Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Hiệu Yên Xuân - nơi ươm mầm những ‘hạt giống đỏ’

Công Kiên 22/10/2024 08:35

Về Lĩnh Sơn (Anh Sơn), chúng tôi tìm đến một ngôi nhà gỗ 2 tầng đã nhuốm màu thời gian nằm giữa làng Dương Xuân, đó chính là Di tích Hiệu Yên Xuân. Đây là điểm thành lập và hoạt động của nhóm Tâm giao, rồi Ái hữu và sau này là Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội và Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên của huyện Anh Sơn.

Trong những năm tháng dưới gông cùm nô lệ của chế độ thực dân – phong kiến, ngay từ năm 1922, ở Yên Xuân có một số người sớm giác ngộ và có tư tưởng đấu tranh chống lại bọn cường hào và quyết định cùng nhau thành lập nhóm Tâm giao gồm những thanh niên trai trẻ, có học thức, giàu lòng yêu nước. Họ là Văn Bắc, Hoàng Khắc Bạt, Phan Thái Ất, Cao Xuân Ủy, Phan Hoàng Thiềm...

Họ tập hợp nhau lại để tính kế xây dựng lực lượng để cùng cả tỉnh, cả nước đánh đuổi giặc xâm lăng và vận động con em xuất dương du học để trở về phụng sự quê hương, đất nước. Nhóm "Tâm giao" thống nhất mở hiệu thuốc bắc tại nhà ông Phan Hoàng Thân (do ông Hoàng Khắc Bạt chủ trì) nhằm mục đích vừa chữa trị bệnh cho dân nghèo, vừa gây dựng nguồn quỹ để hoạt động. Để có thêm nguồn kinh phí, các thành viên nhóm "Tâm giao" quyết định góp ruộng cày chung.

bna_1(6).jpg
Các em học sinh huyện Anh Sơn tham quan Di tích Hiệu Yên Xuân. Ảnh tư liệu: Nguyễn Quang Dũng

Khi đã gây dựng được một ít quỹ, nhóm tổ chức dựng một ngôi nhà tranh ở vườn cố Quế Thà để bốc thuốc bắc và bán hàng tạp hóa. Nhờ làm ăn theo phương châm “mua ngay, bán thật” nên người dân đến bốc thuốc, mua hàng ngày càng đông, cửa hiệu ngày càng phát đạt.

Ngoài việc giao dịch, mua bán, cửa hàng còn trở thành nơi đàm đạo về thời cuộc, qua đó vận động, giác ngộ tinh thần đấu tranh cho các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, thành viên nhóm "Tâm giao" ngày một tăng lên, từ con số ban đầu chỉ 5-6 người, đến năm 1925 lên tới 42 người và chính thức đổi tên thành Hội Ái hữu.

Lúc này, nhờ có nguồn quỹ đã khá lớn, số hội viên lại đông nên Hội Ái hữu quyết định bí mật mua ngôi nhà 2 tầng bằng gỗ của một quan chức ngành kiểm lâm tại vùng Lãng Điền (nay là xã Đức Sơn). Ngôi nhà được dựng tại khu vực trung tâm làng Dương Xuân và được gia công, tô điểm thêm 6 hình vân ở hai đầu hồi, thượng đỉnh và 4 mái trước hàng hiên tầng trên được đắp nổi 3 hình vạn thiên. Nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà được bố trí câu đối: “Bán mật bán đường không bán nước/ Buôn ngàn buôn vạn chẳng buôn quan”.

Sau khi xây dựng xong, ngôi nhà được các hội viên nhất trí đặt tên là Hiệu Yên Xuân, bởi phần lớn hội viên là người của hai làng Dương Xuân và Yên Lĩnh. Bên ngoài là một cửa hiệu kinh doanh thuốc bắc và các mặt hàng thiết yếu, bên trong của Hiệu Yên Xuân là nơi tuyên truyền, giác ngộ và giáo dục tư tưởng yêu nước, nuôi dưỡng nguồn cán bộ cho cách mạng, đồng thời là địa điểm liên lạc của các phong trào đấu tranh cách mạng trong vùng.

Bên cạnh đó, nhằm phát triển thêm nguồn quỹ và mở rộng địa bàn hoạt động, Hội Ái hữu còn mở mang thêm các hoạt động kinh doanh, sản xuất như dệt vải, may mặc, buôn chè, khai hoang đất đai.

Nhận thấy Hiệu Yên Xuân có thể xây dựng thành một cơ sở cách mạng quan trọng, đồng chí Dương Đình Thúy - một cán bộ của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, đã tìm về đây gặp gỡ, trao đổi với các hội viên và chuyển Hội Ái hữu thành chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội do Phan Thái Ất làm Bí thư.

Mặc dù luôn bị bọn mật thám nhòm ngó, theo dõi một cách ráo riết nhưng tại Hiệu Yên Xuân, các thành viên vẫn tiếp nhận và in ấn, phổ biến được các tài liệu về chủ nghĩa Mác và cả những bài báo, bài hát, bài thơ có nội dung tuyên truyền tư tưởng cách mạng.

Và để thu phục quần chúng nhân dân, Chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội đã đẩy mạnh việc chỉnh đốn thuần phong mỹ tục, vận động mọi người tham gia khai mương, sửa sang đường sá, dựng lại cổng làng, tuyên truyền bài trừ mê tín dị đoan. Việc làm này được nhân dân trong vùng ca ngợi và hưởng ứng một cách tích cực.

Đến tháng 9/1929, Chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Yên Xuân được chuyển thành chi bộ của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng. Đây chính là chi bộ đảng đầu tiên ở Anh Sơn, đồng thời cũng là một trong những chi bộ đầu tiên được thành lập ở vùng nông thôn Nghệ An.

Những hoạt động của chi bộ được đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Trung ương Ủy viên phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ ghi nhận và đánh giá cao. Trên cơ sở hoạt động của các đảng viên Chi bộ Yên Xuân, theo phương châm “vết dầu loang”, phong trào cách mạng đã lan ra khắp vùng và các vùng lân cận.

Thêm nhiều chi bộ ở Anh Sơn được thành lập như: Dương Long, Đa Thọ, Long Điền, Tri Lễ, Yên Lương, Lạng Điền, Khả Phong, Nhân Hậu, Thuận Trung... và cả nhiều chi bộ ở các địa phương khác như Hạnh Lâm (Thanh Chương), Truông Kè (Yên Thành), Hoàng Trường (Diễn Châu).

Sự lớn mạnh và phát triển của chi bộ Yên Xuân đã trở thành nòng cốt của phong trào cách mạng trong toàn vùng. Và sau này, khi các tổ chức Đảng hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Chi bộ Yên Xuân vẫn là trụ cột vững chắc của các phong trào cách mạng, đặc biệt là cao trào 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.

Ngày nay, Hiệu Yên Xuân trở thành điểm đến của các em học sinh xã Lĩnh Sơn và toàn huyện Anh Sơn. Đến đây, tâm hồn các em sẽ được bồi đắp thêm niềm tự về truyền thống, tinh thần đấu tranh cách mạng của cha ông, để mạch nguồn lịch sử - văn hóa ấy không bao giờ vơi cạn./.

Công Kiên