Xã hội

Chuyện ít biết sau những tấm thẻ hiến tạng

Diệp Thanh 23/10/2024 15:34

Sự diệu kỳ của những ca ghép tạng không chỉ đến từ thành công của y học, mà phía sau đó còn lấp lánh những câu chuyện nhân văn, nhân bản của tình người.

cover hiến tạng

Sự diệu kỳ của những ca ghép tạng không chỉ đến từ thành công của y học, mà phía sau đó còn lấp lánh những câu chuyện nhân văn, nhân bản của tình người.

Cơ hội thứ 2

“Tôi đã được sinh ra lần thứ 2 trên đời, sau ca ghép thận thành công năm 2017. Gia đình tôi còn đầy đủ thành viên, các con tôi còn bố là nhờ kỳ tích ghép tạng”, ông N.H.D (TP. Vinh) nói. Cho đến bây giờ, ông D. vẫn rùng mình mỗi khi nhớ lại những ngày tháng đau đớn quằn quại, chết dần, chết mòn khi suy thận giai đoạn cuối. Tình trạng của ông khiến các y, bác sĩ lắc đầu, luôn sẵn sàng chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Điều duy nhất mà cả gia đình ông có thể bấu víu là chờ đợi vào “phép màu” khi có người hiến thận.

Cuộc sống của anh Cao Mạnh C. trước đây là chuỗi ngày đau đớn bởi bệnh tật. Ảnh: Hoàng Linh
Bệnh nhân phục hồi sau ca ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh tư liệu: Hoàng Linh
Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế thẩm định điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép gan ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Thành Chung
Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế thẩm định điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép gan ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Chung

“Tôi đã đau đớn đến mức không thể làm chủ bản thân và chỉ mong được chết đi. Nhưng khi thật sự cận kề cái chết, tôi mới nhận ra, sự sống này quý giá đến nhường nào và tôi tha thiết được sống, được trao thêm một cơ hội sống nữa. Tôi trải qua 2 lần ghép thận vì lần ghép đầu tiên không tương thích. Sau khi hoàn thành ca ghép lần thứ 2 cũng là khi kinh tế gia đình kiệt quệ. Nhưng đúng như người ta nói, còn người là còn của, sau khi bình phục, vợ chồng tôi bắt đầu lại từ con số 0 và niềm hạnh phúc thoát cửa tử. Từ đó đến nay, mỗi ngày của tôi luôn bắt đầu bằng sự biết ơn. Tôi biết ơn người đã hiến thận cho mình, biết ơn các bác sĩ, nhân viên y tế đã phẫu thuật cho mình, biết ơn cuộc đời này đã cho tôi cơ hội thứ 2 để tiếp tục được sống, được nuôi dạy con cái, được phụng dưỡng bố mẹ…”, ông D. không giấu được xúc động chia sẻ.

Câu chuyện của ông D. là một trong rất nhiều câu chuyện cảm xúc từ kỳ tích ghép tạng. Bác sĩ Đinh Văn Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo chỉ đạo tuyến, Phó trưởng đơn vị điều phối và ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chia sẻ: “Không ở đâu xa, một người đồng nghiệp ngay trong đơn vị của tôi từng bị suy thận đa nang nặng, sự sống lay lắt theo những ngày lọc máu chu kỳ mòn mỏi, có thời điểm tưởng chừng không thể qua khỏi. May mắn thay, đúng lúc ngặt nghèo nhất, anh tìm được một người hiến thận và được thay thận thành công. Đến bây giờ, anh có thể quay lại với cuộc sống khỏe mạnh trước đây, có thể quay lại với sứ mệnh chữa bệnh, cứu người của mình”.

Ảnh Thành Cường (2)
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiến hành lấy, ghép tạng từ người cho chết não. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Ngày 30/9 vừa qua, một bệnh nhân nam (36 tuổi), trú huyện Yên Thành qua đời vì tổn thương não. Sau khi được tư vấn về nghĩa cử cao đẹp trong việc hiến mô, tạng sau khi chết/chết não, gia đình nạn nhân đã đồng ý hiến đa tạng. Nghĩa cử cao đẹp đó ngay lập tức đã mang đến hy vọng, sự sống cho 2 bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối đang điều trị chạy thận chu kỳ. Những mô, tạng còn lại của bệnh nhân này được chuyển ra Hà Nội để thắp lên hy vọng cho những cuộc đời khác.

Điều kỳ diệu của hiến tạng là khi một sinh mệnh từ giã cõi đời thì những mảnh ghép của người đó đã hồi sinh nhiều cuộc đời khác. Sự ra đi của họ không còn là hư không, vô nghĩa…

Hạnh phúc “được cho đi”

Còn đang sống khỏe mạnh sao lại nghĩ đến cái chết? Còn đang nguyên vẹn sao lại muốn cắt bỏ, cho đi? Đó là những câu hỏi quen thuộc mà những người đăng ký hiến tạng thường nhận được từ gia đình, người thân, bạn bè. Trong khi nhiều người ngần ngại, e dè với việc hiến tạng thì có những người hạnh phúc khi “được cho đi”.

Ảnh Đức Anh (13)
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước đủ điều kiện và hoàn thiện kỹ thuật lấy, ghép gan. Ảnh tư liệu: Đức Anh

Chị Ngô Thị Lan Anh - nhân viên đơn vị điều phối và ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An kể: “Trong số những người đến đăng ký hiến tạng, có một bác thương binh đã để lại cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc và ấn tượng sâu sắc. Bác đã đến đơn vị 3 lần, lần đầu tiên là đăng ký hiến mô tạng, lần thứ hai là nộp hồ sơ đăng ký cho vợ, lần thứ 3 bác đến cùng một người đồng đội khác”.

Nhân vật mà chị Lan Anh nhắc đến là cựu chiến binh Phạm Trọng Song (69 tuổi), Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An. Không chỉ tham gia đăng ký hiến tạng, vận động người thân, bạn bè đăng ký hiến tạng, ông còn viết một lá thư tay gửi đến đơn vị tư vấn, lấy, ghép, điều phối tạng hiến từ người cho sống và người cho chết não - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Bằng nét chữ nắn nót, người cựu binh từng vào sinh ra tử bảo vệ Tổ quốc với tỷ lệ thương tật 81% ấy viết: “Tuyệt vời làm sao khi những người bệnh kém may mắn (có thể là đồng đội, gia đình đồng đội chúng ta) sẽ được cứu sống nếu có người tình nguyện hiến tặng mô tạng sau chết/chết não. Cảm ơn mọi người, đồng đội đã cùng tôi tham gia vào nghĩa cử cao đẹp này!”.

CCB Phạm Xuân Song (ngoài cùng bên phải) đưa đồng đội đến đăng ký hiến tạng Ảnh CSCC
Cựu chiến binh Phạm Trọng Song (áo xanh) cùng đồng đội đến đăng ký hiến tạng. Ảnh: CSCC
441899271_122170932566034558_8316927381728793941_n.jpg
Hành động hiến tạng của cựu chiến binh Phạm Trọng Song được truyền cảm hứng từ hành động đăng ký hiến tạng của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong Chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi”. Ảnh tư liệu: CSCC

Thực hiện ý nguyện cao đẹp của mình, người cựu binh hạnh phúc nói: “Tôi may mắn sống sót sau những cuộc chiến, may mắn được sống trong sự chăm sóc, yêu thương của gia đình và sự quan tâm của xã hội, của Đảng và Nhà nước. Vì thế, tôi muốn làm gì đó để cảm ơn cuộc đời này. Sau khi được ký tên vào hồ sơ hiến tạng, tôi toại nguyện và vui lắm, cảm giác mình được hy sinh một lần nữa vì những điều tốt đẹp. Khi tôi nằm xuống, một cuộc đời khác của thế hệ sau sẽ có cơ hội bắt đầu. Có lẽ vì thế mà khi trở về sau đăng ký hiến tạng, tôi cảm thấy bản thân khỏe hơn, cũng có ý thức chăm sóc sức khỏe hơn. Nâng niu, giữ gìn các bộ phận trên cơ thể mình để sau này "các bạn ấy" còn đi làm nhiệm vụ chứ".

454639543_122184516074034558_5133592939493608367_n.jpg
Bức thư mà cựu chiến binh Phạm Xuân Song viết để vận động mọi người cùng hiến tạng. Ảnh: CSCC

Cũng là 1 trong 106 người đăng ký hiến tạng tại đơn vị điều phối và ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, câu chuyện của chị T.A.N (sinh năm 1987, TP. Vinh) khiến các nhân viên tư vấn ngưỡng mộ và xúc động.

“Vào đúng thời điểm này cách đây 2 năm, tôi được cứu sống sau ca phẫu thuật đặc biệt, tôi vượt qua được những biến cố lớn trong đời. Là một bệnh nhân u não, tôi đã chứng kiến rất nhiều những đau đớn, mất mát và những sự ra đi đầy dằn vặt, tiếc nuối. Tôi cũng từng muốn từ bỏ, nhưng khi thật sự bước đến bên lằn ranh sinh tử, tôi mới hiểu được sâu sắc ý nghĩa thiêng liêng của sự sống, biết trân trọng thời gian và biết ơn cơ hội được sinh ra. Trong 10 ngày nằm viện sau phẫu thuật, tôi đau đáu và khát khao được làm điều gì đó để tri ân cuộc đời này. Đó là lý do sau khi bình phục, việc đầu tiên tôi làm là chủ động tìm và đăng ký được hiến tạng. Điều này khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc vô cùng”, chị T.A.N (TP. Vinh) chia sẻ.

uploaded-thuhuongbna-2020_10_09-_bna__mo1194482_9102020.jpg
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An trao thẻ tình nguyện viên cho các cá nhân đăng ký hiến tặng mô, tạng. Ảnh tư liệu: Thu Hương

Trong suốt cuộc trò chuyện về quyết định của mình, chị N. rất nhiều lần không nén được cảm xúc mà bật khóc, nhưng không một lần nào người mẹ trẻ đang chăm sóc 4 đứa con thơ và 1 mẹ già đó oán trách số phận. Chị biết ơn những biến cố đã giúp mình thay đổi thái độ sống, biết ơn cuộc đời cho chị cơ hội “được cho đi”…

Diệp Thanh