Thời sự

Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An thảo luận tại tổ về 2 dự án luật

Thành Duy - Phan Tú 24/10/2024 18:57

Chiều 24/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và Dự án Luật Dữ liệu.

bna_c9ba1b584331fb6fa220.jpg
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Phan Tú

Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Giang, Quảng Ngãi. Dự phiên thảo luận có đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An điều hành phiên thảo luận.

Dự thảo Luật đề xuất tăng mức đóng BHYT lên 6%

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đề cập đến điểm mới và cũng là thay đổi rất quan trọng là thay vì mức đóng BHYT là 4,5% trên mức lương cơ sở như hiện nay thì theo Dự thảo Luật sẽ tăng lên mức 6%, trong đó, người sử dụng lao động đóng đóng 2/3, người lao động đóng 1/3.

bna_d738bf2ea841101f4950.jpg
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh

Đại biểu nhận định, mức tăng này được cho là hợp lý nhằm đảm bảo cân đối Quỹ BHYT và không tạo gánh nặng quá lớn cho người lao động và người sử dụng lao động; tuy nhiên, khi thực hiện sẽ gặp không ít thách thức như: Tăng gánh nặng cho người lao động, các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, đặc biệt là cho người thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa; nguy cơ trốn, chậm đóng BHYT.

Chính vì vậy, để giảm thiểu tác động tiêu cực, theo đại biểu Võ Thị Minh Sinh, khi Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật cần có thêm nội dung chính sách hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp, khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đóng BHYT cho người lao động; tăng cường công tác quản lý hiệu quả sử dụng Quỹ BHYT; thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp trốn đóng BHYT; nâng cao nhận thức của người dân.

Vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng đánh giá cao việc đưa vào Luật quy định, đóng BHYT theo hộ gia đình, theo đó, sẽ giảm mức đóng thành viên hộ gia đình từ người thứ 2 trở đi.

“Điều này thể tính nhân văn, chia sẻ gánh nặng tài chính cho các gia đình đông người, khuyến khích người dân tham gia BHYT”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh nói và đề nghị thêm rằng: Cần có thêm chính sách hỗ trợ các gia đình nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có nhiều người già, trẻ em để họ tham gia BHYT đầy đủ; có thể xem xét điều chỉnh mức đóng của người thứ nhất trong hộ gia đình để đảm bảo nguồn thu và mở rộng đối tượng tham gia; đồng thời, dự thảo Luật cũng cần làm rõ khái niệm, tiêu chí “hộ gia đình” để áp dụng thuận lợi trong thực tiễn, tránh trục lợi chính sách.

bna_ccc506fbf2954acb1384.jpg
Đại biểu Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh

Đại biểu Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi Luật BHYT nhằm giải quyết các khó khăn hiện nay, đảm bảo quyền lợi cho người đóng BHYT.

Ông cũng đề nghị, trong sửa đổi Luật lần này không nên đóng khung, mà cần bổ sung tiêu chí nguyện vọng vọng đăng ký khám bằng BHYT ban đầu để tạo thuận lợi cho đối tượng đóng BHYT. Vì hiện nay, theo quản lý Nhà nước phải phân vùng nhưng trong thực tế người đóng BHYT có nhu cầu khám bằng BHYT gần nhà, gần con cái, đăng ký ở bệnh viện khác.

Vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng nêu băn khoăn khi hiện nay, là việc thực hiện tự chủ tài chính cho các cơ sở khám, chữa bệnh đã làm xuất hiện tình trạng một số bệnh viện tuyến dưới “giữ’ bệnh nhân lại điều trị; người bệnh muốn chuyển tuyến rất khó, nên Luật cần bổ sung tiêu chí chuyển tuyến cụ thể để bảo đảm quyền bình đẳng, nhu cầu của người đóng BHYT.

Đại biểu Thái Văn Thành cũng kỳ vọng, Luật sẽ có quy định chế độ miễn, giảm đóng BHYT cho học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn để tạo thuận lợi cho các cháu có quyền khám, chữa bệnh, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của người dân.

bna_38ad0ea5f0cb489511da.jpg
Ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Phan Tú

Còn ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An đề nghị cân nhắc đưa vào một số đối tượng được Nhà nước đóng BHYT; bỏ quy định loại hình khám, chữa bệnh ban đầu “phòng y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức” để đảm bảo thống nhất giữa các luật liên quan, vì trong Luật Khám, chữa bệnh 2023, Nghị định của Chính phủ về hình thức tổ chức các cơ sở khám, chữa bệnh không có “phòng y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức”.

Dữ liệu cần “đúng, đủ, sạch, sống, an toàn, hiệu quả”

Thảo luận về Dự án Luật Dữ liệu ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An đồng tình cao sự cần thiết ban hành Luật này trong bối cảnh dữ liệu ngày càng có vai trò quan trọng trong cuộc sống.

“Trung Quốc đã xem dữ liệu là một loại tư liệu sản xuất mới; còn một số nước phương Tây xem dữ liệu là “dầu mỏ hoặc đất trồng” mới”, ông nói.

bna_6310d58076efceb197fe.jpg
Ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Phan Tú

Tuy vậy, để tránh điểm nghẽn trong quá trình thực thi, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, ông cho rằng, phải nghiên cứu thấu đáo mối quan hệ giữa các dự án luật về chuyển đổi số quốc gia để có hệ thống khuôn khổ pháp luật đầy đủ để quy định về chuyển đổi số; từ đó xác định được phạm vi điều chỉnh các dự án luật, trong đó, có Luật Dữ liệu một cách chính xác nhất.

Về nội dung Dự án Luật Dữ liệu, qua các dẫn chứng cụ thể, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu quan điểm, Luật nên quy định những nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội, không nên quy định những vấn đề thuộc nghị định và ngược lại.

Bên cạnh đó, liên quan đến quy định hình thành Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị, Luật cần quy định rõ đây là trung tâm mang tính vật lý hay là một cơ quan, hoặc kết hợp cả hai. Theo ông, nên quy định theo hướng gồm 2 yếu tố này.

bna_a9a877d669b9d1e788a8.jpg
Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Phan Tú

Cũng về Dự án Luật Dữ liệu, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung về bố cục; đánh giá tác động chính sách; quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vấn đề cung cấp, quản lý, khai thác, chia sẻ dữ liệu; mục tiêu hướng đến là dữ liệu phải thể hiện đúng tinh thần “đúng, đủ, sạch, sống, an toàn, hiệu quả”.

Thành Duy - Phan Tú