Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đặc điểm, ý nghĩa lịch sử của cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh

BNA 29/10/2024 15:02

Cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh đã đem lại ý nghĩa, bài học to lớn, vô cùng quan trọng cho sự lãnh đạo của Đảng và của cách mạng Việt Nam sau đó.

ynghialscaotraoxvnt-cover.png

BNA • 29/10/2024 15:02

Cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh đã đem lại ý nghĩa, bài học to lớn, vô cùng quan trọng cho sự lãnh đạo của Đảng và của cách mạng Việt Nam sau đó.

Từ đầu năm 1931, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, trên phạm vi cả nước cũng như ở vùng Nghệ Tĩnh, bắt đầu có xu hướng giảm sút. Số cuộc đấu tranh tuy vẫn còn nhiều, nhưng càng ngày càng có ít những cuộc đấu tranh lớn, lôi cuốn được nhiều người tham gia. Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 1931, số cuộc đấu tranh càng ngày càng giảm dần và đến khoảng cuối mùa thu năm 1931 thì phong trào ở Nghệ Tĩnh cũng như trên toàn quốc lắng xuống hoàn toàn... Tuy nhiên, cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh đã đem lại ý nghĩa, bài học vô cùng to lớn cho cách mạng Việt Nam.

ĐẶC ĐIỂM

Đặc điểm thứ nhất của cao trào cách mạng 1930-1931 là: đây là một phong trào có định hướng chính trị rõ ràng. Hàng trăm nghìn quần chúng ở khắp ba Kỳ đã biểu tình rầm rộ dưới lá cờ đỏ búa liềm của Đảng. Chính thực dân Pháp và tay sai cũng gọi đó là "loạn cộng sản". Đây là bằng chứng rõ nhất cho thấy cao trào cách mạng 1930-1931, tuy diễn ra ở từng địa phương có khác nhau về nhiều phương diện, nhưng dứt khoát vẫn không phải là một phong trào quần chúng tự phát, mà là phong trào có định hướng chính trị thống nhất, có tổ chức và lãnh đạo bởi những người cộng sản Việt Nam.

Đặc điểm nổi bật thứ hai của cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh là: phong trào có sự tham gia rất đông đảo và tích cực của quần chúng, nhất là nông dân và công nhân. Khác với cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quốc dân Đảng tổ chức và lãnh đạo, cao trào cách mạng 1930-1931 do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo đã diễn ra chủ yếu dưới hình thức các cuộc biểu tình và mittinh quần chúng.

photo-1-15529177987151072136844.jpg
Hình minh họa Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chính những cuộc biểu tình của hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn nông dân và công nhân đã khởi đầu cho làn sóng đấu tranh toàn quốc từ đầu năm 1930, đưa phong trào đấu tranh tiến tới cao trào và làm tan rã hệ thống chính quyền thực dân - phong kiến ở địa phương, tạo điều kiện cho sự ra đời của các Xô viết. Phương thức đấu tranh này sẽ tiếp tục được Đảng phát huy trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo và sẽ trở thành phương thức khởi nghĩa, giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc trong cuộc Cách mạng tháng Tám 1945.

Đặc điểm thứ ba là: tuy đỉnh cao ở Nghệ Tĩnh, nhưng cao trào cách mạng 1930-1931 có tính chất toàn quốc. Trên thực tế cao trào cách mạng 1930-1931 là sự phát triển tiếp nối, liên tục của phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân do các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam phát động, tổ chức và lãnh đạo, đã bùng nổ rải rác ở hầu khắp các trung tâm công nghiệp ở cả ba Kỳ.

Sau khi các tổ chức cộng sản thống nhất lại thành một Đảng duy nhất, làn sóng đấu tranh nhân dịp ngày Quốc tế lao động (1/5) năm 1930 do Đảng phát động đã tạo ra một "cú hích lịch sử”, làm bùng nổ phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng trên toàn quốc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, phong trào chỉ đạt tới cao trào ở Nghệ Tĩnh với sự ra đời của chính quyền Xô viết, tồn tại và hoạt động ở vùng nông thôn Nghệ Tĩnh trong một thời gian khoảng hơn nửa năm.

Nguồn: Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh
Nguồn: Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Còn phong trào đấu tranh ở các địa phương khác không đạt tới đỉnh cao, nhưng trong suốt thời gian từ tháng 9 năm 1930 tới giữa năm 1931 vẫn có nhiều cuộc đấu tranh nổ ra ở Nam Trung Kỳ, Nam Kỳ và Bắc Kỳ, nhất là khi Đảng Cộng sản Đông Dương phát lời kêu gọi đấu tranh bảo vệ "Nghệ Tĩnh đỏ". Việc phong trào đấu tranh ở các địa phương khác không phát triển thành cao trào, ngoài một số lý do khách quan, chủ yếu là do sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, sau khi đã rút kinh nghiệm về việc manh động, bạo động non ở Nghệ Tĩnh.

Như vậy, có thể thấy cho dù phát triển không đều ở các địa phương thì cao trào cách mạng 1930-1931 vẫn là một phong trào có quy mô và tính chất toàn quốc, do một tổ chức chính trị lãnh đạo, khác hẳn những cuộc nổi dậy tự phát, chỉ có tính chất địa phương của quần chúng.

Cuộc biểu tình ngồi của công nhân cao su đồn điền Phú Riềng. Nguồn Ảnh tư liệu.
Cuộc biểu tình ngồi của công nhân cao su đồn điền Phú Riềng ở Nam Kỳ. Nguồn Ảnh tư liệu.

Đặc điểm thứ tư: đây là bước đầu có sự phối hợp nhịp nhàng giữa phong trào công nhân và phong trào nông dân, giữa cuộc đấu tranh ở nông thôn với cuộc đấu tranh ở thành thị, là sự hình thành trên thực tế liên minh cách mạng giữa công nhân, nông dân và binh lính. Đúng như một tài liệu thời đó của Đảng đã nhận xét: "Vẻ vang thay! Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng xứ ta công nông binh bắt tay nhau giữa trận tiền!"(1) Có thể quan sát thấy đặc điểm này thể hiện rất rõ trong giai đoạn đầu của cao trào cách mạng, từ đầu năm 1930 tới khoảng tháng 9 năm 1930. Càng về sau, phong trào nông dân ngày càng chiếm ưu thế, nhất là ở Nghệ Tĩnh. Phong trào công nhân ngày càng giảm sút, tuy vậy vẫn luôn luôn tồn tại song song, phối hợp với phong trào nông dân.

Xu hướng phát triển đó có lý do khách quan là bản thân lực lượng công nhân Việt Nam là tương đối nhỏ bé so với nông dân. Hơn nữa, trong điều kiện tình thế trực tiếp giành chính quyền chưa xuất hiện thì phong trào ở thành thị cũng không thể duy trì trong nhiều ngày như ở nông thôn.

Kinh nghiệm lịch sử của cao trào cách mạng 1930-1931 cho thấy điểm khởi phát và kết thúc của một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền có thể là cuộc đấu tranh ở thành thị, nhưng chỗ đứng chân và điểm tựa tạo nên sức bền của phong trào quần chúng lại chính là vùng nông thôn. Do vậy, cách mạng chỉ có thể nổ ra và thắng lợi khi cuộc đấu tranh ở trên hai địa bàn chiến lược này được phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng. Đây chính là điều đã được Nguyễn Ái Quốc khẳng định chắc chắn từ năm 1928 trong một luận văn viết cho Quốc tế Cộng sản, và thực tế sau này sẽ cho thấy đây con đường đi tới thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 (2).

Thư Nguyễn Ái Quốc gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản về phong trào đấu tranh ở Việt Nam và Đông Dương-Nguồn BTXVNT
Thư Nguyễn Ái Quốc gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản về phong trào đấu tranh ở Việt Nam và Đông Dương-Nguồn BTXVNT

Đặc điểm thứ năm là: cao trào do Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi là Đảng Cộng sản Đông Dương) phát động và lãnh đạo trên phạm vi toàn quốc, nhưng cán bộ cơ sở ở địa phương cũng đóng một vai trò chủ động đáng kể. Mặc dù mới thành lập trên cơ sở thống nhất ba tổ chức cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam, mà cơ quan lãnh đạo cao nhất là Ban Trung ương lâm thời, đã quyết tâm phát động một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động (1/5) năm 1930. Làn sóng đấu tranh này chính là điểm khởi phát của toàn bộ cao trào cách mạng 1930-1931.

Tuy nhiên, sau khi phát động làn sóng đấu tranh này, Trung ương Đảng không hoàn toàn duy trì được sự chỉ đạo sát sao đối với sự phát triển của phong trào, do đó việc phong trào phát triển, sau đó trở thành cao trào với những hình thức đấu tranh quyết liệt, có xu hướng manh động, bạo động non, hoàn toàn nằm ngoài dự kiến và chủ trương của Trung ương Đảng.

Tuy vậy, Trung ương Đảng luôn cố gắng theo kịp tình hình, kịp thời phân tích và tiếp tục đưa ra những chỉ dẫn kịp thời và đúng đắn đối với sự phát triển của cao trào, kịp thời phát động cuộc đấu tranh trên toàn quốc phối hợp với cuộc đấu tranh của quần chúng ở Nghệ Tĩnh, đồng thời ngăn ngừa những cuộc bạo động non ở những địa phương khác. Tuy nhiên, từ tháng 10 năm 1930, Ban chấp hành Trung ương mới của Đảng dường như đã không còn theo kịp tình hình. Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930 diễn ra chính vào lúc cao trào đang phát triển sôi nổi nhất, cần sự chỉ đạo kịp thời nhất, nhưng Hội nghị đã đã không có nghị quyết hay chỉ thị nào đối với cao trào. Đến khi cao trào bắt đầu suy giảm, bị đàn áp khốc liệt và có một số biểu hiện lệch lạc, sai lầm nghiêm trọng thì sự chỉ đạo, uốn nắn của Trung ương Đảng lại không kịp thời, luôn luôn đối phó, bị động chạy theo sau diễn biến của tình hình. Đây chính là kinh nghiệm lịch sử mà Đảng sẽ rút ra được bài học bổ ích để hoàn thành sứ mạng lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong các thời kỳ sau.

Trong quá trình phát triển của cao trào cách mạng 1930-1931, cán bộ và cơ sở Đảng địa phương, cụ thể ở đây là Xứ ủy Trung Kỳ và cơ sở Đảng ở Nghệ Tĩnh, đã đóng một vai trò thực sự quan trọng. Chính họ là linh hồn của toàn bộ phong trào, là người trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì phong trào. Đóng góp to lớn của đảng bộ và cán bộ cơ sở đối với cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh là vô cùng to lớn.

Tuy vậy, những sai lầm chủ quan do họ mắc phải do không kịp thời lĩnh hội và triển khai triệt để các chỉ thị của Trung ương, rõ ràng cũng gây cho phong trào những tổn thất nghiêm trọng, góp phần đẩy nhanh bước suy thoái của phong trào. Đây cũng là một trong những bài học quan trọng mà Đảng đã rút ra được từ cao trào cách mạng 1930-1931.

Tranh Xô viết Nghệ Tĩnh.
Tranh Xô viết Nghệ Tĩnh.

Ý NGHĨA LỊCH SỬ

Trong lịch sử cận đại Việt Nam nói chung và lịch sử cách mạng Việt Nam nói riêng, cao trào cách mạng 1930-1931 có ý nghĩa lịch sử rất đặc biệt. Một lần nữa, cuộc vùng lên quật khởi của hàng chục vạn quần chúng đã chứng tỏ dân tộc Việt Nam quyết không chấp nhận trật tự thực dân - phong kiến, kiên quyết vùng lên giành cho kỳ được quyền độc lập dân tộc và quyền tự do định đoạt tương lai của chính mình.

Qua cao trào tranh đấu quyết liệt này của dân chúng Việt Nam chính thực dân Pháp cũng phải thừa nhận không thể tiếp tục duy trì chính sách bóc lột và áp bức như cũ được nữa, do đó từ sau năm 1930 chúng đã phải tiến hành một loạt cuộc khảo sát, điều tra và cải cách, sửa chữa hòng duy trì vĩnh viễn chế độ thực dân ở Việt Nam.

Đối với cách mạng Việt Nam, cao trào cách mạng 1930-1931 là một mốc lịch sử quan trọng, khẳng định trên thực tế vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự hình thành và ngày càng bền vững của liên minh công nông, con đường cách mạng bạo lực... Qua thắng lợi và thất bại, thành công và sai lầm của thực tiễn lãnh đạo cao trào này, Đảng đã rút ra được những bài học vô cùng quý giá, làm cơ sở cho việc lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong những chặng đường kế tiếp.

Thành quả to lớn và có ý nghĩa nhất của cao trào cách mạng 1930-1931 là sự ra đời trên thực tế của chính quyền cách mạng dưới hình thức Xôviết ở Nghệ Tĩnh. Đây là lần đầu tiên một chính quyền kiểu mới hình thành từ ý chí, nguyện vọng của quần chúng cách mạng. Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng những chính sách, việc làm tiến bộ chính quyền Xôviết đã thực hiện sẽ mãi mãi đọng lại trong tình cảm và ý thức chính trị của đông đảo quần chúng nhân dân Việt Nam, trở thành niềm cổ vũ, là lý tưởng phấn đấu của nhân dân Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội.

Với tất cả những ý nghĩa nêu trên, cao trào cách mạng 1930-1931 thực sự là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Đảng và quần chúng cách mạng chuẩn bị cho thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.


[1] Văn kiện Đảng toàn tập,T.2, Sđd, tr.58.

[2] Xem: Hồ Chí Minh: "Die Arbeit unter der Bauernschaft", in trong: Neuberg, A: Der Bewaffnete Aufstand, Versuch ein theoretischen Darstellung, Europaeische Verlagsanstalt, Frankfurt am Main 1971, tr.280-281.

BNA