Pháp luật

Chiêu thức lừa đảo của nữ đại úy công an

An Quỳnh 28/10/2024 12:51

Lợi dụng nghề nghiệp của bản thân tại thời điểm đó, Trần Thị Ngọc Hà (TP/ Vinh) đã lừa đảo chiếm đoạt của nhiều người với số tiền hơn 20 tỷ đồng. Hơn 10 năm trôi qua, mặc dù Hà đã phải trả giá cho tội danh của mình nhưng nhiều nạn nhân vẫn không thể biết được số tiền mình cho Hà vay khi nào mới lấy lại được…

Từ một miếng đất trống…

Sinh ra trong gia đình gia giáo với nghề nghiệp ổn định nhưng Trần Thị Ngọc Hà (SN 1980), trú tại phường Trường Thi, TP. Vinh (Nghệ An) không muốn trau dồi công việc, chăm lo gia đình mà lại mong muốn được làm giàu một cách nhanh chóng. Lợi dụng bản thân khi đó đang là cán bộ Công an tỉnh Nghệ An, Hà đã tự tạo cho mình “vỏ bọc” của một đại gia để giở mánh khóe lừa đảo. Với nhiều quần áo hàng hiệu cùng xe ô tô bạc tỷ, Hà thường xuyên khoe với mọi người mình sở hữu nhiều mảnh đất giá trị trên địa bàn thành phố.

Sau khi tạo được lòng tin, Hà đã lợi dụng đủ mọi thủ đoạn để vay tiền. Thậm chí, để lấy được tiền “đầu tư” từ những người quen, Hà còn dùng thủ đoạn bán đất khống, dùng duy nhất 1 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bán cho nhiều người và cắm ngân hàng.

Qua quá trình điều tra, chị Ngọc Hà đã thực hiện 14 vụ lừa đảo với số tiền bị chiếm đoạt lên đến 24 tỷ đồng. Ảnh: tư liệu
Qua quá trình điều tra, Ngọc Hà đã thực hiện 14 vụ lừa đảo với số tiền bị chiếm đoạt lên đến 24 tỷ đồng. Ảnh: tư liệu

Phi vụ lừa đảo đầu tiên diễn ra vào năm 2007, khi đó Hà tham gia đấu thầu mua 1 lô đất trị giá 100 triệu đồng tại TX. Cửa Lò. Nhưng khi vừa mới đặt cọc thì Hà đã trao tay cho chị X. để lấy 145 triệu đồng. Đến khi nhận được bìa đỏ mang tên vợ chồng Hà thì Hà không giao bìa đỏ cho chị X. để làm thủ tục sang tên mà lại giữ lại. Sau đó, Hà lại dùng bìa đỏ trên đến gặp chị Lê T.H. (mợ của Hà) vay 1,9 tỷ đồng với lý do để trả tiền lô đất tiếp theo. Lừa đảo được số tiền trên của chị T.H., Hà tiếp tục giữ bìa đỏ rồi đưa mẹ đẻ vào đứng tên để thế chấp Ngân hàng Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội vay 700 triệu đồng.

Không chỉ vậy, cuối tháng 7/2011, Hà lại tiếp tục đến nhà chị T.H. để hỏi vay 3 tỷ đồng. Khi được hỏi lý do vay tiền thì Hà trả lời “cháu vay tiền mua đất làm ăn nghiêm chỉnh, chắc chắn, chú mự cứ yên tâm”. Tuy nhiên, nhìn thấy vợ chồng chị T.H. có vẻ hoài nghi, Hà khẳng định sẵn sàng thế chấp ủy quyền định đoạt 2 thửa đất trong đó bao gồm cả miếng gia đình Hà đang ở. Từ sự quả quyết của Hà, vợ chồng chị T.H. đã viết giấy cho vay 3 tỷ đồng.

Điều đáng nói, sau khi lấy được tiền từ gia đình của mự, Hà vẫn ngang nhiên mang sổ đỏ của miếng đất mình đã hứa ủy quyền lại để đi thế chấp tiếp cho một người khác mà không thông qua chị T.H.

Qua quá trình điều tra cho biết, tổng số tiền mà Hà vay chị T.H lên đến 6 tỷ đồng (chiếm 1/3 tổng số tiền của các bị hại trong vụ). Theo chị T.H trình bày tại Cơ quan điều tra do tin tưởng Hà là cán bộ công chức, hơn nữa Hà là chỗ người thân nên khi Hà hỏi vay tiền, chị Hiệp vui vẻ nhận lời mà không mảy may nghi ngờ.

Thủ đoạn kêu gọi tiền “đầu tư”

Cùng với thời gian đó, Hà còn nhắm tới cả những đồng nghiệp của mình. Biết chị Nguyễn Thị L. là đồng nghiệp với Hà vừa mới bán đất nên có khoản tiền lớn. Hà đã ngỏ ý muốn vay tiền đảo khế ngân hàng với lãi suất sòng phẳng và chỉ cần Hà đảo khế và bán đất xong thì Hà trả cả vốn lẫn lãi. Tin tưởng vào người đồng nghiệp và tài kinh doanh Hà vẽ ra, chị L. vô tư cho Hà vay 1 tỷ 280 triệu đồng. Mới đầu, chị L. Thấy Hà trả lãi rất đúng hạn nhưng được 2,3 tháng thì đợi “dài cổ” không thấy Hà đến, qua tìm hiểu bạn bè cùng cơ quan, chị L. mới biết, mình đã bị Hà lừa.

Những giấy chứng nhận vay tiền mà Trần Thị Ngọc Hà dùng để
Những giấy chứng nhận vay tiền mà Trần Thị Ngọc Hà dùng để "làm tin" với các nạn nhân. Ảnh tư liệu

Không chỉ vậy, lợi dụng là chỗ bạn bè chơi thân với nhau, nên khi nghe Hà ngon ngọt hỏi vay tiền để mua nhà và hứa hẹn trả cả gốc lẫn lãi trong vòng 10 ngày, anh Nguyễn Văn T. vội thế chấp căn nhà đang ở cho ngân hàng để vay 1 tỷ đồng trao cho Hà. Chỉ đến khi Hà bị bắt thì anh T. mới biết mình đã “sập bẫy” của Hà.

Thậm chí, Hà còn “gọi vốn” đối với cô giáo của con mình. Với cách sống phóng khoáng, không tiếc tiền mua những món quà “động viên tinh thần” cô T., Hà khiến cô T. tin tưởng và xem Hà như em gái.

Vì vậy, khi Hà đặt vấn đề vay nóng và hứa trả trong thời gian ngắn, cô T. đã vay mượn tiền đưa cho Hà vay. Thậm chí, Hà tâm sự, vì tranh thủ vừa hoàn thành việc cơ quan, vừa làm ăn, tăng thu nhập, không có thời gian chăm sóc, nuôi dạy con nên đã xin cho con Hà ở luôn trong nhà cô giáo để tiện việc học hành và sinh hoạt. Được biết, số tiền mà Hà lừa đảo của cô giáo T. lên đến hơn 1 tỷ đồng, trong đó có cả tiền của bố mẹ, tiền cậu em trai chuẩn bị cưới vợ cũng đưa cho Hà vay.

Không những lừa đảo bà con họ hàng, hàng xóm, Trần Thị Ngọc Hà còn lừa ngay cả người bạn thân thiết nhất, gắn bó suốt cả tuổi thơ với mình. Biết chị V.L (phường Lê Mao, TP. Vinh) đang chuẩn bị xây nhà, nên ngày 28/2/2011 thị đã tìm gặp. Với thủ đoạn cần tiền để đảo khế ngân hàng nên mặc dù không có số tiền lớn trong tay nhưng chị V.L vẫn cố gắng vay mượn người thân số tiền 1 tỷ đồng cho Hà mượn. Đến hẹn, Hà vẫn áp dụng chiêu cũ, vay thêm số tiền 230 triệu đồng. Cũng chính vì tin tưởng bạn bè nên cho đến tận bây giờ, dự định xây nhà của chị V.L vẫn còn xa lắm, bởi chị còn gánh cả phần trả tiền nợ đã vay cho người bạn thân mượn.

Quen biết Hà qua các mối quan hệ xã hội anh Đậu Song T. (trú tại phường Trường Thi) cũng không tránh khỏi việc bị Hà vay. Biết anh T. được bố mẹ chia của hồi môn 500 triệu đồng để làm nhà hoặc kinh doanh. Vì chưa đủ tiền làm nhà , anh T. đem khoản tiền trên gửi ngân hàng lấy tiền lãi nuôi con ăn học. Trong lúc bị các con nợ đòi ráo riết, Hà tìm gặp anh T. cầu cứu để được vay với lãi suất cao. Nghĩ Hà là cán bộ Nhà nước, anh T. đã rút toàn bộ số tiền 500 triệu đồng đang gửi ngân hàng đưa cho Hà vay. Sau khi cầm tiền, Hà cũng biến mất, không liên lạc được.

Trần Thị Ngọc Hà tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh tư liệu
Trần Thị Ngọc Hà tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh tư liệu

Được biết, từ năm 2007 đến năm 2011, Hà đã thực hiện 14 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 24 tỷ đồng. Cho đến ngày ra hầu tòa, Hà vẫn còn nợ các bị hại trên 22 tỷ đồng.

“Siêu lừa” chịu tội tại tòa

Cuối tháng 8/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Trần Thị Ngọc Hà. Khán phòng xét xử vụ án thu hút hàng trăm người. Họ đến đây ngoài danh nghĩa nạn nhân của vụ án còn là người thân, bà con láng giềng, thậm chí là giáo viên của con bị cáo. Trong số họ, có những người có cuộc sống khá giả, nhưng cũng không thiếu những người nghèo khó, thu nhập thấp, làm thuê. Vì tin vào những lời ngon ngọt của Hà, và cả lòng tham trước những đồng lãi cao, họ sẵn sàng giao toàn bộ tài sản cũng như tiền bạc, đất đai, nhà cửa cho Hà mà không hề nghi ngờ. Không những thế, có những người tiền không có, nhưng nể nang mà đi vay tiền của người thân để đưa cho Hà.

Ngay khi phiên tòa diễn ra đến ngày thứ 2, trong phần tranh luận thì xuất hiện một bị hại khác cầm tập giấy vay nợ từ ngoài khán phòng vào, giới thiệu tên là Phạm A.Đ.(trú tại TP. Vinh) cũng đã bị Hà lừa đảo 4 tỷ đồng nhưng không được nhận giấy triệu tập.

Để đảm bảo quyền lợi cho phía bị hại và làm rõ trách nhiệm của những người liên quan đến số tiền trên, do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, Hội đồng xét xử đã kéo dài nghị án đến ngày 23/8/2013.

Ngay tại phiên tòa, Hà khai nhận, hành vi lừa đảo tái phạm nhiều lần là vì thị vay rất nhiều tiền, số tiền lãi hàng ngày có khi lên đến hàng chục triệu. Khi không còn khả năng chi trả, rất nhiều chủ nợ đã kéo đến tận cổng cơ quan để đòi nợ. Bị dồn vào tình thế đó, thị chỉ biết nhắm vào bất kỳ ai có thể lừa gạt được để có tiền trả nợ. Chỉ một tờ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng Hà lại bán cho nhiều người khiến nhiều gia đình phải rơi vào cảnh nợ nần,...

Đứng trước vành móng ngựa, Trần Thị Ngọc Hà không quanh co, ngụy biện mà khai nhận tất cả những hành vi của mình. Khi nghe vị Viện Kiểm sát phát biểu quan điểm và đề nghị án chung thân, thị cố gắng với tay vịn vào vành móng ngựa rồi bật khóc nức nở.

ảnh 1Trần Thị Ngọc Hà nhận bản án chung thân với tội danh
Trần Thị Ngọc Hà nhận bản án chung thân với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ảnh tư liệu

Sau thời gian dài nghị án, sáng 23/8/2013, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt bị cáo Trần Thị Ngọc Hà mức án “chung thân” về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời, buộc bị cáo bồi thường số tiền 23 tỷ 883 triệu đồng cho 14 người bị hại. Phiên tòa kết thúc, nhưng sự bất an, lo lắng của hàng chục bị hại vẫn chưa thể chấm dứt. Số tiền họ cho Hà vay là số tiền không hề nhỏ, có những người dù có kiếm cả đời cũng không bao giờ có được.

Mức án của Hà và những món nợ lớn là bài học cho những người nhẹ dạ cả tin, kém hiểu biết về pháp luật, ham lợi nhuận trước mắt mà quên rằng, đồng tiền làm ra phải được trả giá bằng trí tuệ, mồ hôi thậm chí là nước mắt mới là đồng tiền trong sạch và bền vững.

An Quỳnh