Quốc tế

Anh và Đức sẽ ký hiệp ước quốc phòng lịch sử

Hoàng Bách 21/10/2024 15:19

Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey ca ngợi đây là thỏa thuận song phương quan trọng nhất kể từ năm 2010, mở đường cho các hoạt động quân sự chung, đảm bảo quân đội đi trước một bước so với bất cứ mối đe dọa nào từ Nga tại châu Âu.

67153fa985f5405fb8677097.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey gặp Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tại Berlin, Đức, vào ngày 24/7/2024. Ảnh: Getty Images

Theo Sunday Times, Anh sẽ ký một thỏa thuận quốc phòng lịch sử với Đức trong tuần này, giúp mở đường cho mối quan hệ quân sự và an ninh chặt chẽ hơn với Liên minh châu Âu.

Hiệp ước dự kiến sẽ tạo điều kiện cho lực lượng Anh và Đức tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung tại khu vực biên giới phía đông của NATO với Nga, có thể là ở Estonia và Litva. Nó cũng sẽ cho phép 2 quốc gia này cùng nhau mua thêm vũ khí và dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ hơn trong việc phát triển và sản xuất thế hệ vũ khí tiếp theo.

John Healey, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của Anh và Đức trong bối cảnh phương Tây đang cố gắng tăng cường sản xuất và bổ sung kho dự trữ sau khi đã quyên góp số vũ khí trị giá hàng chục tỷ bảng Anh cho Ukraine.

Anh đang tìm kiếm một hiệp ước an ninh và quốc phòng quy mô với EU, bao gồm quốc phòng, chia sẻ thông tin tình báo, năng lượng và di cư bất hợp pháp. Một nguồn tin cho biết, hiệp ước với Đức được coi là "những bước đầu tiên", và các cuộc đàm phán quan trọng với Brussels dự kiến sẽ diễn ra vào năm tới.

Trong khi đó, triển vọng về một nhiệm kỳ tổng thống khác của ông Donald Trump, kết hợp với việc Washington ngày càng tập trung vào Trung Quốc và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đã làm dấy lên những câu hỏi đáng kể về cam kết trong tương lai của Mỹ đối với NATO tại châu Âu.

methode-times-prod-web-bin-9c6cfd4c-5709-4a9f-aa40-5c30fc6d6fd2.jpg
Các lực lượng tiến hành các cuộc tập trận của NATO tại Estonia. Ảnh: Sunday Times

Anh, Pháp và Đức — 3 cường quốc quân sự lớn nhất của khu vực — hiện đang thảo luận về cách họ có thể gánh vác thêm trách nhiệm bảo vệ trước điều mà họ cho là mối đe doạ từ Nga.

Phát biểu khi tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài 2 ngày tại Brussels, ông Healey cho rằng thỏa thuận với Berlin sẽ là thỏa thuận song phương quan trọng nhất mà Anh ký kết kể từ thỏa thuận của ông David Cameron với Pháp vào năm 2010. Hiệp ước Lancaster House khi ấy đã cam kết Anh và Pháp hợp tác quân sự chặt chẽ hơn, bao gồm việc thử nghiệm đầu đạn hạt nhân và các hoạt động quân sự chung.

Healey nói: “Nó được coi là thỏa thuận chính sách đối ngoại lớn nhất mà David Cameron đã ký kết khi ông thực hiện thỏa thuận Lancaster House với người Pháp. Ông ấy đã làm điều đó sau 6 tháng kể từ cuộc bầu cử năm 2010. Chúng tôi sẽ ký một thỏa thuận kiểu Lancaster House với người Đức trong vòng 4 tháng sau cuộc bầu cử này”.

Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, Đức đã tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, từ chỗ là một quốc gia tụt hậu của NATO trở thành nước chi tiêu lớn thứ hai của khối, vượt qua Anh.

Vào tháng 2, Đức xác nhận, lần đầu tiên kể từ những năm 1990, khi Chiến tranh Lạnh vẫn đang diễn ra, nước này đã đạt được mục tiêu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng.

Mặc dù các cuộc đàm phán vẫn đang ở giai đoạn cuối cùng, Healey được cho là đã tổ chức các cuộc thảo luận về thỏa thuận này với người đồng cấp Đức, Boris Pistorius, tại cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO. Tháp tùng ông trong chuyến đi có Tướng Gwyn Jenkins, người đứng đầu lực lượng Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh, người đang dẫn dắt các cuộc đàm phán của Anh với Berlin.

Healey cũng tiết lộ rằng các binh sĩ Anh đóng tại Estonia sẽ nhận được đào tạo mới, cùng với việc nâng cấp công nghệ và trang bị máy bay không người lái, nhằm giúp lực lượng Anh sẵn sàng cho các cuộc “chiến đấu”.

Dự án Asgard sẽ cung cấp máy bay không người lái mới cho mọi đơn vị tiền tuyến xuống đến cấp trung đội, cũng như các radio mới và cảm biến tiên tiến, giúp lực lượng Anh phát hiện kẻ thù từ xa hơn, xử lý nhanh chóng và gửi thông tin tới các chỉ huy chiến trường, sau đó tấn công từ xa hơn.

Healey cho biết Asgard sẽ được triển khai vào năm tới, chứng minh rằng một lực lượng nhỏ hơn nhưng linh hoạt hơn và tiến bộ về công nghệ có thể đánh bại một đối thủ thông thường lớn hơn nhiều. “Đó là về việc đưa lực lượng của chúng tôi vượt lên một bước trước so với ông Putin,” ông nói.

Trong hội nghị thượng đỉnh, Anh cũng công bố sẽ hợp tác với Đức, Pháp, Ba Lan và Italy để tạo ra thế hệ tên lửa tầm xa mới của phương Tây nhằm cung cấp cho NATO một biện pháp răn đe mới trước mối đe doạ từ Nga.

Các nguồn tin quốc phòng cho biết các tên lửa sẽ tiên tiến hơn đáng kể so với hệ thống tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh, vốn đã được Ukraine sử dụng tại Crimea và Biển Đen. Chúng sẽ có tầm bắn ít nhất 620 dặm, gấp 4 lần tầm bắn 155 dặm của Storm Shadow.

Anh cũng đã đồng ý tham gia sáng kiến “kim cương” mới, nhằm mục đích “liên kết” các hệ thống phòng không của châu Âu lại với nhau để đảm bảo lục địa này được bảo vệ tốt hơn trước các cuộc tấn công bằng tên lửa. Theo Sunday Times, Nga, Trung Quốc và Iran đang nhanh chóng phát triển các tên lửa đạn đạo tầm xa và siêu thanh, có khả năng tấn công các mục tiêu cách hàng nghìn dặm.

Hoàng Bách