Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Lời đề tựa của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Hồng Nhung - BTXVNT 29/10/2024 17:26

Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh - nơi lưu trữ truyền thống anh hùng Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931

chutichhcm-btxv-cover.png

Hồng Nhung • 28/10/2024

Ở nước ta hiện nay chỉ có hai Bảo tàng lưu niệm sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc là Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ và Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nằm trong hệ thống các Bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được thành lập trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với nhiệm vụ sưu tầm, lưu giữ và phát huy những di sản của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng vinh dự là một trong hai Bảo tàng duy nhất ở nước ta vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lời đề tựa.

Trải qua 64 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng đã thực sự trở thành một địa chỉ Đỏ - nơi giáo dục về truyền thống yêu nước và cách mạng, một điểm du lịch địa phương có sức hút đặc biệt đối với khách tham quan, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về lịch sử phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.

Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
loidetua-tit1(1).png

Trước khi Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ra đời, từ năm 1958 cả nước đang bước vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược đó là tập trung xây dựng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam. Ở miền Bắc, nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng lại nửa đất nước trong điều kiện hòa bình. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, nông lâm trường mọc lên khắp nơi không chỉ ở thành phố, thị xã mà cả vùng nông thôn, miền núi. Các Hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp đã xây dựng nhiều mô hình tiên tiến, sản xuất có quy mô lớn như hình thức Hợp tác xã liên thôn, Hợp tác xã toàn xã.

Ở miền Nam, tình hình cục diện chiến tranh có nhiều diễn biến ngày càng phức tạp. Chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm dưới sự giúp đỡ của quan thầy Mỹ, đã thẳng tay đàn áp dã man các lực lượng nổi dậy đấu tranh của đồng bào ta. Với Đạo luật 10/59, chúng lê máy chém đi khắp nơi, phát động chiến dịch tố cộng, li khai cộng sản để truy lùng, bắt bớ, tàn sát lực lượng cán bộ cách mạng của ta, điển hình như các vụ thảm sát đẫm máu ở nhà tù Phú Lợi, Mỹ Sơn, đập Vĩnh Trinh… Tình hình cục diện chiến trường ở miền Nam đã chuyển sang giai đoạn mới. Năm 1960, mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời đã lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang đã giành được những thắng lợi vang dội, buộc kẻ thù phải chùn bước và thay đổi chiến lược lẫn chiến thuật của cuộc chiến.

Tại miền Bắc, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Dưới ánh sáng đường lối nghị quyết về văn hóa, văn nghệ của Đảng, nhiều loại hình văn hóa đã ra đời và phát triển nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân trong điều kiện lịch sử mới. Trên cơ sở Sắc lệnh số 65/SL-TN của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23/11/1945 về bảo tồn di sản văn hóa, nhiều Bảo tàng lớn của nước ta đã lần lượt ra đời như: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (năm 1956); Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (năm 1958), Bảo tàng Cách mạng Việt Nam nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (năm 1959)… Và ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc đều có phòng bảo tồn, bảo tàng trong các Sở, Ty Văn hóa.

Sắc lệnh số 65/SL-TN của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23/11/1945 về bảo tồn di sản văn hóa
Sắc lệnh số 65/SL-TN của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23/11/1945 về bảo tồn di sản văn hóa.

Ngay sau sự ra đời của các Bảo tàng lớn của Quốc gia, nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa của cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh và để tôn vinh sự kiện này, được sự nhất trí của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ, ngày 15/01/1960, Đảng - Đoàn Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định số 106-QĐ/VH cho xây dựng Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và đặt nó dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Khi đó, Nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều tỉnh khác ở miền Trung hầu như chưa có bảo tàng. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ với tư cách là một thiết chế văn hóa mới có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giới thiệu về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nhằm giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần tạo nội lực thúc đẩy hai miền thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sự hiện diện của Bảo tàng trên quê hương Nghệ An – cái nôi của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là một quyết định táo bạo, sáng suốt và đúng đắn. Quyết định đó vừa thể hiện được ý Đảng, vừa thể hiện được ý nguyện của toàn dân, của nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Sự ra đời của Bảo tàng chính là sự tri ân công lao to lớn của các chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và tôn vinh giá trị di sản văn hóa Xô Viết Nghệ Tĩnh, đồng thời phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống cách mạng trên quê hương Bác Hồ kính yêu.

loidetua-tit2.png

Đầu năm 1963, Thường vụ 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh mong muốn có được lời đề tựa và bút tích của Bác cho một bảo tàng lưu niệm sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu trên quê hương xứ Nghệ, đó là Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bấy giờ đồng chí Võ Thúc Đồng là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, người đã từng tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), được lãnh đạo hai tỉnh tin tưởng giao nhiệm vụ ra Hà Nội báo cáo và xin ý kiến Bác. Điều phấn khởi là nguyện vọng trên đây được các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa cùng các đồng chí ở Trung ương như: đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Tố Hữu - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương... đều nhất trí ủng hộ. Cuối cùng, đồng chí Võ Thúc Đồng đã trực tiếp gặp Bác, Bác vui vẻ nhận lời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lời đề tựa tặng Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, ngày 3-2-1964. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lời đề tựa tặng Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, tại Phủ Chủ tịch ngày 3/2/1964. Ảnh tư liệu

Lãnh đạo hai tỉnh Nghệ - Tĩnh thấy đây là vinh dự lớn cho quê hương, nên rất thận trọng trong việc soạn thảo nội dung lời đề tựa, sau khi trao đổi đã đi đến thống nhất yêu cầu phải có đề cương cụ thể, lời đề tựa để Bác ký cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, phải có nội dung cô đọng nhưng súc tích... Đồng chí Võ Thúc Đồng một lần nữa nhận nhiệm vụ lập đề cương, viết bản thảo ban đầu…

Cuối tháng 1/1964, hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh nhận được điện của Văn phòng Chủ tịch nước thông báo hai tỉnh cử đại diện ra Hà Nội chứng kiến Bác Hồ ký lời đề tựa cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh tại Phủ Chủ tịch. Thời khắc lịch sử Bác đặt bút ký đúng vào ngày 3 tháng 2 năm 1964 (nhân kỷ niệm 34 năm Ngày thành lập Đảng). Sau khi nhận Lời đề tựa, đồng chí Nguyễn Xuân Linh và đồng chí Nguyễn Văn Minh thay mặt Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh hứa với Bác sẽ động viên cán bộ đảng viên, đoàn viên, thanh niên và nhân dân quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Bác ghi trong Lời đề tựa.

Nội dung Lời đề tựa.
Nội dung Lời đề tựa. Nguồn: BTXVNT

Trong Lời đề tựa, Bác vừa đánh giá cao ý nghĩa trọng đại của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh: “Năm 1930-1931, khi Đảng ta mới ra đời, một phong trào cách mạng lớn mạnh đã dâng lên trong cả nước mà đỉnh cao nhất là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Xô Viết Nghệ Tĩnh là chính quyền cách mạng đầu tiên của công nông, đã lật đổ chính quyền phản động của đế quốc và phong kiến ở mấy nơi trong hai tỉnh Nghệ Tĩnh.

Dù đế quốc Pháp và bọn phong kiến đã tạm thời nhấn chìm phong trào cách mạng trong biển máu, nhưng truyền thống oanh liệt của Xô Viết Nghệ Tĩnh đã thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước tiến lên và đưa đến Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ...”

Đồng thời Bác vừa nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh mãi mãi phát huy truyền thống trong sự nghiệp cách mạng để ... xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng”.

Sự kiện Bác Hồ ký Lời đề tựa là niềm vinh dự, tự hào cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh nói chung và tập thể cán bộ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh nói riêng. Điều đó nói lên ý nghĩa lịch sử của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và vai trò quan trọng của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị của Xô Viết Nghệ Tĩnh, góp phần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Bút lông, đĩa mài mực, viên mực tàu, lọ mực Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng ký lời đề tựa cho Bảo tàng Xô viết Nghệ TĨnh ngày 3-2-1964
Bút lông, đĩa mài mực, viên mực tàu, lọ mực Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng ký lời đề tựa cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nguồn: BTXVNT

Gần 65 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh luôn được đón nhận sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương cũng như lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Bảo tàng đã vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch nước Trường Chinh, Tổng Bí thư Đỗ Mười và các thế hệ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về thăm và trồng cây lưu niệm trong khuôn viên của Bảo tàng.

Xứng đáng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, Bảo tàng đã không ngừng phấn đấu và rèn luyện để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoạt động đều và có hiệu quả trên mọi lĩnh vực công tác bảo tồn và bảo tàng. Bảo tàng đã sưu tầm lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị trên 16.000 tài liệu, hiện vật, phục vụ hàng chục triệu lượt khách tham quan, kiểm kê được 250 di tích, lập hồ sơ xếp hạng 47 di tích cấp Quốc gia; tổ chức thành công nhiều cuộc Hội thảo, Tọa đàm, nghiên cứu đề tài khoa học các cấp… Thông qua các khâu nghiệp vụ như nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền, giáo dục, Bảo tàng đã trở thành một thiết chế văn hóa đặc biệt không thể thiếu trong đời sống xã hội. Với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú và thiết thực như trưng bày lưu động, nói chuyện truyền thống, giao lưu văn hóa, Bảo tàng đã đưa Xô Viết Nghệ Tĩnh đến được với đông đảo công chúng ở mọi miền Tổ quốc và vươn ra nước ngoài.

Một số sưu tập hiện vật quý hiếm trưng bày tại bảo tàng. Nguồn: BTXVNT
Một số sưu tập hiện vật quý hiếm trưng bày tại bảo tàng. Nguồn: BTXVNT

Qua nhiều lần chỉnh lý, nâng cấp hệ thống trưng bày cũng như mỹ thật trưng bày của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã đáp ứng một phần nhu cầu của khách tham quan trong cả nước và nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhân dân trong và ngoại tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Mỗi năm, có khoảng 15.000 lượt khách đến Bảo tàng tham quan, học tập, trải nghiệm, nghiên cứu.

Đối với các em học sinh, sinh viên là đối tượng thường xuyên đến Bảo tàng, với hoạt động học tập ngoại khóa các em đã được cung cấp lượng kiến thức lịch sử bổ ích thông qua hoạt động hướng dẫn tham quan tại chỗ một cách sinh động, chân thực và hấp dẫn. Đồng thời, Bảo tàng cũng đã tăng cường kết nối đưa Xô Viết Nghệ Tĩnh vào trường học một cách chủ động dưới nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức giao lưu văn hóa, nói chuyện truyền thống, trưng bày lưu động, thi rung chuông vàng, các cuộc thi giới thiệu di sản Xô Viết Nghệ Tĩnh cho học sinh tại các địa phương, đổi mới, sáng tạo các hoạt động trải nghiệm… Do đó, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh xứng đáng là trường học tốt về lịch sử cách mạng, là trung tâm nghiên cứu và giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ trên quê hương Xô viết anh hùng nói riêng và cả nước nói chung.

Cán bộ Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh giới thiệu những hình ảnh, tư liệu về các nhân vật lịch sử trong Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; Các em học sinh tham quan tại Bảo tàng; Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tổ chức thi Rung chuông Vàng tìm hiểu về Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Minh Quân - BTXVNT
Cán bộ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh giới thiệu những hình ảnh, tư liệu về các nhân vật lịch sử trong Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; Các em học sinh tham quan tại Bảo tàng; Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh tổ chức thi Rung chuông Vàng tìm hiểu về Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Minh Quân - BTXVNT

Bên cạnh đó, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh còn là nơi gửi gắm niềm tin của biết bao gia đình là thân nhân những người có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhờ hoạt động khai thác hồ sơ, tài liệu về những đồng chí tham gia hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đang được lưu trữ tại Cục Hồ sơ an ninh - Bộ Công an của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc, góp phần thay đổi cuộc sống cho hàng nghìn thân nhân các gia đình có công với cách mạng ở Nghệ Tĩnh. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa, thiết thực nhất và cũng là niềm vinh dự, tự hào của Bảo tàng khi được đóng góp một phần công sức đối với công tác đền ơn, đáp nghĩa mà Đảng và Nhà nước đang ngày càng phát huy và nhân rộng.

Tại Quyết định số 4249/QĐ-BVHTTDL, ngày 29/12/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án "Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng giai đoạn 2024-2026”. Theo đó, phạm vi và đối tượng được áp dụng của Đề án là các Bảo tàng công lập và ngoài công lập trên toàn quốc. Mục tiêu hướng đến là tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong quá trình tổ chức hoạt động để các bảo tàng bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội; thực sự trở thành trung tâm giáo dục thường xuyên về truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc; là lựa chọn ưu tiên trong những hình thức khám phá, vui chơi giải trí, đủ sức hấp dẫn, thu hút đông đảo công chúng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và phát triển du lịch.

Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề Những hạt giống Đỏ. Nguồn: BTXVNT
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề Những hạt giống Đỏ. Nguồn: BTXVNT

Theo đề án, dự kiến đến năm 2026, các Bảo tàng sẽ đổi mới cả về nội dung và hình thức hoạt động, trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác trưng bày, đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, dịch vụ phục vụ khách tham quan và tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch. Số lượng khách tham quan bảo tàng hàng năm tăng bình quân 10%, trong đó ưu tiên phát triển đối tượng khách tham quan là học sinh, sinh viên.

Để thực hiện hiệu quả đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cần được nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới cấu trúc nội dung, mỹ thuật trưng bày đã xuống cấp, lạc hậu, đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu mới, nhu cầu mới cũng như nhận thức mới về hoạt động của Bảo tàng trong bối cảnh hiện nay.

Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh nằm trong khu vực Thành cổ Vinh. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh nằm trong khu vực Thành cổ Vinh. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Hồng Nhung - BTXVNT