Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Mai Thát - chiến sĩ tiêu biểu trong phong trào cách mạng 1930-1931

Nguyễn Vân Anh - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 28/10/2024 16:56

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, đồng chí Mai Thát sớm gia nhập hàng ngũ của Đảng và đóng góp nhiều chiến công cho cách mạng.

Huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng. Nơi đây đã sinh ra, nuôi dưỡng, đào tạo và tôi luyện nhiều người con anh dũng, kiên trung, có những đóng góp lớn lao trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Một trong những người con tiêu biểu đó là đồng chí Mai Thát, sinh năm 1890, tại làng Đỉnh Lữ, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, nay là thôn Tân Thượng, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Đồng chí Mai Thát xuất thân trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước, hiếu học, mẹ là cụ Nguyễn Thị Kim, cha là cụ Mai Phồ (1864-1952) từng tham gia phong trào Cần Vương và giữ chức suất đội. Khi phong trào này thất bại, cụ đổi tên là Mai Đình Hòe hay gọi là Mai Hòe rồi về ở ẩn tại quê nhà. Tại Đỉnh Lữ, cụ không ngừng kết nối với các chí sĩ yêu nước tham gia hoạt động cách mạng theo phong trào Đông Du (1905-1909) do cụ Phan Bội Châu đề xướng.

Đặc biệt, trong gia đình, ngoài cụ Mai Đình Hòe còn có 7 người con gồm: Mai Thị Vinh, Mai Thát, Mai Cát, Mai Thị Từ, Mai Đỉnh, Mai Trác, Mai Thị Chín và các con dâu, rể, cháu đều trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng, có đến 10 người được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng thời kỳ 1930 - 1931.

Đồng chí Mai Thát (1890 - 1976).

Đầu năm 1928, tiểu tổ Tân Việt do đồng chí Hoàng Khoái Lạc phụ trách đã ra đời ở Đỉnh Lữ. Một số người yêu nước trong làng đã hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, tiêu biểu có: Mai Đình Hòe, Hoàng Kỳ, Hoàng Liên, Phan Gần, Mai Cát, Mai Đỉnh, Mai Thát, Nguyễn Cứ, Nguyễn Cường, Nguyễn Thân...

Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Tân Việt, đồng chí Mai Thát được cử đi vào các làng, xóm để tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh, sẵn sàng nổi dậy chống cường quyền. Nhiều cuộc đấu tranh đòi chia lại ruộng đất công, chống phụ thu lạm bổ của nông dân diễn ra liên tục. Các hội biến tướng như: hội lợp nhà, hội đưa đám… cũng được lập ra ở Đỉnh Lữ nhằm giúp nhau giải quyết những khó khăn trong đời sống và dựa vào đó tuyên truyền cách mạng.

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập. Tiếp đó, tháng 4/1930, Đảng bộ huyện Can Lộc ra đời đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho phong trào yêu nước của nhân dân toàn huyện. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Hữu Thiều (quê ở Anh Sơn, Nghệ An) - Bí thư Tỉnh bộ Lâm thời Hà Tĩnh, Chi bộ Đỉnh Lữ được thành lập, do đồng chí Hoàng Khoái Lạc làm Bí thư.

Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Can Lộc, công tác phát triển đảng viên ở Chi bộ Đỉnh Lữ được tiến hành mạnh mẽ. Đồng chí Mai Thát cũng đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Mai Thát luôn tích cực trong các phong trào đấu tranh.

Cùng với việc phát triển chi bộ, các tổ chức quần chúng ở Đỉnh Lữ cũng nhanh chóng được lập ra như Đội Xích vệ, Đội Cảm tử, Hội Cứu tế đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Hội Phụ nữ... Nhà cụ Mai Đình Hòe đã trở thành địa điểm bí mật để cho cơ quan in ấn truyền đơn, tài liệu, nuôi giấu cán bộ cách mạng, nơi họp bàn để vạch ra những kế hoạch biểu tình, giảm tô, giảm thuế. Đồng chí Mai Thát được giao cho nhiệm vụ canh gác và bảo vệ cơ quan Đảng.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng bộ Hà Tĩnh về việc tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1/5), Chi bộ Đảng Đỉnh Lữ đã tổ chức treo cờ, rải truyền đơn, tổ chức diễn thuyết, tuyên truyền đường lối của Đảng. Đồng chí Mai Thát nhận nhiệm vụ đi rải truyền đơn, vận động quần chúng đấu tranh. Đồng chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, dồn hết tâm trí lo lắng làm sao đưa được tiếng nói của Đảng đến với nhân dân.

Nhân dịp lễ Kỳ Phúc (15/6/1930 âm lịch), đồng chí Mai Thát cùng với hơn 200 người đã biểu tình, kéo ra đình làng vây chặt bọn hào lý đang tổ chức lễ. Cuối cùng, trước sức mạnh của quần chúng, tên lý trưởng Nguyễn Trực cũng phải ký giấy trả 36 công điền cho nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, phong trào cách mạng ở Đỉnh Lữ phát triển mạnh mẽ. Sáng 1/8/1930, đồng chí Mai Thát được giao nhiệm vụ phụ trách một đoàn biểu tình cùng với hơn 300 nông dân tổng Phù Lưu và Lai Thạch tập trung tại Truông Gió (Hồng Lộc) để nghe diễn thuyết, sau đó kéo lên huyện đường Can Lộc đưa yêu sách.

Được tin quần chúng đấu tranh, Tri huyện Trần Mạnh Đàn vội vã điều lính ra đàn áp. Trước khí thế đấu tranh của nhân dân, tên tri huyện phải ký vào bản yêu sách 10 điểm mà quần chúng đưa ra và hứa báo cáo lên quan tỉnh, 10 ngày sau sẽ trả lời.

Phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ở Can Lộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng diễn ra sôi nổi. Đồng chí Mai Thát đã cùng với nhân dân Tân Lộc tham gia nhiều cuộc biểu tình, mít tinh như: Cuộc biểu tình ngày 7/9/1930 của hơn 1.000 nông dân Can Lộc biểu tình có vũ trang tự vệ tiến lên huyện lỵ đòi tri huyện giải quyết những yêu sách của quần chúng đã chấp nhận trong cuộc đấu tranh ngày 1/8; Ngày 17/9/1930, nhân dân 2 tổng Nội Ngoại và Phù Lưu tổ chức mít tinh tại Truông Gió biểu tình thị uy; Ngày 22/12/1930, hàng ngàn người biểu tình ở Can Lộc đã kéo về huyện lỵ Nghèn để phản đối chính quyền thực dân. Địch đã đàn áp dã man, xả súng vào đoàn biểu tình tay không, làm hàng trăm người thương vong.

Cuối năm 1930, hầu khắp các địa phương trong toàn huyện Can Lộc sôi sục khí thế đấu tranh, làm tê liệt và tan rã bộ máy thống trị của bọn thực dân, phong kiến. Chính quyền Xô viết ở làng Đỉnh Lữ được thành lập dưới hình thức các thôn bộ nông, đây là làng Xô viết đầu tiên của huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh.

Cuối tháng 8/1931, chính quyền thực dân, phong kiến thực hiện chủ trương “bắt lầm, giết lầm còn hơn bỏ sót”, chúng vây chặt từng làng, khám xét từng nhà hòng ly khai cộng sản ra khỏi từng hộ nông dân. Chỉ một thời gian ngắn, cán bộ, đảng viên ở xã Tân Lộc bị bắt gần hết. Một số đồng chí như Hoàng Khoái Lạc, Phan Gần... vẫn bí mật bám sát cơ sở, không rời quần chúng. Trong những ngày khó khăn ấy, gia đình đồng chí Mai Thát không quản ngại hy sinh, âm thầm tiếp tế lương thực cho cán bộ hoạt động ở núi Hồng Lĩnh.

Đầu năm 1932, phong trào cách mạng ở Đỉnh Lữ có lắng xuống, Đảng bắt đầu đi vào hoạt động bí mật, đồng chí Mai Thát được giao nhiệm vụ làm giao thông liên lạc, đi nắm tình hình diễn biến các xã lân cận như Hồng Lộc, Thụ Lộc, Thiên Lộc, Phúc Lộc và Quang Lộc... Thời gian này, địch thường xuyên khủng bố gắt gao, mật thám lùng lục khắp nơi để bắt bớ những cán bộ lãnh đạo cốt cán của Đảng và những người tham gia đấu tranh, nhưng đồng chí Mai Thát đã luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được tổ chức giao phó và tin tưởng.

Năm 1937, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng chí Mai Thát tham gia vận động quần chúng kéo đến đình làng đấu tranh, đòi bỏ các khoản phụ thu vô lý, giảm thuế, miễn sưu. Trước sức mạnh đoàn kết của nhân dân, bọn lý trưởng, hào lý phải đồng ý cam kết thực hiện các yêu sách.

Tháng 9/1943, cụ Mai Đình Hòe cùng với 2 người con trai là đồng chí Mai Thát và Mai Đỉnh đã bị địch bắt vì che giấu, nuôi dưỡng đồng chí Chu Huệ, tù cộng sản vượt ngục đang bị truy nã. Tòa án Nam Triều đã kết án cụ Mai Đình Hòe 1 năm tù giam (hưởng án treo), đồng chí Mai Thát 6 tháng tù (hưởng án treo), còn đồng chí Mai Đỉnh bị giam ở Nhà lao Hà Tĩnh.

Năm 1944, kẻ địch tăng cường hoạt động chống phá cách mạng, tình hình tài chính của Đảng gặp khó khăn, đồng chí Mai Thát đã huy động hết tiền của, tài sản trong gia đình được 400 quan tiền làm quỹ Đảng hoạt động.

Ngày 15/8/1945, Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh ra lệnh khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, trong khí thế sục sôi tinh thần cách mạng, đồng chí Mai Thát cùng với nhóm thanh niên trong tổ chức Thanh niên cứu quốc vận động quần chúng nhân dân mang theo giáo mác, xông vào huyện đường bắt giữ Tri huyện và chiếm huyện đường Can Lộc. Ngày 17/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa Can Lộc đã vận động lực lượng quần chúng biểu tình vũ trang tại huyện lỵ để tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng huyện, đồng thời, phát lệnh tổng khởi nghĩa ở các địa phương trong toàn huyện.

Chấp hành chỉ thị của cấp trên, Tổng bộ Phù Lưu đã tổ chức cuộc họp tại nhà đồng chí Nguyễn Cu ở xóm Hạ Đông, làng Đỉnh Lữ để thảo luận kế hoạch treo cờ Đảng, dán áp phích, rải truyền đơn. Tham gia cuộc họp gồm các đồng chí: Giáp Toàn, Bộ Thích, Mai Cát, Nguyễn Cứ, Nguyễn Xuân Đáp...

Tổng bộ Phù Lưu phân công nhiệm vụ cho đồng chí Mai Thát canh gác và bảo vệ cuộc họp, đi đến từng nhà vận động nhân dân đi biểu tình. Sáng 18/8/1945, theo hiệu lệnh trống của đình Đỉnh Lữ, đồng chí Mai Thát và nhân dân các làng trong tổng tập trung tại đình nghe diễn thuyết, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Đỉnh Lữ thành công.

Sáng 19/8/1945, đồng chí Mai Thát cùng với đoàn biểu tình ở Đỉnh Lữ và Kim Chùy kéo đến tổng Canh (gồm Lộc Nguyên và Vĩnh Hòa) để giúp 2 địa phương đó giành chính quyền. Tại Đỉnh Lữ, Ủy ban cách mạng lâm thời được thành lập do đồng chí Mai Cát làm Chủ tịch.

Thời gian sau này, nhà đồng chí Mai Thát vẫn là nơi nuôi giấu cán bộ Đảng về hoạt động trong làng và đồng chí vẫn tiếp tục tham gia vào các phong trào đấu tranh, công tác xã hội tại địa phương, đạt nhiều thành tích xuất sắc.

Năm 1961, đồng chí Mai Thát được Đảng và Nhà nước mời ra dự lễ Quốc khánh ngày 2/9 tại Hà Nội.

Năm 1967, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Bằng có công với nước và Kỷ niệm chương cho gia đình đồng chí Mai Thát vì đã có những đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng ở địa phương, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Năm 1976, đồng chí Mai Thát mất vì tuổi cao, sức yếu.

Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, ngày nay các thế hệ con cháu cụ Mai Đình Hòe và đồng chí Mai Thát đã và đang tiếp tục có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước trên nhiều lĩnh vực. Nhớ đến đồng chí Mai Thát là nhớ đến tấm gương của một người con giàu lòng yêu nước, người cộng sản kiên trung đã góp phần làm nên những thành tích vẻ vang cho quê hương Lộc Hà trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

-----

Tài liệu tham khảo:

- Những bông hoa trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (Hồi ký cách mạng tập III), Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Hà Tĩnh, 1969.

- Lịch sử Đảng bộ xã Tân Lộc (1930- 2010), NXB Lao Động - Hà Nội, 2012.

- Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh; tập 1; NXB Chính trị Quốc gia; 1993.

- Hồ sơ tù của cụ Mai Đình Hòe lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Nguyễn Vân Anh - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh