Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Lê Sỹ Thận tô thắm truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương Diễn Ngọc (Diễn Châu)

Đoàn Cẩm Tú - Bảo tàng XVNT 30/10/2024 08:11

Đồng chí Lê Sỹ Thận sớm giác ngộ, tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, đi theo con đường yêu nước của các bậc tiền bối.

Diễn Ngọc - một xã ven biển nằm ở phía Bắc của huyện Diễn Châu, là vùng quê giàu truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời của mảnh đất Xứ Nghệ. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, rất nhiều người con ưu tú của Diễn Ngọc đã góp phần tô thắm truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, trong đó có đồng chí Lê Sỹ Thận.

Đồng chí Lê Sỹ Thận, sinh năm 1909 trong một gia đình nông dân nghèo yêu nước tại làng Phú Lộc, xã Tiên Lý, tổng Lý Trai, phủ Diễn Châu (nay là xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Với những truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình, đồng chí đã sớm giác ngộ, tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, đi theo con đường yêu nước của các bậc tiền bối.

Đồng chí Lê Sỹ Thận (1909 - 1940)

Khi phong trào Văn thân - Cần Vương thất bại, các phong trào yêu nước sôi nổi đầu thế kỷ XX mà đỉnh cao là những năm 1906, 1907, 1908 đã ảnh hưởng mạnh đến tầng lớp thanh niên yêu nước, trong đó có người thanh niên Nguyễn Sỹ Thận.

Lúc này, anh học trò Lê Sỹ Thận vốn là người thông minh, nhanh nhẹn đã hăng hái sưu tầm nhiều sách báo tiến bộ rồi đọc báo, ghi thơ cho bạn bè. Anh là một trong những người đứng ra tuyển chọn số anh em trí thức ở Tiên Lý để xuất dương du học theo chương trình Đông Du của cụ Phan Bội Châu.

Tổ chức Thanh niên yêu nước đầu tiên ở Tiên Lý được thành lập. Họ đã tìm cách bắt liên lạc với tổ chức của phong trào Đông Du để đưa một số thanh niên Tiên Lý như đồng chí: Miên Từ, Võ Văn Ban, Nguyễn Hữu Tịch… đến Xiêm (Thái Lan ). Tại đây, tổ chức hải ngoại do hai ông Vương Thúc Oánh, Đặng Thúc Hứa tiếp nhận và bồi dưỡng trước khi đưa sang Nhật học tập. Tuy nhiên, số người đi được không nhiều, mặt khác do bọn thực dân ráo riết lùng sục bắt bớ, đàn áp nên phong trào không duy trì được liên tục, thường xuyên.

Mùa Thu năm 1926, đồng chí Lê Sỹ Thận được tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (gọi tắt là hội Thanh niên) tại Trung Kỳ lựa chọn đi học lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu – Trung Quốc cùng với các đồng chí Võ Mai, Trần Phú, Lê Duy Điếm, Trần Văn Cung, Nguyễn Đình Từ. Khi đi ra đến Hà Nội, Lê Sỹ Thận phải quay trở về vì chưa đủ tuổi (17 tuổi) theo quy định của Hội.

Sau khi dự lớp học ở Trường Võ bị Hoàng Phố, đồng chí Võ Mai trở về quê hương bắt liên lạc với đồng chí Lê Sỹ Thận và một số thanh niên làm ở hội nước mắm Vạn Phần, tổ chức thành lập “Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội” đầu tiên ở Diễn Châu gồm: Lê Sỹ Thận, Trần Toản, Dương Văn Lan, Võ Trí, Trần Tấn,… Hội chú trọng vào việc tập hợp lực lượng quần chúng và thu hút được đông đảo nhân dân tham gia.

Từ cuối năm 1927 đến năm 1929, ở Diễn Châu đã xây dựng được cơ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội trong 14 xã. Năm 1929, tổ chức Hội được mở rộng hơn từ Vạn Phần sang Thanh Bích, Lý Nhân. Đồng chí Lê Sỹ Thận đã là Thư ký của Hội ở Vạn Phần được phân công về Tiên Lý để tổ chức các phường, hội và tuyên truyền cách mạng. Tại đây, đồng chí đã vận động thành lập các tổ chức hội như: Hội hiếu nghĩa, Hội nước mắm, Hội muối…

Các hội ở Vạn Phần còn tổ chức nhiều hoạt động như đọc sách báo và thơ ca yêu nước, thăm hỏi nhau, tổ chức ma chay… với mục đích giác ngộ một số hội viên để làm hạt nhân cho cơ sở Đảng sau này. Lê Sỹ Thận là người có công nhen nhóm, gây dựng một số cán bộ cốt cán trong các hội hiếu nghĩa, hội nước mắm… để thành lập chi hội “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” ở Khoán Đông. Nhờ hoạt động của các tổ chức Cộng sản ban đầu đó mà nhân dân Việt Nam đã nhận thức sâu sắc hơn bản chất phản động của chế độ phong kiến, đế quốc đang diễn ra trên quê hương mình.

Tháng 3/1927, tại nhà cụ Tham - nơi tổ chức kỷ niệm một năm ngày mất của cụ Phan Chu Trinh - nhà chí sĩ yêu nước, đồng chí Nguyễn Sỹ Thận đã vận động được hơn 20 người tham dự. Trong buổi tưởng niệm, mọi người ôn lại bài Điếu văn của cụ Phan Bội Châu đọc trong buổi tiễn đưa cụ Phan Chu Trinh. Bài điếu văn được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nhiều người đọc đến thuộc lòng.

Trong buổi tưởng niệm đó, Lê Sỹ Thận đã nhắc nhở thanh niên Tiên Lý rằng: “Cờ bạc, rượu chè, trai gái và lười biếng đều là thói xấu. Người phụ thuộc thói hư tật xấu, là làm nô lệ tư tình. Người chịu làm nô lệ tư tình, thì không sao làm nổi việc lớn ”. Lời nói đó đã trở thành nội dung sinh hoạt lâu dài của tuổi trẻ Tiên Lý suốt cả những năm tháng hoạt động trong Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở vùng biển nghèo này.

Từ năm 1925 đến cuối năm 1929, Lê Sỹ Thận là người có công nhen nhóm các hội ở Diễn Châu làm hạt nhân cho cơ sở Đảng sau này. Gia đình Lê Sỹ Thận cũng là cơ sở nuôi giấu các đồng chí cán bộ đảng như: đồng chí Võ Mai, Trần Văn Cung, Trần Tiến, Trần Toán…

Ngày 17/6 /1929, Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ được thành lập. Tiểu tổ Thanh niên cách mạng đồng chí hội Vạn Phần là một trong những tiểu tổ của Tỉnh hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội Nghệ An chuyển thành Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, chi bộ gồm: đồng chí Võ Mai, Lê Sỹ Thận, Trần Tiến, Trần Toán, Dương Văn Lan. Đồng chí Lê Sỹ Thận được bố trí làm thư ký của hội.

Cuối năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng chủ trương thực hiện phong trào vô sản hóa. Đồng chí Lê Sỹ Thận được Kỳ Bộ Trung Kỳ giao nhiệm vụ vào hoạt động và gây dựng phong trào trong Nhà máy Vôi Long Thọ - Thừa Thiên Huế. Ngày 20/7/1929, đồng chí Nguyễn Đức Tịnh – Bí thư Tỉnh bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Thừa Thiên Huế bị địch bắt. Đồng chí Lê Sỹ Thận được cử làm Bí thư thay thế đồng chí Tịnh. Hoạt động được một thời gian đến ngày 16/11/1929, đồng chí Lê Sỹ Thận cũng bị địch bắt, kết án tù, đày đi Lao Bảo.

Trong nhà đày Lao Bảo, các đồng chí Lê Sỹ Thận, Trần Văn Cung, Nguyễn Sơn Trà… vẫn tổ chức sinh hoạt Đảng, mở lớp dạy học chữ quốc ngữ, học tập chủ nghĩa Mác - Lê nin do Trần Văn Cung giảng dạy, các bài giảng đều được Lê Sỹ Thận chép lại và đóng thành cuốn sách cỡ 10cm x 7cm rồi chuyền tay nhau học tập và nghiên cứu.

Đầu năm 1934, các đồng chí trong nhà đày Lao Bảo quyết định thông qua từng phòng giam phát động một cuộc đấu tranh bằng nhiều hình thức, nhưng không tuyệt thực. Ban lãnh đạo gồm có: đồng chí Lê Sỹ Thận, Trần Hữu Dực, Hà Thế Hạnh…

Tháng 8 năm 1934, biết được Lê Sỹ Thận là người cầm đầu các cuộc đấu tranh trong nhà đày, kẻ địch bắt giam đồng chí vào xà lim và đánh đập tra tấn tàn bạo. Liên tiếp mấy năm liền bị tra tấn, giam cầm, đồng chí đã hy sinh vào tháng 10 năm 1940 tại nhà đày Lao Bảo (Quảng Trị).

Đầu năm 1945, nhóm thanh niên Cao Ngọc Thọ, một tổ chức cách mạng ở Diễn Châu đứng ra vận động, tập hợp các bạn thanh niên, học sinh ở các làng, xã lập thành các đoàn thể Cứu quốc thuộc Mặt trận Việt Minh và lấy tên là “Việt Minh Lê Sỹ Thận” để tưởng nhớ đến người chiến sĩ cộng sản trung kiên của quê hương. Tổ chức “Việt Minh Lê Sỹ Thận” được đông đảo thanh niên và quần chúng hưởng ứng tham gia.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Sỹ Thận - biểu tượng sáng ngời về tinh thần phấn đấu, đức hy sinh và lòng quả cảm, suốt cuộc đời hiến dâng cho Tổ quốc, cho cách mạng. Đồng chí Lê Sỹ Thận đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng những đóng góp của đồng chí thật sự là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ trẻ chúng ta phấn đấu và noi theo./.

-----

Tài liệu tham khảo:

- Sách LSĐB huyện Diễn Châu 1930 -2005 - NXB-XH-Hà Nội 2005.

- Sách LSĐB xã Diễn Ngọc 1930-2010 - NXBVTT - Hà Nội 2010.

- Hồ sơ Hiện vật lưu tại Bảo tàng XVNT - năm 2007.

- Bài viết về (đ/c Võ Mai) trong sách Nghệ An những tấm gương cộng sản tập 2.

Đoàn Cẩm Tú - Bảo tàng XVNT