Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Trần Đào - Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên năm 1931

ThS. Đặng Huyền Trang - Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh 23/10/2024 07:16

Đồng chí Trần Đào có nhiều đóng góp trong các phong trào cách mạng ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Ông trở thành tấm gương cách mạng cho các thế hệ noi theo.

Đồng chí Trần Đào (Trần Xuân Đào, Trần Đắc Đào, bí danh: Đông Phong, Thiều Quang) sinh năm 1900 tại làng Yên Dượng, tổng Vân Tán (nay là xã Yên Hòa), huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Mảnh đất Yên Dượng – Yên Hòa, tuy nghèo khó nhưng người dân nơi đây rất giàu tinh thần yêu nước và hiếu học. Sinh ra trong một gia đình trung nông, đồng chí Trần Đào đã được cha mẹ tạo mọi điều kiện để tham gia các lớp học chữ Hán và Quốc ngữ. Sau khi hoàn thành chương trình học, đồng chí không chọn con đường thi cử quan lại, mà về quê dạy học và trở thành một thầy giáo được Nhân dân trong vùng yêu mến và kính trọng.

Đầu năm 1930, đồng chí Trần Hưng (bí danh Hoàng, quê ở Đức Thọ) được Tỉnh ủy giao về làng Phụng Luyện [1] vừa dạy học vừa gây dựng tổ chức. Đồng chí Trần Đào là người thanh niên đầu tiên mà đồng chí Trần Hưng tiếp xúc.

Nhận thấy Trần Đào là người giàu tình cảm và luôn đau đáu với khát khao được góp sức mình cho công cuộc giải phóng quê hương khỏi ách áp bức của chính quyền thực dân phong kiến, nên đồng chí Trần Hưng đã thường xuyên đến nhà, trò chuyện cùng đồng chí. Sau đó, đồng chí Trần Đào đã thôi nghề dạy học và dành nhiều thời gian để nghiên cứu những tài liệu, truyền đơn của Đảng và chính thức bước chân vào con đường cách mạng.

Trong thời gian này, đồng chí Trần Đào đã được đồng chí Trần Hưng giao phó một số nhiệm vụ như: rải truyền đơn, cắm cờ đỏ trong các ngày có lễ kỷ niệm lớn. Nhiệm vụ nào đồng chí Trần Đào cũng đều dũng cảm, mưu trí hoàn thành.

Tháng 10/1930, sau một thời gian thử thách, đồng chí Trần Đào đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng, đồng chí được cấp trên giao nhiệm vụ xúc tiến thành lập chi bộ và các tổ chức quần chúng yêu nước địa phương để phù hợp với tình hình đấu tranh mới.

Với nỗ lực và uy tín của mình, đồng chí Trần Đào đã kết nạp thêm được hai quần chúng ưu tú vào Đảng, đó là đồng chí Trần Đắc Điền và Trần Lân. Tháng 11/1930, Chi bộ Yên Dượng được thành lập do đồng chí Trần Đào làm Bí thư.

Sau khi thành lập, đồng chí Trần Đào và các đồng chí trong chi bộ tiếp tục đã phân công nhau mở rộng địa bàn hoạt động, tổ chức tuyên truyền, vận động và kết nạp đảng viên. Nhờ đó, đến tháng 12/1930 đã có thêm Chi bộ Yên Xá, Chi bộ Thạch Khê Hạ được ra đời, nhận nhiệm vụ lãnh đạo phong trào đấu tranh của Nhân dân địa phương.

Tuy nhiên, khi phong trào cách mạng ở Cẩm Xuyên đang trong giai đoạn phát triển thì các đồng chí trong Ban Chấp hành Huyện ủy đã lần lượt rơi vào tay kẻ địch. Ngày 22/12/1930, hòng lung lay tinh thần cách mạng của Nhân dân Cẩm Xuyên, thực dân Pháp đã dẫn đồng chí Nguyễn Đình Liễn – Bí thư Huyện ủy từ nhà lao Hà Tĩnh về xử chém tại huyện Cẩm Xuyên.

Đứng trước tình hình khó khăn của phong trào cách mạng địa phương cũng như đòi hỏi cần phải có sự lãnh đạo của Đảng bộ sau khi tổ chức bị địch phá vỡ, tháng 2/1931, đồng chí Trần Đào đã tổ chức cuộc hội nghị các đại biểu. Sau khi đánh giá tình hình và bàn các chủ trương hoạt động trong tình hình mới, hội nghị đã cử ra Ban Cán sự Huyện ủy Cẩm Xuyên, gồm 3 đồng chí. Đồng chí Trần Đào được hội nghị tín nhiệm bầu làm Bí thư.

Đồng chí Trần Đào và các đồng chí trong Ban Cán sự đã tích cực hoạt động tuyên truyền, củng cố các tổ chức quần chúng và các cơ sở Đảng. Nhờ uy tín và hoạt động năng nổ của mình mà chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí Trần Đào đã chỉ đạo phục hồi được nhiều chi bộ Đảng tại các thôn xã trong huyện. Tính đến tháng 6/1931, Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên đã có 23 chi bộ với 117 đảng viên.

Không chỉ quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng yêu nước, đồng chí Trần Đào còn chỉ đạo sát sao phong trào đấu tranh của Nhân dân. Đồng chí đã chỉ đạo các chi bộ tổ chức nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết nhằm vạch trần tội ác của chính quyền thực dân phong kiến, tuyên truyền chủ trương của Đảng… Tham gia các buổi mít tinh đó, quần chúng Nhân dân đã được giáo dục thêm tinh thần yêu nước, cách mạng, sẵn sàng tham gia các cuộc đấu tranh do Đảng lãnh đạo. Nhờ đó, phong trào đấu tranh của quần chúng Nhân dân Cẩm Xuyên đã dần được củng cố sau một thời gian bị địch khủng bố.

Tiêu biểu cho phong trào đấu tranh của Nhân dân Cẩm Xuyên thời gian này có thể kể đến hai cuộc mít tinh nghe diễn thuyết và biểu tình thị uy của quần chúng tổng Vân Tán, Cẩm Xuyên phối hợp với Nhân dân huyện Thạch Hà (tháng 3/1931); cuộc mít tinh, biểu tình với sự tham gia của hơn 15.000 quần chúng Cẩm Xuyên phối hợp với tổng Hạ Nhất (Thạch Hà) vào ngày 1/5/1931…

Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào quần chúng trong tình hình mới, ngày 25/6/1931, Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên đã được triệu tập ở làng Yên Nhân (nay thuộc xã Yên Hòa). Với những đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng địa phương, đồng chí Trần Đào đã chính thức được Đại hội bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên.

Đồng chí Trần Đào còn được Tỉnh ủy giao trách nhiệm giúp đỡ phong trào đấu tranh của Nhân dân Kỳ Anh. Với sự góp sức của đồng chí Trần Đào, các chi bộ Đảng và tổ chức quần chúng ở Kỳ Anh đã dần được củng cố sau một thời gian tan rã do bị địch khủng bố.

Tuy nhiên, trước làn sóng đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã tiến hành nhiều chính sách bắt bớ, khủng bố hòng dập tắt làn sóng cách mạng mạnh mẽ này. Do phong trào chung của toàn tỉnh đã bị khủng bố nặng nên dù đồng chí Trần Đào và Huyện ủy Cẩm Xuyên đã tích cực củng cố tổ chức và xây dựng phong trào quần chúng, nhưng tình hình cách mạng ở Cẩm Xuyên gặp rất nhiều khó khăn.

Lúc này, Huyện ủy chỉ còn lại ba đồng chí là Trần Đào, Trần Đắc Điền và Nguyễn Hữu Thái. Bị địch tầm nã, vây bắt gắt gao, các đồng chí đã quyết định thoát ly gia đình, bí mật đi sâu sát vào từng cơ sở. Chưa tổ chức được các hoạt động mít tinh, các đồng chí Trần Đào và Nguyễn Hữu Thái đã sáng tác nhiều tác phẩm thơ - ca để tiếp tục tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, cách mạng cho quần chúng Nhân dân.

Những bài: “Tuyên truyền cộng sản”, “Kêu gọi nông dân”, “Vợ khuyên chồng”… với ngôn từ dễ hiểu đã được phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Với những hoạt động năng nổ và sáng tạo của các đồng chí, tinh thần yêu nước và phong trào quần chúng ở Cẩm Xuyên vẫn được duy trì. Tuy không tổ chức được các cuộc biểu tình, đấu tranh sôi nổi như trước nhưng các cơ sở Đảng, tổ chức quần chúng các thôn xã như Gai Hội, Yên Bình, Yên Ốc… đều dần được phục hồi.

Phong trào cách mạng vừa được nhen nhóm trở lại thì thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã tiếp tục cử mật thám Pháp kéo theo lính khố xanh về Cẩm Xuyên truy nã, lùng bắt các đảng viên và quần chúng yêu nước. Tháng 3/1932, trong một lần đang họp bàn, đồng chí Trần Đào bị lính Tây kéo đến vây bọc và bắt giữ. Biết đồng chí Trần Đào là cán bộ Huyện ủy cốt cán, kẻ địch đã dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc, tra tấn nhưng đều không khai thác được thông tin gì từ đồng chí. Do đó, từ tháng 3/1932 đến tháng tháng 3/1940, đồng chí Trần Đào đã bị địch giam tại nhà lao Hà Tĩnh, sau đó bị tăng án do tham gia các cuộc đấu tranh chính trị trong tù và bị đày vào Quảng Nam.

Năm 1940, đồng chí Trần Đào được trả tự do. Về đến quê hương, đồng chí đã tiếp tục bắt liên lạc để hoạt động. Tuy nhiên tháng 8/1941, xác định đồng chí là cán bộ Đảng tiêu biểu ở Cẩm Xuyên, đồng chí Trần Đào đã bị kẻ địch tiếp tục bắt giam.

Tháng 3/1943, đồng chí Trần Đào ra tù, đã bắt mối liên lạc với các cơ sở Đảng để tiếp tục hoạt động. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, đồng chí Trần Đào, Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Đình Hài đã họp bàn để tìm cách lãnh đạo quần chúng Nhân dân tương trợ giúp đỡ nhau cùng giải quyết nạn đói trước mắt.

Sau ngày Mặt trận Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập (ngày 19/5/1945), tổ chức Việt Minh huyện Cẩm Xuyên cũng được phát triển mạnh mẽ từ huyện xuống các tổng. Ngay trong tháng 5/1945, đồng chí Trần Đào, Nguyễn Huỳnh, Phạm Thế Đống và Nguyễn Thuần đã nhanh chóng nắm bắt tình hình và họp hội nghị ở làng Cát Khánh thành lập Tổng ủy Việt Minh tổng Vân Tán.

Ngày 8/8/1945, Đại hội đại biểu Việt Minh Nghệ Tĩnh được tổ chức để họp bàn kế hoạch khởi nghĩa. Đại hội cũng đã thống nhất chia các huyện trên địa bàn 2 tỉnh thành 6 phân khu và phân công cán bộ phụ trách. Huyện Cẩm Xuyên là một trong số các huyện thuộc phân khu 6, hay còn gọi là phân khu Việt Minh Nam Hà.

Thực hiện chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và lời Lệnh Khởi nghĩa của Ban Lãnh đạo Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh, ngày 13/8/1945, Việt Minh Nam Hà đã tổ chức cuộc họp tại Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên) và ra quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa các cấp, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Đại diện cho huyện Cẩm Xuyên ở cuộc họp này có đồng chí Trần Đào và 8 đồng chí khác.

Ngày 14/8/1945, đồng chí Trần Đào và các đồng chí trong Việt Minh huyện Cẩm Xuyên đã tiến hành họp bàn và ra quyết định về việc thành lập Ủy ban Khởi nghĩa, vận động quần chúng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Đào và Ủy ban Khởi nghĩa, Nhân dân Cẩm Xuyên đã đồng lòng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ngày 17/8/1945.

Ngày 25/5/1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Cẩm Xuyên đã chính thức ra mắt trước đông đảo quần chúng Nhân dân. Ủy ban gồm 3 đồng chí: Nguyễn Hữu Thái (Chủ tịch), Tôn Sỹ Khuê (Phó Chủ tịch) và Trần Đào (Thư ký).

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Trần Đào được tổ chức tín nhiệm, phân công giữ nhiều vị trí quan trọng, như: Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến và Phó Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên (từ tháng 12/1946 đến tháng 7/1947); được bầu làm ủy viên Tỉnh ủy Hà Tĩnh (tháng 8/1947 đến tháng 11/1948);… Đến năm 1949, đồng chí Trần Đào được điều ra Trung ương giữ vị trí ủy viên Ủy ban Nông vận Trung ương và đảm nhận công tác Nông vận (tháng 9/1949 đến tháng 5/1955).

Sau khi về hưu, đồng chí Trần Đào trở về quê hương và tiếp tục hoạt động năng nổ trong các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, như: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh (năm 1967). Năm 1969, đồng chí Trần Đào đã qua đời do tuổi cao cùng các di chứng trong lao tù đế quốc.

Đồng chí Trần Đào, người Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên năm 1931 là một chiến sĩ cộng sản tiêu biểu của quê hương Cẩm Xuyên. Tham gia cách mạng từ khi Đảng vừa mới thành lập, cuộc đời hoạt động của đồng chí Trần Đào là tấm gương luôn dũng cảm, mưu trí và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Với những đóng góp của mình, đồng chí Trần Đào đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất,…

------

[1] Làng Phụng Luyện, tổng Vân Tán nay thuộc xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên

ThS. Đặng Huyền Trang - Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh