Thời sự

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An: Cấm quảng cáo về tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên là không phù hợp

Thành Duy - Phan Tú 25/10/2024 18:34

Đây là quan điểm được đại biểu Thái Thị An Chung, đoàn Nghệ An trao đổi trong phiên thảo luận hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

bna_7d9104aa49d4f18aa8c5.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội chủ trì, điều hành phiên làm việc chiều 25/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Chiều 25/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An do đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn dự họp.

Ủng hộ phương án tổ chức, hoạt động của văn phòng công chứng theo mô hình công ty hợp danh

Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đánh giá, dự thảo Luật đã được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý rất kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, trên cơ sở đến nay vẫn còn một số vấn đề trong dự thảo Luật còn có ý kiến khác nhau, đại biểu đã phát biểu nêu quan điểm cụ thể tại phiên thảo luận.

bna_a728fa9228ed90b3c9fc.jpg
Đồng chí Hoàng Thanh Tùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: Nam An

Trước hết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An cơ bản thống nhất với việc, dự thảo Luật không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng vì đã được quy định trong các Luật chuyên ngành như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản… mà thay vào đó quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp “rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải được công chứng theo quy định của luật trên cổng thông tin điện tử” là phù hợp, tạo thuận lợi cho người tham gia giao dịch khi thực hiện các thủ tục pháp lý.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, không cần thiết phải bổ sung quy định “giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao” do nội dung mang tính định tính, chung chung nên khó xác định. Hơn nữa, về hình thức giao dịch dân sự, điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự đã được quy định trong Bộ Luật Dân sự và các luật chuyên ngành khác.

bna_d9e811db72a0cafe93b1.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và các ĐBQH trong phiên làm việc ngày 25/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Nêu quan điểm về hình thức tổ chức của văn phòng công chứng, qua nghiên cứu hồ sơ dự thảo Luật và thực tiễn tổ chức hoạt động công chứng thời gian qua, trên cơ sở 2 phương án dự thảo Luật đưa ra, đại biểu Thái Thị An Chung chọn phương án “văn phòng công chứng chỉ được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh”.

Theo đánh giá của đại biểu, việc lựa chọn phương án trên là kế thừa Luật Công chứng hiện hành đang phát huy hiệu quả, đảm bảo tính ổn định, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức.

“Công chứng là dịch vụ công nên yêu cầu quan trọng là tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ. Tổ chức hành nghề công chứng phải chịu trách nhiệm lâu dài về hoạt động công chứng nên trong trường hợp không đảm bảo được yêu cầu này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên trong giao dịch đã được công chứng, và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội”, vị đại biểu đoàn Nghệ An nói.

bna_e37f27cb8db435ea6ca5.jpg
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng cho rằng, quy định cấm tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình trong dự thảo Luật là không phù hợp; bởi đây không thuộc danh mục các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ bị cấm quảng cáo tại Theo Luật Quảng cáo 2012.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng đang “khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch để bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, góp phần giảm tải công việc của cơ quan hành chính, giảm biên chế và chi ngân sách Nhà nước”.

Do đó, việc giới thiệu về tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên góp phần giúp mọi người hiểu biết nhiều hơn về hoạt động công chứng và tổ chức hành nghề công chứng; đặc biệt là ở các địa bàn có tổ chức hành nghề công chứng mới thành lập; tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu thông tin về tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên.

Và khi thực hiện việc quảng cáo, tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên cũng phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quảng cáo, trường hợp vi phạm thì sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

Đề xuất nghiên cứu bổ sung quyền của tổ chức hành nghề công chứng

Đối với quyền của tổ chức hành nghề công chứng, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cho phép tổ chức hành nghề công chứng được cung cấp dịch vụ làm thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản là đối tượng của hợp đồng, giao dịch được công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng có nhu cầu sử dụng loại dịch vụ này.

bna_2ba6cc186167d9398076.jpg
Quang cảnh phiên làm việc chiều 25/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Bởi theo đại biểu, đây là một nhu cầu mang tính khách quan của nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, do pháp luật công chứng hiện nay không có quy định nên hiện nay “dịch vụ” công chứng này được thực hiện một cách tự phát, không công khai, thiếu minh bạch, không xác định rõ được quyền, nghĩa vụ của các bên có liên quan; đồng thời Nhà nước cũng thất thu nghĩa vụ thuế, do thường được chuyển tải dưới hình thức hợp đồng uỷ quyền cho một cá nhân của tổ chức hành nghề công chứng trực tiếp đứng ra thực hiện.

“Việc bổ sung quy định này sẽ tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu công chứng hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản một cách thuận lợi nhất”, đại biểu nhận định.

Bên cạnh đó, việc bổ sung quy định này chính là bổ sung thêm công cụ để công chứng viên có thể bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của giao dịch do mình công chứng.

"Quy định này cho phép công chứng viên hoặc tổ chức hành nghề công chứng tăng cường khả năng kiểm soát “tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự” được công chứng, nhất là “giao dịch dân sự bị vô hiệu do giả tạo” quy định tại Bộ Luật Dân sự", đại biểu Thái Thị An Chung phân tích; qua đó góp phần tiết giảm được các giao dịch ngầm trong đời sống kinh tế - xã hội, giảm thiểu đáng kể các tranh chấp, khiếu kiện cũng như tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Việc bổ sung quy định này cũng đảm bảo tính thống nhất với quy định của một số luật có liên quan như Luật Đấu giá tài sản, Luật kinh doanh bất động sản; đồng thời phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ đã xác định tại Nghị quyết 172 ngày 19/11/2020, đó là triển khai cơ chế liên thông đối với thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.

Thành Duy - Phan Tú