Quốc tế

Phần Lan thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-EU trong bối cảnh biến động

Mỹ Nga 28/10/2024 10:12

Chuyến thăm của Tổng thống Phần Lan tới Bắc Kinh sẽ góp phần vào thúc đẩy quan hệ Trung Quốc và EU trong bối cảnh nền chính trị thế giới nhiều biến động.

phần lan
Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb. Ảnh: China Daily

Theo Global Times, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ ngày 28/10. Các nhà phân tích Trung Quốc dự đoán chuyến thăm sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển ổn định của quan hệ song phương, đồng thời, đóng góp vào quan hệ Trung Quốc-EU trong thời điểm nền chính trị thế giới nhiều biến động.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng thống Phần Lan Stubb. Lin Jian, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, chuyến công du của Tổng thống Stubb đến Bắc Kinh sẽ đánh dấu cột mốc kỷ niệm 74 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Ông Lin Jian cho biết, Trung Quốc sẵn sàng duy trì các cuộc trao đổi cấp cao với Phần Lan, tiếp tục tình hữu nghị truyền thống, tăng cường hợp tác cùng có lợi trong kinh tế, thương mại, đầu tư, chuyển đổi xanh và các lĩnh vực khác, cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu và thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của quan hệ song phương.

Cui Hongjian - Giáo sư tại Học viện Quản trị Khu vực và Toàn cầu thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, nói với tờ Global Times rằng: Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Phần Lan đã ổn định và phát triển lành mạnh trong một thời gian dài. Phần Lan đã duy trì các lập trường và chính sách độc đáo, khi ứng phó với các cường quốc trong nhiều năm. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến Trung Quốc và Phần Lan có thể duy trì mối quan hệ ổn định và lành mạnh, bất chấp khoảng cách địa lý và những khác biệt đáng kể về điều kiện quốc gia.

Giáo sư Cui tin rằng, chuyến thăm của Tổng thống Stubb có thể đưa ra các kế hoạch hành động mới, sau các cuộc thảo luận toàn diện với phía Trung Quốc và củng cố nền tảng của mối quan hệ Trung Quốc-Phần Lan được đặc trưng bởi sự thiết lập kế hoạch hợp tác chặt chẽ.

Giáo sư Cui cũng cho rằng, chấp một số biến động trong quan hệ Trung Quốc-châu Âu gần đây, chủ yếu là do những thay đổi đáng kể về môi trường bên trong và bên ngoài của khu vực, bao gồm cả nền kinh tế và bối cảnh địa chính trị, Phần Lan - quốc gia ủng hộ thương mại tự do và nền kinh tế mở cửa, vẫn duy trì lập trường tương đối khách quan trong các cuộc xung đột thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu.

Trong cuộc bỏ phiếu gần đây về việc áp thuế đối với xe điện Trung Quốc, Phần Lan đã bỏ phiếu trắng, phản ánh nhu cầu hợp tác với Trung Quốc, Giáo sư Cui chỉ ra.

Văn phòng Tổng thống Phần Lan cho biết, cùng đi với Tổng thống Stubb tới Bắc Kinh còn bao gồm các bộ trưởng khí hậu và môi trường, nông nghiệp và lâm nghiệp, ngoại giao, cũng như một phái đoàn doanh nghiệp, những người sẽ đến thăm Bắc Kinh và Thượng Hải trong chuyến công du.

Giới phân tích Trung Quốc cho rằng, chuyến thăm có khả năng khai thác các tiềm năng hợp tác mới, đồng thời, củng cố các mối quan hệ hợp tác hiện có, bao gồm trong các lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, thành phố thông minh và công nghệ. Các cuộc thảo luận cũng có thể bao gồm hợp tác trong nền kinh tế kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo.

Sự bổ trợ kinh tế lẫn nhau giữa Trung Quốc và Phần Lan rất mạnh mẽ. Phần Lan, hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc ở Bắc Âu. Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Phần Lan ở Châu Á trong nhiều năm. Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, khối lượng thương mại song phương đạt 8,2 tỷ vào năm 2023.

Phần Lan nổi tiếng hàng đầu thế giới về năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ, đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe và năng lượng môi trường. Trong khi đó, Trung Quốc cung cấp quy mô thị trường rộng lớn và cơ sở sản xuất đa dạng, tạo ra bối cảnh năng động cho hợp tác kinh tế.

Zhu Keli- Giám đốc sáng lập của Viện Kinh tế Mới Trung Quốc cho rằng, sự kết hợp giữa những tiến bộ công nghệ tiên tiến của Phần Lan và năng lực sản xuất rộng lớn của Trung Quốc mang đến nhiều cơ hội cho hợp tác kinh tế cùng có lợi, thúc đẩy đổi mới, nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Mỹ Nga