Pháp luật

Những 'bông hồng xanh'của Biên phòng Nghệ An

Khánh Ly 20/10/2024 07:10

Là phái yếu nhưng dù ở vị trí công tác nào, trong hoàn cảnh nào, các nữ quân nhân thuộc Lực lượng BĐBP Nghệ An luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Dấu ấn của những “bông hồng xanh” thể hiện qua nhiều phong trào thi đua làm nổi bật hình ảnh phụ nữ quân đội trí tuệ, bản lĩnh…

TRung tá Bùi Hương Giang (cầm míc ở giữa) trong một tiết mục văn nghệ .Ảnh hải thượng
Các nữ quân nhân biên phòng tham gia biểu diễn văn nghệ. Ảnh: CSCC
Tit phu 2

Lực lượng BĐBP Nghệ An hiện có 62 nữ quân nhân, trong đó, có 21 nữ quân nhân đang làm nhiệm vụ tại các đồn biên phòng trên 2 tuyến biên giới của tỉnh (13 chị đang công tác tại tuyến biên giới Tây Nghệ).

Nhiều chị là “hạt nhân” nòng cốt trong phong trào văn hóa, văn nghệ của đơn vị và là những chiến sĩ tuyên truyền văn hóa đầy đam mê, nhiệt huyết, mang lời ca, tiếng hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới.

nu-quan-nhan-bdbp-nghe-an-tai-hoi-thi-bao-cao-vien-gioi.-anh-hai-thuong(1).jpg
Nữ quân nhân BĐBP Nghệ An tại Hội thi Báo cáo viên giỏi. Ảnh: Hải Thượng

Điển hình như Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Hoàng Thị Kiều Vinh - nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nhôn Mai được bà con yêu mến gọi là “hoạ mi của núi rừng” bởi giọng hát dân ca ví, giặm ngọt ngào.

Vốn có năng khiếu và đam mê ca hát, tốt nghiệp Trường Văn hóa - Nghệ thuật của tỉnh, chị nhập ngũ năm 1995, được phân công vào Đội Tuyên truyền văn hóa (phòng Chính trị BĐBP tỉnh), thường xuyên mang tiếng hát của mình đến vùng sâu, vùng xa phục vụ bộ đội và nhân dân.

Đến tháng 7 năm 2020, Thiếu tá QNCN Hoàng Thị Kiều Vinh chuyển công tác đến Đồn Biên phòng Nhôn Mai, đơn vị được giao quản lý 2 địa bàn Nhôn Mai và Mai Sơn (Tương Dương)– nơi có 21 bản, 1.356 hộ, 6.534 khẩu với 4 thành phần dân tộc (Kinh, Thái, Khơ Mú, Mông) sinh sống.

thieu-ta-qncn-bui-thi-kieu-vinh-o-giua-cung-dong-doi-bieu-dien-van-nghe(1).jpg
Thiếu tá QNCN Hoàng Thị Kiều Vinh (giữa) cùng đồng đội biểu diễn văn nghệ. Ảnh: CSCC

Vượt qua nỗi nhớ nhà, những khó khăn, bỡ ngỡ khi bắt đầu tiếp cận, làm quen với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của đồng bào, chị đã cùng với đồng đội triển khai nhiều hoạt động đồng hành cùng người dân trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM.

Đặc biệt, phát huy năng khiếu ca hát của mình, chị tham gia giảng dạy âm nhạc cho học sinh, bồi dưỡng đội tuyển văn nghệ quần chúng xã Nhôn Mai giành các giải cao như giải Đặc biệt, giải Nhất “Tiếng hát Làng Sen” năm 2022, 2023 cấp huyện; giải Nhì cuộc thi hát dân ca cấp tỉnh...

xuan-bien-phong-am-long-dan-ban-nam-2024-22-do-don-bien-phong-nhon-mai-phoi-hop-voi-cac-nha-hao-tam-to-chuc.-anh-khanh-ly(1).jpg
Thiếu tá QNCN Hoàng Thị Kiều Vinh tặng quà cho người nghèo trong Chương trình " Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản" năm 2024 do Đồn Biên phòng Nhôn Mai phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức. Ảnh: Khánh Ly

Trò chuyện cùng chúng tôi trong căn phòng gọn gàng, ngăn nắp ở Đồn Biên phòng Nhôn Mai, Thiếu tá QNCN Hoàng Thị Kiều Vinh vui vẻ chia sẻ: Ở đơn vị chỉ có tôi và Trung tá QNCN Võ Thị Hà là nữ. Chúng tôi được đồng chí, đồng đội quan tâm, giúp đỡ, được dân bản tin yêu, gia đình động viên nên luôn cảm thấy ấm áp, vững tâm.

thieu-ta-qncn-nguyen-thi-kieu-vinh-hat-trong-chuong-trinh-xuan-bien-phong-am-long-dan-ban(1).jpg
Thiếu tá QNCN Hoàng Thị Kiều Vinh hát trong Chương trình "Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản" năm 2024. Ảnh: Khánh Ly

Là nhân viên Đội Vận động quần chúng, để công tác tuyên truyền đến gần hơn với bà con, Thiếu tá QNCN Hoàng Thị Kiều Vinh đã dày công xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền chính sách pháp luật với nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp thực tế.

Ví như tiểu phẩm “Nỗi buồn lá diêu bông” lấy cảm hứng từ làn điệu Dân ca ví, giặm như một thông điệp, nâng cao nhận thức cho bà con, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số về tình trạng tảo hôn, bình đẳng giới, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…

Gần 4 năm bám trụ nơi địa bàn biên giới, bà con đã coi O Vinh biên phòng như “người của bản”…

trung-ta-qncn-bui-thi-huong-giang.-cscc(1).jpg
Trung tá QNCN Bùi Thị Hương Giang. Ảnh: CSCC

Tương tự, Trung tá QNCN Bùi Thị Hương Giang là bóng hồng hiếm hoi công tác ở Đồn Biên phòng Nậm Càn (Kỳ Sơn). Chị luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, bám trụ địa bàn, tích cực tuyên truyền, vận động người dân, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, quy chế biên giới, vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

hg-8-(1).jpg
Trung tá QNCN Bùi Thị Hương Giang- Đồn Biên phòng Nậm Càn, BĐBP Nghệ An hướng dẫn con nuôi của đơn vị chăm sóc vườn rau. Ảnh: Lê Thạch

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh vùng cao gặp khó khăn trong học trực tuyến, Trung tá QNCN Bùi Thị Hương Giang đã cùng với đồng đội xuống tận các thôn, bản tận tình hướng dẫn, giúp đỡ các em sử dụng tốt các thiết bị để học tập.

Bằng tình thương yêu của người mẹ, chị cũng trực tiếp chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, bảo ban học hành, bày dạy về lối sống, ứng xử cho cháu Lầu Bá Sao (14 tuổi) được Đồn Biên phòng Nhôn Mai nhận nuôi theo Chương trình “Con nuôi biên phòng”.

trung-ta-qncn-bui-thi-huong-giang.-anh-cscc(1).jpg
Trung tá QNCN Bùi Thị Hương Giang. Ảnh: CSCC

Vốn xuất phát từ đội tuyên truyền văn hóa thuộc phòng Chính trị (BĐBP tỉnh), khi về với cơ sở, Trung tá QNCN Bùi Thị Hương Giang trở thành hạt nhân “nòng cốt” trong xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; động viên, giúp đỡ chị em đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua tâm lý tự ti, rào cản, định kiến, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương.

Chúng tôi cũng đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với nữ quân nhân đầu tiên xung phong nhận công tác ở tuyến núi đó là Trung tá QNCN Nguyễn Thị Trần Thanh.

Cách đây gần 6 năm, khi đang làm việc tại Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An, Trung tá QNCN Nguyễn Thị Trần Thanh đã gây ngỡ ngàng cho nhiều người khi viết đơn nhận công tác tại Đồn Biên phòng Môn Sơn (Con Cuông) - địa bàn có 36,5 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Bôlykhămxay (Lào) với hơn 80% là đồng bào dân tộc Thái, còn lại là tộc người Đan Lai và một số ít người Kinh.

trung-ta-nguyen-thi-tran-thanh-luon-quan-tam-den-su-hoc-cua-tre-em-dan-toc-thieu-so(1).jpg
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh luôn quan tâm đến sự học của trẻ em dân tộc thiểu số. Ảnh: CSCC

Là nhân viên Đội Vận động quần chúng, Trung tá QNCN Nguyễn Thị Trần Thanh đã chủ động tham mưu cho Ðảng ủy, Ban Chỉ huy đồn triển khai nhiều giải pháp giúp dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; đồng thời là “cầu nối” kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp đỡ hộ hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Bản thân chị trực tiếp nhận giúp đỡ 7 hộ, trong đó có 4 hộ người Đan Lai ở xã Môn Sơn phát triển kinh tế hộ qua hình thức hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi; trồng trọt... xây dựng mô hình sinh kế lâu dài.

trung-uy-qncn-nguyen-thi-tran-thanh-huong-dan-chi-em-nguoi-mong-o-ban-pha-lom-xa-tam-hop-tuong-duong-ky-ket-tham-gia-mo-hinh-sinh-ke(1).jpg
Trung tá QNCN Nguyễn Thị Trần Thanh hướng dẫn chị em người Mông ở bản Phá Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương) ký kết tham gia mô hình sinh kế. Ảnh: Lê Thạch

Đầu năm 2024, khi chuyển công tác sang địa bàn xã Tam Hợp (Tương Dương) - nơi có 25,724 km đường biên giới tiếp giáp với huyện Viêng Thoong, tỉnh Bôlykhămxay (Lào), Trung tá QNCN Nguyễn Thị Trần Thanh đặc biệt quan tâm đến công tác củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Chị thường xuyên tư vấn, trao đổi về nghiệp vụ công tác Đảng cho các chi bộ thôn, bản được giao phụ trách.

Đồng thời, tham mưu chỉ huy đơn vị phối hợp hội phụ nữ các địa phương thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 3 Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia” tại bản Bắc Sơn, Nam Sơn và làng Yên, xã Môn Sơn (Con Cuông) và CLB “Phụ nữ với pháp luật” tại bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp (Tương Dương)

trung-ta-nguyen-thi-tran-thanh-trao-doi-voi-chi-em-phu-nu-mong-o-xa-tam-hop-tuongg-duong(1).jpg
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh trao đổi với phụ nữ Mông ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Ảnh: Hải Thượng

Đến thời điểm hiện tại đã có gần 6 năm bám trụ nơi biên giới, dẫu nhiều vất vả, áp lực, nhưng với Trung tá QNCN Nguyễn Thị Trần Thanh “thực tiễn gần dân, bám bản cũng là quãng thời gian để lại cho chị nhiều kỷ niệm khó quên về tình đồng đội, tình quân - dân gắn bó, thủy chung nơi biên giới”.

Tit phu 1

Vượt qua đặc tính nữ giới "chân yếu tay mềm", các nữ quân nhân Bộ đội Biên phòng Nghệ An luôn kiên trì, nỗ lực rèn luyện cùng thi đua với các đồng đội nam hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

pn-4(1).jpg
Nữ quân nhân Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An biểu diễn sử dụng dao găm trong các trường hợp đánh gần, đánh nhiều đối tượng. Ảnh: Lê Thạch

Trong các lễ ra quân huấn luyện hằng năm của lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An, không ít "bóng hồng" của lực lượng biên phòng gây ấn tượng mạnh trong các màn đồng diễn chiến đấu võ thuật với những động tác dứt khoát, điêu luyện, linh hoạt.

Điển hình như màn vận khí công nằm trên chông đập đá của Thượng úy QNCN Hoàng Hoa Mai; biểu diễn côn nhị khúc của Đại úy QNCN Nguyễn Thị Hà, màn múa đao của Thiếu tá QNCN Đặng Thị Minh Khuê…

Các nữ quân nhân Biên phòng Nghệ An cũng giành nhiều thành tích xuất sắc trong các hội thao toàn quân. Điển hình như Trung úy QNCN Nguyễn Thị Trà My (SN 1999)- nữ xạ thủ tài năng đã xuất sắc giành giải Nhì cá nhân nội dung bắn bài 4 súng ngắn K54 nữ tại Hội thao bắn súng quân dụng trong lực lượng Bộ đội Biên phòng năm 2024, khu vực I.

Mặc dù đây là bộ môn đòi hỏi sự bền bỉ cả về thể chất và trí lực. Thế nhưng, Trà My đã chứng tỏ được khả năng vượt trội của mình dù thời gian trong quân ngũ mới chỉ có 2 năm.

Sau đó, Trà My cũng là nữ đại diện duy nhất của lực lượng Biên phòng được chọn tham gia Hội thao bắn súng quân dụng toàn quân (gồm lực lượng biên phòng, hải quân, lục quân, phòng không - không quân, cảnh sát biển…) năm 2024 và xuất sắc giành giải Ba.

trung-uy-qncn-nguyen-thi-tra-my.-anh-thanh-quynh(1).jpg
Trung úy ́ QNCN Nguyễn Thị Trà My. Ảnh: Thanh Quỳnh

Thiếu tá QNCN Đặng Thị Minh Khuê – Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh cho biết: Thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng của đơn vị, các nữ quân nhân biên phòng luôn cố gắng rèn luyện phấn đấu đạt các tiêu chí người phụ nữ quân đội thời kỳ mới “Trí tuệ, bản lĩnh, kỷ cương, nhân ái”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 2024, nhiều chị em có thành tích xuất sắc trong tham gia hội thao quốc phòng các cấp. Riêng cấp Bộ Tư lệnh biên phòng, ngoài giải Nhì môn bắn súng quân dụng của Trung uý QNCN Nguyễn Thị Trà My còn có Thiếu úy QNCN Lê Thanh Huyền giành giải Nhất, Trung úy Lê Thị Hạnh Trang giành giải Nhì môn võ chiến đấu tay không.

Bên cạnh đó, tại Hội thi cán bộ, hội viên phụ nữ giỏi do Bộ Tư lệnh Biên phòng tổ chức, Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh Nghệ An xuất sắc đạt giải A.

Nhận xét về những “bông hồng xanh” trong lực lượng, Thượng tá Nguyễn Ngọc Cẩm - Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Nghệ An cho biết: Thời gian qua, Hội Phụ nữ BĐBP Nghệ An đã thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua “Phụ nữ BĐBP trí tuệ - bản lĩnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và các mô hình “Nữ chiến sĩ tuyên truyền văn hóa giỏi”, “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia”, “Phụ nữ khỏe để bảo vệ Tổ quốc”; “ Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"...

Qua đó, góp phần làm sáng đẹp hình ảnh nữ quân nhân biên phòng “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

hoi-phu-nu-bdbp-nghe-an-phoi-hop-voi-hoi-lhpn-nghe-an-to-chuc-chuong-trinh-dong-hanh-cung-phu-nu-bien-cuong.-anh-le-thach(1).jpg
Hội phụ nữ BĐBP Nghệ An phối hợp với Hội LHPN Nghệ An tổ chức chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Ảnh: Lê Thạch

Tại Đại hội Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2019 - 2024 của BĐBP Nghệ An, có 3 nữ quân nhân tiêu biểu được biểu dương, tôn vinh; Trung tá QNCN Nguyễn Thị Trần Thanh - Đồn Biên phòng Tam Hợp vinh dự là 1 trong 197 đại biểu người uy tín tiêu biểu cả nước được tôn vinh trong Chương trình “Điểm tựa của bản làng” do Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức trong năm 2024…

cac-nu-quan-nhan-du-dai-hoi-thi-dua-quyet-thang-giai-doan-2019-2024-cua-bdbp-nghe-an.-anh-le-thach(1).jpg
Các nữ quân nhân dự Đại hội Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2019 - 2024 của BĐBP Nghệ An. Ảnh: Lê Thạch

Khánh Ly