Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đình Phú Nhuận và nhà thờ họ Hoàng Trần: Di tích chứng kiến bao sự kiện lịch sử hào hùng

Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 27/10/2024 16:00

Đình Phú Nhuận và nhà thờ họ Hoàng Trần ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Từ ngày xây dựng đến nay, di tích đã chứng kiến bao sự kiện lịch sử đấu tranh của nhân dân Đặng Sơn.

Từ thành phố Vinh, du khách có thể đến di tích bằng đường bộ trên quốc lộ 1A, tới ngã Ba Diễn Châu rẽ hướng Tây theo đường số 7, qua cầu Đô Lương là đến di tích; hoặc bằng đường thuỷ, ngược sông Lam, đến bến phà Đô Lương là tới Đặng Sơn.

Ông Trần Văn Cương - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đặng Sơn tại đình Phú Nhuận (xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương).
Ông Trần Văn Cương - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đặng Sơn tại đình Phú Nhuận (xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương). Ảnh: baoquankhu4.com.vn

Đặng Sơn ngày nay, xưa là đất Đô Giao, đời Đường là Hoài Hoan, đời Tiền Lê là đất của Hoan Đường. Thời Thành Thái, Đặng Sơn thuộc phủ Anh Sơn. Năm 1963, phủ Anh Sơn được chia thành 2 huyện Anh Sơn và Đô Lương, Đặng Sơn thuộc Đô Lương.

Đặng Sơn là vùng đất nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm. Trước mặt là sông Lam, sau lưng là núi và con đường số 7 chạy ngang qua xã tạo cho Đặng Sơn vị thế đứng chân giá trị.

Đình Phú Nhuận thuộc làng Phú Nhuận là trung tâm sinh hoạt văn hoá của miền đất Đô Đặng giàu truyền thống yêu nước và khoa bảng. Đình do nhân dân địa phương đóng góp xây dựng năm 1854, nằm cạnh Quốc lộ 7, hướng mặt ra đường. Kiến trúc đình theo lối tứ trụ, có 3 gian, mái cong vút, các đường xà được trạm trổ hoa văn tinh xảo hình lưỡng long chầu nguyệt và long ly quy phượng.

Nhà thờ họ Hoàng Trần ở làng Đặng Lâm được xây dựng năm 1884 để thờ vị thần tổ Mạc Đăng Lượng, người có công đánh giặc giữ nước và lập ra mảnh đất Đô Đặng. Nhà thờ có ba nhà Hạ điện, Trung điện và Thượng điện, có cổng tam quan, có nghê chầu, hổ chầu ngoảnh mặt ra cổng. Nhà Trung điện để kiệu bát cống, có lọng vàng, có bài vị và sắc phong của nhà vua ban tặng cho Mạc Đăng Lượng là Thượng, Thượng, Thượng đẳng thần và vợ là bà Mai Thị Huệ là Thượng, Thượng đẳng thần. Nhà Thượng điện, nơi thờ phụng các vị tiên tổ có công với nước, với dân. Nhà Hạ điện và Thượng điện đều có long ngài, bài vị được trạm trổ sơn son thiếp vàng. Trong sân nhà thờ có xây Đài liệt sĩ ghi tên những người của dòng họ đã hy sinh từ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Từ ngày xây dựng đến nay, đình Phú Nhuận và nhà thờ họ Hoàng Trần đã chứng kiến bao sự kiện lịch sử đấu tranh của nhân dân Đặng Sơn.

Đặng Sơn là xã có phong trào Văn thân Cần Vương rất mạnh. Những người con dòng họ Hoàng Trần đã làm rạng danh cho quê hương, tiêu biểu có: cụ Hoàng Trần Ích đậu cử nhân, giữ chức tham tán đại thần binh làm đại tướng, phò tá vua Hàm Nghi đánh giặc; cụ Hoàng Trần Siêu thi đậu cử nhân không làm quan mà ra Yên Thế tham gia phong trào chống Pháp của cụ Hoàng Hoa Thám; cụ Hoàng Trần Mai đậu cử nhân không làm quan, về quê cắt thuốc chữa bệnh cho dân. Đình Phú Nhuận và nhà thờ họ Hoàng Trần là nơi quyên góp sức người, sức của chi viện cho phong trào chống Pháp của cụ Phan Đình Phùng.

Sau khi đỗ đầu Giải Nguyên trường Nghệ, Phan Bội Châu thường lên vùng đất Đô Đặng, về Đặng Sơn để cùng các ông Hoàng Trần Siêu, Hoàng Trần Đài, Trần Sỹ Khoan, Nguyễn Văn Nhiệu... bình thơ văn, họp bàn việc vận động và đưa thanh niên ra nước ngoài hoạt động tại nhà thờ họ Hoàng Trần. Đình Phú Nhuận và nhà thờ họ Hoàng Trần là nơi mở trường dạy học, là địa điểm tập trung thanh niên đi xuất dương trong phong trào Đông Du.

Năm 1916, các ông Hoàng Trần Siêu, Hoàng Trần Đài, Ngô Quảng đưa Hồ Bá Cự (tức Hồ Tùng Mậu là con ông Hồ Bá Cự, người lãnh đạo cuộc đấu tranh phá Nhà tù Lao Bảo đã hy sinh anh dũng tại trận) lên Đặng Sơn sinh sống, tránh sự lùng bắt của thực dân Pháp. Hồ Bá Cự được bố trí làm nghề dạy học và ăn ở trong nhà cụ Hoàng Trần Siêu, Hoàng Trần Đài. Năm 1920, ông Ngô Quảng đưa Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn và một số người sang Xiêm hoạt động. Năm 1924, Hồ Tùng Mậu từ Trung Quốc mang tài liệu về nước. Đồng chí có lên Đặng Sơn tuyên truyền cách mạng.

Tại đình Phú Nhuận, mọi người đã tập trung nghe đồng chí Hồ Tùng Mậu kể chuyện về thân thế, hoạt động cách mạng của liệt sỹ Phạm Hồng Thái và kêu gọi thanh niên Đặng Sơn hãy tiếp bước cha anh xuất dương ra nước ngoài hoạt động. Mấy tháng sau, 8 thanh niên yêu nước ở tổng Đặng Sơn đã đến thắp hương tại nhà thờ họ Hoàng Trần để lên đường sang Thái Lan, đó là: Hồ Văn Tróc, Trần Tố Trấn, Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Văn Liêm, Bùi Văn Thoại, Lê Đắc Giao, Mai Văn Bạt, Hồ Thái. Trong đoàn đi có đồng chí Trần Tố Chấn, Nguyễn Văn Luyện sau này trở thành những cán bộ xuất sắc của Đảng ở hải ngoại.

Năm 1928-1929, đình Phú Nhuận là địa điểm tập trung nhân dân đấu tranh giữa phe hộ và phe hào chống bắt phu, bắt lính, chống sưu cao thuế nặng. Điển hình là cuộc các ông Trần Xí, Trần Sỹ Lung, Nguyễn Khắc Kỳ và bà con Đặng Sơn đã trừng trị lý trưởng Hoàng Dung Chương cùng bọn lính ở sân đình.

Sau khi thành lập Kỳ bộ Đông Dương cộng sản Đảng, đồng chí Võ Mai, Trần Văn Cung lên Anh Sơn bắt liên lạc với Hoàng Trần Thâm, Hoàng Trần Siêu, Hoàng Trần Đài để gây dựng cơ sở cách mạng. Kỷ niệm 12 năm Cách mạng tháng Mười Nga, các đồng chí Hoàng Trần Thâm, Phan Thái Ất, Trần Hữu Thiều đã lãnh đạo tổ chức treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn, vận động quần chúng đấu tranh.

Tháng 5/1930, Chi bộ Đảng Đặng Sơn ra đời. Để thuận lợi cho việc lãnh đạo phong trào từng khu vực, Tổng uỷ Đặng Sơn nhất trí tách thành 3 Chi bộ là Bạch Linh, Bạch Thược và Bạch Truật. Sau một thời gian ngắn, các tổ chức quần chúng như: nông hội đỏ, tụ vệ, phụ nữ, tán trợ, thanh niên được thành lập và hoạt động mạnh.

Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đình Phú Nhuận và nhà thờ họ Hoàng Trần được Xứ uỷ Trung Kỳ, Tỉnh uỷ Nghệ An chọn làm địa điểm hội họp, in ấn, cất dấu tài liệu, treo cờ Đảng, tập trung nhân dân đi đấu tranh và là nơi làm việc công khai của chính quyền Xô Viết. Các đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ, Võ Mai, Trần Văn Cung - cán bộ Xứ uỷ, Trần Hữu Doánh, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Xân - cán bộ Tỉnh uỷ đã về đây chỉ đạo phong trào.

Sáng ngày 1/6/1930, các làng rộn vang tiếng trống mõ kêu gọi nhân dân tập trung về đình Phú Nhuận nghe đồng chí Hoàng Trần Thâm diễn thuyết. Những người tham gia biểu tình đã chuẩn bị cơm nắm, thức ăn, nước uống cho 2 ngày. Bà Hoàng Thị Ủy thay mặt đoàn biểu tình đưa yêu sách cho Tri phủ Hà Xuân Hải. Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh của quần chúng, Tri phủ cùng 5 tên lính ra tận cửa phủ ký vào bản yêu sách. Thắng lợi này đã cổ vũ nhân dân Đặng Sơn tiếp tục đấu tranh mạnh trong tháng 6,7,8 và đạt đến đỉnh cao trong tháng 9.

Nhà thờ họ Hoàng Trần
Nhà thờ họ Hoàng Trần còn là cơ sở làm việc của Đảng trong thời kỳ 1936- 1939 và 1941-1945. Năm 1947- 1954, nhà thờ là kho chứa vũ khí, hậu cần phục vụ cho kháng chiến chống Pháp. Sau ngày hoà bình lập lại, 11 gia đình được Chính phủ tặng Bằng có công với nước.

Ngày 8/9/1930 diễn ra cuộc biểu tình với quy mô lớn trong toàn phủ. Cuộc đấu tranh này được chuẩn bị rất chu đáo dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hoàng Trần Thâm - Tỉnh uỷ viên. Từ sáng sớm, cả tổng Đặng Sơn trống rợp, cờ bay, già, trẻ, trai, gái, người đi kín đường kéo về đinh Phú Nhuận.

Với khí thế rầm rộ của lực lượng 8.000 người, đoàn biểu tình kéo xuống bãi cát Đặng Lâm với kế hoạch dùng thuyền vượt sông Lam phối hợp với nhân dân các tổng Lãng Điền, Yên Lãng, Bạch Hà, Thuần Trung và Đô Lương bao vây tấn công phủ lỵ. Thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom xuống đoàn biểu tình làm 9 người chết, nhiều người bị thương. Đêm 10/9, Tổng uỷ tổ chức mít tinh lớn tại đình Phú Nhuận để truy điệu những người đã hy sinh và phát động phong trào đấu tranh mới.

Từ tháng 9 trở đi, bọn cường hào, lý trưởng ở Đặng Sơn phải "co vòi" lại vì bị cách mạng khống chế. Các xã bộ nông, đoàn thể đứng ra quản lý thôn xóm. Đình Phú Nhuận là nơi làm việc của chính quyền Xô Viết, trực tiếp giải quyết mọi công việc trong xã thôn.

Trong cao trào 1930-1931, dòng họ Hoàng Trần có 7 đồng chí hy sinh anh dũng, tiêu biểu là đồng chí Hoàng Trần Thâm. Nhiều gia đình họ Hoàng Trần đã tự nguyện nuôi giấu cán bộ cách mạng, dùng nhà mình làm nơi hội họp, in truyền đơn tài liệu cho Đảng. Ông Hoàng Trần Đài, Hoàng Trần Cúng đã bán tài sản, ruộng vườn của gia đình để ủng hộ cách mạng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đình Phú Nhuận là trụ sở của Tư lệnh Liên khu và Ban Biên chính Việt - Lào. Tại đây diễn ra nhiều cuộc họp chuẩn bị lực lượng đáp ứng kịp thời cho cho chiến dịch Hạ Lào, Trung Lào, Thượng Lào và các chiến trường Tây Bắc, Liên Khu V.

Với những giá trị lịch sử và đóng góp to lớn của đình Phú Nhuận, nhà thờ họ Hoàng Trần trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đặc biệt là trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngày 5/9/1994, Bộ Văn hoá Thông tin đã ra Quyết định số 2379 công nhận đình Phú Nhuận và nhà thờ họ Hoàng Trần là di tích cấp Quốc gia.

Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh