Xã hội

Nét đẹp nhà cổ vùng quê khoa bảng xứ Nghệ

Huy Thư 21/10/2024 21:28

Làng Trung Cần, xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) không chỉ là vùng quê nổi tiếng với truyền thống khoa bảng, hiếu học, có ngôi đình làng điêu khắc tuyệt đẹp, mà nơi đây còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ đặc sắc.

bna_1(5).jpg
Làng Trung Cần nằm bên bờ sông Lam là làng cổ có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, đặc biệt là truyền thống khoa bảng với những nhân vật nổi tiếng như Tiến sĩ Tống Tất Thắng, Quận công Nguyễn Nhân Mỹ, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đường, Nguyễn Trọng Đương... Hiện nay trong không gian của làng Trung Cần xưa còn lưu giữ nhiều di tích cổ kính như đình, đền, chùa, nhà thờ họ... Ngoài ra còn có hệ thống những ngôi nhà cổ đang được người dân gìn giữ và sử dụng. Ảnh: Huy Thư
bna_2(3).jpg
Cũng như vùng năm Nam, nhà cổ làng Trung Cần thường có từ 3 -5 gian, được xây dựng theo kiểu truyền thống với khung gỗ thấp, lợp ngói vảy, thưng ván...Hiện nay, phần lớn các ngôi nhà cổ có tuổi trên dưới 100 năm đã được người dân tu sửa, tôn tạo như lợp lại ngói hay nâng nền, sơn khung gỗ... Ảnh: Huy Thư
bna_3..jpg
Chỉ một số ít ngôi nhà cổ còn giữ được nguyên bản như nhà bà Nguyễn Thị Thực được xây dựng cùng thời với cầu đường sắt Yên Xuân bắc qua sông Lam những năm Pháp thuộc. Ngôi nhà có 3 gian 2 hồi làm bằng gỗ lim, lợp ngói vảy, cửa ván giật với đường bờ đỉnh nóc đặc trưng. Ảnh: Huy Thư.
bna_4(2).jpg
Trong quá trình tu sửa, tôn tạo, các ngôi nhà cổ ở Trung Cần thường được người dân giữ nguyên kết cấu khung gỗ. Những hộ có điều kiện thường nâng nền, lát lại gạch, phun sơn phần gỗ... đã làm cho các ngôi nhà cổ thêm phần khang trang, đẹp mắt. Ảnh: Huy Thư
bna_5(2).jpg
Bên trong các ngôi nhà cổ, nguyên xưa thường được thưng ván ngăn gian trong, gian ngoài, gian buồng...để tiện bề sinh hoạt. Khi tôn tạo, một số nhà đã dỡ bỏ ván thưng để tạo không gian thông thoáng cho ngôi nhà. Ảnh: Huy Thư
bna_6(2).jpg
Nét khác biệt trong kiến trúc nhà cổ ở Trung Cần là bàn thờ gia tiên có thể được thiết kế phần trên của gian nhà ngoài. Điều này không chỉ làm cho nơi thờ tự thêm phần trang nghiêm mà không gian sinh hoạt gia đình thêm phần rộng rãi, tiết kiệm được diện tích, đặc biệt là gian nhà ngoài. Ảnh: Huy Thư
bna_7(2).jpg
Phía trước các ngôi nhà cổ thường thiết kế cửa ván giật với cửa chính, cửa phụ, hay cửa bàn khoa đóng mở trên địa thu. Để phù hợp với sinh hoạt, một số nhà đã làm cửa kiểu mới hoàn toàn. Trong ảnh: Cửa bàn khoa đóng mở trên địa thu của ngôi nhà cổ 5 gian ở Trung Cần. Ảnh: Huy Thư
bna_8(1).jpg
Những ngôi nhà cổ đang được gìn giữ ở làng Trung Cần chủ yếu làm bằng gỗ lim. Trần (chạn) được thiết kế phù hợp theo từng gian nhà. Gian giữa, trần thường được làm tận mái ngói để tạo không gian rộng mở cho phòng khách. Gian trong có thể cả gian ngoài cùng làm trần thấp có cửa ra vào, vừa ngăn bụi, vừa làm nơi để đồ đạc. Với những gia đình ở ngoài đê sông Lam, trần nhà còn là nơi sinh hoạt những khi lũ lụt, ngập nước. Ảnh: Huy Thư
bna_9(1).jpg
Những ngôi nhà cổ ở làng Trung Cần đang được người dân sử dụng làm nhà ở đã trải qua nhiều đời. Ông Mai Trọng Thư (82 tuổi) cho biết: Ngôi nhà mà gia đình ông đang ở được ông nội xây dựng từ năm 1917, tính đến nay đã có 5 thế hệ sinh sống. Nhà có 3 gian 2 hồi, khung gỗ lim, rui chua khét, trần gỗ đinh hương, dạ hương. Lúc đầu, ngôi nhà có cửa tràng bàn, sau lắp cửa bàn khoa và nâng nền hơn 1,6m. "Thời gian qua, nhiều người đến hỏi mua nhà nhưng gia đình tôi không bán. Chúng tôi xem ngôi nhà là di sản của cha ông để lại cần được gìn giữ, bảo tồn cho con cháu mai sau" - ông Thư chia sẻ. Ảnh: Huy Thư
bna_10(1).jpg
Bà Thái Thị Soa (78 tuổi) vợ ông Mai Trọng Thư cho hay: Cùng với việc gìn giữ ngôi nhà cổ, gia đình bà còn lưu giữ nhiều hiện vật có từ thời xưa như hương án gỗ trắc, liễn cổ...xem đó là trách nhiệm đối với tiền nhân. Ảnh: Huy Thư
bna_11(1).jpg
Trước sân nhà cổ ở làng Trung Cần, nhiều hộ còn lưu giữ bể nước chân quỳ hàng trăm năm tuổi, vật dụng từng dùng để đựng nước sinh hoạt của gia đình. Ông Mai Trọng Hùng - Xóm trưởng xóm Trung Cần, xã Trung Phúc Cường cho biết: Hiện trong xóm có khoảng 15 ngôi nhà tứ trụ trên 100 năm. Các ngôi nhà cổ này đang được người dân địa phương gìn giữ, bảo tồn, góp phần làm nên vẻ đẹp riêng, độc đáo của vùng quê khoa bảng. Ảnh: Huy Thư

Huy Thư