Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Hào khí Xô Viết trên con đường lịch sử

Thanh Quỳnh 21/10/2024 21:41

94 năm đã trôi qua, mỗi khi nhắc tới con đường 12/9 (nay là tỉnh lộ 542C) của mảnh đất Hưng Nguyên, người ta vẫn luôn coi đây là sợi chỉ đỏ được nhuộm đầy máu và khí phách của những người con xứ Nghệ yêu nước trong cuộc biểu tình lịch sử ngày 12/9/1930. Vươn dậy từ đau thương, con đường ấy nay trở thành biểu tượng của sự hồi sinh và ý chí phát huy truyền thống cha ông trong nhịp sống mới.

ảnh con đường 12.9

Lời của quá khứ

Nếu ai đã từng đi qua con đường tỉnh lộ 542C dẫn từ thị trấn Hưng Nguyên về các xã Hưng Tân, Hưng Thông, Long Xá... thì thật khó lòng cưỡng lại vẻ cuốn hút thanh bình của nó. Đã có nhiều người nhận xét rằng, đây là một trong những tỉnh lộ nên thơ nhất của mảnh đất xứ Nghệ, bởi đi dưới hai hàng cây xanh mát, người ta dường như quên đi cái oi nắng của mùa hè bỏng rát.

Con đường được kiến thiết rộng rãi, rải nhựa phẳng phiu lúc dẫn ta đi qua những cánh đồng lúa chín, lúc lại trải qua những dãy nhà kinh doanh dịch vụ sôi động của bà con sinh sống hai bên đường. Vậy nhưng, đó chưa phải là điều đặc biệt nhất của tỉnh lộ này, bởi đây không chỉ là điểm nối giao thông quan trọng của tỉnh, mà còn là con đường in dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của nhân dân ta trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

đường 12.9
Đầu con đường 12/9 là Quảng trường Xô Viết Nghệ Tĩnh, nơi có ngôi mộ chung của 217 liệt sĩ hy sinh trong cuộc biểu tình 12/9/1930. Ảnh: Thanh Quỳnh

Đứng trên con đường ấy, ta tưởng chừng như cảm nhận được hào khí năm nào của những bước chân biểu tình rầm rập vào tháng 9-1930. Phải chăng vì thế, trong tâm thức người dân Hưng Nguyên, tỉnh lộ này còn mang một cái tên khác, con đường 12/9.

Sau quãng đường dài mát rượi, chị Trần Thị Phương Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy cho xe dừng bánh trước một cửa tiệm nhôm kính tấp nập người mua kẻ bán bên cạnh đường. Chị cho biết, con đường lịch sử năm nao nay mang trong mình những khí thế làm ăn đổi mới. Nối tiếp những thôn mạc trù phú là sự sôi động của các mô hình dịch vụ - thương mại.

ảnh con đường 12.9
Con đường 12/9, nay là tỉnh lộ 542C của huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Thanh Quỳnh

Vậy nhưng, sau những sự phát triển ấy, người ta vẫn mãi nhớ về một sáng tinh mơ. Đó là buổi sáng ngày 12/9/1930, quần chúng nhân dân Hưng Nguyên cùng nhau tập kết ở đình Xuân Hòa (nay là xã Long Xá). Mới 3 giờ sáng, từng đoàn người mang theo gậy gộc, giáo mác, dây thừng, cờ đỏ búa liềm, rầm rập đổ về đình Xuân Hòa. Sau đó, đoàn người biểu tình kéo xuống ga Yên Xuân, rồi tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên để đưa yêu sách cho tri phủ.

Chủ trương về cuộc biểu tình được quần chúng khắp nơi nhiệt tình hưởng ứng, nô nức tham gia. Nhiều bó truyền đơn được tung lên trên các toa tàu. Tiếng vỗ tay, tiếng hô khẩu hiệu vang lên như sấm dậy:

- Đả đảo đế quốc Pháp!

- Đánh đổ Nam triều phong kiến!

- Bỏ sưu, giảm thuế, chia ruộng đất cho dân cày nghèo!

Nhận được tin báo, chính quyền thực dân cho quân kéo đến, binh lính bắn lên trời, buộc quần chúng phải giải tán, thế nhưng đoàn người vẫn hàng ngũ chỉnh tề, hùng dũng tiến bước.

Cận cảnh một vài đoạn đường 12/9 và Quảng trường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Clip: Thanh Quỳnh

Khi đoàn đến địa phận ngã ba Thái Lão, máy bay Pháp từ sân bay Vinh bất ngờ nhào đến, chúng vừa bắn liên thanh, vừa ném bom xuống đoàn người. Máu của đồng bào chảy đỏ cả một quãng đường nhưng dòng người vẫn thế tiến lên. Một lúc sau, quân Pháp điều xe chở hàng trăm lính lê dương và lính khố xanh từ Vinh lên. Chúng xối xả bắn vào đoàn biểu tình... hàng trăm người ngã xuống, máu của người dân yêu nước nhuộm đỏ một vùng Thái Lão. Cuộc tàn sát của thực dân Pháp đã giết hại 217 người, làm hàng trăm người khác bị thương; hàng chục chiến sỹ, quần chúng tích cực của ta bị chúng bắt giam. Vụ tàn sát cực kỳ dã man của kẻ thù đã làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế.

Tường thuật cuộc đấu tranh 12/9/1930 của Hưng Nguyên, báo “Người lao khổ” cơ quan của xứ uỷ Trung Kỳ, ra ngày 18/9/1930 viết: “Tin cuộc thảm sát sáng 12/9 ở gần phủ Hưng Nguyên truyền đến, thì tức khắc ngay trong đêm bữa đó, 5.000 anh chị em nông dân Nam Đàn tụ họp biểu tình, sống chết với đế quốc Pháp để bênh vực cho những anh chị em bị hại. Anh chị em phá cầu, triệt đường, rồi đánh trống, phất cờ tiến đến huyện Nam Đàn; ai nấy cũng đều một lòng căm thù đế quốc, tình nguyện đi chết với anh, chị em Hưng Nguyên. Thái độ can đảm, hi sinh lạ thường của anh chị em làm cho bọn chúng phải kinh sợ”.

Từ giữa tháng 9/1930, khắp nơi trong tỉnh đã tổ chức mít tinh, biểu tình, truy điệu những đồng bào đã hi sinh ở Thái Lão trong ngày 12/9.

Mộ các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh ngày 12/9/1930 tại Thái Lão, Hưng Nguyên. Ảnh: Thanh Quỳnh
Mộ các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh ngày 12/9/1930 tại Thái Lão, Hưng Nguyên. Ảnh: Thanh Quỳnh

Cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 tuy bị đàn áp đẫm máu, nhưng là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh to lớn của nông dân và nhân dân lao động huyện Hưng Nguyên, đặc biệt là của giai cấp nông dân, khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nó đã đi vào lịch sử nước nhà như một bản anh hùng ca bất diệt. Nghĩa trang Liệt sĩ Thái Lão (nay là Quảng trường Xô Viết Nghệ Tĩnh) cùng con đường 12/9 (nay là đường 542C) trở thành biểu tượng, tinh thần khí phách của con người Hưng Nguyên.

Hồi sinh sức sống

Giờ đây, trên con đường lịch sử ấy, người ta đã chứng kiến những sự vươn dậy của người dân vùng thị trấn và các xã Hưng Tân, Hưng Thông, Long Xá. Niềm vui lớn đến với xã Hưng Tân khi đây là xã đầu tiên của huyện Hưng Nguyên được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối tháng 12/2023. Trên địa bàn xã đã có hơn 150 gia trại, trang trại chăn nuôi cùng với nhiều mô hình kinh tế hiện đại như: mô hình trồng tỏi công nghệ cao, trồng dưa chuột không giàn trên đất 2 lúa. Bà con nông dân đoàn kết cùng nhau xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao, thương hiệu “Bánh cà quê Hưng Tân” với 1/5 số hộ dân trong xã tham gia; xuất khẩu lao động đưa về cho địa phương hơn 20 tỷ đồng mỗi năm. Những nỗ lực này giúp cho mảnh đất Hưng Tân được nhiều người ví von là "vùng đất đáng sống" với nhiều nét đổi thay tích cực.

Diện tích làm màu của xã Hưng Tân được cơ cấu nhiều cây trồng hàng hó
Diện tích làm màu của xã Hưng Tân được cơ cấu nhiều cây trồng hàng hóa, trong đó có giống dưa chuột "ngồi" có hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đậu Kiều Hoa

Bên cạnh đó, xã Hưng Thông, Long Xá thông qua xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, cán bộ, đảng viên và Nhân dân cùng một ý chí, quyết tâm, đồng thuận đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương khang trang về diện mạo nông thôn, giàu hơn về kinh tế và mạnh hơn về đời sống văn hóa, tinh thần.

Kể từ tháng 9 lịch sử năm nào, những lớp người mới của mảnh đất Hưng Nguyên luôn tiếp nối gìn giữ và bảo vệ thành quả Cách mạng. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới toàn huyện đã đầu tư gần 4.090 tỷ đồng vào xây dựng và phát triển quê hương, trong đó nhân dân đóng góp gần 1.060 tỷ đồng, chiếm 26,5%.

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, những người dân hồn hậu đã đồng lòng hiến tặng hàng nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao. Xuyên suốt chiều dài lịch sử truyền thống hiếu học, trọng chữ, trọng tài luôn được Hưng Nguyên phát huy như dòng chảy không ngừng, thời kỳ nào cũng là một trong những điểm sáng của Nghệ An.

Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh tư liệu Trân Châu
Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh tư liệu Trân Châu

Nếu như năm xưa, Hưng Nguyên chỉ có ruộng đồng, công xưởng, thì nay, ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của vùng đất này cũng đã có bước phát triển đột phá, thu hút hàng nghìn lao động và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thương mại và dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đưa giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 ước đạt 4.710 tỷ đồng.

Hưng Nguyên hôm nay đang tạo ra thế và lực mới và chuyển mình đón những cơ hội mới khi khu công nghiệp VSIP Nghệ An được đầu tư trên vùng đất Hưng Nguyên đã và đang thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên quê Xô Viết anh hùng.

362892441_613588507594455_7162287117982205956_n.jpg
Tiếp bước truyền thống của cha ông, tuổi trẻ Hưng Nguyên luôn nỗ lực khẳng định mình trong phát triển kinh tế và xây dựng cộng đồng, xã hội. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Thấm nhuần phương châm “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”, trong những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch và vững mạnh trong tình hình mới.

Trên những chặng đường phát triển hôm nay, đất - người Hưng Nguyên vẫn như vang vọng lời "Bài ca cách mạng" của đồng chí Đặng Chánh Kỷ năm nào: “… Non nước cũ, tay liền kéo lại/ Nòi giống ta tới cõi vinh quang/Dầu ai liều giữa chiến trường/Rồi đây bia đá tượng vàng nghìn thu…!”

Thanh Quỳnh