Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Nguyễn Sĩ Đức - người chiến sĩ cộng sản cùng nhân dân đấu tranh giành chính quyền Xô viết ở Thanh Chương

Lê Ngọc Thịnh - Phó Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 28/10/2024 06:19

Nguyễn Sĩ Đức thấm nhuần tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, hiểu rõ con đường đúng đắn của cách mạng Việt Nam. Từ đó, trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, ông hăng hái tham gia các hoạt động đấu tranh giành chính quyền ở các làng xã tại Thanh Chương

Nguyễn Sĩ Đức (bí danh là Qua) sinh ngày 2/3/1905, trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Xuân Dương, tổng Xuân Lâm (nay là xã Thanh Dương), vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng của huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Sĩ Đức.

Lúc còn nhỏ, Nguyễn Sĩ Đức được cha cho theo cụ Hàn Giản (thân sinh của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách) ở làng Tú Viên học chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Do gia đình nghèo khó, bố lại mất sớm nên Nguyễn Sĩ Đức không thể theo đuổi nghiệp thi cử, chuyển sang học và làm nghề may.

Nguyễn Sĩ Đức tham gia hoạt động cách mạng khi mới 15 tuổi. Sau khi Hội Phục Việt ra đời ở Vinh và phát triển mạnh đến huyện Thanh Chương, Nguyễn Sĩ Đức nhanh chóng trở thành thành viên tích cực của tổ chức Tân Việt làng Xuân Dương, với nhiều hoạt động sôi nổi như rải truyền đơn để giác ngộ tinh thần dân tộc cho các tầng lớp thông qua thơ văn Phan Bội Châu, tham gia dạy chữ Quốc ngữ, tham gia các phường ái hữu…

Tại hiệu buôn ở phố Xuân Đồng - cơ sở hoạt động của Tân Việt (chợ Cồn ngày nay), ban ngày Nguyễn Sĩ Đức với vai trò là người may thuê cho cửa hiệu, buổi tối thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức giao. Trong thời gian này, Nguyễn Sĩ Đức được thấm nhuần tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, hiểu rõ con đường đúng đắn của cách mạng Việt Nam.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ngày 20/3/1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phân cục Trung ương Đảng Trung Kỳ, Hội nghị đại biểu các chi bộ cộng sản Thanh Chương được tổ chức tại đền Tiến Sơn (nay thuộc xã Thanh Long). Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương, đồng thời, quyết định chuyển các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng trong toàn huyện thành các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Huyện ủy lâm thời đã coi công tác xây dựng Đảng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng là nhiệm vụ hàng đầu, phân công cán bộ về tận thôn, xóm để tuyên truyền giác ngộ, làm cho quần chúng hiểu biết về Đảng và cách mạng.

Đêm 20/3/1930, dưới sự chủ trì của Huyện ủy Thanh Chương, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam làng Xuân Dương được thành lập, đặt tên là Chi bộ Đại Thành do đồng chí Nguyễn Văn Đồng làm Bí thư.

Sự ra đời của Chi bộ Đại Thành là bước ngoặt đối với phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân Xuân Dương. Chi bộ phân công đảng viên và một số quần chúng tích cực về các xóm tuyên truyền, giác ngộ, vận động quần chúng.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, các tổ chức quần chúng cách mạng phát triển mạnh mẽ như: Nông hội đỏ, Phụ nữ giải phóng, Thanh niên Cộng sản đoàn, Hội Cứu tế đỏ…

Sáng 3/4/1930, nhân ngày Tế Điền tại đền Cả, chi bộ cử đồng chí Nguyễn Sĩ Hươu, Nguyễn Sĩ Đức… đưa yêu sách đòi bọn hào lý phải trả lại 72 mẫu ruộng đất và 450 quan tiền. Sau một thời gian hoạt động tích cực, tháng 4/1930, đồng chí Nguyễn Sĩ Đức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam [1].

Trong Hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Sĩ Đức kể lại như sau: ‘‘Hôm nay tôi được vào Đảng, tôi rất sung sướng, đứng trước các đồng chí, tôi xin thề sẽ trung thành với Đảng, tôi sẽ tích cực làm bất cứ công tác gì mà Đảng giao phó dù phải hy sinh tôi cũng vui lòng’’.

Sau đó, đồng chí Nguyễn Sĩ Đức được giao nhiệm vụ tổ chức mỗi xóm một Hội Ái hữu để giúp đỡ nhau, đồng thời, để tuyên truyền giác ngộ cho quần chúng. Đồng chí đã vận động thành lập một tổ gồm 20 người, vận động lợp nhà, thăm người nghèo bị ốm, đồng thời, tuyên truyền giác ngộ cho quần chúng tinh thần yêu nước.

Triển khai Nghị quyết của Huyện ủy Thanh Chương, Chi bộ Đại Thành được giao nhiệm vụ in, phân phối truyền đơn trong địa phận tổng Xuân Lâm, chuẩn bị cho đợt đấu tranh nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930. Chi bộ đã triển khai nhiệm vụ được phân công, góp phần thắng lợi chung của cuộc biểu tình.

Từ sáng sớm 1/6/1930, theo chủ trương của Huyện bộ, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đại Thành, đồng chí Nguyễn Sĩ Đức cùng hơn 300 quần chúng làng Xuân Dương tham gia cuộc biểu tình kéo lên huyện đường đấu tranh đưa yêu sách. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi.

Lúc bấy giờ ở làng Phúc Yên có một tên mật thám nguy hiểm. Tổng ủy Xuân Lâm quyết định xử tử hắn. Nhận chỉ thị cấp trên, Chi bộ Đại Thành cử đồng chí Nguyễn Sĩ Đức cùng một số đảng viên, Tự vệ đỏ thực hiện ám sát. Do bị lộ thông tin nên việc ám sát không thành, bọn chúng đã đốt nhà đồng chí Nguyễn Văn Đồng - Bí thư Chi bộ Đại Thành và bao vây phá hủy phố Xuân Đồng (chợ Cồn ngày nay). Các đồng chí Nguyễn Sĩ Đức, Nguyễn Sĩ Hưu, Nguyễn Sĩ Mực, Nguyễn Văn Đồng... bị địch bắt và đưa về giam tại Nhà lao Thanh Chương. Bọn chúng đánh đập nhưng không khai thác được thông tin gì và sau đó giải các đồng chí xuống giam tại Nhà lao Vinh.

Sau gần 2 tháng giam cầm, tra tấn, chúng đưa đồng chí Nguyễn Sĩ Đức về giam tại Nhà lao Thanh Chương để tiếp tục dụ dỗ tra hỏi, tuy nhiên, đồng chí vẫn kiên trung trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.

Tháng 7 năm 1930, đồng chí Nguyễn Công Huy được cử làm Bí thư Chi bộ Đại Thành. Chi bộ đã bám sát tinh thần chỉ đạo của cấp trên, vừa ra sức củng cố các tổ chức quần chúng, vừa thông qua các tổ chức phân tích cho quần chúng thấy rõ âm mưu và thủ đoạn nham hiểm của kẻ địch. Chi bộ náo nức chuẩn bị cho quần chúng tham gia đấu tranh với mức độ cao hơn, quy mô rộng lớn hơn theo Chỉ thị của cấp trên.

Đêm 31/8/1930, rạng sáng 1/9/1930, làng Xuân Dương và đồng loạt nhiều làng, xã khác ở huyện Thanh Chương nổ ra cuộc biểu tình toàn huyện. Quần chúng từ các ngả kéo về đốt huyện đường, tiêu hủy hồ sơ, tài liệu, đập phá nhà giam giải thoát tù nhân, đồng chí Nguyễn Sĩ Đức được đoàn biểu tình giải thoát [2]. Ngay sau khi ra khỏi nhà giam, đồng chí Nguyễn Sĩ Đức đã hòa vào đoàn người tham gia cuộc biểu tình. Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi. Chính quyền địch tan rã. Chính quyền Xô viết được hình thành hầu khắp các làng xã ở huyện Thanh Chương. Cuộc biểu tình được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 – 1931 trong toàn quốc.

Sau cuộc biểu tình phá huyện đường, phong trào rất sôi nổi, khí thế quần chúng rất mạnh, uy tín của đảng viên, cán bộ được ăn sâu vào quần chúng. Đồng chí Nguyễn Sĩ Đức tham gia Ban Chấp hành Chi bộ Đại Thành.

Tháng 11 năm 1930, đồng chí Nguyễn Công Huy - Bí thư Chi bộ Đại Thành được trên điều động nhận nhiệm vụ mới. Đồng chí Nguyễn Sĩ Đức được bầu làm Bí thư Chi bộ Đại Thành.

Chi bộ Đại Thành, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Sĩ Đức đã chú ý coi trọng công tác phát triển Đảng và xây dựng mạnh mẽ tổ chức quần chúng để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trước tình hình mới. Tính đến ngày 27/12/1930, làng Xuân Dương đã có 20 tổ Nông hội (gồm 200 hội viên), 40 hội viên Thanh niên Cộng sản đoàn, 2 tổ Phụ nữ giải phóng gồm 50 hội viên và 70 hội viên Cứu tế đỏ. Chi bộ đã phát động được nhiều cuộc đấu tranh quan trọng.

Cũng trong tháng 12 năm 1930, Nhân dân bị đói, Chi bộ Đại Thành dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Sĩ Đức đã vận động quần chúng tới nhà giàu lấy lúa chia cho người nghèo được 30 tạ.

Đầu năm 1931, chính quyền thực dân phong kiến đã tiến hành một số chủ trương thâm độc là thiết lập hệ thống bang tá đến tổng và làng xã. Bọn bang tá thường sống ngay trong làng nên chúng biết tỏ tường và bắt đúng cán bộ, đảng viên, quần chúng cốt cán của cách mạng, làm cho cơ sở Đảng bị tổn thất nặng nề.[3]

Tháng 3 năm 1931, đồng chí Nguyễn Sĩ Đức được cử làm Bí thư Tổng ủy Xuân Lâm. Trong thời gian này, nạn đói tràn lan, bọn đế quốc và tay sai càng lấn tới. Trước tình hình đó, Huyện ủy chủ trương tịch thu và vay lúa của địa chủ cứu đói cho dân, trấn áp và diệt trừ bọn phản động, giải vây cho những làng bị kìm kẹp, tiếp tục vận động quần chúng đấu tranh.

Ngày 27/3/1931, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Thanh Chương và Huyện ủy Nam Đàn, hàng ngàn nông dân 2 huyện có các đội tự vệ hỗ trợ đã kéo vào Nhà chung của Giáo xứ Tràng Đen để "vay" lúa cứu đói. Tại tổng Xuân Lâm, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Sĩ Đức cùng quần chúng Nhân dân toàn tổng tham gia phá kho thóc và lấy hàng trăm tấn thóc chia cho người nghèo.

Ngày 19 tháng 4 năm 1931, Tổng ủy Xuân Lâm, dưới sự chủ huy của đồng chí Nguyễn Sĩ Đức đã phối hợp với Tổng ủy Đại Đồng vận động Nhân dân cùng tự vệ trừng trị bọn cường hào phản động, vực dậy phong trào cách mạng ở Di Luân (nay là xã Đồng Văn).

Hoạt động của Tổng ủy Xuân Lâm, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Sĩ Đức và những người Cộng sản ở Xuân Lâm làm bọn thực dân và phản động trong vùng lo sợ.

Để dập tắt phong trào cách mạng, kẻ địch đã tiến hành khủng bố hết sức tàn khốc. Chúng bày ra cái gọi là "Cải cách hương chính" ở các làng, xã. Ngoài hệ thống Chánh, Phó Lý trưởng, Bang tá, Đoàn phu, nay lại thêm một "Hội đồng ngũ hương". Tổng ủy Xuân Lâm bị đàn áp dữ dội, địch lùng sục khắp nơi những đảng viên cộng sản và quần chúng cách mạng.

Tháng 6 năm 1931, Tổng ủy Xuân Lâm cử anh Nguyễn Văn Thảo và anh Phan Văn Chửng đưa công văn lên Huyện ủy, trên đường đi bị địch bắt. Tổng ủy Xuân Lâm dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Sĩ Đức, lấy Tự vệ các Chi bộ Xuân Tường, Phong Nậm và Nguyệt Bổng ra giải thoát cho 2 đồng chí. Kết quả bọn lính phải bỏ chạy, 2 đồng chí được giải thoát.

Ngày 10/6/1931, bọn hào lý ở làng Nguyệt Bổng bắt bò của người dân không có tiền nộp thuế để bán rẻ cho bọn buôn. Tổng ủy lấy Xích vệ các Chi bộ Xuân Tường, Phong Nậm và Nguyệt Bổng đón đường bọn chúng tịch thu hết số tiền là 170 quan bán bò đem trả lại cho dân làng và giết chết 1 tên chống lại Tự vệ. Hôm sau lấy Xích vệ đi giết chết 1 tên phản động ở Phong Nậm.

Từ giữa năm 1931 trở đi, phong trào cách mạng ở Thanh Chương ngày càng gặp nhiều khó khăn. Bọn hào lý phản động thừa cơ ngóc đầu dậy, hết sức ngang ngược, tàn bạo. Bọn chúng chỉ điểm, lùng sục, bắt bớ. Bọn đế quốc và tay sai tập trung lực lượng đánh phá vùng Xô viết ở Thanh Chương. Huyện ủy gặp rất nhiều khó khăn trong liên lạc với Tỉnh ủy, nhiều cơ sở Đảng ở các làng, xã liên tiếp bị phá vỡ. Cơ quan Huyện ủy rút vào Cửa khẩu Ngọc Lâm, sẵn sàng chấp nhận cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt với địch. Cơ quan Tổng ủy và các chi bộ phải di chuyển nhiều địa điểm: Từ Cồn Đình đến Kỳ La qua khe Dọc…

Biết được đồng chí Nguyễn Sĩ Đức là Bí thư Tổng ủy, bọn mật thám lùng sục khắp nơi. Nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng lần lượt bị địch bắt và hy sinh như: chị Phan Thị Bảy (liên lạc của Tổng ủy Xuân Lâm), đồng chí Nguyễn Hữu Tám…

Tháng 7 năm 1931, trong lúc đồng chí Nguyễn Sĩ Đức đang bàn kế hoạch tìm đường lên Vều (Anh Sơn) để chắp nối liên lạc với cấp trên thì bị địch bắt và nhiều đồng chí bị bắn chết. Tổng ủy Xuân Lâm tan rã, phong trào bị dập tắt.

Đồng chí bị địch đưa về đồn Tú Viên. Sáng hôm sau, Bang Hưng, Đội Toản và 5 lính khố xanh giải đồng chí lên Nhà lao Thanh Chương.

Trong Hồi ký của mình đồng chí kể: "Tôi bị trói cắp cánh về phía sau giải lên huyện. Tên Tri huyện Phạm Ngọc Bích thấy tôi nó hỏi ngay: Ông tướng cộng sản bắt được rồi, bọn kia ở đâu? Tôi trả lời không biết – nó nói không biết à, mầy làm Bí thư Tổng ủy mà lại không biết à, liệu mà khai thiệt đi, nếu không tau bắn ngay bây giờ. Tôi nói, tôi làm Bí thư có mấy người trong Tổng ủy thì các ông đã bắn hôm qua rồi, bảo tôi khai gì nữa. Sau đó, bọn chúng bắt tôi quỳ lên gộc tre, rồi đánh túi bụi, nó đánh bầm tím cả người... Ăn uống thì một ngày bọn chúng cho được hai vắt cơm trộn với trấu, đồ mặn thì một nhúm muối vừng hay vài miếng măng luộc trộn với muối. Bọn chúng chỉ điều tra cơ quan của huyện, tỉnh.

Nó hỏi, mày làm Tổng ủy thì thế nào mày cũng phải biết thằng nào là huyện thằng nào là tỉnh, hiện nay chúng nó ở đâu? Tôi nói: không biết, nó bảo lính đánh tôi một trận rồi bảo lính dẫn tôi xuống nhà lao cùm lại. Sáng hôm sau lính lại dẫn tôi lên…".

Mặc dù kẻ địch dùng mọi hình thức tra tấn cực kỳ dã man nhưng không khuất phục được ý chí của đồng chí. Một thời gian sau, bọn chúng đưa đồng chí Nguyễn Sĩ Đức lên giam tại Nhà lao đồn Thanh Quả.

Tháng 11 năm 1931, đồng chí Nguyễn Sĩ Đức bị giải xuống giam ở Nhà lao Vinh. Tại đây, đồng chí Nguyễn Sĩ Đức và anh em tù chính trị đã nhiều lần tổ chức đấu tranh hô khẩu hiệu "phải phát thịt không xương, áo quần chăn chiếu một năm hai bộ, phản đối đập đánh dã man, cho xem sách báo…".

Đồng chí kể lại: "Sau mấy hôm thì lính còng tôi đưa lên bàn giấy, dẫn đi chụp ảnh và dẫn đi tòa án. Đến tòa án bọn chúng chả hỏi gì. Đọc xong bọn chúng bắt ký án. Tôi không ký án. Bọn chúng dọa nạt. Rồi sau đó ký 02 chữ "Chống án" Nguyễn Sĩ Đức".

Ngày 02 tháng 6 năm 1932, Tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An đã kết án Nguyễn Sĩ Đức với mức án tù khổ sai chung thân, Bản án số 148.

Ngày 18/02/1933, đồng chí bị đưa đi nhà đày Lao Bảo. Trong thời gian bị giam cầm, bọn mật thám tiếp tục dùng mọi thủ đoạn đê hèn để khai thác thông tin nhưng chúng đã bất lực.

Năm 1936, Nguyễn Sĩ Đức tiếp tục bị đày lên Nhà tù Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc. Tại đây, đồng chí bị bọn thực dân Pháp đánh đập rất dã man nhưng không hề nản chí, luôn luôn lạc quan, động viên tinh thần anh em, đồng chí của mình giữ vững ý chí chiến đấu. Trong nhà lao, Nguyễn Sĩ Đức cùng các bạn tù tham gia tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi bỏ cùm xiềng, biệt đãi tù chính trị, lúc rãnh rỗi lại tranh thủ đọc sách, tiểu thuyết và học văn hóa, chính trị, tiếng Pháp, tiếng Tàu.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, phần lớn tù chính trị được trả tự do. Còn một số tù chính trị mang án cộng sản và ám sát thì không tha. Một số đồng chí được về trước đã làm đơn đề nghị lên Chính phủ yêu cầu thả hết tù chính trị đang bị giam cầm. Đến ngày 30 tháng 7 năm 1945, đồng chí Nguyễn Sĩ Đức được trả tự do.

Sau khi trở về quê hương, đồng chí tiếp tục hoạt động tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện ngày 23/8/1945. Khởi nghĩa thắng lợi, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời làng Xuân Dương được thành lập gồm 7 đồng chí do đồng chí Nguyễn Sĩ Đức làm Chủ tịch [4].

Đầu năm 1946, làng Xuân Dương nhập với làng Tú Viên thành xã Minh Tân. Ngày 24 tháng 3 năm 1946, đồng chí Nguyễn Sĩ Đức được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đến tháng 12 năm 1950.

Từ năm 1951 - 1969, đồng chí tiếp tục được điều động giữ nhiều vị trí khác nhau trong các cơ quan, chính quyền huyện, xã [5]. Năm 1969, đồng chí Nguyễn Sĩ Đức nghỉ hưu theo chế độ.

Do tuổi cao, sức yếu, đồng chí Nguyễn Sĩ Đức đã qua đời ngày 26/3/1984 (24/2 ÂL), hưởng thọ 79 tuổi.

Đồng chí Nguyễn Sĩ Đức là một đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng kiên trung, có nhiều công lao đóng góp cho Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam. Ghi nhận công lao của đồng chí, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huy chương Kháng chiến hạng Nhất và truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; gia đình đồng chí được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tặng Bằng có công với nước theo Quyết định số 19/CP ngày 28/01/1964.

------

Chú thích:

[1] Theo Hồi ký và tự thuật của ông Nguyễn Sĩ Đức viết ngày 01/7/1970.

[2] Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Dương, sđd, tr 44.

[3] Theo BCH Đảng bộ huyện Thanh Chương, Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930 -1975), Nxb Chính trị Quốc gia, tr81.

[4] Theo BCH Đảng bộ xã Thanh Dương, Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Dương (1930 -1975), Nxb Nghệ An, 2015, tr 83.

Lê Ngọc Thịnh - Phó Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh