Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Thầy giáo Nguyễn Hữu Viện ở Võ Liệt và những đóng góp tích cực cho cách mạng

Lê Ngọc Thịnh - Phó Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 22/10/2024 16:42

Đồng chí Nguyễn Hữu Viện (bí danh Liên Hồ, Quang Viện), sinh ngày 21/8/1896, tại làng Võ Liệt, tổng Võ Liệt (nay là xã Võ Liệt), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Nguyễn Hữu Viện sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản và quyết định đi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc.

Nguyễn Hữu Viện sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, đông anh em, lại không có ruộng đất. Thân phụ là ông Nguyễn Hữu Chước, từng tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp do cụ Phan Đình Phùng khởi xướng. Thân mẫu là bà Trần Thị Hoạch, làm nghề dệt vải, một người phụ nữ cần cù, chịu thương, chịu khó và hết lòng chăm lo chồng, con.

Dù hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nhưng Nguyễn Hữu Viện vẫn được cha mẹ cho theo học cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Khi học đến lớp Nhì, Trường Pháp - Việt thì cha mất, Nguyễn Hữu Viện phải nghỉ học để phụ giúp gia đình.

Nguyễn Hữu Viện (2)
Đồng chí Nguyễn Hữu Viện.

Năm 1923, với vốn kiến thức đã được học, Nguyễn Hữu Viện lên làng Hòa Quân làm nghề dạy học kiếm sống. Lúc này, bọn thực dân phong kiến, tay sai ngày càng lộng hành, chúng chiếm hết ruộng đất công của làng, đặt ra chế độ sưu cao, thuế nặng; bắt dân canh điếm, quét dọn đình làng, đánh đập người vô cớ, hết sức tàn ác.

Chứng kiến tình cảnh ấy, Nguyễn Hữu Viện đã cùng một số anh em, bạn học như Hoàng Tăng Bính, Hoàng Thuật, Hoàng Thuyết… chọn đình Hòa Quân làm nơi tổ chức đọc các sách, báo tiến bộ cho học sinh nghe, đàm luận thế sự, kể chuyện về cuộc Cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc, Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa Cộng sản,… Cũng chính từ đây, Nguyễn Hữu Viện đã giác ngộ lý tưởng cộng sản và quyết định đi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc.

Tại làng Hòa Quân, Nguyễn Hữu Viện vừa dạy học, vừa cùng với một số anh em người địa phương như Đậu Đình Lĩnh, Nguyễn Tư Vạn, Lê Bá Tuấn, Nguyễn Tư Kiên... vận động nhân dân chống sưu cao, thuế nặng, rải truyền đơn, rước đuốc, rước đèn,…

Ngày 5/5/1930, hòa chung không khí đấu tranh của nhân dân, Nguyễn Hữu Viện đã tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình trên địa bàn huyện Thanh Chương. Trong đó phải kể đến cuộc biểu tình kéo nhau đến phá ty rượu của Tri huyện Phan Thanh Kỷ. Binh lính định kéo ra đàn áp nhưng Phan Thanh Kỷ ngăn lại, đồng thời, hắn nhận yêu sách của nhân dân và hứa sẽ trình lên cấp trên.

Ngày 6/5/1930, Nguyễn Hữu Viện được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau đó, đồng chí được Huyện bộ Thanh Chương giao phụ trách công tác tuyên truyền, xây dựng cơ sở vùng Hòa Quân. Trở về địa phương, đồng chí đã bắt tay ngay vào việc kết nối với những quần chúng ưu tú của Hòa Quân để lên phương án tuyên truyền, vạch rõ tội ác của thực dân, phong kiến và tay sai, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước. Từ đó, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, chống lại sự áp bức, bóc lột của chính quyền tay sai ở địa phương.

Thực hiện chủ trương của Huyện bộ, trong vai trò là cán bộ tuyên truyền của Huyện bộ Thanh Chương, ngày 15/7/1930, đồng chí Nguyễn Hữu Viện cùng Nguyễn Tư Vạn đã dẫn đầu, chỉ đạo nhân dân làng Hòa Quân kéo về huyện đường để tham gia cuộc biểu tình. Tuy nhiên, do thông tin bị lộ nên cuộc biểu tình nhanh chóng bị dập tắt.

Đầu tháng 8 năm 1930, tại nhà thờ họ Nguyễn Tư (nay thuộc xóm 1, xã Thanh Hương), dưới sự chủ trì của Huyện ủy Thanh Chương, Chi bộ đảng Hòa Quân được thành lập, mang bí danh HQ. Chi bộ có 8 đảng viên, gồm các đồng chí: Nguyễn Tư Vạn - Bí thư, Nguyễn Tư Kiên - Phó Bí thư, Đậu Đình Lĩnh, Đinh Văn Tiệm, Lê Như Mỹ, Nguyễn Xuân Phớn, Nguyễn Hữu Viện và Nguyễn Thị Sen. Đồng chí Nguyễn Hữu Viện được giao phụ trách công tác tuyên truyền.

Là một thầy giáo, thông qua các lớp học của mình, đồng chí Nguyễn Hữu Viện đã tích cực lồng ghép các nội dung tuyên truyền, tố cáo tội ác của chính quyền thực dân, phong kiến và tay sai trong các bài giảng, từ đó, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng một cách hiệu quả.

Ngày 10/8/1930, Chi bộ đảng Hòa Quân đã lãnh đạo nhân dân Hòa Quân, Thanh Khiết, Đồng Hòa cùng nhân dân các làng xã xung quanh đồn Thanh Quả tham gia vào cuộc biểu tình để phản đối lính Tây về làng cướp phá.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, sự tham gia tích cực của đồng chí Nguyễn Hữu Viện, phong trào đấu tranh của nhân dân Hòa Quân tiếp tục lên cao. Phát huy khí thế đó, Chi bộ đảng Hòa Quân đã lãnh đạo quần chúng nhân dân tham gia biểu tình cướp huyện đường.

Đêm 31/8/1930, trống của làng Hòa Quân được đưa lên trên đỉnh núi Sừng Bò để chờ lệnh. Tự vệ các làng chốt chặn mọi ngả đường, cắt đứt đường chi viện của địch về huyện Thanh Chương, bảo vệ và dẫn đường cho cuộc biểu tình.

01 giờ sáng ngày 01/9/1930, đúng theo kế hoạch, khi tiếng trống lệnh tiếp nối nhau vang lên, đoàn người rầm rập tiến về phía huyện đường với cờ đỏ búa liềm, giáo mác, gậy gộc,… Khí thế ngút trời khiến binh lính và tay sai ở huyện đường hoảng sợ, nhanh chóng tháo chạy. Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi. Chính quyền địch tan rã, thay vào đó là sự hình thành của chính quyền Xô viết.

Thắng lợi của cuộc biểu tình ngày 01/9/1930 ở Thanh Chương có sự đóng góp của Nguyễn Hữu Viện. Bằng nhiệt huyết của một người cộng sản, đồng chí đã thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng, góp phần tạo nên Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Hoạt động của đồng chí Nguyễn Hữu Viện và những người cộng sản ở Hòa Quân làm bọn thực dân và phản động trong vùng lo sợ. Đầu năm 1931, bất lực trước sức mạnh của quần chúng nhân dân, Lý trưởng Phan Bá Uyên, Chánh đoàn Lê Bá Dũng, Phó Lý Nguyễn Tư Đôn… đã yêu cầu binh lính Tây đồn Đại Định về đàn áp, đồng thời tăng cường thêm lực lượng đoàn phu. Mục tiêu của chúng là lùng bắt những người lãnh đạo, đàn áp gia đình những đảng viên cộng sản và quần chúng cách mạng.

Biết Nguyễn Hữu Viện là một trong những cán bộ cốt cán của Chi bộ Hòa Quân, chúng liệt đồng chí vào loại đối tượng cực kỳ nguy hiểm và sai bọn mật thám lùng sục khắp nơi. Chúng đốt, phá nhà các đồng chí Nguyễn Hữu Viện, Nguyễn Tư Vạn, Nguyễn Tư Kiên,...

Những hành động tàn bạo của địch đã gây cho Chi bộ Hòa Quân nhiều tổn thất, hoạt động khó khăn. Các đồng chí trong chi bộ vẫn vững vàng, bình tĩnh, tìm cách đấu tranh chống khủng bố. Trong một chiến dịch đàn áp truy lùng, các cán bộ đảng viên, quần chúng cách mạng lần lượt bị địch bắt như các ông Đậu Đình Lĩnh, Lê Bá Tuấn…

Những đảng viên quần chúng kiên trung như các đồng chí Nguyễn Hữu Viện, Nguyễn Tư Vạn, Phan Doãn Dứa, Nguyễn Quốc Hạ cùng một số đồng chí khác tạm lánh vào rừng núi hoạt động bí mật. Phong trào cách mạng Hòa Quân tạm thời lắng xuống. Kẻ địch một mặt thực hiện thiết quân luật, làm thêm nhiều chòi canh, chặn bắt những cán bộ đêm về làng rải truyền đơn, tiếp nhận lương thực...

Đầu năm 1931, đồng chí Nguyễn Hữu Viện được cử tham gia Ban Chấp hành Huyện bộ Thanh Chương, phụ trách Tuyên truyền kiêm Trưởng ban Tán trợ đi giúp đỡ các chi bộ Đồng Luân, Ngọc Sơn và Yên Lạc ổn định tình hình và tìm các giải pháp hoạt động trong thời điểm khó khăn.

Vừa bí mật hoạt động, vừa sâu sát với quần chúng, đồng chí Nguyễn Hữu Viện đã khéo léo che mắt địch, một mặt, tiếp tục đẩy mạnh phong trào cách mạng, mặt khác phục hồi tổ chức cơ sở đảng và tổ chức đấu tranh với kẻ thù.

Với những hoạt động tích cực đó, cuối tháng 3 đầu tháng 4/1931, Huyện bộ Thanh Chương tiếp tục điều động đồng chí Nguyễn Hữu Viện tham gia kế hoạch khôi phục lại địa bàn Ngọc Lâm, Hòa Quân và Thanh La. Vừa tìm cách khôi phục địa bàn, đồng chí vừa sử dụng đội Tự vệ đỏ trấn áp bọn cường hào, ác bá, củng cố lại Chi bộ đảng, khiến quần chúng phấn khởi và tin tưởng.

Từ giữa năm 1931 trở đi, phong trào cách mạng Thanh Chương tạm thời lắng xuống. Bọn thực dân và tay sai tập trung lực lượng đánh phá vùng Xô viết ở Thanh Chương. Huyện ủy gặp rất nhiều khó khăn trong liên lạc với Tỉnh ủy, nhiều cơ sở đảng ở các làng, xã liên tiếp bị phá vỡ. Cơ quan Huyện ủy rút vào Ngọc Lâm, sẵn sàng chấp nhận cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt với địch.

Từ tháng 8/1931, do sự chỉ điểm của 02 tên phản bội ở Chi bộ Hà Giang (Quảng Xá), cơ quan Huyện ủy bị bao vây, một số cán bộ bị sa lưới địch. Những người cộng sản ở Thanh Chương phải chiến đấu trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo. Huyện ủy không liên lạc được với dân, cơ quan Huyện ủy phải chuyển sang Rọ Con (núi Ngọc Lâm).

Bọn lính đồn và bang tá thọc sâu vào rừng núi để truy nã các cơ quan Tổng ủy và chặn đường tiếp tế cho cán bộ. Gạo, muối đều cạn. Sống cảnh màn trời chiếu đất, phải thường xuyên di chuyển, đồng chí Nguyễn Hữu Viện cùng những cán bộ, đảng viên như Nguyễn Tư Vạn, Phan Doãn Dứa, Nguyễn Quốc Hạ,... phải chịu đói rét, ốm đau,... Song ai cũng cố gắng phấn đấu, kiên gan bám trụ, bảo đảm liên lạc giữa Đảng với dân không bị gián đoạn.

Dù tình thế hết sức căng thẳng, khó khăn, bị chính quyền thực dân truy lùng ráo riết, nhưng với sự che chở của quần chúng, đồng chí Nguyễn Hữu Viện và các đảng viên vẫn kiên trì hoạt động, tìm cách khôi phục cơ sở, chắp nối liên lạc, quyết không để phong trào bị tê liệt. Trong bối cảnh đó, đồng chí Nguyễn Hữu Viện đã được Huyện ủy tin tưởng, giới thiệu lên làng Vều (Anh Sơn) kết nối liên lạc xây dựng cơ sở đảng, tham gia Ban Chấp hành Chi bộ Anh - Thanh.

Cuối tháng 12/1931, Bang tá Thanh Chương và Anh Sơn đã cho lính về lùng bắt, bắn chết một số đồng chí. Tình thế rất nguy hiểm, nhưng đồng chí Nguyễn Hữu Viện cùng một số đảng viên vẫn tiếp tục bám trụ. Ngày 21/02/1932, đồng chí Nguyễn Hữu Viện bàn với Nguyễn Quốc Hạ đi về hướng Phúc Sơn tìm kế hoạch thoát thân. Tuy nhiên, do bị vây ráp, 2 đồng chí đã bị địch bắt vào ngày 22/02/1932, giải về Anh Sơn, sau đó giam tại Nhà lao Thanh Chương.

Trong bản tự thuật, Nguyễn Hữu Viện có đoạn viết về những ngày ở Nhà lao Thanh Chương như sau:
“Ôi chao ôi, thật là khổ, nằm trong cùm chật ních, khi muốn trở mình thì toàn bộ anh em gần đó cũng phải trở, chỉ nằm nghiêng, không nằm ngửa được, chưa đầy hai tiếng đồng hồ thì sên đã bò khắp cả người. 3 ngày sau chúng kêu lên bắt khai, không chịu khai, chúng nó lấy cật ống nứa trói lại, bắt quỳ từ 7 giờ đến 11 giờ, thi thoảng nó lại cho lính vào đánh, làm như thế hơn một tuần, nó lại đưa ra một tập giấy, thư của anh em trong xã Hòa Quân… ”.

Thực dân Pháp và bọn tay sai đã dùng mọi thủ đoạn để đồng chí Nguyễn Hữu Viện nhận tội. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng, chúng không thể khai thác được một thông tin gì từ đồng chí. Người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Hữu Viện luôn giữ vững tinh thần chiến đấu quả cảm, kiên trung. Không làm được gì, chúng lại chuyển đồng chí xuống giam tại Nhà lao Vinh, tống vào buồng Nhị giam. Tại đây, đồng chí Nguyễn Hữu Viện bị bọn mật thám tra tấn hết sức dã man, nhưng đều không có kết quả, mọi thông tin về tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng đều giữ được bí mật.

Ngày 09/7/1932, Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An đã kết án đồng chí Nguyễn Hữu Viện mức án tù khổ sai chung thân, với tội danh tù cộng sản, tham gia vào vụ ám sát địch, theo bản án số 172. Trong thời gian bị giam cầm, bọn mật thám tiếp tục dùng mọi thủ đoạn để khai thác thông tin, nhưng một lần nữa chúng đành bất lực trước sự kiên gan của đồng chí Nguyễn Hữu Viện.

Ngày 12/01/1933, đồng chí bị đày đi Nhà tù Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, với số tù 603. Năm 1936, đồng chí được giảm án xuống còn 20 năm tù khổ sai. Tại đây, đồng chí đã cùng những chiến sĩ cộng sản tích cực đấu tranh chống chế độ lao tù đế quốc và đạt được những kết quả nhất định: “Ở Lao Bảo hơn 5 năm, tham dự đấu tranh mấy cuộc, chế độ đã được cải thiện, chống đòi bỏ cùm, bỏ xiềng được thắng lợi”.

Năm 1938, đồng chí Nguyễn Hữu Viện bị đày lên Nhà tù Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, mang số tù 2719. Ở đây, chế độ lao tù cực kỳ hà khắc, thực dân Pháp đánh đập dã man, sử dụng hình thức tra tấn độc ác các đồng chí khác ngay trước mặt hòng đe dọa, khủng bố về mặt tinh thần, đè bẹp ý chí đấu tranh, phản kháng của đồng chí Nguyễn Hữu Viện và những chính trị phạm khác.

Tuy nhiên, những năm tháng khổ ải trong chốn lao tù không thể làm cho đồng chí khuất phục, ngược lại nó càng làm khắc sâu ý chí căm thù giặc, giữ vững ý chí chiến đấu. Cuộc đấu tranh dai dẳng, quyết liệt trong lao tù đã đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, góp phần giữ gìn bí mật của Đảng, của tổ chức, phát triển phong trào đấu tranh, tôi luyện bản lĩnh chính trị vững vàng cho đồng chí Nguyễn Hữu Viện.

Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp, ngày 30/7/1945, đồng chí Nguyễn Hữu Viện cùng với khoảng 20 đồng chí người Nghệ An: Bùi Tuân, Trần Hữu Quán, Nguyễn Sĩ Đức… được trả tự do. Ngay sau khi trở về quê hương, đồng chí Nguyễn Hữu Viện cùng Nguyễn Hữu Ngoạn đã tham gia cướp chính quyền huyện Thanh Chương ngày 23/8/1945.

Tiếp theo, đồng chí lại cùng Nguyễn Văn Cung tham gia lãnh đạo và chỉ huy cướp chính quyền xã Hòa Quân thành công và thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. sau Cách mạng Tháng 8/1945, đồng chí Nguyễn Hữu Viện được bầu làm Trưởng ban Bình dân học vụ, phụ trách Văn hóa và tham gia Thường vụ Nông hội xã Hòa Quân.

Tháng 10/1946, xã Thanh La sáp nhập với các xã: Hòa Quân, Đồng Du, Thanh Khiết thành xã Đồng Thanh, đồng chí Nguyễn Hữu Viện được bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận Việt Minh xã Đồng Thanh. Từ năm 1947, đồng chí giữ nhiều chức vụ khác nhau như: Trưởng Công an xã (1947), Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã (năm 1949), Phó Bí thư Chi bộ xã Đồng Thanh (1950) và Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Đồng Thanh (1951).

Bằng năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Hữu Viện cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục tại địa phương.

Tháng 5/1954, đồng chí Nguyễn Hữu Viện được Huyện ủy điều về làm cán bộ địch vận, sau đó làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công trường đê 42.

Tháng 11/1956, đồng chí Nguyễn Hữu Viện được bầu vào Ban Chấp hành Huyện bộ Đảng Lao động Thanh Chương, giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện, phụ trách công tác Tôn giáo.

Ngày 08/3/1958, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An ra Quyết nghị số 42/QN-TU về việc thành lập Chi bộ Trạm thí nghiệm Nghĩa vụ quân sự ở các huyện. Theo đó, Chi bộ Trạm xá Thanh Đồng được thành lập gồm 3 đảng viên: Nguyễn Hữu Viện, Nguyễn Hữu Phụng và Hà Đình Thám. Đồng chí Nguyễn Hữu Viện được chỉ định giữ chức Bí thư Chi bộ. Trên cương vị mới, đồng chí tiếp tục có những cống hiến, đóng góp tích cực, lãnh đạo chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngày 12/8/1963, đồng chí Nguyễn Hữu Viện nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi nghỉ hưu, đồng chí tiếp tục cống hiến cho quê hương với vai trò là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Chương đến tháng 10/1973. Do tuổi cao, sức yếu, đồng chí đã từ trần vào ngày mùng 05/01/1985 (tức ngày 15 tháng Chạp năm Giáp Tý), hưởng thọ 89 tuổi.

Đồng chí Nguyễn Hữu Viện là một đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng kiên trung, có nhiều công lao đóng góp cho Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đồng chí luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, để lại dấu ấn vô cùng quan trọng đối với tổ chức, đơn vị nơi công tác. Ghi nhận những cống hiến ấy, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng đồng chí Nguyễn Hữu Viện nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, hạng Ba, truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Gần 90 năm tuổi đời, vào Đảng từ năm đầu mới thành lập, hơn 75 năm hoạt động cách mạng, từng bị án khổ sai chung thân, bị bắt và giam cầm 13 năm tại 5 nhà tù đế quốc, nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí Nguyễn Hữu Viện cũng luôn thể hiện là người người cộng sản mẫu mực, chân chính, hết lòng phục vụ Đảng, phụng sự đất nước; được đồng chí, bạn hữu và nhân dân kính phục và yêu quý.

Lê Ngọc Thịnh - Phó Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh