Khó trong thực hiện nhà ở dân cư đạt chuẩn '3 cứng' ở Nghệ An
Tiêu chí số 09 của Bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 vẫn là thử thách ở miền núi Nghệ An nói riêng.
Những "ngôi làng biệt thự"
Về xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt ở vùng đất có nhiều khó khăn trước đây. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa khang trang, sạch, đẹp, những hàng cây xanh thắm rợp bóng cờ. Điều gây ấn tượng nhất là những dãy nhà cao tầng mọc lên san sát. Có được thành quả này là nhờ sự chăm chỉ, năng động trong làm ăn của người dân nơi đây. Nhiều con em địa phương đã tích cực đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động, gửi kiều hối góp sức phát triển quê hương giàu mạnh.
Gia đình ông Phạm Văn Tương ở xóm Đồng, xã Nghi Vạn là một trong những hộ dân tại địa phương có con em đi làm ăn ở nước ngoài. Căn nhà khang trang 4 tầng cũng nhờ nguồn thu nhập này, sừng sững mọc lên giữa xóm làng.
Ông Tương cho biết: Tôi có 6 người con hiện đều làm việc tại nước ngoài, bên cạnh phát triển kinh tế của gia đình, các vấn đề xã hội hóa, góp sức xây dựng quê hương luôn được tôi dạy bảo các cháu. Mỗi khi xã, xóm huy động nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, mở rộng đường làng, nâng cấp hạ tầng… tôi luôn tiên phong ủng hộ và tuyên truyền cho bà con lối xóm cùng chung tay thực hiện.
Ông Phan Công Văn - Chủ tịch UBND xã Nghi Vạn cho biết: Năm 2024, Đảng bộ và nhân dân xã Nghi Vạn tập trung hoàn thiện các tiêu chí để về đích nông thôn mới nâng cao, trong đó tiêu chí 09 - "nhà ở dân cư" là cơ sở quan trọng để đánh giá sự đổi thay về đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Qua rà soát, tỷ lệ nhà ở dân cư trên địa bàn xã đạt 100% quy chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng. Không có nhà tranh tre, dột nát, tạm bợ. Nhờ kinh tế phát triển mạnh, người dân đi xuất khẩu lao động nhiều (khoảng 1.500 người), những căn nhà mọc lên ngày càng nhiều, không những kiên cố mà còn có cấu trúc đẹp, hiện đại với nhiều phong cách thiết kế.
Xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu cũng là một trong những "xã biệt thự" tại Nghệ An. Theo thống kê, hiện số lao động làm việc ở nước ngoài ước tính khoảng 1.300 – 1.500 người, chủ yếu là các nước như Mỹ, Đức, Anh, Canada, Nhật Bản…
Ông Nguyễn Mạnh Hổ - Chủ tịch UBND xã Diễn Hạnh cho biết: Hầu hết các xóm trên địa bàn đều có con em đi làm ăn xa. Đời sống nhân dân ngày càng khấm khá, bộ mặt xã vùng nông thôn có sự thay đổi toàn diện. Người dân đều chung sức, đồng lòng đối với các hoạt động xây dựng NTM, là tiền đề để xã phấn đấu về đích NTM nâng cao trong năm 2024.
Còn xã Hồng Thành, huyện Yên Thành hiện có 1.700 hộ dân thì ước tính có đến 400 hộ có nhà 2 tầng khang trang trở lên, tập trung tại các xóm Lạc Thiện, Đông Yên… Phong trào xây dựng NTM tại xã Hồng Thành là điểm sáng trên địa bàn huyện Yên Thành khi năm 2015 xã về đích NTM, năm 2022 về đích xã NTM nâng cao, đều đứng trong tốp đầu của tỉnh, huyện. Tiêu chí số 09 về nhà ở dân cư được xã Hồng Thành giữ vững trong nhiều năm, trên địa bàn không có nhà tranh, tre dột nát, tạm bợ.
Hiện nay, rất nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà cao tầng khang trang, rộng rãi. Các xã này đều đã hoàn thành về đích chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao và tiêu chí nhà ở dân cư được thực hiện tốt. Có thể kể đến như xã Diễn Tháp (Diễn Châu); các xã Đô Thành, Sơn Thành (Yên Thành); xã Nghi Thái (Nghi Lộc)...
Khó khăn ở các huyện miền núi
Thực tế cho thấy, việc xây dựng nhà ở khang trang, kiên cố có thể dễ dàng thực hiện ở các xã miền xuôi khi điều kiện tài chính cho phép. Tuy nhiên, đối với các xã vùng núi, đặc biệt là ở các địa phương vùng biên thì tiêu chí về nhà ở dân cư vẫn là một thử thách.
Nậm Cắn là xã biên giới của huyện Kỳ Sơn, qua 13 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt của địa phương đã có sự thay đổi. Song những tiêu chí cứng về hộ nghèo, thu nhập của người dân và đặc biệt là nhà ở dân cư được đánh giá là rất khó về đích theo kế hoạch.
Ông Lầu Bá Chày – Chủ tịch UBND xã cho biết: Mục tiêu phấn đấu của địa phương là về đích NTM năm 2025 nhưng rất khó hoàn thành. Người dân địa phương đa số là đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú, đời sống khó khăn, chủ yếu dựa vào nương rẫy. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã khoảng 22,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn 44%, do đó, nhà ở kiên cố theo tiêu chí rất khó thực hiện. Hiện xã vẫn còn hàng trăm hộ dân chưa có nhà ở kiên cố.
Tại huyện Quế Phong đến nay chỉ mới có 1 xã duy nhất về đích NTM là xã Mường Nọc. Các địa phương đều gặp khó khăn, trong đó có tiêu chí về nhà ở dân cư.
Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đối với các xã vùng cao, việc thực hiện tiêu chí nhà ở dân cư gặp khó khăn hơn nhiều so với các xã miền xuôi. Địa hình chủ yếu là đồi núi, dọc sông, suối, tìm được diện tích đất bằng phẳng để xây nhà rất khó. Bên cạnh đó, đời sống người dân vất vả, nguồn lực để xây được nhà ở kiên cố không nhiều; chưa kể tập quán sinh hoạt, cấu trúc nhà ở truyền thống của người đồng bào cũng có nét khác biệt. Do đó, huyện đánh giá đây là một trong những tiêu chí rất khó thực hiện.
"Toàn huyện vẫn còn khoảng 710 hộ dân gặp khó khăn về nhà ở, rải đều ở các xã. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện vẫn còn 34,84%; đây đa phần là những hộ chưa có nhà ở đảm bảo an toàn, kiên cố theo tiêu chí", ông Bùi Văn Hiền cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Qua 13 năm triển khai xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, diện mạo nông thôn Nghệ An đã có nhiều khởi sắc, nhiều vùng quê đã “thay da, đổi thịt”. Nhà ở của người dân nông thôn ngày càng khang trang, đảm bảo tiêu chí số 09, thậm chí còn có nhiều nhà cao tầng mọc lên, xuất hiện nhiều ở các xã đã về đích nông thôn mới trên địa bàn.
Đối với các huyện miền núi cao thì đây là tiêu chí khó, gắn liền với các tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập đầu người. Về lâu dài, các địa phương, ban, ngành cần có thêm các chính sách, tạo sinh kế cho người dân vùng cao, lồng ghép các chương trình để hỗ trợ đồng bào, tăng thu nhập cho người dân, từ đó, bà con mới có nguồn lực để sửa sang, xây dựng nhà ở đảm bảo tiêu chí.
Ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh
Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng về thực hiện tiêu chí nhà ở trong xây dựng nông thôn mới, nhà ở nông thôn phải đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng). Trong đó, nền cứng là nền, móng nhà làm bằng các vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: Vữa xi măng, cát bê tông cốt thép, gạch, đá; Khung cứng là khung làm bằng vật liệu bê tông cốt thép, sắt, thép, tường xây gạch, đá hoặc gỗ bền chắc; Mái cứng là mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói hoặc các loại tấm lợp có chất lượng tốt.
Ngoài ra, nhà ở nông thôn phải đạt diện tích tối thiểu theo quy định: Nhà ở đồng bằng đạt 14m2/người trở lên; Trung du, miền núi 10m2/người trở lên; Đồng thời, diện tích một căn nhà phải đạt tối thiểu 30m2 trở lên và đối với hộ đơn thân đạt 18m2 trở lên.