họ đã tỏ ra phục và trọng Đảng Cộng sản và phong trào công nông. Giai cấp tư sản nhỏ ở Nghệ Tĩnh như buôn bán làm ăn khá giả đều có ý thức xu hướng cách mạng" (theo Văn kiện Đảng tập 2 - 1930, NXB Chính trị quốc gia 1998).

Như vậy là, mặc dù phong trào bị xu hướng "tả" chi phối, nhưng yếu tố dân tộc vẫn trỗi dậy trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh: "Kinh nghiệm của Xô viết Nghệ Tĩnh, trong đó đã bắt đầu thực hiện, tuy ở một phạm vi nhỏ và một mức độ có hạn mặt trận dân tộc thống nhất, cũng là một cống hiến lịch sử, một sự sáng tạo đáng kể. (Nguyễn Khánh Toàn - Mấy bài học về Xô viết Nghệ Tĩnh).

Chúng ta lấy làm tiếc rằng, nếu lúc bấy giờ phong trào không bị xu hướng "tả khuynh" chi phối và có một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi hình thành trên cơ sở công nông liên minh, thu hút được mọi lực lượng yêu nước thì thành quả của Xô viết Nghệ Tĩnh chắc chắn sẽ to lớn hơn nhiều. Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng về thành lập Hội phản đế đồng minh đề ra chậm, trong điều kiện giao thông liên lạc khó khăn lúc bấy giờ, khi chỉ thị về đến Nghệ-Tĩnh thì các vùng Xô-viết đã ở vào tình trạng thoái trào.

Các tổ chức quần chúng nói chung ở Nghệ-Tĩnh và các nơi khác vẫn chỉ có một màu "đỏ": Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Sinh hội đỏ, Cứu tế đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn... nên không thu hút được rộng rãi các tầng lớp nhân dân khác. Trong khi thực hiện các chính sách, thiếu sách lược phân hóa đối với tầng lớp trên. Những thiếu sót đó không những làm hạn chế tính chất sâu rộng, bền vững của phong trào cách mạng mà còn làm cho hình ảnh mặt trận mới được manh nha hình thành chóng tan vỡ, nhất là lúc bị địch khủng bố dữ dội.

Từ kinh nghiệm của Xô viết Nghệ Tĩnh, trong những chặng đường lịch sử tiếp sau, Đảng ta đã hết sức chú trọng việc thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất, đặc biệt là Mặt trận Việt Minh đã phát huy cao độ yếu tố dân tộc, tạo nên động lực to lớn, dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Vấn đề đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất là bài học xuyên suốt mọi thời kỳ cách mạng, kể cả trong thời kỳ đổi mới hiện nay.

4 - Biết sử dụng những hình thức và phương pháp cách mạng thích hợp với từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Để biến đường lối của Đảng thành hiện thực, việc sử dụng hình thức và phương pháp cách mạng thích hợp với điều kiện thực tiễn của phong trào là vấn đề đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật nữa.

Thực tiễn cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh đã chỉ rõ rằng, việc phân biệt hai hình thức và phương pháp đấu tranh khi chưa có và khi có tình thế cách mạng là yêu cầu thiết yếu của phương pháp cách mạng trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền.

Khi chưa có tình thế cách mạng, phương pháp thích hợp nhất là vận động quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực, tùy tình hình cụ thể mà đưa ra những khẩu hiệu "phần ít" như đòi tăng lương, bớt giờ làm, giảm thuế, hoãn nợ... Nếu dùng những hình thức, phương pháp quá cao như vũ trang khởi nghĩa là "tả khuynh", bộc lộ lực lượng để cho kẻ địch đàn áp, tiêu diệt. Nhưng nếu tích lũy lực lượng tập hợp quần chúng chính trị theo cách tổ chức đơn thuần, "tổ chức rồi mới đấu tranh", thì không thể rèn luyện được quần chúng.

Khi có tình thế cách mạng, Đảng phải đưa ra những khẩu hiệu cao hơn như: võ trang công nông, giành chính quyền. Phương pháp đấu tranh thích hợp nhất lúc đó là dùng bạo lực cách mạng với lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng võ trang, tạo nên sức mạnh tổng hợp áp đảo kẻ thù, giành thắng lợi quyết định.

Trong Xô viết Nghệ Tĩnh, các cấp bộ đảng từ Xứ ủy đến cơ sở đã dùng nhiều hình thức rất sinh động, phong phú, đa dạng để phát động quần chúng đấu tranh.

Chỉ nói riêng việc sử dụng phương tiện báo chí, có thể nói, Nghệ-Tĩnh là trung tâm báo chí của cả nước thời kỳ 1930 - 1931. Từ Xứ ủy, Tỉnh ủy, đến các Huyện ủy đều có cơ quan ngôn luận thường xuyên từ đầu đến cuối phong trào. Ngoài báo chí, các vùng Xô viết còn dùng các loại hình tuyên truyền khác như ca dao hò vè, thơ văn, câu đối, điếu văn... phản ánh nhạy bén thực tiễn phong trào để động viên cổ vũ quần chúng đấu tranh.

Những tờ truyền đơn của Đảng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thanh Quỳnh
Những tờ truyền đơn của Đảng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Trong cuộc đối đầu trực diện với kẻ thù, các cấp bộ đảng đã đưa ra được những khẩu hiệu đấu tranh rất cụ thể và thiết thực ở từng nơi, từng lúc, thích hợp với từng giai tầng xã hội.

Về hình thức đấu tranh, các cấp bộ đảng đã hướng dẫn, tổ chức quần chúng đấu tranh từ những hình thức thấp nhất như mít tinh, biểu tình đưa yêu sách đến những hình thức cao hơn như bãi thị, bãi học, bãi công. Giai cấp công nhân Nghệ-Tĩnh đã tận dụng hình thức đấu tranh cao sở trường của mình là bãi công.

Qua các cuộc đấu tranh nhân những dịp kỷ niệm đó, tinh thần quốc tế vô sản trong cán bộ, đảng viên và quần chúng được nâng cao, làm cho cách mạng Việt Nam càng gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng thế giới.

Những hình thức và phương pháp đấu tranh linh hoạt kể trên trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh đã góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng của Đảng ta trong những chặng đường lịch sử tiếp nối.

Thanh Quỳnh (Tổng hợp)