Bối cảnh

Tình hình thế giới và tác động bên ngoài dẫn đến cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh

PGS.TS. Nguyễn Công Khanh 28/10/2024 18:52

Trong khoảng thời gian hơn 10 năm sau Thế chiến I, thế giới và khu vực Đông Á, Đông Nam Á diễn ra nhiều sự kiện và quá trình lịch sử phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới diễn trình lịch sử Việt Nam, là nguyên nhân bên ngoài dẫn tới bùng nổ cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh.

Vào năm 1929 - 1933, thế giới tư bản chủ nghĩa bị khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Đế quốc Pháp trút tất cả gánh nặng cuộc khủng hoảng ở Pháp lên vai các thuộc địa. Đông Dương bị kéo vào cuộc khủng hoảng đó nên đã chịu những hậu quả thảm khốc: Nông dân bị phá sản, bị chết đói; công nhân ngày càng bị bóc lột nặng nề, thất nghiệp; giai cấp tư sản vừa ra đời đã bị tư sản Pháp bóp nghẹt.

Hành động đàn áp, khủng bố của thực dân Pháp diễn ra khắp nơi gây không khí chính trị căng thẳng. Mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp ngày càng gay gắt, đẩy nhân dân Việt Nam vùng lên đấu tranh mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn với kẻ thù để giành lấy cuộc sống.

Pano giới thiệu Triển lãm ảnh về Người Việt Nam trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất tại Pháp
Pano giới thiệu Triển lãm ảnh về người Việt Nam trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất tại Pháp.

Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổ ra ngay tại Tây Âu, trung tâm đầu não của thế giới tư bản lúc đó, không những đã làm tan rã trật tự quyền lực được coi là khá ổn định từ cuối thế kỷ XIX, mà còn làm đổ sụp cả những định chế xã hội, văn hóa và cả những tín điều đạo đức vốn từ nhiều thế kỷ được coi như những giá trị ưu việt của Tây Âu. Vì vậy, ngay khi cuộc tương tàn khốc liệt giữa các cường quốc còn chưa kết thúc thì toàn châu Âu đã sục sôi, rung chuyển bởi một làn sóng đấu tranh giai cấp và cách mạng quyết liệt.

Tháng 11 năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi, nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới ra đời. Tiếp theo đó, phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động nhiều nước dâng lên mạnh mẽ. Được cổ vũ bởi thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng Cộng sản đã ra đời ở nhiều nước Tây Âu, và phong trào cộng sản ngày càng trở thành một xu hướng mạnh mẽ. Ngày 19 tháng 3 năm 1919, Quốc tế Cộng sản - Bộ tham mưu chiến đấu của phong trào cộng sản và công nhân toàn thế giới được thành lập ở Matxcơva. Phong trào khởi nghĩa phát triển mạnh mẽ ở châu Âu.

Trong khoảng thời gian từ năm 1918 tới năm 1923, tại nhiều vùng thuộc các nước Hungary, Đức, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan... giai cấp vô sản đã giành được chính quyền và lập nên chính quyền cách mạng theo mô hình Xô viết ở nước Nga.

Trước sự bùng phát mạnh mẽ của phong trào cách mạng, các thế lực đế quốc phản động ở châu Âu đã ngay lập tức cố kết lại, hòng bao vây tiêu diệt nước Nga Xô viết trẻ tuổi và dập tắt phong trào khởi nghĩa ở các nước khác. Cho đến khoảng cuối năm 1923, tuy nước Nga Xô viết vẫn tồn tại và năm 1922 Liên bang Xô viết (Liên Xô) ra đời, nhưng phần lớn các Xô viết và các nhà nước cách mạng khác ở châu Âu đều bị các thế lực đế quốc phản động đánh bại. Từ năm 1924 đến năm 1929, thế giới tư bản bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển nhanh chóng.

hàm mot
Công nhân Việt Nam trong hầm mỏ thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu

Nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh và phục hồi nền kinh tế, cùng với việc đàn áp phong trào cách mạng ở chính quốc, các nước đế quốc, thực dân cũng ra sức khai thác và bóc lột các xứ thuộc địa. Đặc điểm chung của chính sách khai thác thuộc địa của các nước thực dân được áp dụng ở hầu hết các xứ thuộc địa tại châu Phi và Đông Nam Á là: Một mặt tăng cường đầu tư khai thác bóc lột, biến các thuộc địa từ những nơi cung cấp nguyên, vật liệu và thị trường cung cấp hàng hóa trở thành thị trường xuất khẩu công nghiệp, thậm chí trở thành thị trường xuất khẩu tư bản, mặt khác, về phương diện chính trị-xã hội, vừa tăng cường đàn áp khốc liệt tất cả những phản kháng của dân chúng bản xứ, đồng thời, ra sức thực hiện một cách hệ thống chính sách mị dân, nhằm lôi kéo sự hợp tác của tầng lớp "thượng lưu" (élite) bản địa mới hình thành.

Kết quả là trong thời gian khoảng 2 thập kỷ sau Thế chiến I, cơ cấu kinh tế - xã hội các xứ thuộc địa ở khu vực Đông Nam Á đã trải qua những biến chuyển hết sức sâu sắc, trong đó, đặc biệt là sự ra đời và phát triển của 3 giai cấp mới: giai cấp tư sản dân tộc, giai cấp tiểu tư sản và giai cấp công nhân. Chính những biến chuyển kinh tế - xã hội sâu sắc này sẽ tạo ra cơ sở xã hội cho những bước phát triển nhảy vọt của phong trào chống thực dân dưới những hình thức mới, do những lực lượng xã hội mới lãnh đạo, và với cả những định hướng chính trị mới.

Biểu đồ minh họa
Biểu đồ minh họa về tình hình các nước Đông Nam Á sau Thế chiến I.

Ngay từ sau Cách mạng Nga 1905, châu Á đã bắt đầu thức tỉnh với sự hình thành và phát triển ngày càng mạnh mẽ của phong trào dân tộc. Đặc biệt, dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười, phong trào dân tộc chủ nghĩa ngày càng có khuynh hướng đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. Tháng 5 năm 1920, Đảng Cộng sản Indonesia và Đảng Cộng sản Ấn Độ được thành lập, là những đảng cộng sản đầu tiên ở châu Á. Tiếp đó, tháng 7 năm 1921, Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời, nhanh chóng giành được sự ủng hộ của hàng chục triệu nông dân, công nhân và trí thức. Trong các năm tiếp theo, ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga và của Quốc tế Cộng sản ngày càng tăng cường trong phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á[1].

Bên cạnh Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào tháng 6 năm 1925, nhiều tổ chức cách mạng có khuynh hướng cộng sản cũng xuất hiện ở một số nước Đông Nam Á khác như Philippines, Miến Điện (Myanmar), Malaysia, chuẩn bị cho sự ra đời chính đảng vô sản ở một loạt nước thuộc khu vực này trong nửa đầu những năm 30 của thế kỷ trước[2].

Sự truyền bá và lan tỏa mạnh mẽ chủ nghĩa Mác-Lênin và ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đã tạo ra một bước phát triển nhảy vọt của phong trào yêu nước và cách mạng ở các nước Đông Á và Đông Nam Á. Tháng 12 năm 1926, Đảng Cộng sản Indonesia đã phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang quyết liệt ở Baten, và năm sau lại vùng lên một lần nữa ở Tây Sumatra. Cuộc khởi nghĩa bị thất bại, nhưng đã làm rung chuyển toàn bộ xứ sở dưới ách thống trị của thực dân Hà Lan, mở đường cho sự ra đời của đảng Dân tộc Indonesia vào năm 1927 do Sukarno đứng đầu.

V.I. Lê-nin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong Lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7/11/1918. Ảnh: Tư liệu TTXVN
V.I. Lê-nin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong Lễ kỷ niệm 1 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7/11/1918. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ở Trung Quốc, phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo cũng phát triển mạnh mẽ ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào dân tộc chủ nghĩa do Trung Hoa Quốc dân đảng lãnh đạo cũng phát triển mạnh mẽ dưới ngọn cờ “chủ nghĩa Tam dân mới.[3] Liên minh Quốc - Cộng lần thứ nhất hình thành, nhận được sự ủng hộ của Liên Xô về nhiều phương diện. Lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh, nhiều đoàn quân cách mạng đã hình thành đông tới hàng vạn người, tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các tập đoàn quân phiệt, tạo đà cho phong trào khởi nghĩa của nông dân nhiều tỉnh bùng nổ ở Hoa Bắc và Hoa Nam.

Tuy nhiên, sau khi Tôn Trung Sơn qua đời (1925), Tưởng Giới Thạch, một phần tử quân phiệt có xu hướng thiên hữu, trở thành thủ lĩnh của Trung Hoa Quốc dân đảng. Liên minh Quốc - Cộng tại Trung Quốc ngày càng suy yếu, và tháng 7 năm 1927, Tưởng Giới Thạch phát động cuộc phản biến, tấn công tàn sát nhiều cơ sở của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Thượng Hải, Thiên Tân và nhiều tỉnh khác. Trước tình hình đó, cán bộ cộng sản đã lãnh đạo quần chúng công - nông khởi nghĩa ở nhiều nơi, nhất là ở Hồ Bắc, Hà Nam, Vũ Hán, Quảng Châu..., lập nên chính quyền cách mạng theo mô hình Xô viết.

Trong sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng ở các nước Đông Á và Đông Nam Á có phần đóng góp to lớn của Quốc tế Cộng sản. Ngay sau khi thành lập, Quốc tế Cộng sản đã thể hiện sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ hơn tới phong trào dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Trường Đại học phương Đông mang tên Lênin và các trường huấn luyện khác của Quốc tế Cộng sản được lập ra, hàng năm đào tạo hàng trăm cán bộ cho phong trào cách mạng các nước Đông Á và Đông Nam Á.

naq.jpg
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (người đầu tiên bên trái hàng ngồi) chụp ảnh với một số đại biểu tham dự Đại hội lần thứ V, Quốc tế cộng sản của tại Matxcơva, năm 1924.

Trong khoảng thời gian cuối những năm 1927-1930, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng ở châu Á, sự tan vỡ của liên minh Quốc - Cộng ở Trung Quốc, Đại hội lần thứ 6 của Quốc tế Cộng sản diễn ra ở Matxcơva vào mùa Hè năm 1928 là một sự kiện quan trọng.[4] Dựa vào những dấu hiệu bất ổn và suy thoái của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thế giới, Đại hội đã dự đoán trước một cao trào cách mạng mạnh mẽ có thể và chắc chắn sẽ bùng nổ trên toàn thế giới, nhất là ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Vì vậy, Quốc tế Cộng sản chỉ đạo các đảng cộng sản ở các thuộc địa và nước phụ thuộc chấm dứt ngay mọi liên hệ, hợp tác với các đảng phái quốc gia, tư sản, đồng thời, phải tăng cường "bôn-sơ-vích hóa”, tức là phải tăng cường tính chất công nhân của đảng, tẩy trừ triệt để các ảnh hưởng của tư tưởng tư sản và tiểu tư sản trong đảng, thông qua đó, tăng cường tính cách mạng, tính tiên phong của đảng, sẵn sàng lãnh đạo cao trào cách mạng của quần chúng[5]. Từ cuối năm 1927 tới khoảng cuối năm 1928, Quốc tế Cộng sản còn tổ chức những nhóm chuyên gia cao cấp khẩn trương nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm các cuộc cách mạng và khởi nghĩa trước đó, đồng thời, mở nhiều khoá huấn luyện cán bộ chỉ huy quân sự cho các đảng cộng sản ở nhiều nước.[6]

Đồng thời, Quốc tế Cộng sản còn thường xuyên chỉ đạo các đảng cộng sản ở các nước châu Âu, nhất là các nước có thuộc địa ở phương Đông, tăng cường kết hợp cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân các nước chính quốc, phối hợp với phong trào đấu tranh chống thực dân ở các nước thuộc địa.

Tại Matxcơva, Quốc tế Cộng sản lập ra nhiều ủy ban khác nhau có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ về mọi mặt, kể cả việc góp ý vào việc xây dựng đường lối chiến lược và sách lược, tổ chức và tranh đấu của các đảng cộng sản ở các thuộc địa. Thông qua những phương thức như trên, Quốc tế Cộng sản thực sự có ảnh hưởng và đóng góp to lớn vào sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở các xứ thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á.

Chính vào thời điểm Quốc tế Cộng sản ra sức kêu gọi và chỉ đạo các đảng cộng sản chuẩn bị cho cao trào cách mạng được dự đoán đang sắp bùng nổ thì cuối tháng 10 năm 1929, cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ tại Mỹ, nhanh chóng làm sụp đổ toàn bộ hệ thống tài chính - ngân hàng - tiền tệ của thế giới tư bản. Tín hiệu này càng làm cho Quốc tế Cộng sản củng cố thêm phán đoán của mình về sự bùng nổ cao trào cách mạng thế giới. Các đảng cộng sản càng nhận được sự chỉ đạo và cổ vũ mạnh mẽ hơn từ Mátxcơva về việc chuẩn bị lãnh đạo và phát động cao trào cách mạng mới[7].

Bước phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, đặc biệt là phong trào khởi nghĩa, lập Xô viết ở Trung Quốc; chiến lược cách mạng mới của Quốc tế Cộng sản và sự bùng nổ của cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới chính là những yếu tố quốc tế tác động mạnh mẽ tới sự bùng nổ của cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh ở Việt Nam.


[1] Tháng 7 năm 1922 Đảng Cộng sản Nhật Bản cũng được thành lập. Xem: Embree, Ainslie T. (ed.): Encyclopedia of Asian History, T.1, Charles Scribner's Sons, New York 1998, tr.327-333.

[2] Như trên, T.1, tr.336-337.

[3]Chủ nghĩa Tam dân mới” do Tôn Trung Sơn nêu ra sau khi tiếp nhận ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, nội dung được thể hiện qua 3 phương châm: “Liên Nga, Liên Cộng, Phù trợ công nông”.

[4] Có 3 người Việt Nam đã tham dự Đại hội 6 của Quốc tế Cộng sản, trong đó có Nguyễn Văn Tạo - Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Xem: Duiker, William J.: Ho Chi Minh - a Life, Hyperion, New York 2000, tr.157.

[5] Như trên, tr.156-157. Xem thêm: Trần Văn Giàu: Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Q.1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 2003, tr.521-522.

[6] Một trong những tài liệu tổng kết quan trọng nhất của Quốc tế Cộng sản và được sử dụng trong các khóa huấn luyện cán bộ chỉ huy quân sự của các đảng cộng sản là cuốn sách Der bewaffnete Aufstand (Khởi nghĩa vũ trang) được xuất bản năm 1928 bằng tiếng Đức, do A. Neuberg chủ biên. Nguyễn Ái Quốc biên soạn chương thứ 12 và cùng biên soạn 2 chương khác của cuốn sách này. (Europaeische Verlagsanstalt, Frankfurt am Main 1971.)

[7] Về ảnh hưởng của đường lối cách mạng cực tả của Quốc tế Cộng sản trong các tài liệu tuyên truyền của Đông Dương Cộng sản Đảng trong thời gian cuối năm 1929, đầu năm 1930, xin xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, T.1. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, tr.571-582.

PGS.TS. Nguyễn Công Khanh