Kinh tế

Gian nan đường giao thông thôn bản ở Nga My

Hoài Thu 24/10/2024 10:43

Người dân các bản xa của xã Nga My, huyện biên giới Tương Dương phản ánh đường giao thông hiện rất khó khăn cho con em đến trường, việc tiêu thụ nông sản cũng bị hạn chế. Mùa mưa, nhiều em phải ở lại trường do đường trơn, phụ huynh không thể đến đón.

2 tuần sau đợt mưa lũ, đường vào các bản vùng trong của xã Nga My như: Na Kho, Xốp Kho, Na Ngân vẫn còn lầy lội. Nhiều đoạn đường bùn, nước đọng khiến xe máy đi qua phải dắt bộ. Các xe chở nguyên, vật liệu vào bản Xốp Kho xây cầu cũng thường bị mắc lầy sục vì đường xuống cấp.

1lầy sục
Đường vào bản Na Kho. (Ảnh chụp ngày 10/10/2024). Ảnh: Hoài Thu

Từ trung tâm xã Nga My, để vào được bản Na Kho phải đi qua các bản Canh, bản Trang, bản Xốp Kho với quãng đường hơn 20 km đường đất, nhiều khúc cua gấp và dốc cao. Ngoài ra, còn phải đi qua các tràn của các con khe, suối.

Nga My là một xã vùng trong của huyện Tương Dương, cách trung tâm huyện hơn 60 km. Dân số xã Nga My hơn 1.100 hộ phân bổ thành 9 bản, gồm 2 vùng, vùng ngoài và vùng trong. Vùng ngoài có 5 bản sinh sống dọc theo Quốc lộ 48C, điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng cơ bản thuận lợi. Còn vùng trong có 4 bản sinh sống ở trong khu vực vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, dọc theo suối Nậm Ngân và suối Nậm Kho, gồm bản Trang, bản Canh, bản Xốp Kho và bản Na Kho.

z5913974997759_419a945a8f49273b74194c0002e5c9ed-1-.jpg
Đường vào 4 bản vùng trong của xã Nga My chỉ đi được vào ngày nắng ráo. Ảnh: Hoài Thu

Trưởng bản Na Kho Lữ Văn Uôn cho biết: “Từ bản đến trung tâm xã Nga My khoảng 20 km, đường sá lầy lội, khó khăn nhất là việc học hành của các cháu. Các cháu từ lớp 3 trở lên là ra trung tâm xã để trọ học, cuối tuần bố mẹ hoặc ông bà mới ra đón về nhà.

Song đường quá xấu nên những khi có mưa, nhiều em phải ở lại trường, ở tạm nhà người quen vì phụ huynh không thể ra đón khi xe máy không thể đi. Mà đi bộ thì xa quá”.

cầu xốp kho
Để cải thiện tình trạng khó khăn về đường giao thông thôn, bản, hiện nay, tại bản Xốp Kho đang được Nhà nước đầu tư xây dựng 1 cây cầu cứng. Ảnh: Hoài Thu

Người dân bản Na Kho sống chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi. Vì vậy, việc bán nông sản rất quan trọng. Vào mùa thu hoạch, nếu đường sá lầy sục vì mưa thì hầu hết nông sản không tiêu thụ được. “Mặc dù có thương lái đến thu mua tận bản các loại cây keo, ngô lúa, dược liệu, rồi trâu bò, cá và cả gà, vịt địa phương, song trời mưa đường trơn trượt thì họ cũng không vào mua”, anh Lô Văn Sơn - người dân ở bản Na Kho cho hay.

bna_3.jpg
Việc vận chuyển hàng hóa, thu mua nông sản cho các bản vùng trong của xã Nga My cũng chỉ thực hiện vào mùa khô. Mùa mưa chỉ có xe máy vận chuyển với khối lượng hạn chế. Ảnh: Hoài Thu

Ông Kha Văn Thứ - Phó Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết, giao thông đi lại ở 4 bản vùng trong còn gặp rất nhiều khó khăn, hệ thống đường đất, chỉ đi được vào mùa khô, mùa mưa bão thường bị cô lập do nước 2 con suối Nậm Ngân và Nậm Kho dâng cao. Trong đó, có một nửa của bản Xốp Kho, bản Canh và toàn bộ bản Na Kho, Na Ngân thường xuyên bị chia cắt khi nước dâng cao.

sat-lo-na-ngan(1).png
Ảnh hưởng mưa lũ, tháng 9/2024 xã Nga My có 19 điểm sạt lở núi. Trong ảnh: Các điểm sạt lở trên đường đến bản Na Ngân. Ảnh: CSCC

Sau đợt ảnh hưởng mưa lũ của bão số 3, số 4 vừa qua, đã có 19 điểm sạt lở núi trên các tuyến đường vào các bản vùng trong của xã, trong đó, nặng nhất là tuyến đường vào bản Na Ngân với chiều dài hơn 12 km có hơn chục điểm sạt lở.

Đến nay, lãnh đạo xã Nga My cho biết, đường giao thông đi các bản vùng trong vẫn là yếu tố “khó chồng khó”, cùng với ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở khiến sản xuất, đời sống sinh hoạt và học tập của con em nơi đây vẫn gặp muôn vàn khó khăn.

Hoài Thu