Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Di tích Đền Đông Hải (Đền Cổ Bái)

Bảo tảng Xô viết Nghệ Tĩnh 25/10/2024 13:47

Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đền Đông Hải được chọn là địa điểm hoạt động, triển khai các cuộc họp bí mật của các đảng viên chi bộ Đông Hải – Song Lộc như Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Đôn…, lưu trữ truyền thống anh hùng Xô viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931.

Đền Đông Hải xây dựng trên địa bàn xã Đông Hải xưa, để thờ các vị thần có công với nước, với dân. Đền còn có tên gọi khác là Cổ Bái do nguyên xưa địa danh của di tích mang tên ấp Cổ Bái, về sau đổi thành thôn Cổ Bái thuộc xã Đông Hải nên tên gọi của di tích mang ý nghĩa chỉ địa danh. Hiện nay, di tích thuộc xóm 2, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Đền Đông Hải cách thành phố Vinh khoảng 10km về phía Đông, cách huyện Nghi Lộc 12km về phía Đông Nam. Đến thăm di tích, du khách có thể sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau, xuất phát từ thành phố Vinh đi theo hướng Vinh – Cửa Hội gặp cầu Đồng Mực, đi tiếp 1,5km gặp ngã tư, rẽ phải, đi tiếp 2km gặp biển chỉ dẫn “Đền Đông Hải”, rẽ phải khoảng 100m là đến di tích.

Đền Đông Hải.
Đền Đông Hải. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Đền Đông Hải thuộc loại hình Di tích lịch sử, là nơi thờ tự nhiều vị nhân thần có công với nước với dân như Yết Kiêu (tùy tướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, được vua ban danh hiệu “Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân”), Hoàng Tá Thốn (được vua Trần Nhân Tông phong là “Sát Hải Đại tướng quân”, khi mất được nhân dân truy tặng “Sát Hải chàng lại Đại tướng quân, Thiên Bồng nguyên soái chi thần”), Phạm Huy (là quan “Công khoa Đô cấp sự Trung” hết mực thanh liêm, lo nước, thương dân thời Nguyễn), Nguyễn Ngọc (quan “Tu soạn” thời Nguyễn), Nguyễn Hữu Chính (quan “Toản tu sử quán” thời Nguyễn, tham gia phong trào Cần Vương, tử trận năm 1887), Hoàng Phan Thái (là “Tứ hổ” của huyện Nghi Lộc đã chiêu tập nghĩa binh kéo cờ khởi nghĩa chống Phong Kiến, đuổi Pháp thời Nguyễn)…

Thần chủ của đền Đông Hải là Phạm Huy, còn các nhân vật khác được phối thờ. Đền không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân xã Đông Hải, tổng Đặng Xá và nhân dân vùng phụ cận mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của địa phương cũng như của dân tộc.

Trong phong trào Văn Thân chống Pháp, nhiều nhà yêu nước như Hoàng Phan Thái, Hoàng Giáp Chính, Đặng Thái Thân… đã chọn đền Đông Hải, nơi có cây cối rậm rạp, gần sông có thể thoát hiểm dễ dàng để hoạt động.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, thực hiện Nghị quyết hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc (Ủy viên Ban chấp hành lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam) đã thành lập ra Phân cục Trung ương Đảng ở Trung Kỳ tại thành phố Vinh để chỉ đạo việc thành lập các cấp Ủy đảng trong xứ. Tỉnh ủy Vinh bao gồm thành phố Vinh – Bến Thủy và hai huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc nhanh chóng được thành lập.

Dưới sự chỉ đạo của Phân cục Trung ương và Tỉnh ủy Vinh, các đồng chí Phạm Duy Thanh, Nguyễn Hữu Cơ đã cùng với đồng chí Nguyễn Thức Mẫn (Bí thư Đảng bộ Tân Việt tỉnh Nghệ An) đã nhóm họp các đảng viên Tân Việt, có xu hướng cộng sản trong huyện Nghi Lộc thảo luận về chủ trương thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng. Hội nghị đã cử ra Ban chấp hành huyện ủy lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nghi Lộc gồm các đồng chí: Nguyễn Thức Mẫn, Nguyễn Hữu Cơ, Nguyễn Đình Xuân, Hoàng Văn Tâm… Đồng chí Nguyễn Thức Mẫn được bầu làm Bí thư.

Nhờ có sự chỉ đạo trực tiếp của Phân cục Trung ương, Tỉnh ủy Vinh và hoạt động tích cực của Huyện ủy lâm thời, cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng cách mạng của Đảng ở huyện Nghi Lộc được phát triển nhanh. Các chi bộ ghép được thành lập sớm ở đảng bộ huyện Nghi Lộc bao gồm: Ân Hậu, Đức Hậu, Kim Khê, Phan Thôn, Đông Chữ, Long Trảo, Lò, Mỹ, Văn Trung, Cổ Đan, Song Lộc, Vân Trình…

Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đền tiếp tục được chọn là địa điểm hoạt động, triển khai các cuộc họp bí mật của các đảng viên chi bộ Đông Hải – Song Lộc như Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Đôn…

Trong cao trào cách mạng 1930-1931, ở huyện Nghi Lộc phong trào phát triển mạnh mẽ, liên tục từ tháng 5/1930 đến tháng 5/1931. Trước tình hình đó, thực dân Pháp tìm đủ mọi cách để dập tắt phong trào. Hàng loạt cuộc vây bắt, truy lùng cán bộ, triệt phá làng mạc xảy ra. Hàng trăm cán bộ, quần chúng cách mạng bị bắt bớ tù đày và bị giết hại. Nhiều làng mạc bị lính đến quấy nhiễu đốt phá.

Ngày 13/9/1931, bọn bang tá và đoàn phu trong vùng bao vây cơ quan huyện uỷ Nghi Lộc, đồng chí Nguyễn Đình Diên cùng với một số cán bộ xứ uỷ, huyện uỷ bị sa lưới địch. Đây là tổn thất nặng nề cho Đảng bộ Nghi Lộc. Lúc này đồng chí Nguyễn Duy Trinh tham gia phong trào cách mạng ở Nam bộ, bị thực dân Pháp trục xuất về quê từ đầu năm 1931, đang bí mật hoạt động ở địa phương đã liên lạc với các đồng chí vừa thoát khỏi cuộc vây lùng của địch, tổ chức hội nghị lập ra Ban cán sự huyện uỷ, tiếp tục duy trì hoạt động của Đảng bộ. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh được bầu làm Bí thư.

Tổ chức Đảng vừa khôi phục, phong trào vừa nhóm lên, hoạt động chưa được bao lâu lại bị kẻ địch ráo riết khủng bố. Đến tháng 11/1931, các cấp bộ Đảng ở huyện Nghi Lộc tan rã; phần lớn cán bộ đảng viên bị địch bắt. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một trong những người bị bắt cuối cùng trong đợt khủng bố ngày 18/12/1932. Di tích Đền Đông Hải là một trong những địa điểm hội họp của các đảng viên ở Nghi Lộc, trong đó có đồng chí Nguyễn Duy Trinh và nhiều đồng chí khác…

Từ năm 1946-1947, đền Đông Hải là nơi tập kết, làm lễ tuyên thệ, xuất quân các đoàn quân Nam tiến và các chiến trường khác.

Từ năm 1965-1967, do vị trí thuận lợi nên đền Đông Hải tiếp tục được chọn là nơi cất dấu kho vũ khí, quân trang, quân dụng, kho đạn của Hải quân nhân dân Việt Nam. Sau khi bị địch phát hiện, do không biết chính xác vị trí kho nên chúng đã cho máy bay oanh tạc nhiều lần trên địa bàn, gần khu vực đền, gây thiệt hại về người và của…

Không chỉ là di tích ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, đền Đông Hải còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.

Xưa, tại đền diễn ra rất nhiều kỳ lễ trọng, tiêu biểu có 3 kỳ lễ hội. Phần Lễ bao gồm Lễ Khai Hạ tổ chức vào mồng 7 tháng giêng, Lễ Cầu yên tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16 tháng giêng và Lễ Phụng nghinh được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 3 âm lịch.

Phần Hội diễn ra vào ngày 8 đến ngày 16 tháng giêng. Tại đền tổ chức nhiều trò chơi dân gian vào dịp đầu năm như: đấu vật, đánh cờ, đánh đu, đua thuyền giữa các làng, phần hội được tổ chức sau phần lễ. Ngoài các trò chơi dân gian trên, trong xã còn tổ chức thi hát tuồng, ca trù, đánh cù, cờ người… thu hút đông đảo nhân dân tham dự.

Đền Đông Hải tọa lạc trên một địa thế bằng phẳng, quay mặt về phía Đông, phía trước khoảng 1km là dòng sông Lam trong xanh, hai bên đền là khu dân cư, phía sau đền là đồng ruộng xanh mướt…

Đền có diện tích 1.832m2, gồm 2 tòa, bố cục kiểu chữ Nhị bao gồm: cổng tam quan; sân, vườn đền; bái đường và hậu cung.

Cổng tam quan được phục dựng năm 1998, theo kiểu chồng diêm 2 mái bằng chất liệu gạch chỉ, vữa tam hợp. Cổng dược giới hạn bởi 4 cột trụ chia thành 3 cửa đi vào đền. Cửa giữa có chiều cao 3,4m, được tạo thành bởi hai cột trụ, mặt ngoài nhấn đôi câu đối bằng chữ Hán có nội dung:
Đan phượng hàm thư, Bái lĩnh nhân kiệt
Thanh long đái ấn, Đông Hải địa linh.
Tạm dịch: Chim phượng đỏ ngậm sách, núi Bái sinh nhân kiệt
Rồng xanh treo ấn, Đông Hải là đất địa linh.

Nối liền với cổng tam quan là mảng tường đắp hai bức phù điêu thể hiện hình tượng hai con ngựa trong tư thế đứng chầu vào cửa đền. Tiếp theo là hệ thống tường bao quanh di tích.

Sân đền có diện tích 92,4m2, ngay sau cổng di tích bài trí 1 con voi trong tư thế quỳ và 1 con ngựa trong tư thế đứng. Hai linh vật bằng đá đứng chầu vào cửa đền, thần thái uy nghiêm như nhắc nhở du khách khi bước chân vào chốn linh thiêng.

Tiếp theo là Tắc môn, xây theo kiểu cuốn thư, mặt trước đắp phù điêu con hổ trong tư thế quay mặt trở ra. Phía sau Tắc môn bài trí 1 tượng sư tử, 1 con hổ trong tư thế ngồi, rất độc đáo và lạ mắt. Bên trái Tắc môn là tấm bia đá cổ được chế tác vào thời Hậu Lê, hai mặt đều khắc chữ Hán nhưng không còn đọc được nội dung. Ngoài ra, giữa sân đặt 1 lư hương bằng đá, thân lư hương hình trụ tròn, hai bên đắp nổi hai con rồng vươn lên.

Vườn đền có diện tích 1000m2, trong vườn trồng nhiều loại cây cảnh và cây ăn quả như xoài, cau, si… vừa tạo bóng mát, vừa tạo nên một không gian tôn nghiêm cho đền.

Bái đường có diện tích 181,72m2, gồm 5 gian, hai phía xây tường, phía sau để trống với Hậu cung.

Bái đường bài trí cả 3 gian thờ. Gian giữa thờ công đồng gồm 1 bộ chấp kích, 1 hương án, 1 lư hương, 1 mâm chè, 2 cọc nến, 5 đài trản. Phía sau hương án đặt 1 chiếc kiệu long đình cổ có các mặt và đế đều trang trí “tứ linh, tứ quý” bằng phương thức chạm lộng, tạo cho những đường nét sắc và tinh xảo. Hai bên bài trí hai ông phỗng bằng đá bị mất đầu và tay trong tư thế quỳ, đóng khố có dây lưng buộc ở giữa, đây là hiện vật cổ được vớt từ dưới sông lên. Gian phải và trái thờ linh hương các anh hùng liệt sỹ, được bài trí giống nhau. Ngoài ra, bên hồi phải của Bái đường đặt 1 kiệu Long đình cổ, 1 trống và 2 chiếc lọng. Tại các cột của Bái đường đều treo 3 câu đối bằng chữ Hán…

Hậu cung có diện tích 67,77m2 gồm 2 gian 2 chái, 3 phía xây tường, mặt trước thông với nhà Bái đường, trổ 3 cửa kiểu “thượng song hạ bản”. Hệ mái lợp ngói âm dương, gồm 2 tầng, tạo thành hệ thống chồng diềm, được nâng đỡ bằng hệ khung bê tông, không có kết cấu vì nóc. Các vì nách được hình thành từ bộ khung giữa có nhiệm vụ vừa đỡ lấy mái ở tầng dưới, vừa cơi nới thêm diện tích hai bên cho lòng nhà thêm rộng, dễ bài trí. Hậu cung có 4 cột, đều được đặt trên những hòn đá tảng hình vuông, nền lát gạch men.

Trang trí kiến trúc hệ mái Hậu cung giống Bái đường. Hậu cung là nơi thâm nghiêm thờ các vị thần của đền. Gian giữa là nơi thờ Yết Kiêu, Hoàng Tá Thốn, Tiến sỹ Phạm Huy, trong cùng là bàn thờ gồm 3 cấp…

Gian trái thờ Tiến sỹ Nguyễn Ngọc và Nguyễn Hữu Chính, trong cùng là bệ thờ 2 cấp. Gian phải thờ Hoàng Phan Thái, bài trí như gian trái, chỉ khác hương án ngoài cùng bài trí 1 lư hương…

Đền Đông Hải là di tích mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, là sợi dây cố kết cộng đồng của nhân dân Phúc Thọ, các vùng lân cận và du khách thập phương.

Cùng với các di tích trên địa bàn xã lân cận như: đền Trìa, nhà thờ họ Uông, đền thờ Trần Quý Khoáng… đền Đông Hải trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh hấp dẫn, có giá trị giáo dục về mặt truyền thống yêu nước và cách mạng, góp phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch địa phương hiện tại và tương lai.

Bảo tảng Xô viết Nghệ Tĩnh