Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền địa phương trong giai đoạn mới
Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể tham mưu và nòng cốt.
Chính quyền địa phương hoạt động theo “Luật Tổ chức chính quyền địa phương” số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015 và “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương” số 47/2019/QH14 ngày 12/12/2019. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo quy định của luật, các đơn vị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gọi chung là cấp tỉnh; các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương gọi chung là cấp huyện; các xã, phường, thị trấn gọi chung là cấp xã và các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Vì sao chính quyền địa phương phải làm công tác dân vận
Về cơ sở lý luận, V.I. Lênin đã chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội sinh động, sáng tạo là sự nghiệp của bản thân quần chúng nhân dân”(1). Trong bài báo “Dân vận” đăng ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân; Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2). Bác căn dặn: “Các công việc của Chính phủ phải nhằm vào mục đích duy nhất là mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên tất thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”(3). “Nhiệm vụ của chính quyền ta và đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đầy tớ cho dân”(4). Người còn khẳng định: “Chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ”(5).
Trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, cương lĩnh xây dựng đất nước (năm 2013) của Đảng ghi rõ: “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân…, Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện quyền dân chủ đầy đủ với nhân dân…”. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đưa ra quan điểm rất toàn diện và sâu sắc: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể tham mưu và nòng cốt”. Quan điểm này của Đảng đã nêu rõ lãnh đạo công tác dân vận là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, tổ chức thực hiện công tác dân vận là trách nhiệm của chính quyền, vừa tham mưu cho cấp ủy, vừa làm nòng cốt trong vận động, tập hợp nhân dân là trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng còn chỉ rõ: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN…”(6).
Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về công tác dân vận đã được Nhà nước thể chế hóa trong nội dung của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Điều 2): “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân”. Một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp (Điều 17, Điều 24, Điều 31 Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015) cũng ghi rõ: “Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn”.
Về cơ sở thực tiễn, mọi hoạt động của chính quyền đều liên quan đến người dân, nhất là những chương trình, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh,… Ngược lại, mọi quan hệ hành chính của người dân đều gắn với chính quyền, qua các cơ quan của chính quyền giải quyết như khai sinh, làm hộ khẩu, mua bán đất đai, xây dựng nhà ở, thủ tục học hành, xuất ngoại,…
Với cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên chính quyền các cấp, mọi cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền đều phải làm công tác dân vận.
Trách nhiệm công tác dân vận của chính quyền các cấp trong giai đoạn mới
Bộ Chính trị đã ban hành văn bản quan trọng về công tác dân vận, đó là Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021. Điều 14 của Quyết định số 23-QĐ/TW nêu rất cụ thể trách nhiệm của chính quyền các cấp về công tác dân vận như sau:
1. Xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân vận.
Để thực hiện trách nhiệm này, chính quyền các cấp cần làm tốt một số nội dung trọng tâm.
1.1. Chỉ đạo việc tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy Đảng về công tác dân vận trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.
Dân vận là lĩnh vực được Bác Hồ kính yêu và Đảng ta đặc biệt quan tâm nên đã ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo như nghị quyết về phát huy quyền làm chủ của nhân dân; về công tác dân tộc, tôn giáo; về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; về trí thức, giai cấp công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, công đoàn, doanh nhân, người Việt Nam ở nước ngoài,…
1.2. Chỉ đạo tuyên truyền, học tập các văn bản pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân vận trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.
Theo quy định, mỗi công dân đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật liên quan đến công tác dân vận, trong đó, có một số luật tác động rất lớn đến người dân như Luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Bảo hiểm, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở,... Vì thế, chính quyền các cấp cần lựa chọn hình thức, phương pháp sáng tạo để mỗi công chức, viên chức Nhà nước và nhân dân học tập, quán triệt, chuyển nhận thức chấp hành pháp luật.
1.3. Trên cơ sở các Nghị quyết của Đảng, Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, các văn bản pháp luật liên quan đến công tác dân vận, các cơ quan Nhà nước các cấp phải xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện.
Căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương để vận dụng sáng tạo trong xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện. Xem xét cần có cơ chế, chính sách gì thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thì Ủy ban nhân dân phải có văn bản trình Hội đồng nhân dân quyết định. Theo quy định của Trung ương thì hàng năm phải kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, 05 năm tiến hành sơ kết và 10 năm thì tổng kết thực hiện nghị quyết. Các văn bản pháp luật mới ban hành, chính quyền các cấp phải vừa tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân nắm và thường xuyên kiểm tra việc chấp hành. Theo định kỳ phải sơ kết đánh giá kết quả thực hiện. Chương trình hay kế hoạch thực hiện phải cụ thể, tính khả thi cao, phân công trách nhiệm rõ cho các cơ quan Nhà nước cả nội dung và thời gian hoàn thành.
2. Thực hiện cải cách hành chính, công khai, minh bạch chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách, nguồn lực Nhà nước.
Thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt theo luật định. Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin thường xuyên giữa các cơ quan Nhà nước liên quan, giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Chính quyền có trách nhiệm công khai, phổ biến đến mỗi người dân các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cơ chế, chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nguồn lực Nhà nước của tỉnh, thành, huyện, quận. Trước khi phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch, đề án lớn liên quan mật thiết đến đông đảo nhân dân, chính quyền cần tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, nhất là đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học (thông qua hội thảo, tọa đàm, công khai trên các phương tiện truyền thông để nhân dân có thể góp ý, xây dựng). Sau khi các chương trình, dự án lớn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để nhân dân được biết, chấp hành và tham gia giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, chính quyền có trách nhiệm tổ chức, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án quy hoạch, kế hoạch đó,...
3. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, số 10/2022/QH15, ngày 10/11/2022 của Quốc hội và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP, ngày 14/8/2023 của Chính phủ.
Luật có 6 chương, 91 điều cụ thể. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là bước phát triển mới về dân chủ ở nước ta. “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” thay thế các pháp lệnh, nghị định về quy chế dân chủ ở cơ sở đã được ban hành trước đó. Đảng, Chính phủ đã có quy định để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền định kỳ hoặc đột xuất tổ chức tiếp công dân, đối thoại với công dân và chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, những vấn đề bức xúc của nhân dân (như đời sống, việc làm, đền bù giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư, môi trường, an toàn giao thông, ma túy,…) theo quy định của pháp luật. Chính quyền các cấp tùy điều kiện cụ thể của từng vùng, miền để có nhiều hình thức, phương thức tổ chức lấy được nhiều ý kiến tham gia góp ý của các cơ quan, tổ chức (như Mặt trận, các tổ chức chính trị- xã hội, các hội nghề nghiệp,...) và các cá nhân, nhất là chuyên gia, nhà khoa học,… Thực tế ở đâu các cơ quan Nhà nước, nhất là chính quyền thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt việc tiếp công dân, đối thoại với công dân, giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc của công dân theo pháp luật thì ở đó chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với tổ chức Đảng, chính quyền được củng cố, tăng cường.
4. Các cơ quan Nhà nước các cấp quan tâm chỉ đạo nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân, xử lý tham nhũng, tiêu cực, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân theo thẩm quyền.
Đây là một trách nhiệm, nhiệm vụ rất quan trọng của chính quyền các cấp trong thực hiện công tác dân vận. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền các cấp là những người hàng ngày trực tiếp làm việc, giải quyết những quan hệ hành chính giữa chính quyền với dân như hộ tịch, hộ khẩu, đất đai, xây dựng, kiến trúc nhà cửa, nộp thuế, đăng ký sản xuất, kinh doanh, học hành, chữa bệnh, xuất ngoại,… Nếu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được chính quyền các cấp quan tâm giáo dục, rèn luyện đạo đức công vụ tốt thì uy tín của chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp được nâng cao. Tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên là trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp, vì thế nếu chính quyền tổ chức tốt, hiệu quả thì việc thực thi chính sách, pháp luật của các cấp, các ngành, của mỗi công dân được tốt hơn, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống của người dân như quyền tự do, dân chủ, quyền về học tập, nhà ở,… được đảm bảo. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ quan Nhà nước liên quan, chính quyền các cấp đồng thời phải chỉ đạo tích cực công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân theo thẩm quyền, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân đối với chính quyền các cấp.
5. Phối hợp với Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tham mưu, thực hiện công tác dân vận. Định kỳ có chương trình làm việc với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp về tình hình nhân dân và công tác dân vận.
Để làm cơ sở cho sự phối hợp, đầu nhiệm kỳ từng khóa của cấp ủy hoặc khóa ủy ban nhân dân (5 năm), chính quyền cùng cấp nên thảo luận, xây dựng, ký kết chương trình phối hợp công tác dân vận với Ban Dân vận cấp ủy và với Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức thành viên. Căn cứ nội dung chương trình phối hợp để tổ chức thực hiện và hàng năm đều có kiểm điểm, đánh giá kết quả đạt được, chưa làm được, rút kinh nghiệm cho năm sau. Sau 5 năm nên tổ chức tổng kết, đánh giá chặt chẽ từ cơ sở lên và có khen thưởng đơn vị thực hiện tốt, phê bình đơn vị không làm tốt. Định kỳ hàng năm, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm việc trực tiếp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên (nên cuối quý IV hàng năm). Nắm chắc tình hình nhân dân là nhiệm vụ rất quan trọng của từng địa phương, ủy ban nhân dân các cấp cần phân công văn phòng tổng hợp thông tin mà các đơn vị cung cấp, phản ánh để xử lý giải quyết kịp thời, nhất là những bức xúc của nhân dân, những vấn đề dễ xảy ra “điểm nóng”,… (khắc phục tình trạng một số nơi công tác phối hợp thiếu chặt chẽ, hình thức, không hiệu quả).
6. Phân công đồng chí Chủ tịch UBND phụ trách công tác dân vận và chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác dân vận.
Đây là quy định của Bộ Chính trị, vì thế các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp phải chấp hành đầy đủ. Ban Dân vận các cấp đề nghị chính quyền cùng cấp có quyết định phân công cụ thể của Chủ tịch UBND về người lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phụ trách công tác dân vận và báo cáo gửi kịp thời cho thường trực cấp ủy từ đầu nhiệm kỳ (ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đề nghị đều thống nhất phân công cấp trưởng phụ trách công tác dân vận như giám đốc sở, trưởng phòng, ban,…). Ban Dân vận có trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động của các đồng chí phụ trách công tác dân vận để báo cáo, phản ánh cho thường vụ cấp ủy. Hàng năm Ban Dân vận các cấp xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện 6 trách nhiệm công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước. Căn cứ thực tế tình hình của từng địa phương, đơn vị để lựa chọn nội dung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Kế hoạch kiểm tra phải báo cáo với thường trực cấp ủy để được cấp ủy phê duyệt và đưa vào kế hoạch năm. Đề xuất đoàn kiểm tra nên có đại diện các ban xây dựng Đảng, sở hoặc phòng nội vụ do đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận làm trưởng đoàn. Sau kiểm tra đoàn có báo cáo kết quả kịp thời cho Ban Thường vụ cấp ủy để Ban Thường vụ cấp ủy tiếp tục lãnh đạo tốt công tác dân vận của chính quyền trong giai đoạn mới.
(1) - V.I. Lênin toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2006, T35, Tr64.
(2) - Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2011, T6, Tr232.
(3) - Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Sđd, T4, Tr21.
(4) - Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Sđd, T6, Tr432.
(5) - Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Sđd, T7, Tr264.
(6) - Văn kiện ĐH XIII của Đảng, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, T1, Tr96-97.