Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Đặng Xuân Quý – người cán bộ lão thành cách mạng xã Lam Sơn, huyện Đô Lương

Đặng Huyền Trang - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 29/10/2024 12:43

Từ những năm 1927, đồng chí Đặng Xuân Quý được học chữ và tham dự các buổi giảng bài, diễn thuyết của các đồng chí Hội viên Tân Việt. Nhờ đó, tinh thần yêu nước, căm thù giặc, khát khao được cống hiến tuổi trẻ cho quê hương càng được củng cố trong tâm trí người thanh niên trẻ tuổi.

Xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Trong suốt chiều dài đấu tranh xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhân dân Lam Sơn đã thể hiện truyền thống đó bằng ý thức và hành động cụ thể, cống hiến sức người, sức của, góp phần tô thắm thêm trang sử vàng vẻ vang của dân tộc.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Lam Sơn đã tích cực tham gia và ủng hộ cuộc đấu tranh của nghĩa quân Nguyễn Nguyên Thành (Quan Hường) ở Giang Sơn trong phong trào Cần Vương chống Pháp. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Lam Sơn đã quyết chí một lòng đoàn kết tiến lên dưới lá cờ đỏ búa liềm vẻ vang của Đảng. Trong số 47 cán bộ lão thành cách mạng xã Lam Sơn, đồng chí Đặng Xuân Quý là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào cách mạng địa phương giai đoạn tiền khởi nghĩa.

Đặng Xuân Ký
Đồng chí Đặng Xuân Quý (1910-1974).

Đồng chí Đặng Xuân Quý (1910-1974) quê ở làng Nhân Trung, xã Bạch Ngọc, tổng Đô Lương, phủ Anh Sơn (nay là xóm 1, xã Lam Sơn, huyện Đô Lương), tỉnh Nghệ An. Cha mẹ của đồng chí là ông Đặng Xuân Lới và bà Phạm Thị Huệ, là những người nông dân hiền lành, chất phác. Sinh ra và lớn lên ở một xã miền núi, thời tiết, địa thế đồi núi dốc cộng với sự bóc lột của chính quyền tay sai, đời sống nhân dân Lam Sơn nói chung và của gia đình đồng chí Đặng Xuân Quý nói riêng vô cùng khổ cực. Nhưng với sự thông minh và hiếu học của mình, đồng chí Đặng Xuân Quý sớm được cha mẹ chắt chiu cho theo học chữ ở các thầy đồ nho trong làng.

Cuối năm 1927, tổ chức Phục Việt được hình thành ở Bạch Ngọc đã tiến hành các hoạt động dạy chữ quốc ngữ, tuyên truyền văn thơ yêu nước đến các tầng lớp nhân dân. Trong thời gian này, đồng chí Đặng Xuân Quý đã được học chữ và tham dự các buổi giảng bài, diễn thuyết của các đồng chí. Nhờ đó, tinh thần yêu nước, căm thù giặc, khát khao được cống hiến tuổi trẻ cho quê hương càng được củng cố trong tâm trí người thanh niên trẻ tuổi Đặng Xuân Quý.

Sau khi Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Nghệ An được thành lập (tháng 3/1930), cuối tháng 3/1930, Phủ ủy Anh Sơn cũng được ra đời. Tháng 4/1930, Phủ ủy cử đồng chí Hoàng Trần Thâm (quê Anh Sơn) về xã Bạch Ngọc để xây dựng phong trào, phát triển lực lượng cách mạng. Tháng 6/1930, Chi bộ Đảng ở Bạch Ngọc được thành lập lấy tên là chi bộ Bạch Truật gồm có 5 đảng viên do đồng chí Cao Tiến Tuệ làm Bí thư.

Ngày 7/9/1930, thực hiện chỉ thị của cấp trên, chi bộ Bạch Truật đã lãnh đạo quần chúng nhân dân Bạch Ngọc tổ chức các hoạt động chuẩn bị cho cuộc biểu tình lớn. Đồng chí Đặng Xuân Quý là một trong những thành viên tích cực tham gia công tác treo cờ Đảng, rải truyền đơn trong dịp này.

Sáng ngày 8/9/1930, trong không khí náo nức của tiếng trống mõ gõ liên hồi, đồng chí Đặng Xuân Quý và đoàn biểu tình xã Bạch Ngọc dưới sự lãnh đạo của chi bộ đã đồng loạt kéo nhau đến địa điểm tập trung. Sau khi ổn định hàng ngũ, nghe các đồng chí đảng viên diễn thuyết, đoàn biểu tình xã Bạch Ngọc đã bắt đầu tiến bước tập trung cùng các đoàn biểu tình trong tổng, tiến về phủ đường, vừa đi vừa hô to các khẩu hiệu đấu tranh.

Trong thời điểm này, đoàn biểu tình của 2 tổng Thuần Trung, Bạch Hà khi đến truông Cồn Đọi mặc dù bị địch xả súng nhưng vẫn hùng dũng tiến bước. Trước sức tiến công của quần chúng cách mạng, địch đã cho máy bay vũ trang từ Vinh lên ném bom vào đoàn biểu tình khiến 7 người chết. Khi máy bay bay vòng lên, thấy đoàn người của Bạch Ngọc cũng đã tiến đến cầu Hói Quan. Để ngăn chặn đoàn biểu tình xã Bạch Ngọc, chúng liền ném bom làm hỏng cầu, khiến 2 người chết và 1 người bị thương. Trước tình thế đó, đồng chí Đặng Xuân Quý và nhân dân đã được chi bộ ra lệnh tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng.

Cuộc biểu tình ngày 8/9/1930 đã đánh dấu bước chuyển biến về chất của phong trào cách mạng trên quy mô toàn Phủ. Ngay sau đó, tại làng Nhân Trung, xã Bạch Ngọc, các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, Tự vệ đỏ, Phụ nữ Giải phóng được thành lập và phát triển nhanh chóng. Đồng chí Đặng Xuân Quý được kết nạp vào tổ chức Nông hội đỏ.

Trong vai trò hội viên Nông hội, đồng chí Đặng Xuân Quý hăng hái tham gia công tác tuyên truyền, nâng cao giác ngộ ý thức cách mạng cho quần chúng. Đồng chí cũng là thành viên tích cực trong việc vận động nhân dân tham gia cuộc đấu tranh giữa phe hộ và phe hào, nhằm chống nạn phụ thu lạm bổ tại địa phương; vận động nhân dân bài trừ các hủ tục, tham gia các lớp học chữ quốc ngữ…

Không chỉ trong công tác vận động, đồng chí Đặng Xuân Quý còn tích cực tham gia vào các cuộc biểu tình như: cuộc vay thóc nhà giàu để cứu đói cho nhân dân vào cuối năm 1930; cuộc biểu tình diễn thuyết tại cây đa ông Thinh vào tháng 4/1931; cuộc biểu tình và treo cờ Đảng vào ngày 14/5/1931…

Trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân, để dập tắt phong trào cách mạng ở Anh Sơn nói chung, thực dân Pháp, chính quyền tay sai đã tổ chức nhiều đợt càn quét, bắt bớ các cán bộ, đảng viên trong toàn phủ. Bạch Ngọc là địa phương có phong trào mạnh, kẻ địch đã lập nhiều đồn bốt đóng ở Tập Phúc, đền Quả Sơn, đình Phúc Hậu, đình Nhân Trung. Chỉ một thời gian ngắn, các tổ chức đảng ở Bạch Ngọc bị phá vỡ, nhiều đảng viên và quần chúng bị địch bắt giam hoặc đánh chết trong thời gian này. Đồng chí Đặng Xuân Quý và một số đảng viên còn lại đành rút lui vào hoạt động bí mật, chờ thời cơ cách mạng mới.

Giữa năm 1936, chi bộ Bạch Ngọc được phục hồi do đồng chí Đặng Sỹ Đối làm Bí thư. Đồng chí Đặng Xuân Quý vinh dự được kết nạp vào chi bộ trong thời gian này. Trong cao trào Dân chủ 1936-1939, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Đặng Xuân Quý và các đồng chí đảng viên, nhân dân Bạch Ngọc tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền vạch tội ác của thực dân Pháp và chính quyền tay sai. Các đồng chí đã tổ chức các phường hội quần chúng hợp pháp như hội Ái hữu, phường Hiếu, phường Trò… để giúp đỡ tương trợ nhau trong cuộc sống, đồng thời khích lệ lòng yêu nước trong nhân dân.

Ngày 13/1/1941, cuộc khởi nghĩa của Đội Cung ở đồn Rạng diễn ra và được đồng chí Đặng Xuân Quý cũng như toàn thể nhân dân Đô Lương ủng hộ. Ngay sau đó, thực dân Pháp và tay sai đã tăng cường chính sách đàn áp, cấm tụ tập và lùng bắt các cán bộ Đảng. Đồng chí Đặng Xuân Quý bị địch bắt và giam tại nhà lao phủ Anh Sơn. Mặc dù bị địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn, mua chuộc nhưng đồng chí không khai nhận nội dung gì. Sau 1 tháng tra khảo, chúng buộc phải trả tự do cho đồng chí.

Ra tù, đồng chí Đặng Xuân Quý tiếp tục hoạt động cách mạng tại địa phương. Sáng sớm ngày 23/8/1945, đồng chí Đặng Xuân Quý cùng nhân dân Bạch Ngọc tập trung tại đình Phúc Hậu. Sau khi chỉnh đốn hàng ngũ, đoàn biểu tình, người cầm cờ, người giương biểu ngữ, người mang gậy gộc hùng dũng chia làm 3 mũi tiến bước về phủ đường. Trước sức mạnh của quần chúng nhân dân, tri phủ và nha lại đã cúi mặt đầu hàng mang ấn triện ra nộp cho Ủy ban Khởi nghĩa.

Sau khi giành chính quyền ở phủ, đoàn biểu tình Bạch Ngọc duy trì hàng ngũ chỉnh tề, trở về tổ chức cuộc mít tinh diễn thuyết khiến hào lý địa phương lo sợ phải đầu hàng. Ủy ban Hành chính lâm thời Bạch Ngọc được thành lập và ra mắt nhân dân. Với những đóng góp của mình cho phong trào cách mạng địa phương, đồng chí Đặng Xuân Quý được nhân dân tín nhiệm bầu làm ủy viên của Ủy ban lâm thời.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Đặng Xuân Quý tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cứu nước và hoạt động công tác xã hội tại quê nhà. Đặc biệt trong thời gian này, gia đình đồng chí Đặng Xuân Quý còn là cơ sở nuôi giấu cán bộ Đảng khi các đồng chí về công tác tại địa phương.

Với những cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, đồng chí Đặng Xuân Quý đã được công nhận là Cán bộ lão thành cách mạng. Năm 1998, gia đình đồng chí được Thủ tướng Phan Văn Khải thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng bằng Có công với nước. Cuộc đời hoạt động của đồng chí Đặng Xuân Quý là tấm gương sáng về sự nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, gian khổ để phụng sự cho công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước./.

-----

Tài liệu tham khảo:

Lịch sử Đảng bộ huyện Đô Lương 1930 - 1963, NXB Nghệ An 2005;

Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Lam Sơn (1930-2020), NXB Dân Trí 2020;

Tư liệu do gia đình đồng chí Đặng Xuân Quý cung cấp.

Đặng Huyền Trang - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh