Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Những đóng góp của đồng chí Lê Đệ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Phan Thị Thảo - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 28/10/2024 16:22

Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí Lê Đệ vẫn luôn nêu cao khí tiết, bất khuất, kiên trung, xứng đáng là một chiến sĩ cộng sản trên quê hương Xô viết anh hùng.

Đồng chí Lê Đệ (tức Lê Đức Đệ), sinh năm 1893 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước tại xóm Tiên Yên, làng Yên Lý Ngoại, xã Yên Lý, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Cha là ông Lê Đức Trác và mẹ là bà Hồ Thị Chỉnh.

Đồng chí Lê Đệ vốn là một nho sinh, khoa thi Hương trúng Tam trường; học Quốc ngữ đỗ tuyển sinh, có chức Tri sự và có chân trong Văn Hội làng. Đồng chí chịu ảnh hưởng của các phong trào yêu nước chống Pháp và được sự giác ngộ cách mạng bởi ông Lê Đức Chương là chú họ.

Năm 1925, đồng chí Lê Đệ đã tham gia vào phong trào thanh niên cách mạng ở địa phương và lập ra các nhóm đọc sách báo tại Diễn Yên như nhóm ông Lê Chương (ông Cửu Cát), ông Lê Kham (ông Miêng Khươm) và ông Lê Nhu… Họ đã sử dụng và chuyền tay nhau một số tài liệu để tuyên truyền như: Bức thơ “Thất điểu trần” của cụ Phan Chu Trinh đưa cho Khải Định khi Khải Định sang Pháp, cuốn “Tinh thần bất tử” viết bằng chữ Hán của cụ Phan Bội Châu biểu dương khí tiết anh hùng của Phạm Hồng Thái mưu sát toàn quyền Méc - Lanh ở Sa Điện (Quảng Châu, Trung Quốc)...

Các nhóm chia nhau phụ trách từng vùng, thường xuyên thay đổi địa chỉ sinh hoạt, tập trung vào những gia đình có điều kiện và nhiệt tình với phong trào rồi vận động hương hào, lý trưởng đến nghe. Số người tham gia nghe, đọc báo ngày càng đông, có người còn xuất tiền mua thêm một số sách, báo như: Thực nghiệm dân báo, Trung Bắc tân văn... làm phong phú nguồn tư liệu và thông tin chuyển đến bà con.

Ngoài ra, các bản tuồng Trưng Trắc, Trưng Nhị cũng được nhóm đọc sách, báo mượn cho đội tuồng các xóm tập và đi diễn khắp vùng Hoàng, Vạn; các bài vè để ru con nhằm khích lệ lòng yêu nước của nhân dân cũng được sưu tầm, sáng tác và truyền bá rộng rãi. Năm 1926, các tổ chức như: Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Tân Việt cách mạng Đảng hoạt động mạnh ở các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương (Nghệ An).

Do ảnh hưởng của trào lưu cách mạng mới, thanh niên Diễn Yên bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, hăng hái tìm đường xuất dương cứu nước. Ngày 24/7/1926, một nhóm thanh niên gồm: Lê Đệ, Lê Hòe, Lê Mận, Lê Nhu, Lê Kham, Lê Nhiếp, Nguyễn Phong Hanh (Nguyễn Quế) và Nguyễn Vỹ… được tuyển chọn và tập trung ở hiệu thuốc Bắc Thuận Đức (thành phố Vinh) lên đường sang Xiêm (Thái Lan), do ông Nguyễn Đăng Tựu (Nghi Lộc) - một người có tư tưởng tiến bộ đã bắt mối liên lạc và tổ chức dẫn đường đưa người ra nước ngoài học tập và hoạt động cách mạng. Nhưng chuyến đi bị sai hẹn nên các đồng chí đành phải quay trở về và tiếp tục hoạt động chờ thời cơ.

Sau đó, Lê Đệ được đồng chí Lê Phú (tức Lê Hải) dẫn đường xuất dương sang Trung Quốc. Ngày 12/ 01/1927, Lê Đệ đã bị thực dân Pháp bắt và kết án 1 năm tù, giải về giam tại Hỏa Lò (Hà Nội). Trong thời gian bị giam giữ đánh đập, không khai thác được gì, chúng đành phải trả tự do cho đồng chí. Trở về quê hương, đồng chí lại cùng với các đồng chí: Nguyễn Quế (Phong Hanh), Lê Kham, Lê Mận, Lê Nhiếp, Lê Cẩn, Lê Lênh, Trương Đức Hạp, Lê Đức Chương và Lê Nhu (mở sứ thuốc bán thuốc Bắc tại Ga Yên Lý còn gọi là sứ Tuệ), để hoạt động cách mạng.

Khi trong vai là một thầy đồ dạy chữ Quốc ngữ cho các em nhỏ, có lúc lại là thầy bốc thuốc Bắc chữa bệnh cứu người, đồng chí Lê Đệ đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia rải truyền đơn, mít tinh, biểu tình…

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 6/1930, Tỉnh ủy Nghệ An đã cử Chu Văn Biên, Phan Lạc và Nguyễn Đức Biểu về Diễn Châu thành lập Chi bộ Yên Lý gồm các đồng chí: Lê Đệ, Nguyễn Phong Hanh, Lê Nhu, Lê Mận, Lê Cần, Lê Nhiếp… do đồng chí Nguyễn Đức Biểu làm Bí thư. Chi bộ đã xác định rõ nhiệm vụ hàng đầu là tuyên truyền rộng rãi chủ nghĩa Mác – Lê nin thông qua bài giảng của Nguyễn Ái Quốc trong cuốn “Đường Kách mệnh” cho nhân dân. Đồng thời, mở rộng, xây dựng, phát triển cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng: như Thanh niên Cộng sản Đoàn, Nông hội Đỏ, Tự vệ Đỏ… và lập ra nhiều cơ sở in ấn tài liệu, truyền đơn, áp phích…

Tượng đài công nông ở Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Minh Quân
Tượng đài công nông ở Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Minh Quân

Trong thời gian này, nhà đồng chí Lê Đệ được chọn làm nơi tổ chức in ấn truyền đơn, tài liệu của Đảng với nội dung kêu gọi quần chúng ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh, ủng hộ nhân dân Thanh Chương, Nam Đàn vây phá huyện đường. Tài liệu truyền đơn được bí mật chuyển về các cơ sở.

Sau khi cuộc biểu tình của nhân dân Hưng Nguyên bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp đẫm máu vào ngày 12/9/1930, Tỉnh ủy Nghệ An đã chủ trương phát động cuộc đấu tranh lớn trên toàn tỉnh nhằm thể hiện tình đoàn kết và kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11). Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Đức Biểu – Bí thư chi bộ, các đồng chí Lê Đệ, Nguyễn Phong Hanh, Lê Nhu, Lê Mận, Lê Cần, Lê Nhiếp… đã tích cực chuẩn bị tài liệu, truyền đơn, băng cờ, khẩu hiệu, vũ khí… bí mật chuyển về các cơ sở để thực hiện cuộc biểu tình.

Sáng 7/11/1930, tiếng trống từ các đình làng vang lên thúc giục mọi người tập trung. Nhân dân Diễn Yên và tổng Vạn Phần tập trung tại Ga Yên Lý. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, đồng chí Lê Đệ và các đồng chí đảng viên, nhân dân các làng tập trung theo các xã, tay giương cao cờ và khẩu hiệu, đồng thanh hô vang “Ủng hộ chính quyền Xô Nga”. Đoàn biểu tình kéo sát về phủ lỵ, nhân dân các làng ven đường hò reo hưởng ứng, nhập vào đoàn người.

Để uy hiếp tinh thần đoàn biểu tình, Chỉ huy Đồn Diễn Châu đã huy động lính khố xanh, lính lê dương tập trung nòng súng nhắm vào đoàn biểu tình. Được sự hướng dẫn của các đồng chí Lê Đệ, Lê Đức Biểu, Lê Niêm, … nhân dân vẫn không e sợ, giương cao cờ đỏ búa liềm, hô vang khẩu hiệu và tiếp tục tiến bước. Trước khí thế đấu tranh của nhân dân, địch đã xả súng vào đoàn người khiến 30 người hy sinh và hàng chục người bị thương. Trước tình thế đó, đồng chí Lê Đệ và nhân dân quyết định tạm rút lui để bảo toàn lực lượng.

Ngày 30/12/1930, đồng chí Lê Đệ và Chi bộ cùng đông đảo bà con nhân dân tập trung nghe diễn thuyết và tổ chức lễ truy điệu cho những chiến sĩ, quần chúng cách mạng đã ngã xuống và động viên giúp đỡ các gia đình có người hy sinh trong cuộc đấu tranh này.

Sau cuộc đấu tranh trên, bọn thực dân, tay sai tăng cường khủng bố, đàn áp, nhưng khí thế đấu tranh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ ngày càng cao và các cuộc đấu tranh, mít tinh, biểu tình vẫn liên tiếp nổ ra. Thế và lực của quần chúng ngày một lên cao và mạnh mẽ. Thời gian này, không khí nông thôn trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, ban ngày sản xuất, ban đêm học tập chính trị, văn hóa. Thông qua những lớp học này, thơ ca yêu nước và cách mạng được truyền bá rộng rãi thấm sâu vào quần chúng nhân dân.

Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh nói chung, của Diễn Châu nói riêng, thực dân Pháp đã dồn lực lượng “dẹp loạn cộng sản”. Chúng điều lính lê dương, lính khố xanh, đoàn phu, bang tá và mật thám về Diễn Châu rình rập, bắt bớ khiến nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ, số đảng viên còn lại rất ít.

Đầu năm 1931, khi đồng chí Lê Đệ đang diễn thuyết cho quần chúng nhân dân nghe trên cánh đồng Mỹ Quan thì bị địch phát hiện và bất ngờ cho quân ập đến vây bắt đem về giam giữ. Ngày 2/2/1931, Tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử, chúng kết án đồng chí 3 năm tù khổ sai và 2 năm quản thúc (theo Bản án 36) và đày đi Kon Tum, với tội danh tuyên truyền cộng sản. Tại đây, đồng chí bị địch tra tấn hết sức tàn bạo, nhưng đồng chí trước sau như một vẫn kiên quyết trả lời một câu “không biết”. Không khai thác được gì, sau 1 năm bị giam giữ tại Nhà tù Kon Tum, vào ngày 25/01/1932, đồng chí được trả tự do, trở về quê hương đã cùng với các đồng chí Lê Mận, Lê Kham, Lê Nhu... tiếp tục bắt tay ngay vào hoạt động nối lại liên lạc, gây dựng phong trào và thành lập lại chi bộ…

Tháng 7/1936, Hội nghị Trung ương xác định và đề ra đường lối, phương pháp tổ chức đấu tranh cách mạng trong thời kỳ mới. Chi bộ Yên Lý do đồng chí Lê Đệ làm Bí thư tiếp tục công tác xây dựng cơ sở; đồng thời, lĩnh hội các chủ trương của cấp trên để phổ biến xuống tận các quần chúng nhân dân và lập ra các hội ái hữu, hội tương tế cứu giúp dân nghèo, tổ chức lập khoán nhằm mục đích lấy tiền xây dựng quỹ cách mạng, vận động nhân dân lấy chữ ký đòi thả tù chính trị…

Ngày 11/10/1939, tên Bang tá Trần Huân muốn lập công đã mang lính huyện và dẫn tên tri phủ Diễn Châu về tận nhà đồng chí Lê Đệ khám xét, tìm được một số sách, báo cấm, chúng bắt, giải đồng chí về giam tại Nhà lao Diễn Châu cùng em trai là Lê Mai. Khoảng 5 tháng sau, chúng mở phiên tòa xét xử kết án đồng chí 3 năm tù giam và 3 năm quản thúc theo Bản án số 326 ngày 4/3/1940 đưa về giam tại Nhà lao Vinh, với tội danh tàng trữ sách, báo cấm.

Ngày 13/9/1942, hết hạn tù đồng chí Lê Đệ được thả tự do trở về địa phương và nhanh chóng tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Việt Minh... Trong thời gian này, đồng chí đã cùng phối hợp với các lực lượng quân sự huyện tham gia cuộc đấu tranh vây bắt tên thực dân Pháp - Gombert, chủ đồn điền Đào Nguyên thuộc xã Yên Lý Ngoại và 2 tên phi công Pháp vượt ngục trốn trên núi thuộc xã Diễn Yên, bắt tên Bang tá Trần Huân là tay sai của đế quốc tại ngõ xóm Lũy – Yên Lý Ngoại...

Tháng 8/1945, đồng chí Lê Đệ là thành viên Ủy ban Khởi nghĩa, lãnh đạo giành chính quyền tại địa phương.

Tháng 10/1945, đồng chí Lê Đệ là Trưởng Ban Chấp hành Nông hội Đỏ huyện.

Năm 1946, đồng chí là Thường vụ Mặt trận Việt Minh huyện.

Năm 1959, với vết thương tái phát do bị giam cầm tra tấn nhiều năm trong các nhà tù đế quốc, cộng với bệnh suy tim nên đồng chí đã từ trần ở tuổi 67 với sự tiếc thương vô hạn của những người thân, bạn bè, đồng chí, đồng đội và nhân dân.

Vững một niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng chí Lê Đệ là tấm gương sáng cho con cháu trong gia đình tham gia hoạt động cách mạng như: con gái Lê Thị Nghịnh là Mẹ Việt Nam anh hùng (có 2 con trai là Bùi Hải Lượng và Bùi Văn Đạt là liệt sỹ chống Mỹ, hy sinh năm 1972); con rể là đồng chí Bùi Văn Bảy - cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa; con trai là Lê Hồng Anh - liệt sĩ chống Pháp, hy sinh năm 1953.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Đệ, từ năm 1925 đến năm 1947 là quãng thời gian hoạt động cách mạng sôi nổi, bị giam cầm trong nhiều nhà tù khét tiếng tàn bạo của chính quyền thực dân, phong kiến như: Nhà lao Vinh, Nhà tù Kon Tum… Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí vẫn luôn nêu cao khí tiết, bất khuất, kiên trung, xứng đáng là một chiến sĩ cộng sản trên quê hương Xô viết anh hùng.

-----

Tài liệu tham khảo:

- Theo hồ sơ hiện vật gia đình đồng chí Lê Đệ lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

- Hồ sơ tù đồng chí Lê Đệ lưu tại Kho bảo quản Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

- Theo thông tin cung cấp của gia đình đồng chí Lê Đệ.

- Sách Lịch sử Đảng bộ xã Diễn Yên 1930 -2007 – NXBVH-TT, 43 Lò Đúc – Hà Nội.

- Sách Lịch sử Đảng bộ huyện Diễn Châu 1930 -2005 – NXBLĐ - Hà Nội.

Phan Thị Thảo - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh