Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Kết hợp sức mạnh truyền thống và sức mạnh thời đại trên quê hương Xô viết anh hùng

Trương Công Anh 27/10/2024 17:26

Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An Trương Công Anh đã có bài nghiên cứu "Kết hợp sức mạnh truyền thống và sức mạnh thời đại - Xây dựng Nghệ An thành tỉnh giàu mạnh xứng đáng là quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng". Trong đó, ông đã nêu rõ nét đặc thù của sức mạnh ấy tại Nghệ An trước, trong và sau cao trào 1930 - 1931. Báo Nghệ An xin phép lược ghi bài viết.

"...Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã kết hợp được sức mạnh truyền thống với sức mạnh thời đại. Và, chính trên quê hương Nghệ Tĩnh chúng ta, hai sức mạnh ấy có nét đặc thù, và sự kết hợp hai sức mạnh ấy cũng rất đặc thù.

Chính nét đặc thù ấy đã là một trong những yếu tố lịch sử để tạo nên đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 - 1931.

bac-truong-cong-anh-a1.png
Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An

Dân tộc Việt Nam trải qua mấy nghìn năm lịch sử đã hun đúc nên những truyền thống cực kỳ quý báu đó là truyền thống yêu nước đã phát triển thành chủ nghĩa yêu nước. Truyền thống ấy là một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, vô cùng vĩ đại giúp dân tộc ta vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất để tồn tại và phát triển. Sức mạnh truyền thống chính là nội lực, là sức mạnh có sẵn.

Chính truyền thống yêu nước, sức mạnh truyền thống đã đem lại sinh khí cho các phong trào yêu nước suốt từ Bắc vào Nam, kế tiếp nhau từ phong trào này đến phong trào khác. Tuy có lúc mạnh lúc yếu nhưng không bao giờ tắt.

Song, nếu chỉ có sức mạnh truyền thống không thôi thì chưa đủ, bởi vậy lần lượt phong trào yêu nước này đến phong trào yêu nước khác thất bại là khó tránh.

Sở dĩ chỉ với sức mạnh truyền thống là chưa đủ vì những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX một số nước ở phương Tây đã bước vào thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa, rồi cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại đã mở ra một thời đại mới, trong lúc dân tộc ta vẫn đang chiến đấu trong vòng nô lệ, trong đêm dài của chế độ phong kiến trung cổ.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người Việt Nam đầu tiên tiếp nhận được sức mạnh của thời đại. Kế tiếp Người, những người con ưu tú nhất của dân tộc ta đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin đến với cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Để rồi sau đó, Đảng cộng sản Đông Dương, ngày nay là Đảng Cộng sản Việt Nam đem sức mạnh ấy về Việt Nam và kết hợp sức mạnh thời đại với sức mạnh truyền thống, nâng sức mạnh truyền thống lên tầm thời đại.

Bởi vậy, đây là một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, bước ngoặt có ý nghĩa mở đường không chỉ cho cao trào 1930-1931 mà cho toàn bộ mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ đó đến nay và từ nay về sau.

Như vậy, sức mạnh thời đại là một sức mạnh khách quan, sức mạnh từ ngoài vào. Nó cũng là một sức mạnh có sẵn. Song, vấn đề là ở chỗ có đủ bản lĩnh và trí tuệ để tiếp nhận nó, sử dụng nó, kết hợp với nó hay không. Nếu đã quan niệm sức mạnh thời đại là khách quan, là ngoài vào là lệ thuộc vào sức tiếp thu, sức tiếp nhận thì không thể không khẳng định vai trò, tiên phong của những cá nhân tiên tiến nhất của dân tộc, của cộng đồng.

bna_2048-0bade12f59acc4b46dcbe62a98a05057.jpg
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy tại lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Thành Cường (Báo Nghệ An) chụp tranh vẽ của Họa sĩ Phi Hoanh.

Nghệ Tĩnh có hai điều kiện để tiếp nhận sức mạnh thời đại với nét đặc thù. Hai điều kiện đó là: Vinh - Bến Thủy với tư cách là một trung tâm Công nghiệp lớn của Đông Dương đã có một lực lượng công nhân công nghiệp khá lớn. Chính cơ sở giai cấp này tạo điều kiện để sức mạnh thời đại được tiếp nhận, được tiếp thu một cách nhạy cảm nhất và cũng được tiếp thu, tiếp nhận một cách cơ bản nhất.

Cùng đó, địa phương nào cũng có những cá nhân ưu tú nhất tiêu biểu cho truyền thống yêu nước xuất dương đi tìm đường cứu nước. Song, có lẽ địa phương có nhiều người xuất dương nhất chính là Nghệ Tĩnh. Phải chăng, chính từ những con người này và qua những con người này, sức mạnh thời đại được truyền về Việt Nam (nói chung) và về chính quê hương họ (nói riêng).

Khi sức mạnh truyền thống được khơi dậy, thì tất yếu sức mạnh ấy phải "tự tìm đường" để phát huy. Quá trình "tự tìm đường ấy" không sớm thì muộn nhất định sẽ "bắt gặp" sức mạnh thời đại.

Vấn đề là ở chỗ sớm hay muộn mà thôi! Sớm tức là bắt kịp thời cơ. Muộn tức là bỏ lỡ thời cơ! Diễn biến của cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng là một minh chứng cho bài học lịch sử này.

Như vậy, sức mạnh truyền thống (nội lực) là gốc để đến được, để bắt được sức mạnh thời đại. Song để đến được, để bắt được lại phải có tiền đề, phải có điều kiện. Mặt khác, nếu chỉ dừng lại ở sức mạnh truyền thống thì ở những thời kỳ lịch sử ở những giai đoạn lịch sử thời điểm lịch sử nào đó sẽ khó tránh khỏi bế tắc.

Tóm lại: Ở thời điểm những năm cuối thập kỷ 20 đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX, khi Đảng ta ra đời không chỉ đánh dấu một bước ngoặt về lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mà quan trọng hơn là đánh dấu sự "gặp gỡ" gần như tất yếu sức mạnh truyền thống của dân tộc ta với sức mạnh của thời đại. Và ở thời điểm "gặp gỡ" kỳ diệu ấy thì mảnh đất Nghệ Tĩnh quê hương của chúng ta là nơi có điều kiện hầu như đầy đủ nhất để bừng sáng lên một cách rực rỡ nhất. Và, sự gặp gỡ lịch sử này đã tạo nên cao trào cách mạng 1930- 1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.

Điều cần nói thêm là sự "gặp gỡ" này không phải là một sự tình cờ mà là một tất yếu. Nói một tất yếu với ý nghĩa là hợp quy luật khách quan, đồng thời là kết quả của một quá trình hoạt động tự giác của những người chiến sĩ tiên phong, những người ưu tú nhất của dân tộc mang trong mình trọn vẹn truyền thống dân tộc, đồng thời có đủ tầm trí tuệ để tiếp cận được với sức mạnh thời đại.

Phải nói điều này là để chúng ta có thêm nhận thức sâu sắc rằng: Sức mạnh truyền thống cũng như sức mạnh thời đại tuy có vẻ như "có sẵn nhưng không phải dễ gì nhận biết đầy đủ và càng không phải dễ gì có thể nắm bắt đúng và kết hợp đúng để tạo ra sức mạnh mới. Điều này cực kỳ có ý nghĩa trong sinh hoạt lý luận cũng như trong hoạt động thực tiễn hiện nay.

Một số chân dung các chiến sỹ cách mạng tham gia cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị giam cầm tại Nhà lao Vinh hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thanh Quỳnh
Một số chân dung các chiến sĩ cách mạng tham gia cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị giam cầm tại Nhà lao Vinh hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Trong tình hình mới, để Nghệ An thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, đồng chí Trương Công Anh khẳng định, không còn cách nào khác là phải tập trung nguồn sức mạnh cần và đủ. Nguồn sức mạnh ấy không là gì khác: Sức mạnh truyền thống kết hợp với sức mạnh thời đại như thời kỳ 1930- 1931 chúng ta đã làm.

Sức mạnh truyền thống lúc này chính vẫn là chủ nghĩa yêu nước là ý chí độc lập của toàn dân. Nội dung: "Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ" vẫn còn nguyên giá trị. Song, cần và phải bổ sung thêm rằng: Chúng ta phải làm tất cả chứ nhất định không chịu đói nghèo, không chịu lạc hậu, không chịu tụt hậu xa hơn.

Toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng của xã hội phải làm cho mọi người, mọi nhà, mọi địa phương, mọi cấp, mọi ngành thấm thía nhận thức này. Những năm tháng tới đây nghèo nàn lạc hậu đúng nghĩa với mất Độc lập, mất Tự do.

Có được nhận thức đó, có nghĩa là có sức mạnh để vượt lên chính cách nghĩ cách làm cũ để tìm tòi sáng tạo cách nghĩ cách làm mới. Có được nhận thức đó mới thoát được khỏi cái vòng kim cô "cái khó bó cái khôn" mới tự giải phóng mình khỏi cái vòng luẩn quẩn lâu nay.

Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội chính là gắn sự kết hợp giữa sức mạnh truyền thống với sức mạnh thời đại. Nhận thức này phải tiếp tục được củng cố, được khẳng định để không bị chao đảo trước những biến cố quanh co của lịch sử và trước sự tấn công của các thế lực thù địch.
Song, sức mạnh thời đại giờ đây có thêm nội dung mới đó là sức mạnh của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang diễn ra như vũ bão do xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa đem lại.

Như bài học từ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, chúng ta phải tạo ra tiền đề xã hội và nhân tố con người để có thể nắm bắt được sức mạnh này. Tiền đề xã hội theo tôi đó là: Nền dân trí và đội ngũ trí thức. Còn nhân tố con người đó là những người yêu nước thiết tha lấy sự nghiệp "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh" làm lẽ sống, với trí tuệ mới để không chỉ sục sôi cách mạng mà còn làm chủ được khoa học.

Những người như thế là những người ưu tú trong những chiến sĩ tiên phong. Hơn ai hết và trước hết những con người ưu tú ấy phải là những cán bộ, những đảng viên của Đảng. Đảng ta phải trí tuệ hơn chính là như vậy. Tính tiên phong của người đảng viên chính là như vậy.

chien si tu ve do qdnd vn
Những chiến sĩ Tự vệ đỏ làng Phúc Sơn năm 1930-1931. Ảnh tư liệu Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Nếu trước đây có khẩu hiệu: "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau" thì giờ đây khẩu hiệu đó vẫn giữ nguyên giá trị. Nếu có khác chăng thì chỉ là ở chỗ: Đi trước cái gì mà thôi. Trước đây là đi trước vào nơi gian khổ và chỗ hy sinh (kể cả hy sinh xương máu), thì ngày nay là đi trước trong xóa đói, giảm nghèo trong làm giàu chính đáng, đi trước trong chống quan liêu, tham nhũng, đi trước trong phòng chống tệ nạn xã hội và đi trước trong nâng cao bản lĩnh và tầm trí tuệ!

Làm được như vậy là đã nắm được hai sức mạnh. Còn để kết hợp được hai sức mạnh đó thì không gì khác hơn là dân chủ và đoàn kết. Dân chủ chính là phương thức để huy động tối đa mọi nguồn sức mạnh mọi nguồn sáng tạo, đồng thời dân chủ cũng chính là phương thức để tập hợp để tập trung mọi nguồn sức mạnh đó lại thành sức mạnh chung.

Về vấn đề đoàn kết xưa nay đều có ý nghĩa chiến lược và cốt lõi của mọi sự kết hợp. Ngày nay, đoàn kết có những biểu hiện cụ thể mới. Nếu như trước đây đoàn kết bắt nguồn từ mong muốn của chúng ta và cũng là lợi ích chung đó là vì Độc lập, vì Tự do. Các lợi ích bộ phận của giai cấp này, tầng lớp khác thường được "chế ngự" bởi lợi ích chung này.

Còn bây giờ đây thì không thể chỉ đơn thuần như thế. Giữa lợi ích chung "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh" và lợi ích cụ thể trực tiếp nếu không được giải quyết một cách hài hòa, một cách cụ thể thì có khi những lợi ích trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chung.

Nếu điều đó xảy ra thì lập tức đoàn kết sẽ có vấn đề. Riêng, trong nội bộ Đảng thì điều này có nghĩa là việc đòi hỏi cán bộ, đảng viên của Đảng phải hy sinh, phải phấn đấu, phải trau dồi đạo đức cách mạng, phải nêu gương có ý nghĩa thực tiễn hết sức lớn lao, chứ không chỉ là những khẩu hiệu động viên suông.

Ngày 9121961, về thăm quê nhà lần thứ hai, Bác Hồ chụp ảnh với chiến sĩ phong trào 30-31, ảnh Tư liệu lịch sử
Ngày 9/12/1961, về thăm quê nhà lần thứ hai, Bác Hồ chụp ảnh với chiến sĩ phong trào 1930 - 1931. Ảnh Tư liệu Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Đảng bộ chúng ta đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng, đang tiến hành Đại hội Đảng từ cơ sở đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Đây chính cũng là quá trình sinh hoạt và hoạt động của mỗi tổ chức Đảng để nhìn nhận đúng sức mạnh của mình, từ đó tạo ra được sức mạnh thật (chứ không chỉ là sức mạnh tiềm năng) để đi đến điều mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đang đặt ra: Xây dựng Nghệ An thành một tỉnh giàu mạnh!

Trương Công Anh