Xã hội

Cần giải quyết những vướng mắc trong tuyển dụng cán bộ công đoàn chuyên trách

Diệp Thanh 27/10/2024 11:21

Dù được gắn với nhiều trách nhiệm liên quan đến chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động và hài hòa quan hệ lao động nhưng vì chưa được luật hóa nên vị thế, vai trò của đội ngũ cán bộ công đoàn gặp nhiều hạn chế.

Luật hóa vai trò, trách nhiệm của cán bộ công đoàn

hội thảo góp ý luật công đoàn Ảnh Diệp Thanh00001
Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh

Nhiều năm trong vai trò Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Haivina Kim Liên (Nam Đàn), ông Lê Văn Sơn chia sẻ: “Điều 24, Luật Công đoàn Việt Nam 2012 quy định thời gian làm nhiệm vụ công đoàn không chuyên trách là 24 giờ/tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở; 12 giờ/tháng đối với Ủy viên Ban Chấp hành, Tổ trưởng… Theo tôi, quy định cứng với thời lượng cụ thể như thế này là chưa hợp lý. Với một doanh nghiệp hàng nghìn lao động như của chúng tôi, thời gian như vậy là không thể đủ, quá hạn hẹp để hoàn thành các nhiệm vụ và khi đã quy định cứng rồi thì rất khó để chúng tôi thương lượng lại với chủ doanh nghiệp. Nên chăng cần có sự linh hoạt về thời gian để phù hợp với từng công đoàn cơ sở".

Tôi cho rằng, quy trình xung quanh thời gian đương nhiệm của cán bộ công đoàn cần xem lại. Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc chuyển làm công việc khác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và ý kiến bằng văn bản của Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp. Trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật thì Công đoàn cấp trên cơ sở có trách nhiệm yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền can thiệp; nếu được ủy quyền thì Công đoàn cấp trên cơ sở đại diện khởi kiện tại Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn… Có như vậy, cán bộ Công đoàn mới dám đứng ra bảo vệ quyền lợi người lao động mà không lo sợ sự trù dập, can thiệp từ chủ sử dụng lao động.

Ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Haivina Kim Liên (Nam Đàn).

Ý kiến của ông Sơn cũng là ý kiến của rất nhiều cán bộ công đoàn tại Hội thảo góp ý vào Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức. Cũng theo ông Sơn, cần nâng trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với hoạt động công đoàn bằng quy định của luật. Có như vậy, việc tổ chức các hoạt động công đoàn mà điển hình là tuyên truyền pháp luật, mới có thể dễ dàng tổ chức, giúp người lao động có cơ hội tập huấn.

Đoàn viên, người lao động tham gia giải thể thao do Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam phối hợp tổ chức. Ảnh: CSCC
Đoàn viên, người lao động tham gia giải thể thao do Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam phối hợp tổ chức. Ảnh tư liệu: CSCC

Cùng quan điểm nâng cao vai trò của cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp, ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục trăn trở: “Cần có quy định để tổ chức công đoàn nói chung, cán bộ công đoàn cơ sở nói riêng được tham gia các cuộc làm việc về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và cơ quan, đơn vị. Mỗi một sự phát triển của các cơ quan, đơn vị, dù lớn hay nhỏ, đều gắn với những công hiến của đoàn viên, người lao động, trực tiếp liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của đoàn viên, người lao động. Là tổ chức trực tiếp chăm lo, gần gũi với người lao động, tổ chức công đoàn phải nắm được định hướng phát triển của đơn vị”.

Không chỉ bị hạn chế về vai trò, vị thế, ở nhiều cơ quan, đơn vị, tài chính công đoàn – cái vốn thuộc về công đoàn, lại bị chi phối, can thiệp bởi chủ sử dụng lao động. “Trong quá trình làm việc, giao lưu, chúng tôi nghe rất nhiều cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp khác phàn nàn rằng, 2% kinh phí công đoàn bị chủ sử dụng lao động không đơn thuần giám sát mà còn quản lý, chi phối, can thiệp mục đích sử dụng, mỗi lần tổ chức hoạt động, ban chấp hành công đoàn lại phải xin phép khiến việc tổ chức hoạt động cho đoàn viên, người lao động gặp nhiều hạn chế. Chế tài trong quản lý và quy định sử dụng kinh phí công đoàn còn rất lỏng lẻo, cần các nhà làm luật xem xét”, bà Hoàng Thị Thu Hương - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam chia sẻ.

 Công nhân Công ty TNHH Em-Tech bất ngờ với món chè trong thực đơn
Số lượng công nhân ngày một đông nhưng biên chế cán bộ công đoàn chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh minh họa: Diệp Thanh

Để phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp, nhiều cán bộ công đoàn đề xuất cho phép tổ chức công đoàn được các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin khi cần. Bởi lẽ, trên thực tế, có nhiều thông tin mà tổ chức công đoàn đề nghị các cơ quan Nhà nước (Thuế, BHXH…) cung cấp nhằm xác định doanh nghiệp có lợi dụng kinh phí công đoàn để chi sai hay không thì một số cơ quan Nhà nước không thể cung cấp do không có quy định của pháp luật.

Vướng mắc trong thu hút, tuyển dụng cán bộ công đoàn

Một nội dung khác được nhiều cán bộ Công đoàn Nghệ An quan tâm là tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ và tháo gỡ chính sách tuyển dụng để có thể thu hút đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách có nhiều kinh nghiệm, trưởng thành từ cơ sở.

Theo Quyết định số 1617/QĐ-TLĐ ngày 31/12/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với những công đoàn cơ sở có 1.000 đoàn viên thuộc đối tượng tính quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ được bố trí 1 cán bộ công đoàn chuyên trách hưởng lương và các khoản phụ cấp theo quy định từ nguồn tài chính công đoàn; cứ tăng thêm 1.500 đoàn viên thì sẽ được bố trí thêm 1 cán bộ công đoàn chuyên trách nhưng tối đa không quá 7 người hưởng lương từ nguồn tài chính công đoàn. Tuy nhiên, thực tế từ trước đến nay, toàn tỉnh Nghệ An chỉ mới có 1 cán bộ công đoàn chuyên trách ở 1 doanh nghiệp FDI (nay đã nghỉ việc) và 1 cán bộ công đoàn chuyên trách tại đơn vị sự nghiệp Nhà nước (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An).

Việc chậm đóng BHXH, BHYT làm ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người lao động. Ảnh minh họa D.T
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp hàng nghìn công nhân lao động không có cán bộ công đoàn chuyên trách. Ảnh minh họa: CSCC

“Vì là cán bộ công đoàn chuyên trách trong đơn vị sự nghiệp Nhà nước nên công việc của tôi cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, với đội ngũ cán bộ công đoàn không chuyên trách, việc nhận lương từ chủ sử dụng lao động sẽ khiến họ không thể đứng ra để bảo vệ đoàn viên, người lao động, làm ảnh hưởng đến vai trò, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Tôi cho rằng, cán bộ công đoàn phải hưởng lương, thưởng từ ngân sách của tổ chức công đoàn mới có thể toàn tâm, toàn ý đối với nhiệm vụ”, ông Nguyễn Sỹ Toàn - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An nói.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề cơ chế quản lý biên chế cho các cấp công đoàn phải được dựa trên yêu cầu nhiệm vụ, không thể cào bằng trong phân bổ biên chế. Đồng thời, cần tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn.

bna_Hội nghị NLĐ, đối thoại tại Công ty TNHH Luxshare-ICT Nghệ An. Ảnh CĐ KKT Đông Nam.png
Nếu không có chính sách thu hút đặc biệt sẽ khó lòng tuyển dụng được cán bộ công đoàn có năng lực. Ảnh minh họa: CSCC

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam chia sẻ quan điểm: “Ở các công đoàn cơ sở trực thuộc, chúng tôi không khó để tìm ra những nhân tố tiềm năng, đủ trình độ để trở thành cán bộ công đoàn chuyên trách. Tuy nhiên, điều quan trọng là tổ chức công đoàn có đủ hấp dẫn để thu hút họ hay không, với “chất xám”, vị trí của mình tại doanh nghiệp, họ có thể được trả mức lương nhiều chục triệu đồng mỗi tháng. Mức lương này, tổ chức công đoàn không thể cạnh tranh được”.

Thực tiễn hiện nay, số lượng cán bộ công đoàn ở các cấp được bố trí cũng chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Ngay tại đơn vị của chúng tôi, khi thành lập, biên chế cấp phân bổ là 3 người, nhưng hiện nay, quy mô, số lượng công đoàn cơ sở, đoàn viên, người lao động đã tăng hơn rất nhiều lần. Chỉ riêng năm 2024 đã tăng 14 công đoàn cơ sở với 10.000 đoàn viên. Với quân số cán bộ công đoàn hiện có, công đoàn không chỉ khó khăn cho hoạt động mà còn không thể kịp thời chăm lo, bảo vệ được quyền lợi người lao động

Bà Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam

cđ kkt đông nam vận động thành lập CĐCS
Công đoàn KKT Đông Nam hiện đang quản lý nhiều công đoàn cơ sở là doanh nghiệp đông công nhân lao động, địa bàn quản lý rộng, nhưng lực lượng cán bộ công đoàn lại mỏng. Ảnh tư liệu: CSCC

Những bất cập hiện hành sẽ là bài toán nhân lực mà tổ chức Công đoàn Việt Nam nói riêng, những nhà làm luật nói chung cần phải giải được trong thời gian tới.

Diệp Thanh