Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Hai anh em đồng chí Nguyễn Doãn Bừu và Nguyễn Doãn Cầu với những cống hiến trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

ThS. Đặng Huyền Trang – Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 27/10/2024 14:55

Từ nhỏ, hai anh em Nguyễn Doãn Bừu và Nguyễn Doãn Cầu đã nung nấu tình yêu đất nước, khát khao giải phóng quê hương khỏi ách nô lệ. Hai anh em đã có nhiều hoạt động nổi bật trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Thanh Liên là xã thuộc vùng hữu ngạn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nổi tiếng với phong cảnh sơn thủy hữu tình với dãy núi Tháp Bút, Trọ Voi, đập Cao Điền, sông Giăng trong xanh, cánh đồng Đức Nhuận bờ xôi ruộng mật... Đây cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng của huyện Thanh Chương nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.

Đồng chí Nguyễn Doãn Cầu (có tên khai sinh là Nguyễn Doãn Thường, còn gọi là Nguyễn Cầu, 1904-1985) và anh trai là Nguyễn Doãn Bừu quê ở thôn Đức Nhuận, tổng Cát Ngạn (nay xã Thanh Liên), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Lớn lên trên mảnh đất Thanh Liên có bề dày truyền thống, được cha mẹ cho đi học chữ Nho và chữ Quốc ngữ từ sớm, anh em Nguyễn Doãn Cầu đã nung nấu tình yêu đất nước, khát khao giải phóng quê hương khỏi ách nô lệ.

Phong trào nhân dân vùng lên đấu tranh cách mạng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Phong trào nhân dân vùng lên đấu tranh cách mạng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Năm 1928, Đại tổ Tân Việt ở Thanh Chương được thành lập đã tiến hành công tác tuyên truyền, giác ngộ ý thức dân tộc qua văn thơ yêu nước tiến bộ. Đồng chí Nguyễn Doãn Bừu đã được kết nạp vào tổ chức Tân Việt trong thời gian này.

Thực hiện chủ trương của tổ chức, đồng chí Nguyễn Doãn Bừu đã tích cực tham gia công tác vận động nhân dân địa phương thành lập được các phường hội, nhằm đoàn kết giúp nhau trong cuộc sống và phục vụ công tác sinh hoạt tuyên truyền văn thơ yêu nước tiến bộ. Được sự tuyên truyền, vận động của anh trai, đồng chí Nguyễn Doãn Cầu cũng đã hăng hái tham gia và trở thành một trong những thành viên tích cực của tổ chức.

Tháng 3/1930, sau khi thành lập, Huyện ủy Thanh Chương đã cử các đồng chí đảng viên về tận các làng, xã để xúc tiến việc phát triển tổ chức cơ sở đảng cũng như các tổ chức đoàn thể, quần chúng. Tháng 4/1930, Chi bộ Cao Điền được thành lập nhận nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức quần chúng đấu tranh trong phạm vi thôn Chùa, thôn Vạn, thôn Bàu và thôn Đình. Chi bộ đã giao cho đảng viên mở rộng hoạt động xuống xã Đức Nhuận.

Tháng 5/1930, Chi bộ đã tổ chức kết nạp cho đồng chí Nguyễn Doãn Bừu (bí danh Di). Cuối tháng 7/1930, Chi bộ Cao Điền phát triển được 8 đảng viên. Để có điều kiện tổ chức và vận động các phong trào đấu tranh của quần chúng, Huyện uỷ cho tách thành hai chi bộ. Chi bộ Đức Nhuận ra đời do đồng chí Nguyễn Trọng Đuồng làm Bí thư. Nguyễn Doãn Cầu được kết nạp vào Chi bộ Đức Nhuận, đặt bí danh là Y và trở thành một trong những lực lượng nòng cốt góp phần tích cực vào công tác xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng ở Thanh Chương nói chung và tổng Cát Ngạn nói riêng.

Sau khi chi bộ được thành lập, Chi bộ Đức Nhuận và các đồng chí đảng viên đã tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia vào tổ chức Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ giải phóng, hội Tương trợ và tổ chức Tự vệ đỏ làm nòng cốt cho các cuộc đấu tranh cách mạng sau này.

Cuối tháng 8/1930, Huyện ủy Thanh Chương tiếp tục họp bàn phân tích âm mưu của địch và quyết định tổ chức cuộc biểu tình trên quy mô toàn huyện vào ngày 1/9/1930. Sau hội nghị, thực hiện nghị quyết của Huyện ủy Thanh Chương, Chi bộ Đức Nhuận đã có cuộc họp phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí. Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình, anh em đồng chí Nguyễn Doãn Bừu - Nguyễn Doãn Cầu cùng các đồng chí trong chi bộ đã tiến hành công tác nấu thạch in truyền đơn tại nhà ông Tính.

Đồng chí Nguyễn Doãn Cầu nhận nhiệm vụ viết truyền đơn, yết thị, đồng chí Bừu lo nhiệm vụ in ấn. Để cẩn thận hơn, ngoài truyền đơn, yết thị viết bằng chữ Quốc ngữ, đồng chí Nguyễn Doãn Cầu đã viết thêm truyền đơn bằng chữ Nho để tuyên truyền, vận động. Các truyền đơn, yết thị sau khi in ấn xong được các đồng chí phân phát cho từng thành viên về cất giữ để phục vụ cho cuộc biểu tình.

Đêm 31/8/1930, anh em đồng chí Nguyễn Doãn Bừu - Nguyễn Doãn Cầu và Chi bộ Đức Nhuận đã lãnh đạo nhân dân tập trung nghe chi bộ diễn thuyết về tội ác của thực dân Pháp cùng chính quyền tay sai. Sáng sớm ngày 1/9, đoàn biểu tình thôn Đức Nhuận bắt đầu di chuyển nhập vào đoàn của tổng Cát Ngạn. Truyền đơn được rải khắp ngả. Cờ đỏ được cắm trên nóc đình, cây cao và đỉnh núi. Khí thế đấu tranh sôi nổi của nhân dân Thanh Chương đã khiến chính quyền địch ở huyện và tổng, xã tan rã nhanh chóng.

Tri huyện Phan Sỹ Bàng đã phải bỏ triện lại và chạy trốn. Cuộc biểu tình lịch sử ngày 1/9/1930 của nhân dân Thanh Chương được xem là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930-1931. Sự nhiệt huyết, nhanh trí và dũng cảm của nhân dân Đức Nhuận nói chung và của anh em đồng chí Nguyễn Doãn Cầu nói riêng đã góp phần vào thắng lợi cuộc đấu tranh ngày 1/9/1930 của nhân dân toàn huyện.

Trước tình thế đó, Xã bộ nông ở các làng lần lượt ra đời và tổ chức thực hiện nội dung công việc theo các khẩu hiệu của Đảng đề ra. Xã bộ Đức Nhuận cũng được thành lập gồm có 5 người, trong đó có đồng chí Nguyễn Doãn Cầu. Xã bộ nông Đức Nhuận đã công khai tổ chức các lớp học chữ Quốc ngữ, đấu tranh đòi hào lý phải trả lại một phần ruộng đất công để chia cho nhân dân, phá bỏ tệ “phụ thu, lạm bổ”...

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh tại Thanh Chương, thực dân Pháp và chính quyền phong kiến Nam triều tỉnh Nghệ An đã thi hành hàng loạt chính sách khủng bố hòng dập tắt phong trào. Cuối năm 1930, Toà khâm sứ Trung Kỳ cho giám binh Pơty và tên thượng tá Hồng Quang Địch đem lính lê dương và khố xanh tăng cường cho các đồn ở Thanh Chương. Tên Egơlông chỉ huy Đồn chợ Chùa đã huy động lính đến Đức Nhuận vây bắt các đồng chí đảng viên. Trong dịp này, đồng chí Nguyễn Định, Nguyễn Doãn Bừu, Nguyễn Trọng Đuồng và Đăng Quyên đã bị địch bắt đem về giam tại nhà lao huyện.

Tiếp đó, do bị mật thám chỉ điểm, ngày 3/2/1931, đồng chí Nguyễn Doãn Cầu đã rơi vào tay giặc. Kẻ địch đã bắt và giam đồng chí tại đồn Đạo Ngạn, rồi qua đồn Đô Lương. Sau mấy tháng giam giữ và tra tấn tại đồn Đô Lương, anh em đồng chí Nguyễn Doãn Bừu - Nguyễn Doãn Cầu tiếp tục bị đưa xuống giam tại buồng Nhị Tây của nhà lao Vinh.

Ngày 7/8/1931, do tình trạng quá tải tù chính trị ở nhà lao Vinh, hai đồng chí tiếp tục bị dẫn giải về giam tại đồn Thanh Quả, huyện Thanh Chương. Dù ở đâu, hai anh em đồng chí Nguyễn Doãn Bừu - Nguyễn Doãn Cầu vẫn luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản. Tuy nhiên, do chế độ lao tù hà khắc nên đồng chí Nguyễn Doãn Bừu đã hy sinh ngay trên nền nhà lao đồn Thanh Quả.

Cuối năm 1932, đồng chí Nguyễn Doãn Cầu được trả tự do, cho về quê quản thúc. Mặc dù bị quản thúc, luôn ở trong sự theo dõi của lý trưởng nhưng đồng chí Nguyễn Doãn Cầu đã bí mật bắt liên lạc với cơ sở Đảng để tiếp tục hoạt động. Trong hồ sơ của mật thám Pháp lưu tại Bộ Công an đã viết về đồng chí như sau: “Năm 1937-1938 là thành viên của Tổng bộ Cát Ngạn trong mặt trận Nhân dân, là người tích cực thúc đẩy tuyên truyền trong huyện Thanh Chương”.

Tháng 8/1945, đồng chí Nguyễn Doãn Cầu tham gia tổ chức Việt Minh làng Đức Nhuận. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, các đội tự vệ, đoàn thể cứu quốc của thanh niên, phụ nữ, phụ lão, nông dân được thành lập và thu hút đông đảo các tầng lớp tham gia. Sau khi nhận được mệnh lệnh của Việt Minh Nghệ - Tĩnh về việc giành chính quyền, lập chính phủ lâm thời, ngày 23/8/1945, đồng chí Nguyễn Doãn Cầu thay mặt Việt Minh làng Đức Nhuận đứng lên diễn thuyết và kêu gọi nhân dân đấu tranh.

Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Doãn Cầu diễn thuyết, các đồng chí trong mặt trận Việt Minh Đức Nhuận đã lãnh đạo nhân dân trong làng nhập vào đoàn biểu tình tổng Cát Ngạn kéo về huyện đường Thanh Chương. Trước khí thế dũng mãnh của quần chúng cách mạng, tri huyện Nguyên Chương đã phải đem ấn tín nộp cho Việt Minh và xin đầu hàng.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Doãn Cầu tích cực tham gia nhiều hoạt động, nhiệm vụ tại quê nhà: Trưởng Trạm Giao thông Bưu điện chợ Giang (1945); Trưởng đoàn Giáo viên bình dân học vụ xã Minh Sơn (1926-1948); Quản lý Hợp tác xã Nông nghiệp Hạnh Lâm (1960-1961)...

Năm 1985, do tuổi cao sức yếu, cùng những di chứng trong những năm bị tra tấn, giam cầm trong lao tù đế quốc, đồng chí Nguyễn Doãn Cầu qua đời trong sự tiếc thương của gia đình, đồng đội tại quê nhà.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của hai đồng chí và gia đình trong phong trào giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Doãn Bừu đã được truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 17/9/1961, đồng chí Nguyễn Doãn Cầu được công nhận và xét duyệt hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945.

Sớm tham gia cách mạng, anh em đồng chí Nguyễn Doãn Bừu - Nguyễn Doãn Cầu là những tấm gương sáng về lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì độc lập tự do của đất nước. Tên tuổi, những cống hiến của đồng chí Nguyễn Doãn Bừu - Nguyễn Doãn Cầu nói riêng, của những chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh nói chung sẽ luôn sống mãi trong trang sử vàng của dân tộc, góp phần hun đúc lòng yêu nước, yêu quê hương, tự hào dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

------

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930-2010), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010;

- Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Liên (1930-2015), NXB Nghệ An, 2016;

- Tài liệu mật thám Pháp về đồng chí Nguyễn Doãn Cầu;

- Tư liệu do gia đình đồng chí Nguyễn Doãn Cầu cung cấp.

ThS. Đặng Huyền Trang – Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh