Xây dựng Đảng

Khẳng định vai trò ngành Khoa học và Công nghệ trong sự nghiệp phát triển của tỉnh Nghệ An

TS Nguyễn Thị Minh Tú - Giám đốc Trung tâm KHXH&NV 25/10/2024 10:05

Trong suốt chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nghệ An đã không ngừng nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đưa nền KH&CN tỉnh nhà đạt được nhiều thành tựu to lớn; khẳng định vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh nhà.

biakhcn-cover(1).png

TS Nguyễn Thị Minh Tú • 25/10/2024

Trong suốt chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nghệ An đã không ngừng nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đưa nền KH&CN tỉnh nhà đạt được nhiều thành tựu to lớn; khẳng định vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh nhà.

biakhcn-tit1.png

Ngày 25/10/1959, Hội Phổ biến Khoa học - Kỹ thuật Nghệ An được thành lập, đánh dấu sự ra đời và trở thành ngày truyền thống của ngành Khoa học và Công nghệ Nghệ An. Từ đó đến nay, tên gọi đã nhiều lần thay đổi, gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị qua từng thời kỳ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử: Từ Ban Kỹ thuật tỉnh Nghệ An (năm 1961); Ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh Nghệ Tĩnh (năm 1976); Ủy ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh Nghệ An (năm 1991); Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường (năm 1993) đến Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An ngày nay (năm 2003).

image013.jpg
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm xưởng chế biến đá thuộc dự án VIE 89-027. Ảnh tư liệu

Ngày đầu mới thành lập, với muôn vàn khó khăn, cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu thốn, đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học kỹ thuật vừa ít, lại vừa thiếu kinh nghiệm, môi trường hoạt động khoa học còn nhiều hạn chế, nhưng Hội Phổ biến Khoa học - Kỹ thuật và Ban Kỹ thuật tỉnh đã cùng với các ngành, các cấp khắc phục khó khăn, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, tổ chức giới thiệu, tham quan mô hình và phát động các phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi tập quán canh tác lạc hậu, xây dựng nếp làm ăn mới, tiến bộ hơn, góp phần hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm, làm việc với cán bộ nhân viên ngành KHCN
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chụp ảnh với lãnh đạo tỉnh Nghệ An và cán bộ, lãnh đạo Uỷ ban KHKT Nghệ Tĩnh, tháng 5/1990. Ảnh tư liệu

Năm 1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc nước ta. Các hoạt động khoa học kỹ thuật lúc này được chuyển từ thời bình sang thời chiến. Để đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và chiến đấu của tỉnh, Ban Kỹ thuật tỉnh chủ trương một mặt hướng dẫn, giúp đỡ các ngành, các địa phương duy trì và chuyển hướng các hoạt động khoa học kỹ thuật cho phù hợp với chủ trương chuyển hướng kinh tế của Đảng, đồng thời điều hòa phối hợp lực lượng nghiên cứu các đề tài giải quyết dứt điểm một số vấn đề cấp thiết đối với sản xuất, chiến đấu và đời sống trước mắt.

Mặt khác, xúc tiến công việc chuẩn bị phục vụ cách mạng kỹ thuật sau chiến tranh như tổ chức xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, phát triển tiềm lực khoa học kỹ thuật, tổ chức tiến hành một số công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học kỹ thuật và quản lý kỹ thuật có ý nghĩa lớn và lâu dài đối với nền kinh tế quốc dân.

image017.jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phòng thăm và làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, ngày 18/2/2005. Ảnh tư liệu

Sau khi Hiệp định Pari được ký kết (27/01/1973), các hoạt động khoa học kỹ thuật của tỉnh tập trung vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, giải phóng đồng ruộng, khôi phục lại các cơ sở sản xuất ở các công, nông trường, xí nghiệp để phát triển sản xuất, tiếp tục xây dựng về mọi mặt, dồn sức cho tiền tuyến. Hoạt động khoa học kỹ thuật thời kỳ 1959-1975 chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, tổ chức các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật để đưa kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, đã đóng góp tích cực vào ổn định sản xuất, góp phần xây dựng hậu phương vững chắc.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Ngày 28/01/1976, Ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập và đến năm 1983 được đổi tên thành Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nghệ Tĩnh.

Ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp.
Ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: PV

Trong 15 năm nhập tỉnh (1976 - 1991) với bối cảnh đất nước vừa kết thúc chiến tranh, hoạt động khoa học kỹ thuật lúc này đứng trước muôn vàn thử thách, nền kinh tế mất cân đối, chưa ổn định, trình độ kỹ thuật thấp kém, đời sống nhiều khó khăn, chiến lược phát triển kinh tế chưa có, cơ chế quản lý kinh tế còn mang nặng tính chất hành chính bao cấp, song hoạt động khoa học kỹ thuật thời kỳ này có những chuyển biến và đóng góp đáng kể, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là thời kỳ đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986 - 1990). Sản xuất lương thực đã tăng lên rõ rệt qua từng năm, tổng sản lượng lương thực của Nghệ Tĩnh năm 1976 đạt 65 vạn tấn, từ năm 1981 - 1990 đạt bình quân 76,1 vạn tấn/năm, tăng 17,4% so với năm 1975. Đặc biệt, tập trung 3 chương trình kinh tế lớn là Chương trình lương thực thực phẩm, Chương trình hàng tiêu dùng và Chương trình hàng xuất khẩu để tạo nhiều sản phẩm cung cấp cho xã hội trong thời kỳ khan hiếm hàng hóa.

2.jpeg
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình phát triển cây dược liệu của Tập đoàn TH tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An
1.jpeg
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An lấy, ghép tạng từ người hiến chết não. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh chia tách thành Nghệ An và Hà Tĩnh, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nghệ An được thành lập ngày 30/8/1991. Tháng 11/1993, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An được chuyển thành Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, được bổ sung thêm chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường của tỉnh đã có sự phát triển rõ nét, nhất là từ sau khi có Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về “Định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ CNH-HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000”, khẳng định vai trò động lực của KH&CN đối với sự nghiệp CNH-HĐH và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 1996 - 2000. Ngày 25/8/2003, UBND tỉnh Nghệ An đã đổi tên Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường thành Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An (Quyết định số 3111/QĐ-UB-TC).

biakhcn-tit2.png

Bước sang giai đoạn mới, khi KH&CN phát triển như vũ bão, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, thế giới trở nên “phẳng và không biên giới”. Khoa học và công nghệ càng thể hiện là nhân tố “quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" và được thể chế hóa trong Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XI (năm 2012), Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.

ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-san-xuat-nong-nghiep.png
Các nghiên cứu ứng dụng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ảnh: PV

Xác định rõ vai trò của KH&CN trong tình hình mới, ngày 30/9/2024 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã thông qua Nghị quyết phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2030, xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững của tỉnh. Đây là những định hướng quan trọng, đồng thời thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội đối với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

c.jpg
Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Lê

Trải qua 65 năm, ngành KH&CN tỉnh Nghệ An đã trưởng thành cả về chức năng, nhiệm vụ lẫn bộ máy tổ chức và cơ chế quản lý. Dù trong điều kiện thuận lợi hay khó khăn, thời bình hay thời chiến, ngành đã nỗ lực phấn đấu tham mưu và thực hiện các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực KH&CN góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và đạt được nhiều thành tựu: ngành đã làm tốt công tác tham mưu ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách quan trọng định hướng phát triển KH&CN.

IMG_8162 (1)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Thành Duy

Công tác quản lý nhà nước về KH&CN từng bước có những đổi mới mang tính đột phá; hiệu lực, hiệu quả quản lý ngày càng được nâng cao. Nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về vai trò của khoa học và công nghệ có chuyển biến tích cực. Đóng góp của KH&CN được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực và có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Đoàn cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV tham quan quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ của Tập đoàn TH. Ảnh: Thanh Lê
Đoàn cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV tham quan quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ của Tập đoàn TH. Ảnh: Thanh Lê

Bên cạnh đó, KH&CN vẫn còn những hạn chế: Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương về các hoạt động KH&CN còn hạn chế. Tổ chức bộ máy, số người làm việc và cơ sở vật chất của các đơn vị sự nghiệp KH&CN hoạt động gặp nhiều khó khăn. Kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN thấp hơn nhiều so với quy định.

Cùng với đó, hoạt động ứng dụng và phát triển KH&CN chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Hoạt động nghiên cứu triển khai trong các viện, trường và doanh nghiệp chưa thực sự được đẩy mạnh. Việc chuyển giao và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu chưa nhiều. Tốc độ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp còn chậm. Chưa ban hành được các chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thiếu các chuyên gia và nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực KH&CN, đổi mới sáng tạo.

Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024. Ảnh: PV
Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024. Ảnh: PV

Trong 5 quan điểm của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định “tạo đột phá trong phát triển khoa học và công nghệ”. Để “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”, thời gian tới, ngành KH&CN Nghệ An tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, đổi mới quản lý nhà nước đáp ứng bối cảnh mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo nhu cầu nguồn nhân lực quản lý và hoạt động sự nghiệp ngành khoa học và công nghệ. Phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bảo đảm đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao các công nghệ tiên tiến. Từng bước hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh một số lĩnh vực trọng điểm phát triển của tỉnh. Phát triển mạng lưới kết nối nhân tài, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Nghệ An ở trong và ngoài nước.

Các đại biểu tham quan sản phẩm trưng bày tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An năm 2023
Các đại biểu tham quan sản phẩm trưng bày tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An năm 2023. Ảnh: PV

Thứ ba, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo có trọng tâm phục vụ các đột phá, trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Thứ tư, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ.

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác, liên kết quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nghệ An kết nối với doanh nghiệp Singapore hợp tác sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng công nghệ xanh. Ảnh: Thanh Lê
Nghệ An kết nối với doanh nghiệp Singapore hợp tác sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng công nghệ xanh. Ảnh: Thanh Lê

Nghị quyết 39-NQ-TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An, xác định Nghệ An là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về khoa học và công nghệ. Với định hướng đó, kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm chặng đường đã qua, ngành KH&CN tỉnh Nghệ An quyết tâm thực hiện thành công các nhiệm vụ KH&CN, đổi mới sáng tạo tiếp tục thúc đẩy, ứng dụng mạnh mẽ KH&CN vào đời sống và sản xuất, thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội góp phần vào sự phát triển của quê hương đất nước.

Ghi nhận những thành tích trong 65 năm qua, Sở KH&CN Nghệ An đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2019), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2009); Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2010); Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2013; Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng nhiều Bằng khen cho tập thể và cá nhân.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao tặng Bằng khen cho 20 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ năm 2023. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao tặng Bằng khen cho 20 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ năm 2023. Ảnh: Thành Duy

TS Nguyễn Thị Minh Tú - Giám đốc Trung tâm KHXH&NV