Thanh Chương phát huy hào khí Xô viết Nghệ Tĩnh
Trong những ngày tháng 9 lịch sử, về với quê hương Thanh Chương, chúng ta lại nghe âm vang tiếng trống Xô viết hào hùng vẫn còn vang vọng từ mái đình Võ Liệt, trên mỗi cánh đồng, làng quê, khúc sông, ngõ xóm...
94 năm đã trôi qua nhưng hào khí Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn luôn trường tồn cùng lịch sử của dân tộc, những trận chiến đấu xung thiên của nhân dân Nghệ Tĩnh nói chung, nhân dân Thanh Chương nói riêng trong phong trào cách mạng này vẫn luôn nhắc nhớ chúng ta về một thời kỳ sục sôi của giai cấp công nông dưới ánh sáng soi đường của Đảng. Tên tuổi của các đồng chí cán bộ tiền bối của Đảng như: Đặng Thúc Hứa, Đặng Thị Quỳnh Anh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Sỹ Sách, Tôn Gia Tinh, Tôn Gia Chung, Võ Thúc Đồng, Tôn Thị Quế, Tôn Quang Phiệt, Lê Cảnh Nhượng, Trần Hữu Doánh… mãi mãi trở thành niềm tự hào của các thế hệ con em Thanh Chương trên khắp mọi miền Tổ quốc.
94 năm "Xô viết Thanh Chương"
mốc son tự hào
Ngày 1/9/1930, với khí thế xung thiên, Đảng bộ và nhân dân Thanh Chương đã đứng lên đấu tranh giành thắng lợi, lập nên chính quyền Xô viết đầu tiên ở Nghệ Tĩnh. Cuộc đấu tranh lịch sử này đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên nhân dân khắp hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh lúc bấy giờ cùng thổi bùng lên ngọn lửa Xô viết trên mảnh đất địa linh, nhân kiệt nhưng lắm đau thương, mất mát bởi ách cai trị của chính quyền thực dân, phong kiến.
Phát huy tinh thần yêu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và các cơ sở Đảng trên địa bàn huyện, ngày 1/9/1930 đã diễn ra cuộc đấu tranh lịch sử với sự tham gia của hơn 2 vạn người (chiếm 1/3 dân số trong toàn huyện). Tiếng trống, mõ, chiêng từ những thôn làng, từ mái đình Võ Liệt đã vang lên như sấm dậy thôi thúc những người con Thanh Chương chân trần, chí thép đứng lên đấu tranh trực diện với kẻ thù, làm kinh hồn bọn đế quốc và bè lũ tay sai. Những chuyến đò vượt sông Lam sang vây phá huyện đường chở theo bao ước mơ, nguyện vọng thiết tha của những người dân đang sống trong cảnh lầm than nô lệ. Sức mạnh đấu tranh của quần chúng đã làm cho chính quyền ở huyện và Tổng nhanh chóng tan rã. Tri huyện Phan Sỹ Bàng hoảng sợ, bỏ công đường chạy tháo thân. Hệ thống đồn bốt được lập lên dày đặc như đồn Rào Gang, chợ Đàng, Bích Thị, Thanh Quả, đồn Lập… đều tê liệt, và từ đó các chi bộ của huyện đi vào hoạt động công khai.
Tại đình Võ Liệt (Di tích Lịch sử cấp Quốc gia), chính quyền Xô viết đã làm việc ngày đêm để đem lại cuộc sống mới cho nhân dân. Đây là hình thức chính quyền công nhân dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Toàn huyện lúc đó có 35 chi bộ với 270 đảng viên đã lãnh đạo chính quyền công nông tiến hành thực hiện ngay những quyền lợi cơ bản của quần chúng như xóa địa tô, bỏ sưu thuế…
Ban chấp hành Nông hội đỏ đã nắm chính quyền ở 65/76 làng xã, với hơn hàng chục nghìn hội viên, trong đó hội viên Phụ nữ giải phóng chiếm 32% hội viên toàn tỉnh, Thanh niên Cộng sản Đoàn đứng thứ 2 toàn tỉnh, hội viên Cứu tế đỏ đứng thứ 3 toàn tỉnh và hơn 1.000 hội viên Tự vệ đỏ... Ở một số nơi, chi bộ Đảng đã họp công khai và động viên nhân dân tham gia phong trào cách mạng. Lịch đấu tranh của quần chúng được tính từng ngày, từng tuần và từng tháng.
Cuộc đấu tranh ngày 1/9/1930 của nhân dân Thanh Chương đã đi vào lịch sử, là mốc son đánh dấu sự ra đời chính quyền Xô viết đầu tiên của cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Mặc dù trước đó các cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân ở Nghệ Tĩnh đã diễn ra rất sôi nổi như cuộc đấu tranh của công nông Vinh - Bến Thủy ngày 1/5/1930, nông dân Can Lộc ngày 1/8/1930, nông dân Nam Đàn ngày 30/8/1930… nhưng đều chưa giành được chính quyền về tay nhân dân.
Cuộc đấu tranh của nhân dân Thanh Chương khiến Tri huyện bỏ triện bạ chạy trốn, 35 lý trưởng cũng cúi đầu giao nộp sổ sách, con dấu cho chính quyền công nông… đã trở thành sự kiện lịch sử “Chưa từng thấy ở An Nam bao giờ… Lần đầu tiên trong lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nông đã đập tan chính quyền phong kiến, mở đầu cho sự ra đời Xô viết trong một huyện ở Nghệ Tĩnh”, đỉnh cao của Cao trào cách mạng 1930-1931 trong toàn quốc… Sự kiện này trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Chương.
Trong cuộc đấu tranh sinh tử này, đồng chí Nguyễn Công Thường và nhiều đồng chí cán bộ, quần chúng khác đã anh dũng ngã xuống trước mũi súng của kẻ thù. Sau cuộc đấu tranh, địch ra sức càn quét, khủng bố trắng, nhiều đồng chí cán bộ đảng bị thủ tiêu, thậm chí bị cắt cổ bêu đầu ở ngã ba đường để uy hiếp tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân, nhiều đồng chí bị bắt giam, hành hạ, tra tấn trong những địa ngục trần gian của chính quyền đế quốc, cả phụ nữ có thai cũng bị chúng giết hại…
Chỉ tính riêng trong năm 1930-1931 ở Thanh Chương đã có hơn 2.000 người bị bắt, 579 người bị tù đày, 565 người anh dũng ngã xuống, gần 200 người bị tra tấn, hy sinh trong lao tù, 169 đảng viên bị xử bắn… Nhưng vượt qua tất cả những đau thương mất mát đó, ngọn lửa yêu nước, căm thù giặc càng rực cháy trong trái tim của mỗi người con Thanh Chương yêu nước. Kẻ thù càng đàn áp, tinh thần đấu tranh của quần chúng càng lên cao như những đợt triều dâng lên không gì cản nổi.
Phát huy hào khí Xô viết Nghệ Tĩnh
trên quê hương anh hùng
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thanh Chương là địa bàn trọng điểm bắn phá của đế quốc Mỹ nhằm cắt đứt con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. Trước sự bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ, quân và dân Thanh Chương không hề nao núng, vừa tích cực phối hợp với các đơn vị đóng quân hiệp đồng chiến đấu, vừa tích cực sản xuất để chi viện cho tiền tuyến với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” góp phần cùng cả dân tộc giành lại hòa bình, thống nhất đất nước.
Truyền thống lịch sử cách mạng và văn hóa của Thanh Chương, đặc biệt là hào khí Xô viết Nghệ Tĩnh luôn là hành trang, động lực tinh thần, hun đúc ý chí vươn lên mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thanh Chương. Cùng với sự phát triển chung của cả tỉnh, Thanh Chương hôm nay đã có những đổi thay to lớn: Kinh tế tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh còn 3,2%; từ huyện "tứ tắc", nay đã có 6 quốc lộ đi qua trên địa bàn, 36 bến đò ngang đã được thay thế bằng những chiếc cầu nối những bờ vui; 29 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã NTM nâng cao, xã Thanh Lĩnh đạt NTM kiểu mẫu; Thị trấn Thanh Chương đạt chuẩn đô thị văn minh; văn hóa xã hội phát triển, giáo dục vẫn là điểm tựa vững chắc để người Thanh Chương đi lên; quốc phòng an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm thực hiện tốt.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, với tinh thần quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; sáng tạo chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền và sự vào cuộc trách nhiệm, có trọng tâm, trọng điểm của Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở; sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và tình cảm, trách nhiệm của con em xa quê hướng về quê hương đã tạo cộng hưởng sức mạnh tổng hợp đưa quê hương phát triển.
Thông qua xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; bên cạnh kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh, thì chất lượng sống của người dân cả vật chất, tinh thần đều được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 48 triệu đồng/năm (năm 2023).
Địa phương đã tập trung chỉ đạo xây dựng và hình thành được nhiều mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp mang tính dẫn dắt, lan tỏa, tạo sự thay đổi về tư duy sản xuất của người dân. Đặc biệt, đã hình thành được một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản xuất theo hướng hữu cơ, như chè, cam, bưởi, trám đen… và có 34 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao.
Bên cạnh phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường; cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tích cực, chủ động kết nối, mở rộng các mối quan hệ, tập trung thu hút đầu tư. Thanh Chương đã thu hút, tạo sự đồng thuận để triển khai, đưa vào sử dụng 4 công trình, dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng. Đặc biệt, Dự án cầu Đò Cung bắc qua sông Lam, nối huyện Thanh Chương - Đô Lương và đường từ Quốc lộ 46 - xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) đi xã Nam Hưng (Nam Đàn) đang đẩy nhanh thi công cũng trở thành điểm nhấn, đột phá về hạ tầng giao thông khi đưa vào sử dụng.
Huyện đã thu hút được một số dự án đầu tư sản xuất, mở ra cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở địa phương, như Nhà máy may Matsuoka tại xã Thanh Liên, Nhà máy may Thanh Chương tại xã Thanh Phong thu hút hàng nghìn lao động…
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm, truyền thống hiếu học, học giỏi và khoa bảng, chất lượng giáo dục của Thanh Chương ngày càng khẳng định vị trí trong những đơn vị tốp đầu của tỉnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác tư tưởng, công tác dân vận, công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Đảng, phát triển đảng viên... Đặc biệt, huyện đã xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, trách nhiệm với quê hương và tận tụy với nhân dân… Chăm lo công tác quốc phòng - an ninh, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để nhân dân và doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của huyện nhà.
Cộng hưởng giữa các giá trị truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa cũng như kết quả đạt được thời gian qua và những yếu tố mới xuất hiện sẽ tạo cơ hội để Thanh Chương phát triển nhanh hơn, cao hơn, bền vững hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 1945 với các chủ trương gắn với địa bàn huyện Thanh Chương, như tăng cường quan hệ đối ngoại, nhất là với các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây, các tỉnh của nước bạn Lào có chung đường biên giới; đầu tư để hình thành và phát triển hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; đầu tư, xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (đoạn qua Nghệ An).
Để hòa nhịp, đi cùng với các chủ trương đó, cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Chương đã xác định rõ những vấn đề trọng tâm để tập trung triển khai. Trong đó, quan tâm rà soát lại các quy hoạch ngành, các xã, thị trấn sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 - 2025 để tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các công trình tạo liên kết vùng; thu hút các cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế hữu cơ và phát triển rừng cùng với thị trường tín chỉ các bon. Gắn với phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, hệ thống rừng nguyên sinh và các điểm có tiềm năng, kể cả lợi thế về sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy phát triển du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch canh nông… Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; tạo ra kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, khang trang và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…
Một mùa thu mới lại về trên quê hương Xô viết Thanh Chương, trong không khí rộn ràng, náo nức của ngày hội công bố 555 danh xưng Thanh Chương và 94 năm ngày truyền thống của Đảng bộ và nhân dân Thanh Chương. Trong từng ánh mắt, nụ cười của người dân nơi đây luôn rạng người niềm tin yêu, hy vọng vào sự phát triển của huyện nhà trên con đường đổi mới và hội nhập./.