Thời sự

Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Thành Duy 23/10/2024 17:24

Chiều 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

bna_fd720012a54c1d12445d.jpg
Quang cảnh phiên làm việc chiều 23/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Đoàn ĐBQH Nghệ An do đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn dự họp.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7.

bna_a614e063453dfd63a42c.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ảnh: Nam An

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉ đạo rà soát, bỏ cụm từ “di sản tư liệu” tại phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn quy định cụ thể cơ chế, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hoá.

Theo đó, dự thảo Luật quy định ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho một số hoạt động có tính đặc thù; biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; điều kiện bảo đảm cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực Nhà nước, xã hội hóa và các điều kiện khác…

bna_3c1dc128eb71532f0a60.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và các ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên làm việc chiều 23/10 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Cùng với đó, dự thảo Luật lần này đã chỉnh lý, hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Về quy định Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thực tiễn; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng: Quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương…

bna_727aa6e8bcb004ee5da1.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu thảo luận nên ý kiến cần quan tâm bảo tồn, giữ gìn tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Nam An

Tại phiên thảo luận có 17 ý kiến đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, đại diện cơ quan thẩm tra đã phát biểu làm rõ một số nội dung đại biểu nêu. Về cơ bản, các ĐBQH đánh giá cao và thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo luật.

Đồng thời, các đại biểu cũng góp nhiều ý kiến vừa đề cập đến vấn đề tổng thể, vừa góp ý trực tiếp vào các điều khoản, điểm cụ thể và kỹ thuật soạn thảo văn bản để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, phát huy hiệu lực, hiệu quả khi luật được thông qua, nhằm mục tiêu bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, như: Cần quy định cụ thể thời gian kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể; bổ sung quy định cấm các hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất di tích hỗn hợp; cân nhắc quy định Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa tại địa phương; cần quy định rõ về các biện pháp quản lý, sử dụng di tích có địa bàn phân bố từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; rà soát, bảo đảm tính khả thi nội dung về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với di sản văn hóa; cần quan tâm bảo tồn, giữ gìn tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số…

bna_55295b38fc65443b1d74.jpg
Các ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên làm việc chiều 23/10 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, đây là một dự án luật có phạm vi liên quan rất rộng đến các đạo luật khác và hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội một luật sửa 4 luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư và một luật sửa 7 luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách.

Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có rất nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm huy động, quản lý các nguồn lực về tài chính phục vụ cho bảo vệ, bảo tồn phát huy di sản; cũng như sử dụng, khai thác di tích, di sản văn hóa mà các đại biểu đã phát biểu.

bna_292a5eeefbb043ee1aa1.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận. Ảnh: Nam An

Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, cập nhật kịp thời những nội dung có liên quan của các dự thảo luật đang trong quá trình đề xuất sửa đổi, để kịp thời đồng bộ, thống nhất khả thi trong dự án luật này.

Cũng trong phiên làm việc, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Thành Duy