Thời sự

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An nêu ý kiến về đề xuất đánh thuế hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ qua sàn thương mại điện tử

Thành Duy - Phan Hậu 29/10/2024 15:27

Sáng 29/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

bna_b008b3bfe99251cc0883.jpg
Quang cảnh phiên làm việc sáng 29/10 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Nếu không có các giải pháp kịp thời, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất trong nước

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An nêu 2 ý kiến tập trung vào vấn đề liên quan đến thương mại điện tử.

Trước hết, đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc không quy định miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ qua các sàn thương mại điện tử.

Theo đại biểu, với sự phát triển của thương mại điện tử, hàng hoá có giá trị nhập khẩu có giá trị nhỏ có khối lượng ngày càng lớn. Số liệu thống kê vào thời điểm tháng 3 năm 2023, hàng ngày có khoảng 4 đến 5 triệu đơn hàng thương mại điện tử giá trị nhỏ được vận chuyển qua biên giới về Việt Nam. Bình quân mỗi đơn hàng thuộc loại này có trị giá khoảng 200 nghìn đồng, như vậy tổng giá trị hàng hóa loại này lên tới 800 tỉ đồng mỗi ngày. Con số này còn có thể tăng lên do thương mại điện tử ở nước ta đang thuộc tốp 10 nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.

bna_95940000992f2171783e.jpg
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An dự họp. Ảnh: Nghĩa Đức

“Do vậy, đối với từng đơn hàng thì giá trị có thể nhỏ, nhưng tổng lượng hàng hoá nhập khẩu theo hình thức này đã, đang và sẽ tiếp tục chiếm một khối lượng khá lớn. Nếu miễn thuế sẽ dẫn đến việc không thu được một lượng thuế khá lớn; chưa kể có thể dẫn đến tình trạng "xé nhỏ" giá trị đơn hàng để tránh thuế”, đại biểu phân tích.

Bên cạnh đó, việc miễn thuế hàng hoá nhập khẩu có giá trị nhỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước do hàng hoá nhập khẩu sẽ được hưởng nhiều lợi thế.

Việc không chịu thuế sẽ giúp hàng hóa nhập khẩu có giá rẻ hơn so với hàng hoá sản xuất trong nước, đồng thời do không phải tính thuế nên việc thực hiện thủ tục hải quan đối với loại hàng hoá này cũng nhanh hơn, có tính cạnh tranh cao hơn. Nếu không có các giải pháp kịp thời, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất trong nước.

Đại biểu cũng cho rằng, việc miễn thuế đối với các hàng hoá nhập khẩu có giá trị nhỏ chủ yếu là để đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên với việc áp dụng công nghệ thông tin thì hiện nay việc thực hiện thủ tục hải quan và thu thuế cũng không còn rườm rà, gây mất quá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới cũng đã bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử.

bna_2b04cfba93942bca7285.jpg
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu. Ảnh: Nghĩa Đức

Vì vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị không miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ qua các sàn thương mại điện tử. Hiện nay, Luật hiện hành và dự thảo Luật cũng không quy định về vấn đề này nhưng việc miễn thuế đang được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 78 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là điểm chưa phù hợp với chính sách do luật định cho nên đề nghị cần quy định rõ trong Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội này về việc cần sớm chấm dứt hiệu lực của Quyết định này.

Dự thảo Luật cũng đề xuất quy định nhà quản lý sàn giao dịch điện tử, nhà quản lý nền tảng số thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử. Hiện nay, có ý kiến cho rằng quy định này sẽ đặt thêm gánh nặng cho các sàn giao dịch điện tử, ảnh hưởng đến sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, quy định trên có những điểm hợp lý nhất định như: về mặt kĩ thuật, các nhà quản lý sàn giao dịch điện tử, nhà quản lý nền tảng số có điều kiện thuận lợi nhất trong việc nắm giữ thông tin, dữ liệu về các giao dịch thông qua sàn giao dịch của mình. Về lâu dài sẽ làm giảm chi phí của toàn xã hội trong việc kê khai, nộp thuế, quản lý thuế, đặc biệt là khi có sự kết nối dữ liệu giữa người nộp thuế, sàn giao dịch thương mại điện tử và cơ quan thuế…

Do vậy, vị đại biểu đoàn Nghệ An thống nhất với quy định nhà quản lý sàn giao dịch điện tử, nhà quản lý nền tảng số thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, đại biểu đề nghị cần có những quy định cụ thể trong luật này và Luật Quản lý thuế về lộ trình triển khai thực hiện cụ thể, bảo đảm phù hợp với việc triển khai kết nối, hoàn thiện các hệ thống thông tin; hỗ trợ các sàn thương mại điện tử thực hiện trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để quy định rõ việc giảm trừ trách nhiệm cho sàn thương mại điện tử, đặc biệt là trường hợp họ đã thực hiện đầy đủ các nỗ lực hợp lý để tuân thủ quy định thuế…

Lý do đề xuất đánh thuế với phân bón

Trước các ý kiến còn băn khoăn khi dự thảo Luật đề xuất đánh thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón vì như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực cho khu vực nông nghiệp, người nông dân, đại biểu Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An, từ góc độ cơ quan thẩm tra cũng đã phát biểu làm rõ hơn về vấn đề này dưới góc độ đánh giá tác động chính sách.

bna_753212fc54d2ec8cb5c3.jpg
Đại biểu Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu. Ảnh: Nghĩa Đức

Đại biểu cho rằng, từ cái nhìn đầu tiên khi phân bón không chịu thuế mà chuyển sang áp thuế 5% thì mặt bằng giá sẽ tăng lên 5% là đúng. Tuy nhiên, đối với phân bón là hàng hóa hết sức đặc thù, khác biệt so với tất cả các sản phẩm chế biến khác đang lưu hành trên thị trường hiện nay.

Đại biểu phân tích: Phân bón đang diện không chịu thuế cho nên các doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ đối với đầu vào và toàn bộ giá trị thuế đầu vào, bao gồm cả những giá trị rất lớn như đầu tư phải cộng hết tất cả vào chi phí, vì vậy tất cả những thuế này cộng vào giá thành, giá bán dẫn đến giá thành rất cao. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu phân bón vào Việt Nam họ vẫn được khấu trừ thuế đầu vào cho nên đã lợi hơn hẳn.

“Chúng ta đã phân biệt đối xử giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu bằng cơ chế không chịu thuế”, đại biểu nói và thêm rằng, phân bón sản xuất trong nước cũng bị phân biệt đối xử so với tất cả các ngành sản xuất khác trong nước vì các ngành sản xuất khác đều chịu thuế giá trị gia tăng.

Chính vì vậy, khi quy định áp thuế 5% đối với phân bón không có nghĩa là mặt bằng giá sẽ tăng lên 5% vì các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có dư địa để giảm giá khi họ được trừ phần thuế đầu vào hoặc rất nhiều trường hợp sẽ được hoàn thuế. Chính vì vậy, không thể nói rằng người nông dân hay khu vực nông nghiệp bị ảnh hưởng.

“Liệu chúng ta có nên tiếp tục chính sách không đánh thuế để phân biệt đối xử với ngành sản xuất phân bón trong nước hay không”, vị đại biểu đoàn Nghệ An đặt câu hỏi và mong muốn nên để ngành sản xuất phân bón trong nước được đối xử bình đẳng theo đúng cơ chế thị trường, tức là phải được chịu thuế và được khấu trừ đầu vào như các ngành sản xuất trong nước khác, qua đó mang lại lợi ích cho nhiều phía.

Cũng trong phiên làm việc sáng 29/10, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia

Thành Duy - Phan Hậu