Giáo dục

Cần quản lý xe đưa đón học sinh

Mỹ Hà 29/10/2024 19:55

Mô hình xe đưa đón học sinh đang được triển khai tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, đây vẫn đang là mô hình tự phát mà chưa có sự phối hợp quản lý của nhà trường và chính quyền địa phương.

Phát triển mô hình xe đưa đón

Sau tiếng trống tan trường, hàng trăm học sinh của Trường THPT Nghi Lộc 2 (huyện Nghi Lộc) lại đổ về con đường nhỏ ở bên trái cổng trường. Tại đây, mỗi ngày thường xuyên có gần 10 chiếc xe đưa đón học sinh ở các xã như Nghi Hưng, Nghi Thuận, Nghi Đồng, Nghi Hoa... đến trường.

Những chiếc xe này đều do phụ huynh trực tiếp kết nối với nhà xe và thực hiện đưa đón học sinh từ nhà đến trường và ngược lại. Hiện đã có hơn 300 học sinh của trường di chuyển bằng xe đưa đón.

Xe đưa đón học sinh Trường THCS Nghĩa Hành (huyện Tân Kỳ). Ảnh - Mỹ Hà
Xe đưa đón học sinh Trường THCS Nghĩa Hành (huyện Tân Kỳ). Ảnh: Mỹ Hà

Mô hình xe đưa đón của Trường THPT Nghi Lộc 2 được triển khai xuất phát từ nhu cầu thực tế. Bởi lẽ hiện nay vùng tuyển sinh của trường khá rộng, có nơi học sinh đi học nhà cách trường gần 15 km. Đây lại là tuyến đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là những đoạn qua đường N5. Để đảm bảo an toàn cho con em, nhiều phụ huynh ở các xã đã trực tiếp liên hệ với các nhà xe để thuê xe đưa đón con em đi học mỗi ngày.

Theo thầy giáo Đặng Quốc Chi - Phó Hiệu trưởng nhà trường: Dù đây chỉ là mô hình tự phát nhưng việc có xe đưa đón đã góp phần giúp các em học sinh đi về đúng giờ, tránh đi ngang về tắt và đảm bảo an toàn giao thông.

Tại Trường Tiểu học Nam Xuân (huyện Nam Đàn), dù học sinh của trường chủ yếu là con em trên địa bàn xã nhưng đến thời điểm này đã có 4 xe đưa đón học sinh đi về trong ngày. Đối tượng sử dụng xe đưa đón thường là con em của những công nhân đi làm ăn xa hoặc công nhân đang làm tại các khu công nghiệp ở Nam Đàn và huyện Hưng Nguyên.

Với kinh phí cho mỗi học sinh khoảng 350.000 đồng/tháng, nhiều phụ huynh cho rằng mức phí này là phù hợp, thậm chí rẻ hơn tiền đi xe máy nếu mỗi ngày phải đưa đón con 4 lần. Đi theo các xe đưa đón sẽ có thêm một người để phụ trách việc kiểm tra sĩ số và nhắc nhở các em trong quá trình xe lưu hành trên đường.

Hầu hết phụ huynh trong xóm tôi đều đi làm ở nhà máy và đi rất sớm. Thời gian làm việc ở các khu công nghiệp cũng rất chặt chẽ nên phụ huynh không thể về sớm hoặc tranh thủ giữa buổi đón con. Xuất phát từ nhu cầu này, phụ huynh trong các xóm đã tự liên hệ, hợp đồng để chúng tôi thay họ đưa đón.

Quá trình thực hiện khá thuận lợi vì các cháu đi trên xe đều là con em trong cùng một xóm, các cháu học cùng lớp, cùng trường và lớn lên với nhau nên đều quen biết. Hàng ngày, xe đón và trả các cháu cùng một địa điểm ngay trung tâm xóm và các cháu thực hiện nghiêm túc quy định đón trả của nhà xe".

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền – đại diện nhà xe

Tăng cường phối hợp trong công tác quản lý

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này toàn tỉnh đang có khoảng 100 xe đưa đón học sinh. Trong đó nhiều nhất là thành phố Vinh có 26 xe. Ngoài ra nhiều địa phương khác cũng có xe đưa đón như thị xã Cửa Lò (9 xe), Nam Đàn (8 xe), Thị xã Hoàng Mai (10 xe), thị xã Thái Hòa ( 6 xe), Nghi Lộc (6 xe), Hưng Nguyên (9 xe). Các huyện như Tân Kỳ, Anh Sơn, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc mỗi huyện có từ 2- 6 xe.

Qua thống kê ban đầu cho thấy, hiện chỉ mới có 1 số trường tư thục có sử dụng xe đưa đón của nhà trường. Còn lại chủ yếu xe do phụ huynh tự hợp đồng với các nhà xe với hình thức tự phát. Điều này cũng khiến cho việc quản lý xe đưa đón còn những bất cập, dù đây là phương thức vận tải mang tính đặc thù, xuất phát từ nhu cầu thực tế.

giao-vien-va-nha-xe-don-hoc-sinh-truong-tieu-hoc-nam-dan.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Nam Xuân (Nam Đàn) đến trường bằng xe đưa đón. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường THCS Nghĩa Hành, Tân Kỳ, hiện nay hàng ngày có 1 chiếc xe đưa đón do phụ huynh ở xóm Đội Cung thuê để chở học sinh với chi phí mỗi tháng từ 400.000 – 500.000 đồng. Việc quản lý xe là do tài xế và học sinh trên xe tự thực hiện. Ông Lộc Văn Thương – chủ nhà xe cũng cho biết: "Các cháu đi xe chúng tôi đều đã ở tuổi THCS nên đã có ý thức khi tham gia giao thông. Về phía nhà xe cũng nêu cao trách nhiệm khi đưa đón các con, vì đều là con em trong xã và là người thân của gia đình".

Qua thực tế sử dụng xe đưa đón ở nhà trường, thầy giáo Đặng Quốc Chi - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 2 nói rằng: Hiện nay xe đưa đón ở trường chúng tôi hoàn toàn là do phụ huynh kết nối và nhà trường không thực hiện khâu trung gian. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, tại các cuộc họp phụ huynh hoặc làm việc với ban đại diện cha mẹ học sinh chúng tôi luôn nhắc nhở đề nghị phụ huynh yêu cầu các nhà xe thực hiện nghiêm các quy định trong tham gia an toàn giao thông, đặc biệt là không để xảy ra tình trạng quá tải, chở số người vượt quy định".

Trong khi đó tại Trường Tiểu học Nam Xuân (Nam Đàn), trong quá trình triển khai nhà trường đã tạo điều kiện để các xe đưa đón có điểm dừng đỗ hoặc cùng phối hợp để tuyên truyền, nhắc nhở học sinh ý thức khi sử dụng xe đưa đón. Tuy nhiên, việc quản lý vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà trường.

Trường chúng tôi có quy định, nếu phụ huynh sử dụng xe đưa đón cần phải ký hợp đồng rõ ràng với các nhà xe để đảm bảo an toàn và đưa đón đúng thời gian quy định, hướng dẫn cho các con kỹ năng lên xuống xe, khi nghỉ học phải báo ngay với giáo viên chủ nhiệm.

Về phía nhà xe phải ký cam kết với phụ huynh, về công tác đảm bảo an toàn khi thực hiện đưa đón học trò. Trường có bố trí rõ ràng thời gian dừng đậu xe, bố trí điểm đỗ xe để không ảnh hưởng tới các phụ huynh và học sinh khác".

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Vân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Xuân

cong-truong-an-toan-o-truong-tieu-hoc-nam-xuan-nam-dan.jpg
Cổng trường an toàn ở Trường Tiểu học Nam Xuân (Nam Đàn). Ảnh: Mỹ Hà

Để đảm bảo an toàn các xe đưa đón, thời điểm này, Sở Giao thông vận tải đang phối hợp với các ban, ngành liên quan tiến hành thanh kiểm tra các phương tiện đang được sử dụng làm xe đưa đón. Bước đầu cho thấy, phần lớn các xe đang đảm bảo về chất lượng lưu hành, có sự quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Tuy vậy, để các xe đưa đón được sử dụng đúng như mục đích cũng đang cần có sự phối hợp, giám sát của nhiều bên liên quan.

Dù chưa có kết quả thanh tra cuối cùng nhưng chúng tôi đang dự kiến sẽ kiến nghị đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, đặc biệt cần có sự giám sát, phối hợp của nhà trường trong quản lý xe đưa đón học sinh. Điều đó, sẽ góp phần nêu cao trách nhiệm của nhà xe trong quá trình triển khai, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các xe đưa đón, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Ông Nguyễn Viết Hùng - Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải

Mỹ Hà