Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Trần Mạnh Táo với phong trào cách mạng trên quê hương Nghi Xuân (Hà Tĩnh)

Phạm Thị Kim Lân - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 30/10/2024 10:14

Trải qua cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh và suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Mạnh Táo luôn giữ vững phẩm chất, ý chí của người đảng viên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gương mẫu trong mọi sinh hoạt.

Đồng chí Trần Mạnh Táo (bí danh Nhật Tân, Bạch Hổ) sinh ngày 15/1/1902 tại xóm Làng, thôn Kiều Lĩnh, xã Đan Phổ, tổng Đan Hải (nay là thôn Kiều Văn, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân), tỉnh Hà Tĩnh.

Trần Mạn Táo
Đồng chí Trần Mạnh Táo.

Đồng chí Trần Mạnh Táo sinh ra trong một gia đình trung nông. Cha là ông Trần Quang Cư, có chí hướng yêu nước, đậu cử nhân nhưng không ra làm quan chỉ ở nhà dạy học, dạy dỗ con cái. Mẹ là bà Đinh Thị Tám, một người phụ nữ thông minh, đảm đang. Ông bà có nhiều người con hoạt động cách mạng sôi nổi như: Trần Thúc Huân, Trần Bá Dương, Trần Bá Đôn, Trần Thị Tiêu (tức Kim), Trần Thị Chiên…

Lúc còn nhỏ tuổi, do có tư chất thông minh, ham học hỏi nên Trần Mạnh Táo thường được cha kể cho nghe nhiều câu chuyện về những tấm gương anh dũng trong các phong trào Văn Thân, Cần Vương, Đông Du, từ đó đã nhen nhóm cho đồng chí ngọn lửa yêu nước.

Lên 8 tuổi, Trần Mạnh Táo đã theo cha đi học chữ Nho, đến năm 15 tuổi tiếp tục học thêm chữ Quốc ngữ. Năm 1919, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng chí phải nghỉ học về nhà làm thợ may tay, đóng khăn thuê sinh sống. Năm 1921, đồng chí Trần Mạnh Táo xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Xuân, quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Đồng chí thường giao lưu với các thầy đồ nho và các giáo viên ở Nghi Xuân như: Lê Bồi, Lê Trọng Thể, Ngô Hữu Yên nên sớm tiếp thu những sách báo tiến bộ, thơ ca cách mạng.

Cuối năm 1927, Nguyễn Trí Tư - giáo viên trường Pháp Việt, thuộc Tổng bộ Tân Việt - Hà Tĩnh được cử ra Nghi Xuân, bắt mối liên lạc với đồng chí Ngô Hữu Yên, Hồ Văn Ninh, Trần Mạnh Táo, Phan Viết Chiểu, tổ chức hội nghị ở đình Hoa Vân Hải (Cổ Đạm) để thảo luận chương trình hoạt động, củng cố tổ chức cách mạng và quyết định thành lập tổ Tân Việt đầu tiên ở Nghi Xuân do đồng chí Ngô Hữu Yên làm Tổ trưởng.

Tháng 6/1929, tại đình Hoa Vân Hải, dưới sự chủ trì của đồng chí Ngô Hữu Yên, tổ chức Tân Việt Nghi Xuân đã tập hợp đầy đủ các thành viên và tuyên bố chuyển hóa hẳn sang Đông Dương cộng sản Đảng, gồm các đồng chí: Hồ Văn Ninh, Ngô Hữu Yên, Trần Mạnh Táo, Phan Viết Chiểu, Trần Bá Đôn, Trần Thị Chiên, Nguyễn Thị Kim.

Tháng 3/1930, sau khi Hội nghị thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh diễn ra thành công, đồng chí Trần Hữu Thiều - Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ra Nghi Xuân công tác, bắt mối liên lạc với các đảng viên tiên tiến trong Đại tổ Tân Việt. Tháng 4/1930, tại nhà thầy giáo Ngô Hữu Yên ở Phú Lạp (Cổ Đạm), Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Nghi Xuân đã diễn ra với sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy và kết nạp 5 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Nghi Xuân là Hồ Văn Ninh, Ngô Hữu Yên, Phan Viết Chiểu, Trần Mạnh Táo, Nguyễn Thị Kim. Đồng thời chỉ định đồng chí Ngô Hữu Yên làm Bí thư. Cơ sở ấn loát tài liệu của Đảng được đặt tại nhà đồng chí Trần Bá Đôn, sau đó dời đến nhà bà Đinh Thị Tám (tức mẹ đồng chí Trần Mạnh Táo).

Trung tuần tháng 4/1930, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về tổ chức ngày lễ kỷ niệm Quốc tế Lao động (1/5), Đảng bộ Nghi Xuân đã khẩn trương họp bàn, phân công nhiệm vụ cụ thể từng người. Đồng chí Trần Mạnh Táo được giao nhiệm vụ đi sang Nghệ An để lấy tài liệu, mua giấy và thạch để in. Địa điểm in tại nhà đồng chí Trần Mạnh Táo.

Đồng chí Trần Mạnh Táo, Ngô Hữu Yên, Phan Viết Chiểu… tập trung in truyền đơn, may cờ Đảng suốt nhiều ngày không nghỉ. Truyền đơn được in hai mặt, một mặt chữ Nôm, một mặt chữ Quốc ngữ với nội dung: Đả đảo đế quốc Pháp; Đánh đổ tư bản, địa chủ cường hào; Chống sưu cao thuế nặng, chống bóc lột; Không được đánh đập công nhân, ngược đãi nông dân…

Tối 27/4/1930, tổ chức Đảng phân công các đảng viên làm nhiệm vụ rải truyền đơn và treo cờ Đảng. Ở Xuân Phổ, đồng chí Trần Mạnh Táo phụ trách rải truyền đơn, treo cờ đỏ khu vực xung quanh huyện lỵ, đồng chí Trần Bá Đôn từ Gia Lách về huyện, đồng chí Trần Cầu từ vùng Hội Thống trở lên…

Sáng 28/4/1930, tri huyện Nguyễn Viết Kháng, bang tá Đặng Dần đem quân lính vây bắt 3 đồng chí: Trần Mạnh Táo, Trần Bá Đôn, Trần Cầu. Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng đồng chí Trần Mạnh Táo vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản kiên trung. Cuối cùng, đồng chí Trần Mạnh Táo bị kết án 13 năm tù (Bản án số 112 ngày 4/8/1930) và đưa đi giam ở Đồng Hới (Quảng Bình).

Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm quyền, đồng chí Trần Mạnh Táo được trả tự do, quay về địa phương, bắt mối liên lạc với các đồng chí: Lê Tính, Hồ Biên, Đặt Ất để hoạt động cách mạng.

Ngày 23/2/1937, khi Gô Đa - phái viên của Mặt trận bình dân Pháp sang điều tra tình hình ở Đông Dương về Vinh (Nghệ An), Huyện ủy Nghi Xuân đã phân công đồng chí Trần Mạnh Táo thay mặt đoàn đại điểu các tầng lớp nhân dân trong huyện cùng hơn 100 người kéo sang Vinh trực tiếp gặp Gô Đa và trao tận tay bản yêu sách của nhân dân huyện nhà. Nội dung yêu sách đòi cải cách xã hội và thả tù chính trị.

Ngày 23/2/1937, khi Gô Đa - phái viên của Mặt trận Bình dân Pháp sang điều tra tình hình ở Đông Dương về Vinh (Nghệ An), Huyện ủy Nghi Xuân đã phân công đồng chí Trần Mạnh Táo thay mặt đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân trong huyện cùng hơn 100 người kéo sang Vinh trực tiếp gặp Gô Đa và trao tận tay bản yêu sách của nhân dân huyện nhà.

Năm 1940, các chi bộ Đảng ở Xuân Phổ bị địch khủng bố dữ dội, nhiều cán bộ đảng viên bị bắt trong đó có các đồng chí: Trần Mạnh Táo, Trần Thị Kim, Trần Cầu (Bút), Trần Thị Chiên, Võ Văn Xương, Trần Bá Đôn, Trần Bá Dương... Đồng chí Trần Mạnh Táo bị kết án và bắt giam qua nhiều nhà tù như: khu an trí Trà Khê (Quảng Ngãi), an trí tại La Hy sau về Phú Bài (Huế), theo Bản án số 2660 ngày 8/9/1943. Trong lao tù, đồng chí vẫn tích cực tham gia đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống khủng bố đánh đập chống các hình thức bóc lột anh em tù.

Năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, chớp thời cơ, đồng chí Trần Mạnh Táo và nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt giam đã vượt ngục trở về địa phương hoạt động.

Ngày 17/8/1945, Hội đồng hương chính của xã Xuân Phổ được bầu ra gồm có đồng chí Trần Mạnh Táo - Chủ tịch, Phạm Sĩ Nại - Phó Chủ tịch và Trần Vinh Hiến - Thư ký.

Chiều 19/8/1945, thực hiện chủ trương của Mặt trận Việt Minh lâm thời huyện, đồng chí Trần Mạnh Táo và cán bộ Việt Minh trong xã Xuân Phổ đã kịp thời huy động lực lượng già, trẻ, gái trai với nòng cốt là lực lượng thanh niên giương cao cờ đỏ sao vàng từ các ngả đường kéo về huyện lỵ. Trước khí thế xung thiên của lực lượng cách mạng, bọn quan lại và binh lính trong huyện đầu hàng Việt Minh. Tối 19/8/1945, hào lý xã Xuân Phổ đã đem triện đồng, sổ sách, trước bạ giao lại cho Ban lãnh đạo khởi nghĩa của xã.

Sáng 20/8/1945, ủy ban cách mạng lâm thời huyện Nghi Xuân tuyên bố thành lập. Chiều 20/8/1945, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Mạnh Táo, nhân dân toàn xã Xuân Phổ tập trung tại sân tập ở Văn Lâm, mít tinh chào mừng cách mạng thắng lợi. Ủy ban cách mạng lâm thời xã Xuân Phổ gồm các đồng chí: Trần Mạnh Táo - Chủ tịch; Phạm Sĩ Nại - Phó Chủ tịch; Trần Vinh Hiến - Ủy viên Thư ký.

Tháng 12/1945, đồng chí Trần Mạnh Táo trúng cử vào Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng, làm Chủ nhiệm Việt Minh huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Phổ.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, tuy gặp nhiều khó khăn gian khổ nhưng đồng chí Trần Mạnh Táo vẫn luôn giữ vững phẩm chất, ý chí của người đảng viên, luôn hoàn thành nhiệm vụ khi công tác, gương mẫu trong mọi sinh hoạt. Khi về hưu, đồng chí vẫn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Hình ảnh và tên tuổi đồng chí Trần Mạnh Táo sẽ mãi là niềm tự hào của gia đình và quê hương Xuân Phổ.

Phạm Thị Kim Lân - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh