Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tôn Quang Phiệt, người trí thức giàu lòng yêu nước

Xô Viết 25/10/2024 10:54

Đồng chí Tôn Quang Phiệt được đánh giá là “tấm gương sáng của một người trí thức giàu lòng yêu nước, trung thành với cách mạng, với nhân dân, chiến đấu bền bỉ, không ngừng tự trau dồi và rèn luyện để đạt tiêu chuẩn người cách mạng chân chính".

Tôn Quang Phiệt sinh năm 1900 trong một gia đình Nho học, quê ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Ông là con cử nhân Tôn Thúc Định.

Quê hương Tôn Quang Phiệt nổi tiếng là mảnh đất địa linh nhân kiệt. Vị tướng Phan Đà của Lê Lợi đã dũng cảm, mưu trí truy đuổi giặc Minh và hy sinh tại Võ Liệt. Nhân dân đã lập đền Bạch Mã thờ phụng ông. Đình Võ Liệt, với kiến trúc nghệ thuật độc đáo, là nơi hội tụ, bình văn thơ và thời cuộc của các nho sĩ yêu nước. Nơi đây, các bia đá ghi tên những người con của Võ Liệt đã đỗ qua các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Võ Liệt là huyện lỵ từ thời vua Thành Thái cho đến cách mạng tháng Tám năm 1945.

Tôn Quang Phiệt

Nhân dân Võ Liệt hưởng ứng và tham gia tích cực các phong trào Văn thân -Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX và phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo đầu thế kỷ XX.

Thửa nhỏ, Tôn Quang Phiệt được cha dạy chữ Nho, sớm tiếp xúc với những bài thơ văn đầy nhiệt huyết yêu nước của các sĩ phu xứ Nghệ. Những câu chuyện đàm đạo về vận mệnh đất nước, về phong trào chống Pháp và tìm người cứu nước của các bác với học trò của ông nội như phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Giải nguyên Nguyên Chính, cử nhân Đặng Như Hài, phó bảng Đặng Trọng Cẩn, tú tài đầu xứ Đặng Thái Thân… đã in đậm trong tâm trí Tôn Quang Phiệt.

Năm 1920, Tôn Quang Phiệt được vào học lớp đầu tiên của Trường quốc học Vinh. Quá trình theo học, Tôn Quang Phiệt luôn là người mẫu mực. Năm thứ 3 anh đã có thể viết truyện ngắn, viết báo với nội dung yêu nước sâu sắc.

Năm 1924, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Vinh, Tôn Quang Phiệt đăng ký vào học Trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội. Ngày 25/1/1925, anh và 16 sinh viên yêu nước của trường, trong đó có: Phạm Thiều, Đặng Thai Mai, Nguyễn Quốc Tuý… tổ chức thành lập hội Việt Nam Nghĩa Đoàn.

Đầu năm 1925, Tôn Quang Phiệt cùng cụ Lê Huân đến Thanh Hoá gặp Hoàng Văn Khai bàn việc tổ chức Hội Phục Việt. Ngày 14 / 7/1925 (ngày Quốc Khánh Pháp ) tại núi con Mèo ở Bến Thủy - Vinh, Hội Phục Việt được thành lập. Các thành viên sáng lập đều là trí thức gồm: Lê Văn Huân, Tôn Quang Phiệt, Ngô Đức Diễn…

Tôn Quang Phiệt được cử phụ trách chi hội Bắc Kỳ. Ngày 5-12-1925, nhân vụ án Phan Bội Châu, các hội viên nhóm Bắc Kỳ rải truyền đơn kêu gọi nhân dân đấu tranh.

Tháng 7-1926, Tôn Quang Phiệt cùng các hội viên Hội Phục Việt như Trần Phú, Phan Trọng Bình, Phan Trọng Quảng, Nguyễn Văn Lợi, Hoàng Tùng ... sang Quảng Châu (Trung Quốc) dưới sự tổ chức và dẫn đường của Lê Duy Điếm; nhưng gần qua khỏi biên giới thì anh và Hoàng Tùng bị mật thám Pháp bắt. Không đủ chứng cớ, một thời gian sau bọn mật thám phải trả tự do cho Tôn Quang Phiệt.

Cuối năm 1929, Tôn Quang Phiệt bị bắt và Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An đã kết án anh 7 năm tù khổ sai và 7 năm quản thúc theo bản án số 11 ngày 21/1/1930 và đày đi Buôn Ma Thuột. Trong tù Tôn Quang Phiệt cùng anh em tù chính trị sáng tác thơ văn làm vũ khí đấu tranh chống lại chế độ lao tù hà khắc. Năm 1933, Tôn Quang Phiệt được trả tự do.

Năm 1934, Tôn Quang Phiệt dạy học ở Vinh; năm 1937, anh là hiệu trưởng trường tư thục Thuận Hóa (Huế). Ông tham gia hoạt động trong hội truyền bá quốc ngữ, viết báo, vận động Đại hội Đông Dương và tham gia mặt trận dân chủ ở Huế.

Ngày 23- 8- 1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế thành công, Tôn Quang Phiệt được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên, sau đó là Chủ tịch Ủy ban hành chính Thừa Thiên.

Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội khóa I Tôn Quang Phiệt (thứ 4 từ trái sang). Ảnh tư liệu
Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội khóa I Tôn Quang Phiệt (thứ 4 từ trái sang). Ảnh tư liệu

Từ năm 1946 – 1963, Tôn Quang Phiệt liên tục là đại biểu quốc hội và giữ nhiều chức vụ quan trọng: Ủy viên Ban Thường vụ, kiêm Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa; Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Việt Liên khu IV, Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết nhân dân Á – Phi của Việt Nam; Phó hội trưởng hội hữu nghị Việt – Trung; Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt – Xô, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ viên BCH Hội khoa học Lịch sử Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Tôn Quang Phiệt còn sáng tác thơ văn, viết sử và nghiên cứu khoa học xã hội, các tác phẩm, công trình nghiên cứu tiêu biểu của ông như: “Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam” - xuất bản năm 1946; “Trên đường tranh đấu của nhân dân Việt Nam” - xuất bản năm 1950; “Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam” - xuất bản năm 1958…

sách Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam của tôn quang phiệt
Cuốn sách “Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam” của Tôn Quang Phiệt.

Ngày 1-12-1973, Tôn Quang Phiệt đã trút hơi thở cuối cùng khép lại một cuộc đời dành trọn vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, đúng như đánh giá về ông trong điếu văn đọc ngày 5/12/1973: “tấm gương sáng của một người trí thức giàu lòng yêu nước, trung thành với cách mạng, với nhân dân, chiến đấu bền bỉ, không ngừng tự trau dồi và rèn luyện để đạt tiêu chuẩn người cách mạng chân chính”.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Tôn Quang Phiệt được Nhà nước trao tặng Huân Chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Xô Viết