Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Nguyễn Tư Kiên - Chiến sĩ cộng sản kiên trung trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Lê Ngọc Thịnh - Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT 21/10/2024 16:56

Trong cao trào cách mạng 1930-1931, Nguyễn Tư Kiên cùng các đồng chí của mình đã tích cực vận động Nhân dân tham gia đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, rải truyền đơn, rước đuốc, rước đèn,… chống lại áp bức, bóc lột của chính quyền tay sai và tham gia hưởng ứng nhiều cuộc biểu tình trên địa bàn huyện Thanh Chương.

Đồng chí Nguyễn Tư Kiên sinh năm 1895, trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại làng Hòa Quân, tổng Võ Liệt (nay là xã Thanh Hương), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là ông Nguyễn Tạo, thân mẫu là bà Đinh Thị Phút, một người phụ nữ giàu lòng nhân ái, chịu thương, chịu khó, hết lòng chăm lo cho chồng con. Ngay từ nhỏ, với tư chất thông minh, học giỏi, Nguyễn Tư Kiên đã sớm thi đỗ Cử nhân, được phong hàm Cửu phẩm Văn giai, nhưng từ chối không ra làm quan.

Sau khi hoàn thành công cuộc xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã xây dựng bộ máy cai trị, bóc lột tàn bạo, khiến Nhân dân khắp nơi lâm vào cảnh khốn cùng. Nằm trong tình cảnh chung của cả nước, người dân Hòa Quân cũng bị cướp đoạt ruộng đất, chịu cảnh sưu cao, thuế nặng, bắt phu, bắt lính, khiến cho cuộc sống cực khổ trăm bề. Đời sống lầm than đó đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của Nhân dân Hòa Quân, đặc biệt là sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930). Trong những năm tháng sục sôi đó, Nguyễn Tư Kiên vừa dạy học, vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo, vừa tham gia vào phong trào đấu tranh của Nhân dân địa phương và sớm giác ngộ cách mạng, đi theo ngọn cờ lãnh đạo của Đảng.

Tranh vẽ khắc họa Đội tự vệ đỏ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Ảnh tư liệu Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
Tranh vẽ khắc họa Đội tự vệ đỏ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Ảnh tư liệu Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Ngay sau khi ra đời (ngày 20/3/1930), Huyện ủy Thanh Chương đã coi công tác xây dựng Đảng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng là nhiệm vụ hàng đầu. Với nhiệm vụ phát triển cơ sở cách mạng và tổ chức cơ sở Đảng, những đường dây liên lạc bí mật của Huyện bộ đã về chắp nối liên lạc với những quần chúng ưu tú tại Hòa Quân và lựa chọn những hạt giống đỏ để chuẩn bị cho việc thành lập tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có Nguyễn Tư Kiên, Nguyễn Tư Vạn, Đậu Đình Lĩnh, Nguyễn Thị Sen (con gái Nguyễn Tư Kiên). Trong giai đoạn 1930-1931 và 1939-1945, nhà của đồng chí Nguyễn Tư Kiên trở thành cơ sở hoạt động, nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng bí mật và cất giữ vũ khí, tiếp tế lương thực, thuốc men [1]. Vợ của đồng chí Nguyễn Tư Kiên là bà Trần Thị Ngạn, một quần chúng trung thành của Đảng, là người trực tiếp nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực cho tổ chức Đảng hoạt động.

Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và các chi bộ Đảng, các sự kiện cách mạng đã diễn ra liên tục ở Thanh Chương, kéo dài suốt từ tháng 3 đến tháng 7/1930, trong đó, có sự tham gia tích cực của Nguyễn Tư Kiên, Nguyễn Tư Vạn, Đậu Đình Lĩnh [2]… Nguyễn Tư Kiên cùng các đồng chí của mình đã tích cực vận động Nhân dân tham gia đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, rải truyền đơn, rước đuốc, rước đèn,… chống lại áp bức, bóc lột của chính quyền tay sai và tham gia hưởng ứng nhiều cuộc biểu tình trên địa bàn huyện. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Tư Kiên cùng với Nguyễn Hữu Viện qua những buổi dạy học đã tổ chức cho học sinh đọc sách, báo, kể chuyện về cuộc cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc, cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Cộng sản mỗi tháng 1 lần tại đình Hòa Quân, tổ chức rước đèn và tham dự cuộc biểu tình ở huyện ngày 5/5/1930.

Thực hiện chủ trương của Huyện bộ, ngày 15/7/1930, Nguyễn Tư Kiên, Nguyễn Hữu Viện, Nguyễn Tư Vạn đã dẫn đầu, chỉ đạo Nhân dân Hòa Quân kéo về huyện đường tham gia cuộc biểu tình. Tuy nhiên, do thông tin bị lộ nên cuộc biểu tình nhanh chóng bị dập tắt.

Sau một thời gian hoạt động sôi nổi và tích cực, đầu tháng 8/1930, đồng chí Nguyễn Tư Kiên vinh dự được kết nạp vào Đảng. Cũng đầu tháng 8/1930, tại nhà thờ họ Nguyễn Tư (nhà của đồng chí Nguyễn Tư Kiên), dưới sự chủ trì của Huyện ủy Thanh Chương, Chi bộ Đảng Hòa Quân được thành lập, mang bí danh HQ. Chi bộ gồm 8 đảng viên: Đồng chí Nguyễn Tư Vạn (Bí thư), đồng chí Nguyễn Tư Kiên (Phó Bí thư) và các đồng chí Đậu Đình Lĩnh, Đinh Văn Tiệm, Lê Như Mỹ, Nguyễn Xuân Phớn, Nguyễn Hữu Viện và Nguyễn Thị Sen (con gái đồng chí Nguyễn Tư Kiên) [3].

Sự ra đời Chi bộ Đảng Hòa Quân là bước ngoặt quan trọng, mở ra trang mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân Hòa Quân, từ đây phong trào đấu tranh chống áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến ở Hòa Quân đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng. Phạm vi hoạt động của chi bộ gồm: Hòa Quân, Thanh Khiết và Đồng Hòa.

Trên cương vị Phó Bí thư Chi bộ, đồng chí Nguyễn Tư Kiên đã cùng chi bộ lãnh đạo tổ chức nhiều cuộc biểu tình, vận động quần chúng đấu tranh, huấn luyện cán bộ cho Đảng. Tiêu biểu là ngày 10/8/1930, đồng chí Nguyễn Tư Kiên cùng với đồng chí Nguyễn Tư Vạn và chi bộ đã lãnh đạo quần chúng biểu tình phá Đồn Kiểm lâm Hòa Quân, giải thoát cho một số cán bộ, quần chúng bị bắt giữ vì tội khai thác gỗ trái phép, sau đó, tiếp tục phá đồn điền ở Đồng Hòa, giành lại một số ruộng đất cho Nhân dân.

Tiếp đó, ngày 15/8/1930, đồng chí Nguyễn Tư Kiên cùng với Chi bộ Đảng Hòa Quân vận động trên 60 quần chúng tham gia biểu tình tại đồn Thanh Quả chống bắt người, cướp của. Ngày 20/8/1930, đồng chí Nguyễn Tư Kiên cùng Chi bộ Đảng đã huy động 110 người có đầy đủ giáo mác, gậy gộc biểu tình thị uy theo lệnh của Tổng bộ, đi qua các làng: Đồng Du, Thanh La (Thanh Lĩnh ngày nay), gây tiếng vang lớn. Phong trào đấu tranh trong xã ngày càng lên cao.

Trước sức mạnh của quần chúng cách mạng ở Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp cấu kết với chính phủ phong kiến Nam Triều thực hiện nhiều âm mưu đàn áp. Nhân dân Hòa Quân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chi bộ Đảng đã đoàn kết bảo vệ cán bộ, đảng viên, không chịu dẫn đường cho địch lùng bắt cán bộ, ra sức đấu tranh bảo vệ phong trào.

Đến cuối tháng 8/1930, để đối phó với âm mưu của địch, Huyện ủy Thanh Chương quyết định tổ chức cuộc tổng biểu tình toàn huyện vào ngày 1/9/1930. Huyện ủy đã phân công cán bộ về cơ sở tổ chức họp các chi bộ triển khai nhiệm vụ. Chi bộ Đảng Hòa Quân được Huyện ủy giao nhiệm vụ tổ chức thuyền bè, phương tiện cho lực lượng biểu tình các làng, xã đi qua vượt sông Trai, khe Mọ, đồng thời, huy động quần chúng trên địa bàn tham gia đoàn biểu tình.

Quần chúng nhân dân Hòa Quân, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Tư Vạn - Bí thư Chi bộ, đồng chí Nguyễn Tư Kiên - Phó Bí thư Chi bộ, đã tích cực tham gia đoàn biểu tình. Đêm 31/8/1930, trống Hòa Quân đã được đưa lên trên đỉnh núi Sừng Bò để chờ lệnh. Tự vệ các làng trong xã Hòa Quân chốt chặn mọi ngả đường, cắt đứt đường chi viện của địch về Thanh Chương.

Lực lượng Nông hội đỏ chốt các ngả đường, bảo vệ và dẫn đường cuộc biểu tình đi qua. 1 giờ sáng, ngày 1/9/1930, đúng theo kế hoạch từ trước, khi tiếng trống lệnh tiếp nối nhau vang lên trên các đỉnh núi cao của tổng Xuân Lâm, trên núi Tiến, xã Võ Liệt, rú Nguộc, xã Ngọc Sơn thì tại xã Hòa Quân, tiếng trống gióng lên cùng tiếng chiêng, mõ tre và tiếng hò reo của Nhân dân vang lên trên đỉnh Sừng Bò tiến về Huyện đường thôi thúc Nhân dân tham gia biểu tình. Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi. Chính quyền địch tan rã, thay vào đó là sự hình thành chính quyền Xô viết.

Cuộc biểu tình ở Thanh Chương được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 - 1931 trong toàn quốc.

Nhân đà thắng lợi, Chi bộ Hòa Quân dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Tư Vạn và đồng chí Nguyễn Tư Kiên, đã tổ chức quần chúng Nhân dân tuần hành thị uy, đào mương chống hạn, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, trấn áp bọn hào lý ở địa phương. Sau khi chính quyền địch tan rã, Chi bộ thành lập các tổ chức Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Hội Phụ nữ giải phóng, tiến hành tịch thu ruộng đất công, tiền lúa công của làng, xã mà bọn địa chủ, hào lý đã chiếm dụng, xóa bỏ sưu thuế, giảm tô chính, bỏ tô phụ, bài trừ nợ cao, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, nạn rượu chè, cờ bạc được ngăn cấm triệt để.

Ngày 12/9/1930, thực hiện chủ trương của Huyện ủy, Chi bộ Hòa Quân dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Nguyễn Tư Vạn, Nguyễn Tư Kiên, đã lãnh đạo quần chúng tham gia mít tinh, biểu tình, phản đối chính sách khủng bố của Pháp tại chợ Phuống, tổng Võ Liệt, truy điệu 3 quần chúng hy sinh tại cuộc biểu tình ngày 1/9/1930. Ngày 29/9/1930, Chi bộ tổ chức làm lễ truy điệu những người hy sinh trong cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 của huyện Hưng Nguyên tại đình Hòa Quân.

Ngày 25/10/1930, đồng chí Nguyễn Tư Kiên trên cương vị Phó Bí thư đã cùng Chi bộ Hòa Quân huy động hơn 300 người tham gia đấu tranh đòi quan lại, hào lý trả lại tiền nghĩa thương, xóa bỏ nợ công, lấy lại công điền, công thổ chia cho dân cày nghèo. Kết quả là bọn hào lý đã buộc phải trả lại 300 quan tiền nghĩa thương, tuyên bố thủ tiêu 400 quan tiền lãi của hội tế thánh và tế thần, xóa bỏ nợ lãi của địa chủ, phú nông, bỏ địa tô, đồng thời, đốt hết sổ sách ở trong tay hào lý. Tiếp nối thành công, Chi bộ Hòa Quân chủ trương giao cho Nông hội đỏ đảm nhiệm cuộc đấu tranh tịch thu 500 hộc lúa của địa chủ chia cho dân nghèo vào ngày 2/12/1930.

Cuối tháng 12/1930, Chi bộ chỉ đạo thành lập Hội Cứu tế đỏ, đồng chí Nguyễn Tư Kiên được cử làm Trưởng ban. Hội cứu tế tập hợp tất cả các tầng lớp phú - trí - địa - hào và mọi lứa tuổi đang ở ngoài các tổ chức nông hội, thanh niên, phụ nữ nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân học chữ Quốc ngữ. Đồng chí Nguyễn Tư Kiên đã tích cực vận động kết nạp hội viên, đến tháng 1/1931 đã kết nạp được 30 hội viên. Mỗi thôn bộ có 1 tổ trưởng cứu tế là người của Nông hội đỏ. Hội đã vận động mỗi nông hội 10 tranh tro và 1 nắm lạt để lợp nhiều căn nhà bị dột nát, như nhà ông Nguyễn Xuân Tâm, Trần Văn Vinh, Trần Văn Kính,… Riêng nhà ông Nguyễn Văn Đệ và ông Nguyễn Quốc Hạ bị địch phá nát nhà, hội đã làm cho mỗi gia đình 2 gian nhà khang trang hơn trước.

Hoạt động của đồng chí Nguyễn Tư Kiên và những người cộng sản ở Hòa Quân làm cho bọn thực dân Pháp và chính quyền tay sai trong vùng lo sợ. Đầu năm 1931, Lý trưởng Phan Bá Uyên cùng với tên Chánh đoàn Lê Bá Dũng, Phó lý Nguyễn Tư Đôn, Hương kiểm Nguyễn Tư Phong, đưa binh lính Tây đồn Đại Định về đàn áp, đồng thời, tăng cường thêm lực lượng đoàn phu. Chúng ngấm ngầm tung mật thám dò la, tìm hiểu những đối tượng tích cực, có vai trò quan trọng trong các tổ chức cộng sản để chuẩn bị kế hoạch đàn áp, truy bắt các đảng viên cộng sản và quần chúng cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Tư Kiên cùng các đồng chí của mình bị địch truy lùng ráo riết [4]. Chúng đốt phá nhà các đồng chí: Nguyễn Tư Kiên, Nguyễn Tư Vạn, Nguyễn Hữu Viện, Nguyễn Xuân Phớn,… Trong một lần đàn áp, vây ráp, chúng bắt được các đồng chí Đậu Đình Lĩnh, Lê Bá Tuấn, Nguyễn Xuân Nhuyện,… Các đồng chí Nguyễn Tư Vạn, Nguyễn Tư Kiên, Nguyễn Hữu Viện, Phan Doãn Dứa, Nguyễn Quốc Hạ,… may mắn trốn thoát khỏi vòng vây của địch và rút vào rừng Mãn Tác hoạt động bí mật.

Những hành động tàn bạo của địch đã gây cho Chi bộ Hòa Quân nhiều tổn thất, hoạt động khó khăn. Các đồng chí trong chi bộ vẫn vững vàng, tìm cách đấu tranh chống khủng bố. Ban ngày, các đồng chí làm việc trong rừng sâu, ban đêm trở về làng rải truyền đơn, khẩu hiệu tuyên truyền, nhằm duy trì và nâng cao khí thế đấu tranh của quần chúng Nhân dân, đồng thời, tiếp nhận lương thực duy trì hoạt động. Tuy nhiên, những hoạt động này khó qua được mắt địch. Chúng ra lệnh thiết quân luật, làm chòi canh gác, chặn bắt cán bộ, đảng viên đêm về làng rải truyền đơn, tiếp nhận lương thực. Phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống.

Để hỗ trợ hoạt động cho Chi bộ Đảng ở Hòa Quân, Huyện bộ Thanh Chương chủ trương phát động quần chúng biểu tình thị uy, bắt và kết án những tên hào lý. Nhờ vậy, nhiều đồng chí như Nguyễn Tư Kiên, Nguyễn Tư Vạn, Nguyễn Hữu Viện,... được trở về hoạt động gây dựng lại phong trào. Các đồng chí đã ra Thanh Nha tìm Tổng bộ, bàn kế hoạch khôi phục lại địa bàn Ngọc Lâm (Thanh An), đồng thời, lấy tự vệ toàn tổng về bắt tên Lý trưởng Ngọc Lâm là Cảnh Kỳ. Khí thế cách mạng tại đây được khôi phục và ngày càng phát triển.

Tháng 4/1931, đồng chí Nguyễn Tư Kiên đã tham gia tích cực cùng Huyện bộ trong kế hoạch tổ chức khôi phục lại địa bàn Hòa Quân. Họ đã lấy Tự vệ Chi bộ Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Tam, Giáp Tứ, chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm được giao nhiệm vụ bắt một số quan lại, hào lý áp bức Nhân dân, gây tổn thất cho phong trào cách mạng. Mờ sáng hôm sau, các nhóm đã bắt được tên Lý trưởng Phan Bá Uyên và Phó đoàn Nguyễn Văn An. Nhóm do đồng chí Nguyễn Tư Vạn phụ trách đã bắt được Phan Bá Tiu, Nguyễn Tư Khai, đem vào rừng xử tử. Sau sự việc này, bọn quan lại còn lại sợ hãi, không dám manh động, các tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng được khôi phục dần.

Đêm 1/5/1931, thực hiện chỉ thị của Huyện bộ, Chi bộ Hòa Quân đã huy động trên 100 người của Hòa Quân, Thanh Khiết dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Tư Vạn, Nguyễn Tư Kiên phối hợp cùng tự vệ trong tổng đi tuần hành, thị uy để bắt bọn hào cường Thanh La, kết quả là 4 tên cường hào gian ác bị tiêu diệt.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ, thực dân Pháp và tay sai đã tăng cường lực lượng, lập thêm nhiều chốt trên địa bàn huyện Thanh Chương, quyết tâm ngăn chặn, đàn áp phong trào cách mạng. Do đó, phong trào cách mạng ngày càng gặp nhiều khó khăn. Cuối tháng 7/1931, bọn địch do tên Bang tá Tổng Nguyễn Tiến Tính (Soạn) cầm đầu, cùng một số lính khố xanh, khố lục và đoàn phu xã Thanh La kéo về làng đóng đồn tại nhà đồng chí Nguyễn Tư Kiên [5]. Chúng lập Chánh, Phó Lý trưởng, ngũ hương, bang tá xã, tộc biểu và đoàn phu, ra sức đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng. Chúng truy nã, lùng bắt, đốt nhà, cướp của, tra tấn không chỉ những người trực tiếp tham gia cách mạng mà ngay cả người thân của họ cũng không tha. Cuộc khủng bố gay gắt của địch đã khiến nhiều gia đình phải bỏ nhà cửa, nương vườn đi lánh nạn. Cán bộ, đảng viên tiếp tục lánh nạn vào rừng Khe Kiêu để hoạt động bí mật.

Những hành động này không qua được mắt địch. Chúng thực hiện thiết quân luật, làm thêm nhiều chòi canh, chặn bắt những cán bộ đêm về làng rải truyền đơn, tiếp nhận lương thực. Phong trào cách mạng Hòa Quân lúc này tạm lắng xuống nhưng quần chúng Nhân dân vẫn tìm cách đem gạo, đem khoai tiếp tế, một lòng bảo vệ cán bộ, bảo vệ quần chúng cách mạng. Sống cảnh màn trời chiếu đất, cán bộ, đảng viên phải chịu đói rét, ốm đau. Đói lấy củ rừng thay cơm, ốm lấy lá rừng thay thuốc.

Trong thời gian ở Khe Kiêu, đồng chí Nguyễn Tư Kiên bị ốm nặng, sức khỏe sa sút. Cán bộ, quần chúng bí mật đưa đồng chí về trong làng để chữa trị, nhưng được ít ngày Bang tá Soạn đã phát hiện và cho vây bắt đồng chí. Chúng tuyên bố đã bắt được tên cộng sản nguy hiểm, biết đồng chí bị bệnh nặng không thể qua khỏi nên không bắt giam đồng chí. Ít ngày sau, đồng chí Nguyễn Tư Kiên hy sinh vào tháng 9/1931.

Ra đi ở độ tuổi 36, độ tuổi thanh niên, khi sự nghiệp đấu tranh cách mạng còn dang dở, nhưng đồng chí Nguyễn Tư Kiên đã có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Dù ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Tư Kiên vẫn luôn là người cộng sản kiên trung, một lòng vì nước, vì dân.

Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng phong trào Xô viết ở Hòa Quân và nhiều nơi khác ở Nghệ An - Hà Tĩnh đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, có ý nghĩa, là cuộc tổng diễn tập cách mạng cho quần chúng, chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám vĩ đại sau này. Chi bộ Đảng Hòa Quân trong thời kỳ 1930 - 1931 được đánh giá là một trong những chi bộ mạnh, chiến đấu kiên cường với giặc Pháp đến cuối cùng của huyện Thanh Chương.

Những đóng góp của đồng chí Nguyễn Tư Kiên đã góp phần dệt nên một Xô viết Thanh Chương hào hùng đi vào lịch sử quê hương, lịch sử dân tộc như một khúc tráng ca bất hủ.

Đồng chí Nguyễn Tư Kiên hy sinh, nhưng tên tuổi và hình ảnh người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân luôn được các thế hệ đời đời ghi nhớ. Con gái của đồng chí là Nguyễn Thị Sen được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng. Con trai của đồng chí Nguyễn Tư Kiên là Nguyễn Tư Xuyến là người chủ trì khôi phục lại Chi bộ Đảng Hòa Quân và bị địch bắt vào năm 1935, đồng thời cũng là người chủ trì lập ra Chấp ủy Việt Minh Hòa Quân năm 1945 và sau đó làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Hòa Quân [6].

Gia đình của đồng chí Nguyễn Tư Kiên được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Bằng có công với nước vì đã nêu cao tinh thần yêu nước, đấu tranh chống đế quốc và bảo vệ cách mạng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Tư Kiên, Đảng và Nhà nước đã công nhận đồng chí là cán bộ tiền khởi nghĩa. Tên tuổi của đồng chí được trang trọng khắc ghi trên văn bia tại Nhà tưởng niệm các Liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 -1931 trong khuôn viên Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, số thứ tự 1011. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Tư Kiên là một tấm gương trung dũng, kiên cường để các thế hệ cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ, con cháu học tập và noi theo.

------

Chú thích:

[1] Theo Bản Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Hương, 1967.

[2] Theo Tỉnh ủy Nghệ An, Nghệ An những tấm gương cộng sản tập 6, Nxb Nghệ An, 2023, tr 204.

[3] Theo Tỉnh ủy Nghệ An, Nghệ An những tấm gương cộng sản tập 6, Nxb Nghệ An, 2023, tr 204.

[4] Theo Tỉnh ủy Nghệ An, Nghệ An những tấm gương cộng sản tập 6, Nxb Nghệ An, 2023, tr 206.

[5] Theo Tỉnh ủy Nghệ An, Nghệ An những tấm gương cộng sản tập 6, Nxb Nghệ An, 2023, tr 209.

[6] Theo Bản Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Hương, 1967.

Lê Ngọc Thịnh - Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT