Phong trào cách mạng 1930-1931 bùng nổ, Nghệ Tĩnh trở thành tâm điểm
Từ khoảng giữa năm 1929 trở đi không khí đấu tranh của các tầng lớp dân chúng Việt Nam ngày càng trở nên sôi sục và các cuộc đấu tranh chống nhà cầm quyền thực dân Pháp diễn ra khắp 3 kỳ, bùng nổ thành cao trào cách mạng.
Theo thống kê của Nha Tổng thanh tra lao động Đông Dương, từ tháng 4 năm 1929 đến tháng 4 năm 1930 có tổng số 43 cuộc bãi công của công nhân, trong đó, riêng Bắc Kỳ đã nổ ra tới 22 cuộc. Cùng thời gian đó, Việt Nam Quốc dân đảng cũng ráo riết chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang. Chính những cuộc khủng bố, vây bắt và xử án của nhà cầm quyền thực dân đối với các đảng viên của Đảng này sau vụ ám sát Bazin cũng góp phần làm cho bầu không khí chính trị thêm căng thẳng, sục sôi ở cả 3 Kỳ.
Bước sang năm 1930, cuộc bãi công của khoảng 300 công nhân Nhà máy xi măng Portland ở Hải Phòng nổ ra vào ngày 8 tháng Giêng đã mở đầu cho một làn sóng đấu tranh mới, mạnh mẽ. Sau khi yêu sách của công nhân về tăng lương, giảm giờ làm và chống bọn cai đánh đập công nhân bị giới chủ bác bỏ, ngày 29 tháng 1 năm 1930, Công hội Đỏ đã tổ chức một cuộc tổng đình công của công nhân nhiều hãng và nhà máy ở Hải Phòng.
Ngay sau đó, ngày 3 tháng 2 năm 1930, cuộc bãi công lần thứ 2 của hơn 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng đã nổ ra làm chấn động toàn cõi Đông Dương. Đây là lần đầu tiên một cuộc bãi công của công nhân do chi bộ của Đông Dương Cộng sản đảng lãnh đạo đã phát triển thành một cuộc nổi dậy chiếm đồn điền và sau đó đã biết rút lui có tổ chức và đối phó khôn ngoan với lực lượng binh lính được cử đến đàn áp. Đó là một bằng chứng rõ ràng của sự trưởng thành vượt bậc về ý thức chính trị của giai cấp công nhân Việt Nam.
Sau cuộc nổi dậy đấu tranh của công nhân đồn điền Phú Riềng, công nhân ở một loạt các hãng và nhà máy ở Sài Gòn cũng đình công. Giữa lúc đó thì nổ ra cuộc khởi nghĩa vũ trang của Việt Nam Quốc dân đảng ở Yên Bái (10/02/1930), và sau đó là ở Kiến An và Thái Bình (16/02/1930). Tiếp theo, ngày 25 tháng 3 năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Công hội đỏ, hơn 4.000 công nhân Nhà máy Dệt Nam Định đã bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm. Sau 21 ngày tranh đấu liên tục, cuối cùng giới chủ buộc phải nhượng bộ. Thắng lợi của cuộc bãi công này làm dấy lên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của công nhân cả nước với các cuộc bãi công và biểu tình của công nhân ở Hải Phòng (12/04/1930), Bến Thủy (21/04/1930), Mông Dương (Hải Ninh, 22/04/1930) và Sài Gòn (27/04/1930).
Trong lúc bầu không khí chính trị đang ngày một trở nên căng thẳng, sục sôi với các cuộc đấu tranh của công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động thì Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất 3 tổ chức cộng sản đang hoạt động tại Việt Nam. Như vậy, phong trào đấu tranh cách mạng, chống thực dân Pháp và tay sai đã vượt qua được tình trạng phân liệt, chia rẽ; bộ tham mưu chiến đấu của cách mạng Việt Nam đã được thành lập với đường lối chiến lược đúng đắn, khoa học.
Nhằm tiếp tục đưa phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân lên một bước cao hơn, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định phát động một đợt đấu tranh trên phạm vi toàn quốc. Sáng 1/5/1930, cờ đỏ búa liềm xuất hiện tại nhiều thành phố, thị trấn ở Bắc kỳ và Trung kỳ. Trên một số đường phố Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Vinh, Sài Gòn và nhiều nơi khác đều xuất hiện truyền đơn của Đảng kêu gọi đấu tranh chống đế quốc, thực dân.
Cuộc đấu tranh mạnh mẽ nhất do Đảng lãnh đạo ở Bắc kỳ là cuộc biểu tình của hơn 1.000 nông dân huyện Duyên Hà và Tiên Hưng (Thái Bình) nổ ra đúng vào ngày 1/5/1930 đòi bỏ thuế thân, giảm thuế điền. Đây là cuộc biểu tình lớn đầu tiên của nông dân Bắc kỳ dưới thời Pháp thuộc. Ngay lập tức, thực dân Pháp đã cho quân đội thường trực và cảnh sát đến đàn áp dã man để giải tán cuộc biểu tình. 1 người bị giết chết tại chỗ, 117 người khác bị bắt giam. Cùng với phong trào biểu tình của nông dân, phong trào bãi công của công nhân tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhất là khu mỏ than vùng Đông Bắc.
Cùng ngày hôm đó, tại Nam kỳ, trong khi công nhân một số nhà máy ở Sài Gòn đình công, nhiều cuộc biểu tình của hàng nghìn nông dân đã nổ ra tại Đức Hòa (Chợ Lớn), Cao Lãnh (Sa Đéc) và Chợ Mới (Long Xuyên), đòi hoãn, giảm sưu thuế. Đây cũng là những cuộc biểu tình lớn đầu tiên của nông dân ở Nam kỳ do Đảng tổ chức và lãnh đạo, thu hút được đông đảo nông dân nghèo tham gia, kể cả hàng trăm tín đồ Cao Đài.
Trung tâm điểm của phong trào đấu tranh kể từ ngày 1/5/1930 là tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là 2 tỉnh giàu truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng ở Bắc Trung kỳ. Ngay từ cuối thế kỷ XIX Nghệ An và Hà Tĩnh đã là trung tâm khởi nghĩa lớn nhất và kiên cường nhất của phong trào Cần Vương. Đầu thế kỷ XX, đây cũng là một trong những địa phương có phong trào mạnh mẽ hưởng ứng các cuộc vận động cứu nước do Phan Bội Châu và các nhà Nho cấp tiến khác khởi xướng. Khi phong trào yêu nước chuyển nhanh sang các xu thế mới, hiện đại thì chính Nghệ An và Hà Tĩnh lại là vùng đất sản sinh ra các yếu nhân quan trọng nhất của các tổ chức cách mạng Thanh Niên và Tân Việt.
Dưới thời Pháp thuộc, Vinh - Bến Thủy đã trở thành thành phố - trung tâm công nghiệp quan trọng bậc nhất xứ Trung kỳ, là nơi tập trung số công nhân lên tới hơn 6.000 người, làm việc trong các Nhà máy Cưa, Nhà máy Diêm, Nhà máy Xe lửa Trường Thi... Vùng nông thôn Nghệ Tĩnh, như đã trình bày, từ lâu đã luôn luôn trở thành địa bàn đấu tranh gay gắt giữa nông dân và địa chủ cường hào, biểu hiện dưới hình thức cuộc đấu tranh giữ phe hộ và phe hào.
Do những điều kiện trên mà ngay từ khá sớm Nghệ Tĩnh đã được các tổ chức yêu nước và cách mạng như Thanh Niên và Tân Việt đặc biệt quan tâm. Không những chỉ các khu lao động, các nhà máy ở Vinh và Bến Thủy mà cả vùng nông thôn Nghệ Tĩnh đã sớm trở thành địa chỉ của phong trào vô sản hóa của cả Thanh Niên và Tân Việt. Ngay sau khi thành lập, tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử 2 cán bộ lãnh đạo chủ chốt là Trần Văn Cung và Nguyễn Phong Sắc về Nghệ An để xây dựng cơ sở. Chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, nhiều chi bộ của Đảng đã hình thành trong công nhân Bến Thủy và Vinh.
Tới đầu năm 1930, cơ sở của Đảng cũng được thành lập ở nhiều huyện thuộc vùng nông thôn như Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Nghi Lộc, Anh Sơn... Các tổ chức Nông hội đỏ, Công hội đỏ cũng phát triển khá mạnh. Một cơ sở Xích sinh hội cũng hình thành trong học sinh Trường Quốc học ở Vinh. Cùng thời gian đó, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cũng được thành lập và chọn Nghệ Tĩnh làm địa bàn xây dựng và phát triển tổ chức. Cả 2 tổ chức cùng ra sức tập hợp và vận động quần chúng. Nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt của công nhân ở Vinh - Bến Thủy và nông dân các huyện lân cận đã nổ ra vào cuối năm 1929, đầu năm 1930. Tiêu biểu nhất là cuộc nổi dậy của nông dân Yên Dũng vào giữa năm 1929 đòi bồi thường 300 mẫu ruộng bị thực dân Pháp chiếm đoạt.
Hòng ngăn chặn làn sóng đấu tranh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cách mạng, ngày 29/7/1929, Toà án Nam Triều (triều đình Huế) đã mở phiên đại hình ở Vinh xét xử 45 "phần tử phản nghịch", kết án tử hình vắng mặt 7 người, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Hồ Tùng Mậu, Trần Văn Cung và Nguyễn Tiềm. Đầu tháng 3/1930, nhà cầm quyền thực dân đã xử chém một số cán bộ Nông hội đỏ ở Vinh...
Tuy nhiên, những biện pháp khủng bố của thực dân Pháp và tay sai không những không ngăn chặn được bước phát triển mới của cách mạng, mà ngược lại còn làm cho tinh thần đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh càng hăng hái, quyết liệt hơn đi tới cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh "long trời lở đất".
Cũng trong thời gian diễn ra cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đã có một số cuộc biểu tình lớn diễn ra ở Nam Kỳ, phối hợp nhịp nhàng với cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh. Ngày 4 tháng 6 năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Châu Văn Liêm và một số cán bộ Đảng cơ sở, hơn 1.500 nông dân nghèo ở huyện Đức Hoà (Gia Định) đã biểu tình đòi hoãn, giảm sưu thuế. Cùng ngày, ở Gia Định còn nổ ra ba cuộc biểu tình khác của hàng nghìn nông dân nghèo. Hoảng sợ trước sức đấu tranh của quần chúng, chính quyền thực dân đã ra lệnh sử dụng vũ lực tối đa để giải tán các đoàn biểu tình. Châu Văn Liêm và một số quần chúng bị bắn chết, nhiều người khác bị thương.
Phong trào đấu tranh của quần chúng không vì thế mà giảm sút, ngược lại lan rộng ra các huyện khác khắp ba tỉnh Gia Định, Chợ Lớn và Tân An. Sau đó, từ đầu tháng 7 năm 1930 tiếp tục bùng nổ một số cuộc biểu tình của nông dân ở Nha Trang, Ninh Thuận ([1])...
Phong trào đấu tranh sôi sục của quần chúng công nông ở Nghệ Tĩnh và một số địa phương khác đã làm rung động toàn bộ xứ thuộc địa Đông Dương và làm chấn động dư luận ở Pháp, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần tranh đấu của nhân dân khắp ba Kỳ. Trong tình hình đó, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế đỏ (ngày Quốc tế chống chiến tranh thế giới 1/8), Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định phát động một đợt tuyên truyền, đấu tranh mạnh mẽ trong toàn quốc với những khẩu hiệu: "Đánh đổ đế quốc Pháp, địa chủ và quan làng!"; "Xứ Đông Dương hoàn toàn độc lập!"; "Lập chánh phủ công nông!"; "Tịch ký hết thảy ruộng đất của bọn địa chủ bổn xứ và ngoại quốc đem phát cho dân cày!"; "Tịch ký hết thảy các sản nghiệp lớn của bọn tư bổn ngoại quốc giao lại cho chính phủ công nông!" ...[2]
Từ trước ngày 1 tháng 8 năm 1930, truyền đơn hô hào tranh đấu của Đảng đã xuất hiện ở nhiều tỉnh và thành phố như Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Vinh, Huế, Sài Gòn, Chợ Lớn... Tới ngày 1 tháng 8, nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra ở nhiều nơi thuộc xứ Nam Kỳ như Hóc Môn, Bà Quẹo (Gia Định), Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên... Ở Bắc Kỳ, cờ đỏ búa liềm cũng xuất hiện ở Hà Nội và Nam Định, tuy không nổ ra cuộc đấu tranh lớn nào của quần chúng.
----------