Quốc tế

Mỹ nêu lý do từ chối thay đổi quy định viện trợ tên lửa cho Ukraine

Tuấn Anh 27/10/2024 07:41

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiết lộ, Washington nhất quyết không cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga vì không còn mục tiêu quân sự hợp lệ nào.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Fox hôm 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhận được câu hỏi vì sao chính quyền của Tổng thống Joe Biden liên tục từ chối yêu cầu của người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky về dỡ bỏ các hạn chế đối với việc phóng tên lửa ATACMS, có tầm bắn khoảng 300km vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

bo truong Quoc phong My EPA.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: New York Times

“Nga đã di chuyển các máy bay của họ ra khỏi phạm vi tấn công của ATACMS", ông Austin giải thích. Quan chức này nói thêm, Ukraine hiện có khả năng tự sản xuất máy bay không người lái (UAV) có thể nhắm mục tiêu ở phạm vi 400km trở lên.

Dỡ bỏ các hạn chế của phương Tây đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa do nước ngoài chế tạo cùng với lời mời gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay lập tức là 2 trong số những đề xuất chính trong "kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Ukraine. Moscow đã bác bỏ các đề xuất của Kiev, đồng thời cáo buộc chúng nhằm thúc đẩy các thành viên NATO tiến tới một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khuyến cáo các nước phương Tây không cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa của họ để nhắm bắn lãnh thổ Nga, với lý do điều này có thể dẫn đến nguy cơ đối đầu trực tiếp, thậm chí là chiến tranh hạt nhân. Ông Putin lập luận, quân Ukraine sẽ không thể tự thực hiện các vụ tấn công như vậy vì cần dựa vào thông tin mục tiêu do NATO cung cấp.

Lãnh đạo Điện Kremlin cũng ra lệnh sửa đổi học thuyết hạt nhân của Moscow để coi "hành vi chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân là vụ tấn công chung". Moscow sẽ coi động thái như vậy là căn cứ để sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuấn Anh